Dốt nát hay kiêu ngạo, hay…
Ngày 22-8, tại thành phố Kan-sát, trong bài diễn văn đọc trước Đại hội các cựu chiến binh Mỹ từng tham gia các cuộc chiến tranh ở nước ngoài, Tổng thống Mỹ Gióc-giơ Bu-sơ đã lên tiếng mạnh mẽ chống lại quan điểm của một bộ phận lớn dân Mỹ đòi rút quân đội khỏi I-rắc. Để có cơ sở bảo vệ cho việc tăng quân, tiếp tục cuộc chiến can thiệp ở I-rắc, ông Bu-sơ đã tự khái quát, rút ra những ba bài học từ cuộc chiến tranh Việt Nam và các cuộc chiến tranh khác mà Mỹ đã tham dự, rồi đem so sánh với tình hình của cuộc chiến I-rắc. Bốn ngày sau, trong bài phát biểu thường lệ trên hệ thống truyền thanh, ông Bu-sơ lại một lần nữa lặp lại các lập luận trên, nhắc lại rằng cuộc chiến ở I-rắc hiện nay cũng tương tự như cuộc chiến tranh ở Việt Nam hơn 30 năm về trước. Vì thế, người Mỹ nên ủng hộ ông trong việc duy trì quân đội ở I-rắc để tránh xảy ra một sai lầm nữa như việc đã sớm rút quân khỏi Việt Nam trước kia.
Ngay lập tức, luận điệu tuyên truyền của ông Bu-sơ đã bị dư luận nước Mỹ và thế giới phản bác. Cựu nghị sỹ Mỹ Mắc Klê-len - một cựu binh đã bị thương mất 2 chân trong chiến tranh Việt Nam đã nhắc ông Bu-sơ rằng: “Một trong những bài học có thể học được từ cuộc chiến tranh Việt Nam là chỉ bằng cam kết sử dụng sức mạnh quân sự không thôi, sẽ không thể giải quyết được tình trạng suy kém về chính trị ở một nước khác”. Nhà báo Anh nổi tiếng Ru-bớt Cơn-oen, hôm 24-8 trên tờ Độc lập (The Independent) đã có bài báo dài, phân tích, phản bác các lập luận sai lầm của ông Bu-sơ. Cuối bài báo, Ru-bớt Cơn-oen đã mượn lời của một nhân vật trong tiểu thuyết “Người Mỹ trầm lặng” của Gra-ham Gơ-rin để nhận xét ông Bu-sơ là một con người với “sự pha trộn đáng sợ của chủ nghĩa lý tưởng, sự dốt nát và lòng kiêu ngạo theo đúng nghĩa”. Hãy xem các lập luận của ông Bu-sơ hay ho, đúng đắn như thế nào mà bị nhiều người chê bai, phản bác như vậy!
Nói chung, “lý luận” của ông Bu-sơ thể hiện ở ba điểm:
1. Ông Bu-sơ lập luận rằng, việc quân đội Mỹ sớm rút khỏi Việt Nam và Đông Dương đã để lại những hậu quả tai hại cho vùng đất này với những đau khổ và tàn sát, dẫn đến những thảm cảnh thuyền nhân, những cuộc khủng bố đối với người dân. Tương tự như thế, nếu bây giờ quân đội Mỹ rút khỏi I-rắc sẽ đem lại nỗi khiếp sợ kinh hoàng, không sao tả xiết cho những người dân thường vô tội. Có nghĩa là sẽ ngay lập tức xảy ra tàn sát, trả thù, giết chóc. Và vì thế, tất nhiên rồi, quân Mỹ sẽ còn có “nghĩa vụ cao cả” ở lại I-rắc để thực hiện sứ mệnh nhân đạo, bảo vệ dân thường vô tội.
2. Ông Bu-sơ cho rằng, việc tiếp tục duy trì quân đội Mỹ ở nước ngoài sau các cuộc chiến tranh đã dẫn tới những điều kỳ diệu là sự ra đời của các quốc gia dân chủ và phồn vinh như Đức, Nhật, Hàn Quốc. Tương tự như thế, mọi người hãy tin vào phép màu là cứ để quân đội Mỹ chiếm đóng lâu dài thì I-rắc sẽ trở thành dân chủ, giàu mạnh và đồng minh thân cận của nước Mỹ.
3. Theo ý của ông Bu-sơ, nếu rút quân khỏi I-rắc thì uy tín của nước Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hiểm họa khủng bố sẽ lại gõ cửa nước Mỹ một các ghê gớm hơn. Và ngược lại, để bảo vệ uy tín của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, bảo vệ người Mỹ, chống lại các âm mưu khủng bố như kiểu vụ 11-9 thì cách đúng nhất, tốt nhất là tiếp tục duy trì và tăng cường quân đội ở I-rắc.
Xin không bàn đến hai lập luận sau của ông Bu-sơ. Đã quá rõ ràng, đó là giọng điệu ngạo mạn, xúc phạm ghê gớm đến nhân dân các nước Đức, Nhật, Hàn Quốc và tiếp tục hù dọa nhân dân Mỹ để bao biện cho sai lầm chết người trong chính sách của chính quyền ông Bu-sơ về I-rắc. Riêng đối với lập luận thứ nhất, đó là một sự xuyên tạc lịch sử một cách trâng tráo, sự trối bỏ trách nhiệm vô lương tâm, cần phải vạch mặt, chỉ tên, không thể tha thứ!
Người Việt Nam có câu: “miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời”. Đúng là hội chứng Việt Nam vẫn còn đau đáu, day dứt không nguôi trong lòng ông Bu-sơ và không ít người Mỹ. Bởi cuộc chiến tranh Việt Nam đã mang lại cho nước Mỹ một thất bại cay đắng. Và cùng với thất bại đó là những mất mát đau đớn hằn dấu vào cuộc sống mỗi gia đình. Những mất mát về vật chất và về tinh thần đó không dễ nguôi ngoai với thời gian, sẽ còn để lại những vết thương nhức nhối lâu dài, nhất là vào những thời điểm nhạy cảm, khi nền chính trị Mỹ lâm vào khủng hoảng hay phải đứng trước những lựa chọn khó khăn như sự lựa chọn trước cuộc chiến ở I-rắc hiện nay. Trong hoàn cảnh chung ấy, chính ông Bu-sơ cũng bị ám ảnh nặng bởi sự thất bại cay đắng trong chiến tranh Việt Nam. Tuy vậy, nếu tỉnh táo ra, ông ta đã chẳng nói ra điều ấy làm gì cho thêm đau khổ. Làm thế khác gì tự mình trà sát lại vết thương chưa lành. Năm ngoái, ông đã kịch liệt phê phán những người đem hoàn cảnh bế tắc của cuộc chiến ở I-rắc so sánh với cuộc chiến tranh Việt Nam trước kia. Giờ đây, không biết do đãng trí hay quá bức xúc mà ông đã làm cái việc “hết khôn dồn ra dại” là buột miệng nói ra những điều ấm ức trong bụng. Chỉ có điều, ông Bu-sơ nói sai hết, bịa đặt những điều chủ quan, phi lô-gíc, trái ngược với thực tế lịch sử.
