Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 14-3 đến ngày 20-3-2016)

Hà Bùi (tổng hợp từ TTXVN và un.org)
20:10, ngày 21-03-2016
TCCSĐT - Với những hành động ngang ngược, vi phạm luật pháp quốc tế trên Biển Đông, Trung Quốc đang vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ các nước trên thế giới.

Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về trao quyền cho phụ nữ

 

Giám đốc điều hành Cơ quan Phụ nữ Liên hợp quốc (UN Women) Phumzile Mlambo-Ngcuka cho rằng giờ là thời điểm để đẩy mạnh bình đẳng giới. Ảnh: un.org

Từ ngày 14-3 đến ngày 24-3-2016, Hội nghị cấp cao khóa họp lần thứ 60 của Ủy ban Địa vị Phụ nữ Liên hợp quốc (CSW 60) với chủ đề “Trao quyền cho phụ nữ và mối liên hệ với phát triển bền vững” đã diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố New York (Mỹ). Đại diện chính phủ các nước tham dự khóa họp sẽ tập trung thảo luận về cách thức tạo ra một môi trường có lợi cho việc thực thi vấn đề liên quan bình đẳng giới trong Chương trình nghị sự phát triển bền vững tới năm 2030.

Tại phiên khai mạc CSW60, các lãnh đạo Liên hợp quốc đã nhấn mạnh tới những tiến bộ trong lĩnh vực bình đẳng giới mà thế giới đã đạt được, song cũng kêu gọi các quốc gia hành động nhiều hơn nữa nhằm bảo đảm quyền của phụ nữ. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho rằng chừng nào các quyền của phụ nữ còn bị vi phạm thì cuộc đấu tranh còn tiếp tục. Ông Ban Ki-moon lưu ý rằng trên thế giới hiện vẫn còn 4 quốc gia không có phụ nữ trong Quốc hội và 8 quốc gia không có phụ nữ trong nội các chính phủ. Phát biểu tại phiên khai mạc, Giám đốc điều hành Cơ quan Phụ nữ Liên hợp quốc (UN Women) Phumzile Mlambo-Ngcuka cho rằng giờ là thời điểm để “huy động mọi cam kết tích cực”, cũng là thời điểm để đẩy mạnh bình đẳng giới. Ủy ban Địa vị Phụ nữ là một thể chế liên chính phủ toàn cầu chính nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Kể từ năm 1946 tới nay, CSW là một công cụ hữu ích trong thúc đẩy các quyền của phụ nữ, cung cấp một cái nhìn chân thực về cuộc sống của phụ nữ trên khắp thế giới, định hình các tiêu chuẩn toàn cầu về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

WEC: Thiếu nước làm gia tăng rủi ro đối với nguồn năng lượng

 

Theo WEC, mối liên hệ năng lượng - nước - lương thực có nguy cơ tác động mạnh mẽ đến nguồn cung và nhu cầu năng lượng trong nhiều năm tới. Ảnh: clemson.edu

Trong hai ngày 16 và 17-3-2016, Hội nghị các lãnh đạo năng lượng khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã diễn ra tại Thủ đô Wellington của New Zealand nhằm thảo luận về những rủi ro và thách thức đang gia tăng trong lĩnh vực năng lượng toàn cầu.

