Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ kỷ niệm 40 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc
Sáng 17-10, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm Việt Nam gia nhập Liên Hợp quốc (1977 - 2017). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và có bài phát biểu chào mừng.
Cùng dự buổi lễ có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành liên quan và đông đảo đại diện các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức của Liên hợp quốc và quốc tế tại Hà Nội.
Trong bài phát biểu chào mừng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, từ khi ra đời năm 1945, Liên hợp quốc - tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh, đã luôn đi đầu trong các hoạt động gìn giữ hòa bình, ngăn ngừa xung đột, thúc đẩy hợp tác phát triển, bảo đảm quyền con người... Các chương trình hành động lớn của Liên hợp quốc đã và đang tạo thành khuôn khổ và định hướng chủ yếu cho hợp tác quốc tế trên phạm vi toàn thế giới.
Nhắc lại sự kiện ngày 20-9-1977, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã chính thức kết nạp Việt Nam là thành viên thứ 149, Thủ tướng nêu rõ, thời khắc lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên tại trụ sở Liên hợp quốc, đánh dấu sự công nhận đối với Nhà nước Việt Nam độc lập, tự do, thống nhất, tiến bước vào công cuộc Đổi mới và hội nhập quốc tế.
Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng chân thành cảm ơn sự hỗ trợ quý báu mà Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đã dành cho Việt Nam trong suốt 4 thập niên qua.
Nhìn nhận Liên hợp quốc như một “nguồn sáng hy vọng”, là nơi tập hợp sự đoàn kết, mọi nỗ lực, sức sáng tạo của các quốc gia để chung tay vượt qua thách thức, phát triển bền vững, mang sự thịnh vượng, hạnh phúc đến mọi người, Thủ tướng cũng cho rằng chỉ có thể thực hiện thành công các mục tiêu cao cả về hợp tác, phát triển trong điều kiện hòa bình, ổn định, điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với châu Á - Thái Bình Dương, nơi đang có những điểm nóng đe dọa hòa bình, ổn định khu vực và toàn cầu.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ lời kêu gọi của Tổng Thư ký Liên hợp quốc: Năm 2017, là năm vì hòa bình. Chúng tôi mong muốn Liên hợp quốc phát huy hơn nữa vai trò duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, ngăn ngừa và thúc đẩy giải quyết các xung đột, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đối ngoại đa phương, tăng cường hợp tác hiệu quả với Liên hợp quốc luôn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Việt Nam cam kết tiếp tục đảm nhiệm tốt trách nhiệm là thành viên các cơ quan của Liên hợp quốc; mở rộng hoạt động gìn giữ hòa bình (PKO); nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự phát triển bền vững, Thỏa thuận COP 21 về ứng phó với biến đổi khí hậu và mong nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Cuối cùng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng mong muốn Liên hợp quốc, các đối tác phát triển và bạn bè quốc tế tiếp tục ủng hộ Việt Nam để thực hiện thắng lợi sự nghiệp Đổi mới, phát triển bền vững, thịnh vượng cho mọi người dân.
Nhân buổi lễ trọng đại này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã gửi thông điệp chúc mừng nhân dân và Chính phủ Việt Nam, cho rằng với nhiều nỗ lực trong công cuộc đổi mới, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế nhắc đến như một ví dụ thành công về phát triển, là nước đầu tiên thực hiện báo cáo kết quả trên toàn hệ thống và cũng là một trong số ít quốc gia có Ngôi nhà xanh chung Liên hợp quốc; hoan nghênh các cam kết của Việt Nam trong hợp tác Nam - Nam và bày tỏ mong muốn Việt Nam tham gia nhiều hơn vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Ngài Tổng Thư ký khẳng định, Liên hợp quốc cam kết tiếp tục hợp tác mạnh mẽ với Việt Nam nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, tôn trọng và thực thi các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế và bảo đảm an sinh xã hội để không một ai bị bỏ lại phía sau hay tái nghèo.
Trong phát biểu của mình, ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam cũng đánh giá cao quan hệ hợp tác Việt Nam - Liên hợp quốc trong 40 năm qua; hoan nghênh các nỗ lực của Việt Nam trong việc đạt được hầu hết các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) trước năm 2015 và tin tưởng với quyết tâm chính trị mạnh mẽ và với kinh nghiệm trong thực hiện MDGs, Việt Nam sẽ đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) với những kết quả lớn hơn. Ông cũng nhấn mạnh từ một nước nhận viện trợ ODA đơn thuần, Việt Nam đã trở thành đối tác phát triển, có nhiều đóng góp tích cực cho việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, hỗ trợ ngăn ngừa và giải quyết hòa bình các tranh chấp, xung đột quốc tế trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc. Ông Kamal Malhotra khẳng định các tổ chức của Liên hợp quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực giải quyết các thách thức thông qua cung cấp tư vấn chính sách cấp cao, chia sẻ kinh nghiệm và bài học quốc tế, cung cấp chuyên môn cho Việt Nam nhằm đóng góp thực hiện các giải pháp sáng tạo và khả khi hướng đến hoàn thành Chương trình nghị sự 2030.
Trong khuôn khổ buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và ông Kamal Malhotra đã cắt băng khai trương Triển lãm ảnh về 40 năm quan hệ Việt Nam - Liên hợp quốc./.
Cơ bản hoàn thành chi trả bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường 4 tỉnh miền Trung  (17/10/2017)
Phiên họp toàn thể Ủy ban Kinh tế của Quốc hội  (17/10/2017)
Việt Nam sẽ đóng góp tích cực vào công việc chung của Liên hợp quốc  (17/10/2017)
“Khai tử” đạo luật cải cách y tế Obamacare  (17/10/2017)
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 09 đến ngày 15-10-2017)  (17/10/2017)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên