TCCSĐT - Ngày 23-8-2017, ngày làm việc thứ sáu của Tuần lễ An ninh lương thực APEC 2017 tại thành phố Cần Thơ đã diễn ra Cuộc họp hỗn hợp chung giữa 04 Nhóm công tác APEC là: Nhóm Công tác kỹ thuật nông nghiệp (ATCWG), Nhóm Diễn đàn đối thoại về phát triển công nghệ sinh học nông nghiệp APEC (HLPDAB), Nhóm Diễn đàn đối tác chính sách an ninh lương thực (PPFS) và Nhóm Công tác Đại dương và nghề cá (OFWG).

Chủ trì phiên khai mạc cuộc họp chung của 4 nhóm công tác, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: Cuộc họp chung giữa 4 nhóm công tác APEC có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo ra diễn đàn hợp tác và chia sẻ những thông tin hữu ích, những tiến bộ trong hoạt động, các sáng kiến của các nền kinh tế thành viên trong việc bảo đảm an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng cho cả khu vực APEC. Cuộc họp xoay quanh nội dung chủ yếu là bàn cơ chế nhằm tạo ra và tăng cường sự hợp tác liên ngành có hiệu quả giữa các nhóm công tác, giữa các nền kinh tế thành viên, qua đó mở ra những phương thức hợp tác mới nhằm cải thiện vấn đề an ninh lương thực và ứng phó hữu hiệu với biến đổi khí hậu trong khu vực. Cuộc họp cũng dành nhiều thời gian để các đại biểu góp ý cho Dự thảo Tuyên bố Cần Thơ về tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trước đó, từ ngày 18 đến 22-8-2017, song song với các hội thảo kỹ thuật, tại thành phố Cần Thơ đã liên tục diễn ra các cuộc họp thường niên của các Nhóm công tác ATCWG, HLPDAB, PPFS và OFWG.

Trong các phiên họp, Nhóm công tác PPFS tập trung thảo luận và thông qua Kế hoạch hành động nhiều năm về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu, Kế hoạch hành động về Phát triển nông thôn - đô thị để tăng cường an ninh lương thực và tăng trưởng chất lượng. Các kế hoạch hành động được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các nỗ lực liên kết khu vực để giải quyết các thách thức liên quan đến an ninh lương thực, phát triển, thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận những vấn đề nảy sinh và các giải pháp cho phát triển nông nghiệp và thủy sản bền vững, thúc đẩy đầu tư và phát triển kết cấu hạ tầng cho an ninh lương thực, tăng cường thương mại và thị trường. Các đại biểu cũng tích cực thảo luận về Dự thảo Tuyên bố Cần Thơ.

Tại cuộc họp của Nhóm OFWG, Việt Nam đã đề nghị các đại biểu thảo luận tập trung về các vấn đề: mối quan hệ giữa an ninh lương thực và biến đổi khí hậu, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên bền vững và nâng cao sản xuất thực phẩm, dinh dưỡng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong các phiên họp, các đại biểu đã báo cáo kết quả thực hiện các chính sách, các dự án hỗ trợ nghề cá có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa nhằm bảo đảm an ninh lương thực, giảm nghèo và ứng phó biến đổi khí hậu; các vấn đề bảo vệ môi trường như xả thải ra biển, bảo vệ, bảo tồn và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Cuộc họp đã dành nhiều thời gian trao đổi, thảo luận và thống nhất cao ủng hộ việc ra Tuyên bố Cần Thơ và góp ý một số nội dung cần bổ sung vào dự thảo Tuyên bố. Nhóm cũng thảo luận vấn đề chống khai thác hải sản bất hợp pháp, khai thác không báo cáo và không theo quy định, nhấn mạnh mục tiêu phục vụ an ninh lương thực, bảo đảm sinh kế cho người dân, bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản.

Cuộc họp của Nhóm công tác ATCWG xoay quanh các vấn đề: tăng cường các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, ứng phó với các thách thức an ninh lương thực, thúc đẩy phát triển nhiên liệu sinh học bền vững, ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu, tăng cường năng lực thích ứng và áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào toàn bộ chuỗi sản xuất nông nghiệp… Nhiều đại biểu cùng thống nhất nhận định: Trong thời gian tới, hợp tác và tập hợp các nguồn lực của các nền kinh tế có vai trò nòng cốt trong việc bảo đảm an ninh lương thực và phát triển kinh tế trong khu vực APEC.

Cuộc họp của Nhóm công tác HLPDAB tập trung trao đổi về các nội dung: thúc đẩy áp dụng và chia sẻ kinh nghiệm áp dụng mô hình hợp tác công - tư nhằm thu hút đầu tư vốn và khoa học công nghệ vào phát triển nghiên cứu công nghệ sinh học trong sản xuất nông thủy sản; tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về công nghệ sinh học nông nghiệp thông qua hợp tác trong khu vực APEC; vai trò của công nghệ sinh học nông nghiệp trong ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững; ứng dụng công nghệ mới trong đánh giá an toàn sinh học.

* Trong khuôn khổ Tuần lễ An ninh lương thực APEC 2017 tại thành phố Cần Thơ cũng đã diễn ra Triển lãm với chủ đề “Nông nghiệp và Công nghệ sản xuất nông nghiệp tiên tiến”. Triển lãm nhận được sự hưởng ứng và tham dự nhiệt tình của nhiều nền kinh tế thành viên APEC với nhiều gian hàng trưng bày các sản phẩm đặc trưng của mỗi nền kinh tế.

Việt Nam tham gia triển lãm với 8 gian hàng lớn, thể hiện thế mạnh của ngành nông nghiệp Việt Nam như: các sản phẩm lúa gạo, sữa, canh tác nông nghiệp sinh thái giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật,… Trong đó có nhiều mô hình bảo đảm thích ứng với điều kiện biển đổi khí hậu, xâm nhập mặn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long như: các mô hình lúa - tôm, lúa - cá, canh tác tôm, cá xuất khẩu hiệu quả cao, đặc biệt là những mô hình nuôi tôm, cá, trồng lúa chịu mặn của Trường Đại học Cần Thơ. Trong thời gian diễn ra triển lãm, nhiều đại biểu đại diện các nền kinh tế thành APEC đã đến tham quan, tìm hiểu, chia sẻ kinh nghiệm và thành tựu ứng dụng khoa học - công nghệ, hướng tới hình thành một nền nông nghiệp với công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, góp phần vào sự phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu của khu vực./.