Trong một báo cáo do hơn 140 chuyên gia khắp thế giới thực hiện, Tổng Thư ký Hội đồng Năng lượng thế giới (WEC) Christoph Frei cho biết, lượng nước sụt giảm tác động lớn đến sinh hoạt, sản xuất lương thực, vệ sinh và sức khỏe cộng đồng, cũng như 98% hoạt động sản xuất điện năng trên toàn cầu. Theo WEC, mối liên hệ năng lượng - nước - lương thực cho thấy “một rủi ro mang tính hệ thống”, có nguy cơ tác động mạnh mẽ đến nguồn cung và nhu cầu năng lượng trong nhiều năm tới. Báo cáo trên đề xuất một số phương pháp giải quyết tình trạng thiếu nước, bao gồm các công cụ tài chính nhằm ngăn ngừa rủi ro ngắn hạn, bản đánh giá đầy đủ về rủi ro cho các nhà đầu tư bao gồm những phân tích tài chính dựa trên nhiều kịch bản về khí hậu thủy văn khác nhau, khung pháp lý minh bạch và đáng tin cậy có tính đến lợi ích của các bên liên quan cũng như xem xét nhiều vấn đề về nước. Tổng Thư ký C. Frei nêu rõ sự cần thiết ngay lúc này phải có hoạch định đầy đủ và phối hợp rõ ràng, nếu không tình trạng thiếu nước sẽ tác động rõ rệt lên nguồn cung năng lượng trong một tương lai không xa. Ông C. Frei cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác xuyên biên giới trong trường hợp khó tiếp cận nguồn nước, đồng thời cho rằng nên tận dụng 261 hồ chứa nước trên thế giới, vốn bao trùm 45% bề mặt Trái đất.

Truyền thông thế giới: Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông

 

Trung Quốc đang ồ ạt xây dựng các công trình trái phép trên đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS/IHS Jane’s

Với những hành động ngang ngược, vi phạm luật pháp quốc tế trên Biển Đông, Trung Quốc đang vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ các nước trên thế giới.

Tờ “Thời báo Hàn Quốc” (Korea Times) phiên bản tiếng Anh, số ra ngày 14 và 17-3-2016, đã đăng loạt bài về vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dưới góc độ luật pháp quốc tế, trong khẳng định yêu sách chủ quyền “đường lưỡi bò” (hay còn gọi là “đường chữ U”) của Trung Quốc ở Biển Đông là hoàn toàn tùy tiện và không có cơ sở, trong khi Việt Nam có đầy đủ chủ quyền về mặt pháp lý đối với hai quần đảo này. Cũng trong ngày 17-3, báo “Rzeczpospolita” (Cộng hòa) của Ba Lan cũng có bài phê phán hành động gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông: “Ngày nay, đảo Gạc Ma là một trong những điểm nóng trên Biển Đông, được cả thế giới quan tâm. Việc Trung Quốc liên tục có những hoạt động bồi đắp, xây dựng, mở rộng, làm thay đổi nguyên trạng là hành động vi phạm luật pháp quốc tế và không phù hợp với lợi ích của các nước liên quan”.

Trong khi đó, Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson tuyên bố quân đội Mỹ đã phát hiện hoạt động của Trung Quốc quanh bãi cạn Scarborough (đảo Hoàng Nham), nằm ở phần phía Bắc của quần đảo Trường Sa, cách căn cứ trên Vịnh Subic của Philippines khoảng 200km. Washington cho rằng hoạt động của Trung Quốc quanh bãi cạn Scarborough có tranh chấp với Philippines có thể là một bước đi nhằm tiếp tục cải tạo đất ở Biển Đông. Liên quan vấn đề Biển Đông, trong cuộc gặp mới đây tại Tokyo, Tổng thống Timor Leste, ông Taur Matan Ruak và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lên tiếng bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” về tình hình ở Biển Đông thời gian qua. Trong một tuyên bố chung, hai nhà lãnh đạo nêu rõ sẽ “phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào có thể làm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng ở Biển Đông”.

El Nino khiến 36 triệu người châu Phi đối mặt với nạn đói

 

Hiện tượng El Nino bất thường đang tàn phá mùa màng và gây khô hạn khắp châu Phi. Ảnh: theguardian.com

Liên hợp quốc cảnh báo hiện tượng El Nino bất thường do nhiệt độ gia tăng đang tàn phá mùa màng và gây khô hạn khắp khu vực Đông Phi khiến 36 triệu người đối mặt với nạn đói. Nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Ethiopia do phần lớn lượng nước trong mùa mưa đã không còn. Quỹ Nhi đồng của Liên hợp quốc (UNICEF) ước tính sẽ có thêm hai triệu trẻ em ở nước này bị suy dinh dưỡng và hơn 10 triệu người cần viện trợ lương thực; gần 4 triệu trẻ em và thiếu niên không có khả năng đến trường do hạn hán. Zimbabwe, một trung tâm sản xuất lương thực cho khu vực, tháng trước đã tuyên bố tình trạng thảm họa toàn quốc do hạn hán và số người cần viện trợ lương thực tăng từ 3 lên 4 triệu người chỉ trong vòng chưa đầy một tháng. Các nước lân cận là Somalia, Sudan và Kenya cũng gặp tình trạng mất mùa do sự biến đổi của mùa mưa khiến 20 triệu người có nguy cơ bị đói. Đây là điều khiến các nhà khoa học bất ngờ bởi trước đó họ dự đoán rằng El Nino sẽ mang mưa lớn đến khu vực đông Phi chứ không phải hạn hán.

Trong khi đó, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cảnh báo hơn 40 triệu người ở khu vực nông thôn và 9 người ở thành thị tại Nam Phi bị ảnh hưởng bởi El Nino. Hội đồng Bộ trưởng Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi (SADC) đã thông qua tuyên bố về thảm họa hạn hán trong khu vực; đồng thời thành lập một Đội Hậu cần khu vực nhằm điều phối sự ứng phó và hợp tác giữa các nước thành viên và các đối tác hợp tác quốc tế.

Brazil: Khủng hoảng chính trị không có dấu hiệu hạ nhiệt

 

Chủ tịch PT: Tình hình chính trị Brazil chỉ có thể ổn định trở lại nếu hủy bỏ việc đưa Tổng thống ra xét xử trước một tòa án chính trị ở Quốc hội. Ảnh: reuters.com

Ngày 20-3-2016, theo thông cáo của Phủ Tổng thống Brazil, bà D. Rousseff chưa từng can thiệp vào quá trình điều tra liên quan vụ bê bối của Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras và những tuyên bố của nghị sĩ Delcidio Amaral nhằm mục đích trả thù tất cả những ai không giúp ông này thoát khỏi án tù.

Sau 3 tháng bị tạm giam vì tình nghi liên quan tới vụ Petrobras, nghị sĩ D. Amaral, từng là một trong những nhân vật chủ chốt của Đảng Lao động (PT) cầm quyền ở Thượng viện, đã đồng ý hợp tác với các nhà chức trách. Ông D. Amaral cũng khai rằng Bộ trưởng Giáo dục Aloizio Mercadante đã tìm cách mua chuộc ông để che đậy thông tin và trong danh sách dài những chính trị gia dính líu tới vụ Petrobras còn có nghị sĩ Aécio Neves, Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội Brazil (PSDB) đối lập, từng thua bà D. Rousseff trong cuộc tổng tuyển cử hồi năm 2014 và cũng là người thúc đẩy việc bãi nhiệm Tổng thống đương nhiệm. Trong khi đó, tân Bộ trưởng Tư pháp Eugenio Aragao khẳng định Bộ Tư pháp sẽ giám sát lực lượng cảnh sát liên bang để quá trình điều tra không bị “chính trị hóa”. Chủ tịch PT Rui Falcao cho rằng tình hình chính trị đất nước chỉ có thể ổn định trở lại nếu hủy bỏ việc đưa Tổng thống ra xét xử trước một tòa án chính trị ở Quốc hội. Trong khi đó, Tổng thống Bolivia Evo Morales đã yêu cầu người đồng cấp Uruguay Tabaré Vázquez, quốc gia đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR), triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để bảo vệ bà Rousseff. Ông E. Morales tố cáo các thế lực cánh hữu giàu có dùng tiền để thao túng các phương tiện truyền thông và các mạng xã hội với âm mưu lật đổ chính phủ hợp hiến ở Brazil, tiến hành đảo chính./.