TCCSĐT - Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, nhiều vấn đề có thể nảy sinh không thể xem nhẹ khi thực hiện các biện pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, tuy nhiên, nền kinh tế đã có những dấu hiệu tích cực. “Việt Nam có thể là nước đầu tiên thoát khỏi khủng hoảng tài chính”; "nền kinh tế Việt Nam vẫn trong tình trạng sức khỏe hợp lý và hoàn toàn có thể hồi sức đầy đủ"; “Việt Nam là một trong những thị trường có chỉ số tin cậy cao nhất về sự phát triển thương mại”... là những đánh giá về nền kinh tế Việt Nam được đăng trên các mạng nước ngoài và trong Green Book - báo cáo thường niên về hoạt động hợp tác phát triển của Liên minh châu Âu tại Việt Nam được công bố hàng năm, làm cơ sở cho việc nghiên cứu hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) tại Việt Nam, đối thoại, hợp tác và phối hợp hành động giữa các nhà tài trợ.

Một trong 12 nền kinh tế duy trì tăng trưởng dương

Bài viết của Phillip Bowring đăng trên mạng Asia Sentinel ngày 28-5 nhận xét: Việt Nam có thể là nước đầu tiên thoát khỏi khủng hoảng tài chính. Tuy nền kinh tế có độ mở cao, nhưng theo tác giả bài viết, nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 3-4% trong năm nay. Việt Nam vẫn được các nhà đầu tư châu Á và nhiều nước khác đánh giá tích cực, đồng thời tiếp tục nhận được viện trợ đáng kể của nước ngoài và các khoản cho vay của các ngân hành phát triển. Ngoài ra tốc độ tăng lực lượng lao động 2%/năm và sự thành công trong khả năng tăng sản lượng nông nghiệp cũng tạo cơ sở cho sự phát triển.

Một phân tích khác được đăng trên mạng tin phân tích và tư vấn kinh tế (EIU) ngày 28-5 nhận xét, Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực để hạn chế và giảm nhẹ tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế toàn cầu đối với nền kinh tế trong nước. Bài viết cho rằng, có lẽ yếu tố quan trọng nhất trong gói kích thích kinh tế của Chính phủ Việt Nam là việc hỗ trợ 4% lãi suất cho vay. Kế hoạch bảo đảm tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chương trình hỗ trợ đặc biệt cho 61 huyện nghèo nhất, cùng các biện pháp về thuế như hoãn thu thuế thu nhập cá nhân, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp... đã dược Chính phủ triển khai để bảo vệ nền kinh tế trong nước.

Theo đánh giá của Green Book, trong nửa cuối năm 2008, khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã châm ngòi cho việc giảm sản lượng hàng hóa xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam, nhưng Chính phủ Việt Nam đã thành công trong kiềm chế lạm phát, thông qua chính sách thắt chặt tiền tệ và thắt chặt tài khóa đối phó với ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới.

Từ cuối năm 2008, đầu năm 2009, bằng gói giải pháp kích cầu, Chính phủ Việt Nam đã áp dụng những biện pháp tích cực nhằm duy trì mức tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội. Kết quả, "năm 2008 đã chứng kiến tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6,18% và tất cả các dự đoán cho năm 2009 của Chính phủ và các tổ chức tư nhân vẫn xem Việt Nam nằm trong số 12 nền kinh tế trên thế giới có mức tăng trưởng dương trong giai đoạn hiện nay".

Theo Green Book, EU tiếp tục là đối tác chủ chốt trong hỗ trợ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, với vị trí là nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất. Tổng số cam kết viện trợ theo định hướng cho năm 2009 là 716,21 triệu ơ-rô (tương đương với 17,82% tổng số viện trợ nước ngoài), với khoảng một nửa con số này là viện trợ không hoàn lại (308 triệu ơ-rô).

EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, tiêu thụ khoảng 8,3 tỉ ơ-rô hàng xuất khẩu của Việt Nam, tương đương khoảng 12,2 tỉ USD, và cũng là nhà đầu tư lớn thứ 2 có tỷ lệ giải ngân vốn FDI ở mức 7 tỉ USD, chiếm tới 60% tổng vốn đầu tư mà EU cam kết đầu tư vào Việt Nam. Tỷ lệ này gấp 4 lần tỷ lệ trung bình (vốn giải ngân so với vốn cam kết) của cả nước trong năm 2008, điều này khẳng định cam kết của cộng đồng doanh nghiệp EU với Việt Nam, ngay cả vào thời điểm khủng hoảng.

Ông Michal Kral, Đại sứ Cộng hòa Séc, nước đang là Chủ tịch luân phiên EU cho biết, EU cam kết sẽ xây dựng mối quan hệ hợp tác, đối tác dài hạn và bền vững với Việt Nam kể cả trong những thời điểm khó khăn như hiện nay.

Việt Nam là một trong những thị trường có chỉ số tin cậy cao nhất về sự phát triển thương mại

Kết quả khảo sát chỉ số tin cậy thương mại, do ngân hàng HSBC công bố ngày 3-6 cho thấy, Việt Nam là một trong những thị trường có chỉ số tin cậy cao nhất về sự phát triển thương mại. Đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tin rằng, nền kinh tế toàn cầu sẽ được cải thiện trong vài tháng tới. Có tới 54% số doanh nghiệp - tỷ lệ cao nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương - dự đoán khối lượng giao dịch thương mại sẽ tăng.

Đây là cuộc khảo sát lần đầu tiên nhằm tìm hiểu mức độ tin cậy của các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, được Trung tâm Thanh toán quốc tế và tài trợ chuỗi cung ứng của HSBC thực hiện từ tháng 3 đến tháng 5-2009. Hơn 2.100 lãnh đạo của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành xuất nhập khẩu và thương mại tại các nước và vùng lãnh thổ: Ô-xtrây-li-a, Ấn Độ, Trung Quốc, Hồng Công, Xin-ga-po, các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) và Việt Nam đã tham gia cuộc khảo sát.

Trong số 300 đại diện doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát, có tới gần 75% doanh nghiệp cho rằng rủi ro từ phía người mua và nhà cung cấp sẽ không đổi. Đa số doanh nghiệp (57%) kỳ vọng nhu cầu về tài trợ thương mại sẽ tăng và ngân hàng là kênh cung cấp chính, trong khi hơn một nửa số doanh nghiệp (54%) kỳ vọng khả năng tiếp cận tài trợ thương mại sẽ tăng./.