Sông Nhuệ - sông Đáy đang ở... “đáy” của sự sống?
TCCS - Sông Nhuệ - sông Đáy đã từng là những dòng sông đẹp, như dải lụa xanh bao quanh Hà Nội và các tỉnh lân cận. Đáng buồn, sự phát triển xem nhẹ bảo vệ môi trường đã hủy hoại nguồn nước, khiến lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy ngày nay trở thành một trong 3 con sông đang bị ô nhiễm nghiêm trọng nhất ở nước ta, ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp hoặc gián tiếp tới sức khỏe và cuộc sống của 8,9 triệu người dân thuộc 5 tỉnh, thành phố nơi dòng sông đi qua.
Nước thải, chất thải công nghiệp “bức tử” dòng sông
Theo Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, toàn lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy hiện phải tiếp nhận lượng nước thải khoảng 800.000 m3/1 ngày đêm, trong đó, nguồn nước thải riêng khu vực Hà Nội (chưa mở rộng) chiếm tới trên 50%.
Thống kê sơ bộ, phạm vi lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy có 700 nguồn nước thải công nghiệp, làng nghề, bệnh viện, sinh hoạt; trong đó nước thải công nghiệp chiếm phần lớn vào lượng nước thải khổng lồ trên, nhiều nguồn thải chứa các chất nguy hại và khó phân hủy, như: kim loại nặng, dầu mỡ, dung môi hữu cơ.... Riêng Hà Nội, tổng lượng nước thải công nghiệp từ 100.000 - 120.000 m3/1 ngày đêm, nhiều khu công nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Trong lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, có trên 500 làng nghề và hàng chục ngàn cơ sở sản xuất hộ cá thể. Nước thải của các làng nghề hầu hết đều không qua xử lý, đổ trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nước mặt, nước ngầm, môi trường đất và không khí.
Cùng với nước thải, chất thải rắn công nghiệp từ các cơ sở sản xuất tại 5 tỉnh, thành phố trong lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy cũng là thủ phạm gây ô nhiễm, ước tính trên 800 tấn/ngày. Điều nguy hại là chất thải rắn công nghiệp có thành phần phức tạp và đặc tính nguy hại cao, chủ yếu là ba-vi-a kim loại, thủy tinh, tro, xỉ than, bao bì nhựa chứa hóa chất, than hoạt tính, cặn dầu...
Nước thải, chất thải công nghiệp là một trong những thủ phạm chính “bức tử“ sông Nhuệ - sông Đáy. Hàm lượng các chất độc hại đo được trên sông có nơi vượt quy chuẩn hàng chục lần, trong khi hàm lượng ô-xy hòa tan trong nước lại rất thấp, không có chỗ cho sự sống của các loài thủy sinh vật. Nhiều đoạn sông đã trở thành “khoảng chết“.
Đoạn trung lưu sông Nhuệ dài 32 km, bị ô nhiễm nặng nhất do nước từ sông Tô Lịch (phần lớn chưa xử lý) của khu vực Hà Nội đổ vào, qua đập Thanh Liệt. Nước sông tại đây nổi váng, màu đen kịt, bốc mùi hôi hám. Tình trạng trên cũng tương tự tại Cầu Chiếc, do nước thải của khu Văn Điển, nơi có các nhà máy sản xuất phân lân, xà-phòng, sơn, pin...
Sông Đáy hiện nay cũng bị ô nhiễm cục bộ với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Các khu công nghiệp của Hà Nội, huyện Thanh Liêm (Hà Nam), khu công nghiệp Gián Khẩu, Ninh Phúc (Ninh Bình)... thải một lượng lớn nước và chất thải rắn, khiến dòng sông có nồng độ các chất ô nhiễm khá cao, nhiều nơi vượt 50 lần so với quy chuẩn B1 (nước dùng cho tưới tiêu thủy lợi). Mặc dù sông Đáy ô nhiễm ít hơn sông Nhuệ, do lượng nước cung cấp dồi dào, quá trình xáo trộn, chuyền tải được đẩy mạnh, song nếu không hạn chế các nguồn gây ô nhiễm, nhất là từ sản xuất công nghiệp ngay từ bây giờ, thì nguy cơ trở thành những dòng sông không còn sự sống sẽ là sự thực nhãn tiền.
Vành đai xanh sông Nhuệ
Ô nhiễm và dòng chảy bị thu hẹp của Nhuệ giang - dòng sông chính tiêu, thoát nước cho Thủ đô - là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến úng lụt thường xuyên vào mùa mưa tại Hà Nội. Hơn thế nữa, nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng của sông Nhuệ - sông Đáy, hằng ngày, hằng giờ còn ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới cuộc sống hàng triệu người dân thuộc 5 tỉnh, thành phố nơi 2 con sông chảy qua; nguồn nước tưới của 80 nghìn héc-ta cây trồng bị đe dọa, chưa kể việc phá vỡ cân bằng hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học... luôn rình rập.
Nhận rõ vai trò quan trọng của sông Nhuệ - sông Đáy, việc bảo vệ môi trường lưu vực 2 con sông trên đã được các cơ quan chức năng bước đầu vào cuộc. Mặc dù vậy, chất lượng môi trường trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy hiện nay chưa được cải thiện nhiều, tình trạng xả thải vẫn đang ở mức báo động.
Nguyên nhân chính là thiếu một cơ chế điều phối giữa các ngành, các địa phương trong công tác quản lý môi trường tổng thể của toàn lưu vực, để tiến tới xây dựng một quy hoạch chung nhằm xác lập các mục tiêu và đề xuất các biện pháp bảo vệ, cải thiện, phát triển bền vững tài nguyên môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy. ở phạm vi của mỗi địa phương, trong quá trình triển khai xây dựng quy hoạch đã bộc lộ sự thiếu gắn kết giữa các ngành liên quan: Tài nguyên và môi trường, công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, giao thông công chính, cấp và thoát nước... Đây là các ngành có có mối quan hệ mật thiết, chia sẻ thông tin, không gian khi xây dựng quy hoạch, để bảo đảm sự phát triển đồng bộ, có tầm chiến lược trong bảo vệ môi trường sông. Đó là nguyên nhân dẫn đến sự chắp vá, khập khiễng trong quy hoạch, gây tổn thất nhiều về kinh tế, gây nên hậu quả xấu đối với môi trường, cuộc sống và sinh hoạt của người dân...
Lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy nằm ở hữu ngạn sông Hồng, diện tích 7.665 km2, thuộc địa phận của 5 tỉnh, thành phố: Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình, có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực đồng bằng sông Hồng. Sông Nhuệ dài khoảng 76 km, chảy qua địa phận thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam, điểm bắt đầu là cống Liên Mạc, lấy nước từ sông Hồng trong địa phận huyện Từ Liêm (thành phố Hà Nội) và điểm kết thúc là cống Phủ Lý khi hợp lưu với sông Đáy gần thành phố Phủ Lý (tỉnh Hà Nam). Với phụ lưu là bốn con sông thoát nước chính của Hà Nội là sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu, Sông Nhuệ chứa hầu như toàn bộ nước thải của Hà Nội. Sông Đáy là một phân lưu của sông Hồng, chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, đổ ra biển tại cửa Đáy. Lượng nước để nuôi sông Đáy chủ yếu là do các sông nhánh, như sông Tích, sông Bôi, sông Đào Nam Định, sông Nhuệ.
Khắc phục tình trạng đó, "Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 57/2008/QĐ-TTg, ngày 29-4-2008. Theo đó, ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đã được thành lập, tổ chức chỉ đạo, điều phối liên ngành, liên vùng nhằm thực hiện thống nhất và có hiệu quả các nội dung bảo vệ và cải thiện môi trường sông Nhuệ - sông Đáy.
Theo đề án, giai đoạn 2011 - 2015, sẽ xử lý xong tất cả các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã có và mới phát sinh trên lưu vực 2 con sông; giai đoạn 2016 - 2020, hoàn thành cơ bản việc xây dựng hệ thống cấp nước, hệ thống tiêu thoát nước mưa, nước thải riêng biệt; 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn; thu gom toàn bộ chất thải công nghiệp, hình thành và phát triển ngành công nghiệp tái chế chất thải để tái sử dụng. Dự kiến 3.335 tỉ đồng sẽ được đầu tư để thực hiện dự án.
Những nỗ lực hiện nay dù đáng khích lệ, nhưng thực chất chúng ta chỉ đang khắc phục chính những sai lầm trong quá khứ, giải quyết hậu quả của tình trạng nhiều địa phương, doanh nghiệp chạy theo lợi ích kinh tế thuần túy. Sự xuống cấp nghiêm trọng về môi trường của Sông Nhuệ - sông Đáy chính là một bài học vô cùng đắt giá, mà những hậu quả của nó sẽ còn là di chứng qua nhiều thế hệ.
Mới đây nhất, trong tổng thể Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, có dự kiến xây dựng vành đai xanh dọc theo sông Nhuệ, nhằm kết nối các không gian mở và hệ thống công viên đô thị tạo vùng đệm và không gian cách biệt giữa đô thị lõi lịch sử với phần mở rộng mới, tránh việc phát triển theo vết dầu loang. Theo đó, ưu tiên xây dựng hệ thống công viên cây xanh và đặc biệt không bố trí các dự án xây dựng vào quỹ đất nông nghiệp, đất cây xanh hành lang an toàn dọc sông Nhuệ. Nếu được thực hiện, trong tương lai, hy vọng, chúng ta sẽ được thấy lại một phần hình bóng của dòng Nhuệ giang xanh trong thuở nào.
Để có giai đoạn phát triển bền vững của doanh nghiệp
Các tỉnh, thành phố trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy là nơi tập trung sản xuất công nghiệp, với tỷ trọng ngành công nghiệp trong cơ cấu ngành kinh tế tương đối cao: Hà Nội, Hà Nam và Ninh Bình (trên 40%). Theo dự báo, đến năm 2020, Hà Nam vượt lên đứng vào nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ trọng các ngành công nghiệp trong cơ cấu kinh tế (hơn 60%). Do đó, bảo vệ tài nguyên nước 2 con sông trên, trong tổng thể nhiệm vụ bảo vệ nguồn nước của sông Hồng - Thái Bình, đặt ra như một yêu cầu bức thiết gắn liền với quá trình phát triển của các doanh nghiệp trong khu vực.
Nhóm sông có tỷ lệ dùng nước cho công nghiệp cao nhất cả nước là lưu vực sông Hồng - Thái Bình (trong đó có sông Nhuệ - sông Đáy), chiếm gần # tổng lượng nước sử dụng cho ngành công nghiệp của cả nước. Đến năm 2015, sử dụng nước công nghiệp sẽ tăng hơn gấp đôi mức năm 2006 và mức độ tăng sẽ chủ yếu diễn ra ở các lưu vực sông vốn đã là những cơ sở công nghiệp lớn - đó là các lưu vực sông Hồng - Thái Bình, Đồng Nai, nhóm sông Đông Nam Bộ, Cửu Long, Thu Bồn và Vu Gia.
Nước thải công nghiệp chứa nhiều chất gây ô nhiễm, khi thải ra môi trường sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng nguồn nước. Các tiểu ngành gây ô nhiễm nước nhiều nhất là: giấy, hóa chất, dệt nhuộm, sơn mạ... Mặc dù trên toàn quốc có 154 khu công nghiệp và khu chế xuất quy mô lớn nhưng chỉ có 43 nhà máy có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Những nhà máy này chỉ thỏa mãn được một phần yêu cầu xử lý, bởi vì hầu hết các khu công nghiệp và chế xuất hiện chỉ hoạt động khoảng 70% công suất. Trong những năm tới, khi 100% công suất được sử dụng thì chỉ khoảng 31% nước thải được xử lý, phần còn lại thải không qua xử lý trực tiếp đổ ra nguồn tiếp nhận.
Mối nguy đã hiển hiện, song công tác kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ chất lượng nước vẫn chưa phát huy được hiệu quả. Hàng loạt những vụ nổi cộm về môi trường sông gần đây, như vụ Công ty Vedan gây ô nhiễm tới 89% dòng chính của sông Thị Vải, hiện tượng cá chết hàng loạt tại sông Nhuệ - sông Đáy... là những hồi chuông cảnh tỉnh gióng lên về hậu quả của việc các doanh nghiệp coi nhẹ sức khỏe của cộng đồng, tính nghiêm minh của luật pháp.
Thực trạng đó đòi hỏi sự quyết liệt hơn nữa của các cơ quan chức năng trong việc tăng nặng chế tài xử phạt, kiên quyết đóng cửa những doanh nghiệp vi phạm Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường. Trong bối cảnh phát triển bền vững là xu thế chủ đạo mà cộng đồng các doanh nghiệp trên thế giới đang hướng tới hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam dù đi sau, cũng cần thay đổi ý thức, hành vi, để bắt kịp dòng chảy phát triển trên, theo đó, gắn chặt hiệu quả kinh tế với bảo vệ môi trường. Cách thức làm ăn theo kiểu chụp giật, phá hủy tài nguyên và môi trường sẽ dần bị thải loại./.
Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước vượt khó, tạo thế chủ động trong chiến lược phát triển thị trường  (07/09/2010)
Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến  (07/09/2010)
Giải pháp thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ tại Việt Nam  (07/09/2010)
Giải pháp thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ tại Việt Nam  (07/09/2010)
Khai mạc Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên - Huế  (07/09/2010)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên