Hoạt động đối ngoại nổi bật từ ngày 07-3 đến ngày 20-3-2016

Thanh Anh (tổng hợp từ TTXVN)
10:03, ngày 21-03-2016
TCCSĐT - Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Thống nhất Tanzania; Cộng hòa Mozambique và Cộng hòa Hồi giáo Iran, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới các nước trên từ ngày 09 đến ngày 15-3-2016. Chuyến thăm nhằm tăng cường xung lực mới, thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm ba nước Tanzania, Mozambique và Iran

Đây là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam tới Tanzania, Mozambique và lần thứ ba tới Iran. Bên cạnh ý nghĩa chính trị to lớn, thể hiện truyền thống thủy chung nghĩa tình của dân tộc, chuyến thăm là xung lực mới thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại giữa nước ta và các nước bạn bè phát triển lên một bước, tương xứng với quan hệ chính trị truyền thống tốt đẹp, giúp đỡ và ủng hộ lẫn nhau của Việt Nam và các nước bạn bè. Cả ba nước đều dành cho đoàn đại biểu Việt Nam sự đón tiếp trọng thị, chu đáo với nghi lễ cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia.

Trong các cuộc gặp gỡ và làm việc, lãnh đạo các bên đều khẳng định mối quan hệ hữu nghị truyền thống là tài sản quý báu cần được gìn giữ và phát huy, đồng thời kiểm điểm lại mối quan hệ kinh tế, thương mại, chỉ ra những tiềm năng lớn chưa được tận dụng như Tanzania thế mạnh là trồng và xuất khẩu hạt điều, du lịch, khai thác mỏ; Mozambique là kinh tế biển, khai thác khoáng sản…, còn Iran là khoa học - công nghệ, năng lượng, viễn thông... Từ đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã cùng lãnh đạo các nước nhất trí về những lĩnh vực ưu tiên, những biện pháp căn bản để đẩy mạnh quan hệ kinh tế - thương mại song phương. Chủ tịch nước cam kết cùng Tanzania đưa quan hệ kinh tế - thương mại lên 1 tỷ USD, với Mozambique lên 500 triệu USD và với Iran lên 2 tỷ USD vào năm 2020. Các mặt hàng chủ yếu mà các doanh nghiệp Việt Nam xác định cần ưu tiên xuất khẩu cho bạn là gạo, nông sản, hải sản, quần áo, giày dép. Ngược lại, ta sẽ mua các sản phẩm ưu tiên của bạn là hạt điều, thức ăn gia súc, bông  của Tanzania; bông, sắt thép phế liệu, sản phẩm gỗ của Mozambique; phân bón, chất dẻo nguyên liệu, máy móc thiết bị của Iran.

Với cả ba nước, chúng ta đều nhận thấy vai trò quan trọng của ủy ban liên chính phủ và yêu cầu khẩn trương phải sớm họp để xác định các phương hướng, ngành nghề và lĩnh vực hợp tác cụ thể. Dự kiến trong năm 2016, sẽ họp Ủy ban Liên chính phủ Việt Nam - Mozambique (lần 4) tại Maputo, Ủy ban Liên chính phủ Việt Nam - Iran (lần 9) tại Tehran và Ủy ban Liên chính phủ Việt Nam - Tanzania (lần 2) tại Dar Es Salaam. Cùng với việc thúc đẩy phát triển kinh tế - thương mại, ta và các bạn khẳng định tiếp tục ủng hộ lẫn nhau, tăng cường giao lưu chính trị, ủng hộ các ứng cử viên của nhau ở các diễn đàn quốc tế. Bạn bè khẳng định sẽ ủng hộ Việt Nam tham gia Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc giai đoạn 2020 - 2021, Ủy ban Luật pháp quốc tế giai đoạn 2017 - 2021.

Chuyến thăm này cũng là dịp lãnh đạo ta và các nước trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó có các vấn đề đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế ở khu vực Đông Nam Á, khu vực Trung Đông, về quyết tâm hợp tác giải quyết các vấn đề có tính toàn cầu, liên quan đến hòa bình, ổn định và phát triển (vấn đề chống khủng bố, an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu…). Đặc biệt, bạn bè hiểu hơn về các vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, chia sẻ quan điểm rằng các tranh chấp về chủ quyền ở khu vực có nguy cơ đe dọa hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Cả ba nước đều ủng hộ mạnh mẽ quan điểm, lập trường nguyên tắc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại, lấy luật pháp quốc tế, các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó có Công ước Luật Biển 1982 làm nền tảng căn bản cho mọi ứng xử liên quan tới các tranh chấp và xung đột.

Trong chuyến thăm đến châu Phi và Trung Đông lần này của Chủ tịch nước, nhiều văn kiện hợp tác quan trọng trên các lĩnh vực như giáo dục, ngân hàng, dầu khí đã được ký kết nhằm thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn nữa giữa Việt Nam và các nước. Tại Tanzania và Mozambique, hai bên đã ra Thông cáo chung về kết quả chuyến thăm, đề ra những nguyên tắc chính trị quan trọng làm cơ sở cho việc tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống trong tình hình mới. Tại cả ba nước, Diễn đàn doanh nghiệp đã được tổ chức thành công với sự tham dự của rất đông đảo các doanh nghiệp sở tại. Các diễn đàn đã tạo cơ hội để các doanh nghiệp hai bên gặp gỡ, trao đổi thông tin, tìm kiếm đối tác, bạn hàng, tìm hiểu cơ hội và môi trường đầu tư, xuất nhập khẩu.

Điểm đáng chú ý là nhiều doanh nghiệp của cả ba nước rất quan tâm và coi Việt Nam là thị trường cung cấp các mặt hàng thiết yếu như lương thực, giày dép, đồ gia dụng, dệt may, linh kiện điện tử, giống cây trồng, vật nuôi… Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã bước đầu tìm thấy cơ hội đầu tư ở nước bạn trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cây công nghiệp, dầu khí, viễn thông… Một số doanh nghiệp của ta đã kết nối được đối tác, có kế hoạch mở văn phòng đại diện tại Tanzania, Mozambique. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã ký kết các thỏa thuận hợp tác với Cơ quan Xúc tiến Đầu tư Tanzania, Liên đoàn Doanh nghiệp Mozambique và sẽ sớm triển khai các hoạt động cụ thể theo tinh thần các thỏa thuận này. Cộng đồng người Việt Nam cũng như doanh nghiệp Việt Nam ở 3 nước đều xúc động và cảm thấy ấm lòng khi được Chủ tịch nước thăm hỏi động viên, cảm nhận rõ ràng sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với kiều bào ở xa Tổ quốc cũng như đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Mặc dù khoảng cách địa lý xa xôi cách trở, thời gian chuyến thăm diễn ra ngắn nhưng kết quả là rất to lớn và thiết thực. Chuyến thăm đã khẳng định chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta về tiếp tục củng cố, làm sâu sắc các mối quan hệ truyền thống trong khi mở rộng quan hệ đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa. Thành công của chuyến thăm cùng với những thỏa thuận, văn kiện đạt được là dấu mốc quan trọng và là nền tảng vững chắc đưa quan hệ của Việt Nam với ba nước Tanzania, Mozambique và Iran lên một bước mới, vì sự phát triển phồn thịnh của nước ta và các nước bạn bè anh em. Chuyến thăm cũng đã giúp cho bạn bè hiểu rõ hơn về một Việt Nam thủy chung, một Việt Nam đang phát triển năng động, mạnh mẽ, hội nhập tích cực nhưng không bao giờ quên bạn bè truyền thống.

Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong sang thăm Việt Nam và dự lễ tổng kết hoàn thành Dự án tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới hai nước

Ngày 16-3-2016, tại thủ đô Hà Nội, Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong đã sang thăm Việt Nam và tham dự Lễ tổng kết hoàn thành Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chính trị, quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới nói riêng và giữa hai nước nói chung; đánh dấu mốc ghi nhận toàn bộ thành quả giải quyết biên giới giữa hai nước, tạo cơ sở pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên giới trong tình hình mới, vì một đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững, đáp ứng nguyện vọng của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, góp phần thiết thực tiếp tục tăng cường và củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.

Cụ thể là từ năm 2008 đến tháng 7-2013, hai bên đã hoàn thành công tác cắm mốc trên thực địa với 792 vị trí tương ứng 834 cột mốc chính, đồng thời cắm bổ sung 29 cọc dấu tại 27 vị trí. Từ tháng 8-2013 đến nay, Ủy ban Liên hợp cắm mốc biên giới Việt Nam - Lào đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành hữu quan và với phía Lào xử lý các công việc còn lại và phát sinh trong quá trình thực hiện Dự án, trong đó xây dựng thêm 139 cọc dấu tại 86 vị trí, nâng tổng số mốc và cọc dấu đã cắm trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Lào lên 905 vị trí, tương ứng 1.002 mốc và cọc dấu; hoàn thành việc đo đạc để cập nhật bổ sung khoảng 1.000 km đường tuần tra biên giới mới thi công lên bộ bản đồ số đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào tỷ lệ 1/50.000; đồng thời xử lý gần 70 điểm sai phạm khi thi công đường tuần tra biên giới giúp nhận biết đường biên giới.

Trên tinh thần trách nhiệm cao nhất, Ủy ban Liên hợp cắm mốc biên giới của hai nước đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương mỗi nước tiến hành công việc hết sức cẩn trọng; đã tổ chức 59 cuộc họp các cấp và tổ chức gần 100 đoàn công tác liên ngành song phương tiếp cận các khu vực mốc và hàng nghìn cuộc họp của Đội Liên hợp cắm mốc nhằm trao đổi, thống nhất kế hoạch, biện pháp triển khai thực hiện từng hạng mục của Dự án, xử lý các công việc phát sinh, lập hồ sơ pháp lý mốc giới, chuyển thành quả của công tác tăng dày và tôn tạo mốc quốc giới trên thực địa lên bộ bản đồ số đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào. Việc quan trọng nhất hiện nay là chúng ta phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân cũng như các cơ quan chức năng ở khu vực biên giới hiểu rõ những quy định và điều khoản hai nước đã ký kết trong “Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam-Lào” và “Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào” để mọi người tự giác tuân thủ, giữ gìn tốt trật tự trị an khu vực biên giới; quản lý đường biên và hệ thống mốc giới cũng như thúc đẩy giao lưu, trao đổi kinh tế và hợp tác cùng có lợi giữa hai bên.

Tại buổi tiếp Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm của Thủ tướng Lào, có mặt tại Việt Nam để chứng kiến buổi lễ tổng kết quan trọng. Chào mừng kết quả Đại hội X của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch nước tin tưởng những nội dung quan trọng của Nghị quyết Đại hội sẽ được nhanh chóng triển khai vào cuộc sống, góp phần tiếp tục thay đổi đời sống kinh tế - xã hội Lào, đồng thời bày tỏ quan tâm và mong muốn đất nước Lào trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2016 sẽ làm tốt trọng trách được cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á tin tưởng giao phó. Hoan nghênh kết quả hợp tác giữa hai nước trong việc tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc giới trên toàn tuyến, lãnh đạo hai bên nhất trí về những giải pháp xây dựng tuyến biên giới hòa bình hữu nghị. Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong cho rằng, việc tăng dày và tôn tạo mốc quốc giới giữa hai nước đã triển khai trên toàn tuyến, sẽ là cơ sở lâu dài cho việc xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị hợp tác. Cùng với tuyên truyền hơn nữa về vai trò của dự án và tình hữu nghị giữa hai nước, Thủ tướng đánh giá cao sự hợp tác của Việt Nam trong quá trình triển khai; khẳng định Chính phủ Lào làm hết sức mình để làm cho cuộc sống người dân hai nước, đặc biệt là trên tuyến biên giới, ngày càng phồn vinh.

Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Pháp Claude Bartolone thăm chính thức Việt Nam

Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Đoàn đại biểu Quốc hội Cộng hòa Pháp (Hạ viện) do Ngài Claude Bartolone, Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 18 đến ngày 21-3-2016 nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược đã được hai nước ký kết vào tháng 9-2013.

Trong chuyến thăm này, Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Pháp Claude Bartolone đã hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; chào xã giao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hội kiến với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; gặp gỡ báo chí tại Đại sứ quán Pháp; tham dự Ngày hội Pháp ngữ 2016 được tổ chức tại trường Đại học Hà Nội; gặp và làm việc với Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong; thăm một số danh lam thắng cảnh của Việt Nam. Tại các cuộc hội đàm, gặp gỡ, hai bên khẳng định sẽ nỗ lực hết sức mình đưa quan hệ hợp tác nghị viện giữa hai nước lên một tầm cao mới, đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước vì hòa bình và thịnh vượng trên thế giới. Hai bên tin tưởng chuyến thăm sẽ là dấu mốc quan trọng nâng tầm quan hệ hợp tác giữa cơ quan lập pháp và đóng góp quan trọng vào việc đưa quan hệ đối tác chiến lược hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả hơn.

Hai bên thống nhất trong thời gian tới cần tăng cường trao đổi Đoàn cấp cao, hợp tác kinh tế, nhất là trong lĩnh vực giao thông, nông nghiệp, dược, khoa học, giáo dục, y tế, đào tạo nhân lực... chú trọng hợp tác quốc phòng an ninh nhằm góp phần gìn giữ an ninh, hòa bình ở khu vực và thế giới; tăng cường giao lưu, trao đổi, xúc tiến hợp tác trên mọi lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh. Từ nhiều năm qua, quan hệ Pháp-Việt đã trở nên hết sức đa dạng, sâu sắc, toàn diện trên nhiều lĩnh vực và được thể hiện qua việc tăng cường trao đổi đoàn ở tất cả các cấp. Gần đây nhất, trong thời gian tham dự Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc gặp quan trọng với tất cả các lãnh đạo cấp cao của Pháp tại Paris. Chuyến thăm Việt Nam của đoàn đại biểu Quốc hội Pháp lần này tiếp tục củng cố và phát triển mối quan hệ có tính lịch sử đó, đồng thời, góp phần thúc đẩy quan hệ song phương trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giao thông, năng lượng và phát triển bền vững. Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Pháp lần này cũng là tiền đề để thúc đẩy chuyến thăm Việt Nam trong thời gian tới của Tổng thống Pháp François Hollande trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ của mình vào tháng 5-2017.

Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga N.P. Patrushev thăm Việt Nam

Từ ngày 15 đến 16-3-2016, Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga N.P. Patrushev đã có chuyến thăm Việt Nam. Trong chuyến thăm này, Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga N.P. Patrushev đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh
về các vấn đề quan hệ song phương, hợp tác ASEAN - Nga và tình hình tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương; chào xã giao Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh. Tại các buổi làm việc, các nhà lãnh đạo Việt Nam hoan nghênh kết quả chuyến thăm làm việc Việt Nam của Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga N.P. Patrushev và khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga; bày tỏ hài lòng trước những kết quả tích cực đã đạt được trong hợp tác song phương Việt - Nga thời gian qua trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế - thương mại, quốc phòng - an ninh, giáo dục - đào tạo, văn hóa, hợp tác địa phương…; đánh giá cao hợp tác trong lĩnh vực an ninh giữa Bộ Công an Việt Nam và Hội đồng An ninh Nga.

Hai bên đã nhất trí cần tích cực triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác mọi mặt, phối hợp chặt chẽ để thực thi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu sau khi có hiệu lực, góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai bên. Trao đổi về tình hình tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hai bên cho rằng, hiện nay xu hướng hợp tác, đối thoại và liên kết kinh tế - thương mại đang được đẩy mạnh tại khu vực. Bên cạnh đó, tình hình phức tạp tại Biển Đông, Bán đảo Triều Tiên thời gian gần đây cũng khiến dư luận rất quan tâm và lo ngại. Trong bối cảnh đó, hai bên nhấn mạnh các nước trong khu vực cần đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực, đề cao vai trò của các cơ chế hợp tác đa phương, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế trong giải quyết các vấn đề của khu vực. Các nhà lãnh đạo Việt Nam và Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga N.P. Patrushev đánh giá tích cực hợp tác ASEAN - Nga thời gian qua và bày tỏ hy vọng Hội nghị cấp cao ASEAN - Nga sẽ diễn ra vào tháng 5-2016 tại Sochi (Liên bang Nga) sẽ thành công tốt đẹp, góp phần nâng tầm quan hệ đối tác đối thoại ASEAN - Nga theo hướng thiết thực và hiệu quả, vì lợi ích của cả hai bên, vì hòa bình và ổn định tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Largarde thăm và làm việc tại Việt Nam


Từ ngày 16 đến ngày 20-3-2016, Tổng Giám đốc điều hành IMF
bà Christine Lagarde đã có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Trong chuyến thăm lần này, bà đã có dịp làm việc và trao đổi với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong.

Tại các buổi tiếp, các nhà lãnh đạo đã hoan nghênh chuyến thăm làm việc tại Việt Nam của bà Christine Lagarde; bày tỏ vui mừng trước sự phát triển quan hệ hợp tác ngày càng hiệu quả, thiết thực giữa IMF với Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực tư vấn chính sách, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực quản lý, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Các nhà lãnh đạo cũng khẳng định quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phấn đấu đưa Việt Nam sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thông báo nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam thời gian tới là tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, thực hiện hiệu quả ba đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó tiếp tục ưu tiên giải quyết vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng, ngân sách nhà nước, xử lý nợ xấu và bảo đảm an toàn nợ công để chủ động, tích cực hội nhập khu vực và quốc tế. Về quan hệ giữa Việt Nam với IMF thời gian tới, các nhà lãnh đạo cấp cao đều mong muốn IMF tiếp tục đồng hành và tích cực hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội.

Về phần mình, Tổng Giám đốc IMF Christine Largarde đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội mà Việt Nam đã đạt được, nhất là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, phổ cập và nâng cao chất lượng giáo dục, trình độ dân trí, thúc đẩy tăng trưởng toàn diện và bền vững; khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với những định hướng phát triển và nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam đặt ra trong thời gian tới. Bà bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách toàn diện, nhất là hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước, môi trường kinh doanh, thực thi chính sách tài khóa hiệu quả, đồng thời tạo điều kiện cho phụ nữ được tham gia và có đóng góp quan trọng hơn trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội và hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược phát triển dài hạn. Tổng Giám đốc Christine Largarde khẳng định IMF sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ và tăng cường cung cấp các hỗ trợ, tư vấn cần thiết cho Việt Nam, nhất là hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn chính sách, củng cố tài khóa, bảo đảm an toàn nợ công, tăng cường năng lực quản lý kinh tế vĩ mô và hệ thống tài chính - ngân hàng hỗ trợ tăng trưởng bền vững./.