Trước hết, ông Bu-sơ đã xuyên tạc lịch sử khi nói theo kiểu như người Mỹ chủ động rút quân sớm khỏi Việt Nam, như chính quyền Mỹ lúc đó còn có những lựa chọn khác ngoài việc cuốn cờ, thu quân về nước. Ai cũng biết rằng, quân Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam là do thất bại, do tình thế bắt buộc, không còn có lựa chọn nào khác. Hơn một nửa triệu quân Mỹ cùng hàng vạn quân của các chế độ chư hầu được triển khai tham chiến, hơn 500 tỉ USD được rót vào cuộc chiến Việt Nam. Lần lượt các tướng lĩnh có máu mặt nhất, các vũ khí tối tân, hiện đại nhất (trừ bom nguyên tử mà thôi) của quân đội Mỹ được đưa tới Nam Việt Nam hòng cứu vãn tình thế. Nhưng quân Mỹ vẫn bị đánh cho tan tác. Ngón bài đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân Mỹ suốt từ năm 1964, kết thúc bằng 12 ngày đêm cuối năm 1972 cũng không cứu vãn được tình thế của quân đội Mỹ. Chỉ riêng chiến dịch không kích từ 18 đến 29-12-1972, 81 máy bay Mỹ đã bị bắn hạ, trong đó có 34 chiếc B-52, 5 chiếc F-111.
Cuộc chiến tranh Việt Nam đã làm cho nội bộ nước Mỹ chia rẽ năm bè, bảy mối, làm cho cả thế giới thức tỉnh, lên án. Phong trào chống quân dịch bùng nổ rầm rộ khắp nước Mỹ. Công dân Mỹ tự thiêu để phản đối chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam (trường hợp Mo-ri-sơn). Trong hoàn cảnh thế cùng, lực kiệt như thế, việc nói rằng Mỹ rút quân chẳng qua là cách nói lịch sự, cho đỡ bẽ mặt, chứ thật ra phải nói đích danh đó là bỏ chạy. Nếu không rút sớm thì không hiểu cuộc tháo chạy tán loạn của Mỹ - Ngụy trong những ngày cuối tháng Tư, năm 1975 sẽ còn tăng cấp độ tán loạn đến mức nào!
Thứ hai, ông Bu-sơ lập luận rằng, việc quân Mỹ rút khỏi Việt Nam và Căm-pu-chia đã dẫn tới những thảm họa nhân đạo, những vụ thảm sát hàng loạt, hàng ngàn người bị tù tội v.v.. Bất cứ ai có lương tâm, có một chút công bằng, chịu để mắt tới thực tế lịch sử đều có thể thấy lập luận này của ông Bu-sơ hoàn toàn sai lầm, nếu không nói là sự bịa đặt trơ trẽn, nhắm mắt nói càn. Ai cũng biết nếu người Mỹ không can thiệp vào Việt Nam thời kỳ 1954-1956 để thực hiện chiến lược “ngăn chặn làn sóng cộng sản” thì hai miền Nam-Bắc Việt Nam đã thực hiện hiệp thương thống nhất theo Hiệp định Giơ-ne-vơ. Chính quân đội Mỹ đã đem bom đạn, vũ khí hóa học cùng đội quân đánh thuê khét tiếng tàn ác vào miền Nam Việt Nam, giết người, đốt nhà, phá hoại cuộc sống bình yên của những người dân hiền lành, vô tội và để lại những hậu quả nặng nề đến nay chưa thể khắc phục. Cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra đã phá hoại hầu hết những kết cấu hạ tầng như cầu, đường, bến cảng, nhà máy, xí nghiệp, san phẳng nhiều thành phố, làng mạc ở miền Bắc. Sau chiến tranh, chính quyền Mỹ còn thực hiện chính sách thù địch dã man bao vây, cấm vận, tạo nên vô vàn khó khăn cho nhân dân Việt Nam trong việc khôi phục nền kinh tế. Nếu có một thảm họa sau chiến tranh ở Việt Nam thì đó mới thực sự là một thảm họa có thật. Ngoài điều đó ra, không thể tìm đâu ra những vụ khủng bố tàn sát ở Việt Nam như ông Bu-sơ tưởng tượng, thêu dệt và một số phương tiện truyền thông Mỹ, phương Tây trước đây vẫn tuyên truyền, hù dọa.
Đối với thảm họa diệt chủng ở Căm-pu-chia làm chết 1,7 triệu người, bằng 1/5 dân số nước này thì chính là Chính quyền Mỹ phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Bởi không ai hết mà chính CIA là kẻ chủ mưu lật đổ chế độ của Nô-rô-đôm Xi-ha-núc để đưa tên tướng tay sai Lon-non lên vị trí thống trị Căm-pu-chia. Sự kiện này là mở đầu, dẫn tới thảm họa diệt chủng do bè lũ Pôn-pốt gây ra sau này. Ru-bớt Cơn-oen đã nhận xét rất đúng: “Đối với vấn đề Pôn-pốt, các nhà sử học đều nhất trí rằng, nếu không có chiến tranh ở Việt Nam, những phá hoại do bom đạn của Mỹ và những âm mưu của CIA trên đất Căm-pu-chia, thì chắc chắn hầu như sẽ không có thảm kịch đó”. Nhận xét đó của nhà báo Anh Ru-bớt Cơn-oen chẳng phải bây giờ mới được nói đến mà thực ra đã được cả thế giới biết tới từ lâu như một thực tế lịch sử rõ ràng, không thể tranh cãi.
Việc phủi tay, phủ nhận trách nhiệm trong cuộc chiến tranh Việt Nam và Đông Dương làm cho người ta nhận xét ông Bu-sơ là “dốt nát và kiêu ngạo” quả là không oan. Nhưng như thế là chưa đủ, mà phải bổ sung cả cái cách hành xử thiếu đạo đức, thiếu tính nhân đạo, không trung thực của một kẻ dã tâm gây ra tai nạn cho người khác rồi nhắm mắt làm ngơ và còn trâng tráo ra điều bào chữa, nói hay cho mình. Với truyền thống nhân hậu, Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã gác lại quá khứ cùng những tội ác mà quân đội Mỹ đã gây ra cho đất nước mình để hướng tới tương lai hợp tác, phát triển. Trên thực tế, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã phát triển tốt đẹp và hứa hẹn tương lai sẽ còn tốt đẹp hơn. Vậy thì vì can cớ gì mà ông Bu-sơ cố tình xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, dựng lên những điều hoàn toàn không có cho nhân dân Việt Nam?
Phải chăng, những bài học đau đớn từ thất bại trong cuộc chiến ở Việt Nam chưa đủ làm cho người đứng đầu Chính phủ Mỹ hiểu ra cái giá phải trả cho việc sử dụng sức mạnh quân sự gây chiến tranh với các dân tộc khác vì những mục đích vụ lợi, những quyền lợi ích kỷ? Điều đó thể hiện ở việc ông Bu-sơ vẫn tiếp tục chính sách duy trì chiến tranh ở I-rắc. Tình hình đã khá rõ ràng là sức mạnh quân sự của Mỹ cùng với sự giúp sức ngày càng yếu ớt của các đồng minh, khó có thể mang lại một thắng lợi êm đẹp, khó có thể tạo dựng nên một nước I-rắc phồn vinh, dân chủ như ông Bu-sơ và những kẻ đồng mưu với ông mong muốn. Và có lẽ chính ông Bu-sơ cũng đã phần nào biết được kết cục của cuộc chiến ở I-rắc đang chờ đợi quân đội Mỹ là một “Việt Nam thứ hai”. Chỉ có điều, cái giá phải trả cho một “Việt Nam thứ hai” sẽ còn nặng nề hơn và sẽ lại có thêm một hội chứng thất bại nữa tiếp tục ám ảnh nước Mỹ dài lâu!
8 tháng thực hiện hơn 59 nghìn tỉ đồng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước  (07/09/2007)
Thị trường hàng không Việt Nam sẽ tăng hơn dự kiến  (07/09/2007)
Nguồn vốn FDI năm 2007 ước đạt khoảng 13 tỉ USD  (07/09/2007)
Xuất khẩu thuỷ sản tiếp tục tăng mạnh  (07/09/2007)
Tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam đạt 38%  (07/09/2007)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên