TCCSĐT - Hội nghị Đầu tư vào đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 5 - năm 2017 (MekongInvest 2017), do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) phối hợp với 13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long tổ chức, đã diễn ra tại thành phố Cần Thơ ngày 25-10-2017 với chủ đề “Thu hút đầu tư hạ tầng - nền tảng phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long”.

Hội nghị thu hút sự tham gia của hơn 200 đại biểu đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Hồ Chí Minh, các cơ quan ngoại giao quốc tế, hơn 30 doanh nghiệp nước ngoài, các tổ chức xúc tiến thương mại - đầu tư, các chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp trong nước. MekongInvest 2017 với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước về tài chính, bất động sản, du lịch,…tập trung giới thiệu, phân tích thị trường, đánh giá về kết cấu hạ tầng, khả năng đáp ứng cho phát triển du lịch của đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh hội nhập quốc tế và tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Theo TS. Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, từ năm 2015 đến nay, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày càng được cải thiện với mức tăng trưởng hằng năm từ 8,7% - 9%. Nhờ đó đã góp phần làm thay đổi diện mạo của thành phố Cần Thơ và một số đô thị trong vùng, tạo sức hấp dẫn mới trong thu hút đầu tư, kinh doanh và du lịch. Năm 2016, tổng mức bán lẻ hàng hóa của vùng đạt hơn 675 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 19% tổng mức bán lẻ cả nước; lượng khách du lịch đạt 28,15 triệu lượt, trong đó có 2,47 triệu lượt khách quốc tế, tăng 18,4%; tổng doanh thu du lịch cả năm đạt 11.035 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với năm 2015. Riêng 06 tháng đầu năm 2017, toàn vùng đón gần 21 triệu lượt khách du lịch, tăng 17% và doanh thu đạt 6.504 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, vùng đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều dư địa cho phát triển du lịch.

Hiện tại, nông nghiệp vẫn là trục chính trong nền kinh tế của vùng (chiếm hơn 30% GRDP) nhưng cũng đang có dấu hiệu của sự chuyển dịch từ ngành kinh tế truyền thống là lúa gạo sang các ngành thủy sản, cây ăn trái, rau quả,… Biến đổi khí hậu được xác định là một thách thức rất lớn sẽ làm thay đổi nền tảng sản xuất trước đây của đồng bằng sông Cửu Long, tác động mạnh mẽ đến việc chuyển đổi cấu trúc kinh tế của vùng. Trong bối cảnh đó, chủ đề “Thu hút đầu tư hạ tầng - nền tảng phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long” được nêu ra tại MekongInvest 2017 nhằm nhấn mạnh vai trò có tính quyết định của việc thu hút đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, logistics, công nghiệp, đô thị và đặc biệt là du lịch đối với sự phát triển của vùng tương lai.

Theo nhận định của nhiều đại biểu tại Hội nghị, sự phát triển của du lịch đồng bằng sông Cửu Long sẽ là gạch nối để kết nối những thế mạnh của vùng như: điều kiện tự nhiên, văn minh sông nước, văn minh miệt vườn, biển đảo, các hệ sinh thái ven biển, vùng ngập nước đặc trưng, những nét đặc trưng về văn hóa của các dân tộc trong vùng,… Những năm gần đây, ngành du lịch ở đồng bằng sông Cửu Long tuy có bước phát triển và được đánh giá còn nhiều tiềm năng phát triển nhưng trên thực tế chưa được mang ra so sánh và đặt ngang tầm với các ngành khác như nông nghiệp, công nghiệp.

Hội nghị đã chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập về kết cấu hạ tầng trong phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long. Về giao thông: tuyến đường nối Cà Mau với Rạch Giá - Hà Tiên (Kiên Giang) không tốt; chưa có đường cao tốc nối thành phố Cần Thơ với thành phố Phnom Pênh (Campuchia); thiếu cảng sông cho du thuyền, các cảng biển không có nơi đón du thuyền; sân bay Cần Thơ chưa kết nối được với sân bay các nước trong khu vực ASEAN. Về hạ tầng lưu trú: còn quá ít dịch vụ homestay gắn với văn hóa Khmer và các làng nghề; thiếu vắng những trang trại nông nghiệp kết hợp làm du lịch để khai thác thế mạnh nông nghiệp, nông thôn của vùng;… Về hạ tầng ẩm thực: thiếu các nhà hàng với các món ăn dành riêng cho người nước ngoài, thiếu các nhà hàng chuyên bán các món ăn địa phương có tính cao cấp, khác biệt. Về hạ tầng nguồn nhân lực: thiếu nhân viên có nghiệp vụ du lịch và ngoại ngữ; thiếu cán bộ có chuyên môn về phát triển sản phẩm du lịch địa phương - vùng;…

Trên cơ sở đó, các ý kiến, tham luận đã tập trung vào các nội dung: Nhu cầu và xu hướng đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ phát triển du lịch ở Cần Thơ và vùng đồng bằng sông Cửu Long; Phát triển dịch vụ giải trí nghỉ dưỡng tại đồng bằng sông Cửu Long; Phát triển thị trường bất động sản kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng ở các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long; Một số vấn đề cần quan tâm trong kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng du lịch;…

Tại Hội nghị, các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long đã giới thiệu, mời gọi đầu tư vào 33 dự án thuộc nhóm bất động sản và du lịch với tổng vốn dự kiến gần 7.800 tỷ đồng và 45 dự án khác liên quan đến các ngành nông nghiệp, công nghiệp, chế biến, chế tạo, hạ tầng logistics với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 150.000 tỷ đồng./.