Tân Tổng thống Mỹ: Cam kết nỗ lực xây dựng lại nước Mỹ
TCCSĐT - Ngày 20-01 (theo giờ Mỹ), tại trụ sở Quốc hội Mỹ ở thủ đô Washington, ông Donald Trump đã đọc lời tuyên thệ: “Tôi long trọng cam kết sẽ trung thành thực hiện chức vụ Tổng thống Mỹ và làm hết khả năng để giữ gìn, duy trì và bảo vệ Hiến pháp Mỹ”. Theo đó, ông Donald Trump chính thức trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.
Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump tại buổi lễ tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: cnn.com
Cam kết nỗ lực xây dựng lại nước Mỹ
Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã có bài phát biểu đầu tiên trên cương vị ông chủ Nhà Trắng, trong đó đề cao nhân dân Mỹ, nhấn mạnh đến những nỗ lực nhằm xây dựng và phục hồi lại sự lớn mạnh của nước Mỹ. Vị Tổng thống thứ 45 khẳng định mục tiêu nước Mỹ sẽ trở nên vĩ đại, thịnh vượng, đáng tự hào và an toàn hơn.
Mở đầu bài phát biểu, tân Tổng thống D. Trump đã nói lời cảm ơn “nhân dân Mỹ”. Ông nói: “Nhân dân Mỹ, chúng ta sẽ cùng tham gia vào một nỗ lực vĩ đại của quốc gia để tái thiết đất nước và khôi phục cam kết của đất nước với toàn thể nhân dân. Chúng ta sẽ cùng nhau xác định con đường của Mỹ và toàn thể thế giới trong rất nhiều năm tới... Hôm nay, chúng ta không chỉ đơn thuần chuyển giao quyền lực từ đảng này sang đảng khác... mà chúng ta đang chuyển quyền lực từ Washington DC và trao trả cho các bạn - người dân. Giới cầm quyền đã bảo vệ chính họ chứ không phải người dân đất nước này. Chiến thắng của họ không phải chiến thắng của các bạn. Khi họ ăn mừng tại thủ đô đất nước chúng ta, thì các gia đình khốn khó lại không thể làm việc đó. Điều đó sẽ thay đổi, bắt đầu ngay tại đây, ngay bây giờ. Vì khoảnh khắc này là khoảnh khắc của các bạn. Ngày 20-01-2017 sẽ được nhớ đến là ngày nhân dân một lần nữa lên làm chủ. Những người đàn ông và phụ nữ bị lãng quên tại đất nước này sẽ không còn bị lãng quên nữa. Tất cả mọi người đều lắng nghe các bạn”. Ông D. Trump nêu rõ: “Chúng ta sẽ trao cho người dân việc làm thay vì phúc lợi xã hội. Chúng ta sẽ đi theo hai nguyên tắc đơn giản, mua của người Mỹ và tuyển dụng người Mỹ”. Tiếp tục chỉ trích giới cầm quyền, ông D. Trump tuyên bố: “Tôi sẽ không còn chấp nhận những chính trị gia chỉ biết nói và không hành động”. Ông nói rằng, “niềm tự hào quốc gia” sẽ giúp “hàn gắn sự chia rẽ” của người dân Mỹ.
Có cách tiếp cận với chính sách đối nội, đối ngoại khác biệt với những gì mà chính quyền tiền nhiệm đã làm, vị tân chủ nhân Nhà Trắng gần như có những cam kết ngược lại những chủ trương của cựu Tổng thống B. Obama. Nổi bật là vấn đề kinh tế, ông D. Trump chủ trương đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để tăng việc làm trong nước, xóa bỏ đạo luật tài chính Dodd-Frank, đàm phán lại các hiệp định thương mại,... để chấn hưng nền kinh tế. Phương hướng sử dụng đòn bẩy thuế của ông Trump cũng khác với người tiền nhiệm Obama khi ông hứa hẹn cắt giảm mạnh thuế không chỉ cho giới trung lưu mà còn cho giới giàu có và các doanh nghiệp, đồng thời đặt mục tiêu tạo ra 25 triệu việc làm trong vòng 10 năm và nâng mức tăng trưởng lên 4%/năm.
Xét tổng thể, kế hoạch kích thích tài chính của ông D. Trump được đánh giá có thể mang lại hiệu quả nhanh chóng đối với nền kinh tế đầu tàu thế giới trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, chính sách này có thể làm gia tăng làn sóng bảo hộ thương mại, gây khó khăn cho quá trình phục hồi của nền kinh tế Mỹ nói riêng và thế giới nói chung. Ngoài ra, việc giảm thuế ồ ạt có thể khiến sức ép lạm phát gia tăng, qua đó khiến Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ phải đẩy nhanh việc nâng lãi suất cơ bản. Ngoài ra, tình hình ngân sách của chính phủ liên bang cũng sẽ ngày càng xấu đi do bội chi ngân sách từ chính sách của ông D. Trump, khiến nợ chính phủ tăng vọt.
Trong lĩnh vực đối ngoại, trái ngược với một Tổng thống Obama luôn hướng tới mục tiêu đánh bóng hình ảnh và khôi phục lại vị thế của Mỹ trên trường quốc tế, ông D. Trump lại chủ trương rũ bỏ gánh nặng quốc tế, giảm sự can thiệp bên ngoài để tập trung chú trọng tăng cường nội lực, từ đó tạo ra một nước Mỹ mạnh mẽ hơn và sẵn sàng hành động để bảo vệ những lợi ích quốc gia cốt lõi. Chủ tịch tổ chức Eurasia Group Ian Bremmer nhận định, ông D. Trump coi sự hợp tác quốc tế hoàn toàn như các cuộc giao dịch, và “nếu không mang lại một lợi ích ngắn hạn và rõ ràng cho Mỹ... thì đấy không phải là điều Mỹ nên theo đuổi”.
Có thể thấy, những phát biểu gần đây của ông D. Trump đã phần nào hé lộ những định hướng nổi bật trong chính sách đối ngoại dưới thời chính quyền mới. Ông gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là “lỗi thời”, đồng thời kiên quyết yêu cầu các nước đồng minh cần làm tròn phần việc của mình và đóng góp tài chính một cách công bằng cho quốc phòng - an ninh. Ông cũng có cách tiếp cận gai góc hơn đối với các hiệp định thương mại tự do so với chính quyền Obama khi tuyên bố tái đàm phán các thỏa thuận này. Việc công khai ủng hộ Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và mong muốn nhanh chóng đạt thỏa thuận thương mại với London cũng cho thấy chương trình nghị sự của chính quyền mới sẽ không dành ưu tiên mạnh mẽ cho việc tăng cường quan hệ thương mại với EU với tư cách một khối thống nhất như chính quyền tiền nhiệm đã làm. Bên cạnh đó, ông cũng giữ nguyên lập trường sớm loại bỏ thỏa thuận hạt nhân mà chính quyền Obama đã đạt được với Iran, thậm chí sẵn sàng khai hỏa ở vùng Vịnh nếu Tehran thách thức sự hiện diện quân sự của Mỹ.
Một điểm nổi bật nữa trong chính sách đối ngoại của tân Tổng thống D. Trump là tìm kiếm mối quan hệ tốt hơn với Nga thay vì đối đầu. Ông D. Trump đã đưa ra đề xuất chấm dứt lệnh trừng phạt Nga nếu đạt được thỏa thuận về cắt giảm vũ khí hạt nhân với Tổng thống V. Putin, cũng như nếu Moscow giúp đỡ Washington trong cuộc chiến chống khủng bố và đạt được các mục tiêu quan trọng khác. Giới phân tích nhận định đề xuất trên cho thấy ưu tiên của ông D. Trump trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp nhằm cải thiện quan hệ với Nga, qua đó làm dấy lên hy vọng về bước tiến quan trọng trong vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân.
Trong khi đó, đối với Trung Quốc, chính sách ngoại giao của ông D. Trump cũng đi ngược với các đời tổng thống Mỹ trước đây vốn luôn theo hướng hạn chế tối đa khả năng xảy ra xung đột. Ông tuyên bố đóng cửa biên giới với các hàng hóa Trung Quốc hoặc áp thuế cao đối với các mặt hàng của nước này.
Những quan điểm này cho thấy rõ, tân Tổng thống Mỹ khẳng định theo đuổi chính sách “Nước Mỹ là trước tiên” (America first) cả ở trong và ngoài nước.
Đến lúc “hành động”
Ngay sau lễ nhậm chức, dẫu phải đối mặt với một loạt vấn đề khác nhau, tân Tổng thống D. Trump đã đưa ra một số quyết định thể hiện cam kết của mình.
Rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - một trong những quyết định đầu tiên của tân Tổng thống D. Trump. Quyết định này được khẳng định từ một tuyên bố từ Nhà Trắng nêu rõ: “Với các thỏa thuận công bằng và chắc chắn, thương mại quốc tế có thể được vận dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa hàng triệu việc làm trở lại Mỹ và làm hồi sinh các cộng đồng đang bị tổn thương của nước Mỹ. Chiến lược này bắt đầu bằng việc rút khỏi hiệp định TPP và bảo đảm rằng mọi thỏa thuận thương mại mới sẽ mang lại lợi ích cho người lao động Mỹ”.
Đây là quyết định sẽ khiến không ít đối tác của Mỹ thất vọng, song không hề gây ngạc nhiên vì trong chiến dịch vận động tranh cử vừa qua, ông D. Trump đã cam kết rút Mỹ khỏi thỏa thuận thương mại tự do thế hệ mới này trong ngày đầu tiên cầm quyền tại Nhà Trắng. Tân Tổng thống D. Trump, người chủ trương thúc đẩy chương trình nghị sự kinh tế “Nước Mỹ trên hết”, cũng ngỏ ý rằng, Chính phủ của ông sẽ tập trung vào các thỏa thuận song phương. Quyết định trên được đưa ra bất chấp việc Nhật Bản, một trong những đồng minh và đối tác lớn nhất của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, ngày 19-01 vừa phê chuẩn TPP, thỏa thuận mà nếu được triển khai sẽ chiếm tới 40% sản lượng kinh tế toàn cầu. Nếu TPP không trở thành hiện thực, Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và không phải là một thành viên TPP, có thể sẽ có vai trò lớn hơn trong việc tác động tới các quy định thương mại khu vực.
Cùng với việc thông báo nước Mỹ sẽ rút khỏi TPP, Chính quyền mới của Tổng thống D. Trump tuyên bố sẽ đàm phán lại Thỏa thuận thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Tuyên bố cho biết trong một thời gian quá dài, người Mỹ đã buộc phải chấp nhận các thỏa thuận thương mại đặt lợi ích của người trong cuộc và giới tinh hoa tại Washington lên trên người lao động Mỹ. Và kết quả là nhiều thị trấn và thành phố đã phải chứng kiến nhà máy của họ đóng cửa trong khi những việc làm có lương cao lại bị chuyển ra nước ngoài, nước Mỹ phải đối mặt với sự gia tăng về thâm hụt thương mại và các cơ sở chế tạo bị xuống cấp nghiêm trọng. Tuyên bố cũng cho biết các thỏa thuận thương mại cứng rắn và công bằng sẽ được áp dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và mang lại hàng triệu việc làm cho người Mỹ, đồng thời nhấn mạnh nếu những đối tác của NAFTA từ chối thỏa thuận công bằng trong hiệp định đàm phán lại, Tổng thống D. Trump sẽ để ngỏ khả năng Mỹ sẽ rút khỏi NAFTA.
Yêu cầu đóng băng các quy định mới và giảm bớt gánh nặng pháp lý liên quan đến Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (ACA) hay Obamacare. Người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer cho biết, đây là sắc lệnh đầu tiên mà tân Tổng thống D. Trump ký tại phòng Bầu dục nhằm đóng băng đối với tất cả những quy định mới liên quan đến đạo luật Obamacare. Sắc lệnh này yêu cầu các cơ quan liên quan tìm cách “giảm gánh nặng pháp lý” trong việc sửa đổi đạo luật Obamacare.
Loại bỏ đạo luật Obamacare là một trong những ưu tiên hàng đầu của không chỉ phe Cộng hòa mà còn là của ông D. Trump. Kể từ năm 2010, các nhà lập pháp thuộc đảng Cộng hòa đã thực hiện hơn 50 cuộc bỏ phiếu về chương trình chăm sóc sức khỏe này nhằm tìm cách xóa bỏ hoàn toàn hoặc sửa đổi một phần với lý do đạo luật Obamacare cho phép Chính phủ Mỹ can thiệp quá sâu vào thị trường bảo hiểm sức khỏe, lãng phí ngân sách và gây tổn hại cho tăng trưởng việc làm vì buộc nhiều doanh nghiệp phải mua bảo hiểm cho người lao động khi tuyển dụng.
Quyết định thay đổi chính sách năng lượng và và môi trường, đồng thời thông báo những kế hoạch xóa bỏ chính sách khí hậu và thúc đẩy sự phát triển năng lượng trong nước. Đây là quyết định của tân Tổng thống Mỹ nhằm loại bỏ chính sách không thiết thực và có hại như Kế hoạch hành động vì khí hậu, vốn là chủ trương của Tổng thống tiền nhiệm. Theo đó, tập trung dỡ bỏ rào cản đối với chính sách hạn chế phát triển năng lượng trong nước khi cho rằng điều này sẽ khiến nước Mỹ độc lập đối với nguồn dầu mỏ từ nước ngoài. Tuyên bố nêu rõ, chính quyền của tân Tổng thống D. Trump sẽ triển khai cuộc cách mạng dầu đá phiến và khí đốt để mang lại việc làm và sự thịnh vượng cho hàng triệu người dân Mỹ. Ông D. Trump cũng cam kết sẽ hợp tác với các quốc gia vùng Vịnh để phát triển mối quan hệ năng lượng tích cực như là một trong các chiến lược chống khủng bố của nước Mỹ. Bên cạnh đó, ông D. Trump cũng cam kết khôi phục ngành công nghiệp khai thác mỏ vốn đang rơi vào tình trạng trì trệ trong một thời gian dài. Nhà Trắng thừa nhận rằng, bảo vệ môi trường cũng là một ưu tiên và chính quyền cũng “tái chú trọng” vào Cơ quan bảo vệ môi trường với nhiệm vụ trọng tâm là bảo vệ không khí và nguồn nước.
“Tái xây dựng” quân đội Mỹ, phát triển một hệ thống phòng thủ tên lửa “tân tiến” và ưu tiên tiêu diệt Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Theo tuyên bố, tân Tổng thống D. Trump sẽ chấm dứt quy định giới hạn chi tiêu dành cho Lầu Năm góc vốn được ban hành dưới thời chính quyền tiền nhiệm B. Obama, và sẽ sớm công bố đề xuất ngân sách mới vạch ra tầm nhìn của ông đối với quân đội Mỹ. Theo tuyên bố, các lãnh đạo quân đội sẽ được trao cho những công cụ để lên kế hoạch cho nhu cầu quốc phòng tương lai nhằm bảo đảm “không để những quốc gia khác vượt qua năng lực quân sự của Mỹ”. Mỹ cũng sẽ phát triển một hệ thống phòng thủ tên lửa để tự vệ trước “các cuộc tấn công từ Iran, Triều Tiên và các nước khác”.
Cũng theo Nhà Trắng, Tổng thống D. Trump sẽ đảo ngược chương trình cắt giảm quân số của lực lượng Hải quân và Không quân Mỹ bởi ông hiểu rõ tầm quan trọng của việc thúc đẩy ưu thế quân sự vượt trội của Mỹ. Tuyên bố cho rằng, thế giới “sẽ hòa bình hơn và thịnh vượng hơn với một nước Mỹ mạnh mẽ và được tôn trọng hơn”.
Liên quan đến vấn đề chống khủng bố, tuyên bố Nhà Trắng khẳng định chính quyền mới sẽ coi đánh bại “các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan” là ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu. Theo đó, để “đánh bại và hủy diệt” IS và các nhóm tương tự, chính quyền mới “sẽ theo đuổi các chiến dịch quân sự chung và với liên minh một cách tích cực khi cần thiết”, cắt bỏ nguồn tài trợ cho khủng bố, mở rộng chia sẻ tình báo và dùng “chiến tranh mạng” để ngăn cản các nỗ lực tuyên truyền và tuyển mộ của các phần tử khủng bố.
Xây dựng “quan hệ tốt đẹp”
Trước sự kiện được cả cộng đồng quốc tế quan tâm theo dõi trong suốt hơn một năm qua, ngay sau khi ông D. Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ, nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới bày tỏ hy vọng về mối quan hệ tốt đẹp với chính quyền mới của Mỹ, nhưng cũng có ý kiến thận trọng về chính sách chính quyền này theo đuổi.
Các quốc gia khu vực châu Mỹ đưa ra phản ứng sớm nhất. Tại Canada, Thủ tướng Canada J. Trudeau đã ra tuyên bố chúc mừng ông D. Trump, đồng thời bày tỏ mong muốn hai bên sẽ tiếp tục duy trì quan hệ gần gũi vì an ninh và thịnh vượng chung. Từ Mexico, Tổng thống Enrique Peña Nieto khẳng định chủ quyền, lợi ích dân tộc và bảo vệ người dân sẽ là những ưu tiên của Mexico trong quan hệ với chính phủ mới của Mỹ. Trong khi đó, Tổng thống Bolivia Evo Morales bày tỏ hy vọng dưới thời Tổng thống D. Trump, hai nước sẽ bình thường hóa quan hệ và bổ nhiệm đại sứ tại mỗi nước, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền mỗi quốc gia.
Từ châu Âu, Thủ tướng Anh T. May bày tỏ tin tưởng rằng, tân Tổng thống Mỹ “sẽ nhận ra tầm quan trọng và ý nghĩa của NATO”, bất chấp việc ông D. Trump mới đây tuyên bố liên minh quân sự này đã lỗi thời. Tại Đức, Phó Thủ tướng nước này, ông S. Gabriel cho rằng, Berlin cần một chiến lược kinh tế mới, hướng về châu Á khi chính quyền mới của Mỹ có thể khởi động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Ông cũng kêu gọi người dân Đức cần chuẩn bị cho một giai đoạn khó khăn sắp tới. Bày tỏ thận trọng về chính quyền mới tại Mỹ khi có nhiều vấn đề để ngỏ trong chính sách an ninh, kinh tế toàn cầu như hiện nay, ông Wolfgang Ischinger, Chủ tịch Hội nghị an ninh Munich cho rằng: “Chúng ta chưa bao giờ có nhiều câu hỏi chưa có câu trả lời, nhiều rủi ro và nhiều tình huống nguy hiểm như thế trong hàng chục năm qua. Tôi hy vọng sau lễ nhậm chức, chúng ta sẽ biết được những tuyên bố rõ ràng về chính sách của Mỹ”. Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, ông M. Simsek cho biết: “Chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều cuộc đối thoại xây dựng với chính quyền mới của Mỹ trong nhiều vấn đề. Về tình hình Trung Đông cũng như các vấn đề khác. Chúng tôi mong muốn có một sự khởi đầu mới trong quan hệ giữa hai nước”.
Còn tại châu Á, Thủ tướng Nhật Bản S. Abe gửi thông điệp chúc mừng ông D. Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ, đồng thời cam kết sẽ củng cố liên minh Nhật - Mỹ mạnh mẽ hơn nữa. Thủ tướng S. Abe cho biết, ông mong chờ hai bên cùng nhau giải quyết những vấn đề mà thế giới đang phải đối mặt, cũng như bảo đảm hòa bình và thịnh vượng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
“Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” là điều mà người dân Mỹ chờ đợi ở ông chủ mới của Nhà Trắng và cũng là điều thế giới quan tâm dõi theo. Nước Mỹ sẽ có nhiều thay đổi dù đó là sự thay đổi tích cực hay theo chiều hướng tiêu cực đều ít nhiều có tác động tới nội bộ nước Mỹ, cũng như quan hệ quốc tế. Liệu Tổng thống D. Trump cùng các cộng sự của ông có đạt được những mục tiêu đặt ra, đáp ứng được kỳ vọng của người dân Mỹ hay không có lẽ cần có thời gian để trả lời tốt nhất./.
Chủ tịch nước thăm, chúc Tết lực lượng vũ trang Quân khu 9  (21/01/2017)
Chủ tịch nước kêu gọi kiều bào chung sức xây đất nước giàu mạnh  (20/01/2017)
Hoạt động của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Davos 47  (20/01/2017)
Điều chỉnh quy hoạch trụ sở làm việc các bộ, ngành tại Hà Nội  (20/01/2017)
Tổng Bí thư đến thăm, làm việc và chúc Tết Bộ đội Biên phòng  (20/01/2017)
Bộ Chính trị chỉ đạo về việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình  (20/01/2017)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay