Ủng hộ hòa bình, ổn định, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên
Ủng hộ phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên
Phát biểu sau khi Liên hợp quốc thông qua nghị quyết mở rộng trừng phạt nhằm vào Triều Tiên, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin nhấn mạnh: “Những hành vi lợi dụng động thái của Bình Nhưỡng để biện minh cho hành động tăng cường khả năng quân sự trong khu vực, bao gồm việc triển khai vũ khí tấn công và Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), sẽ trở thành nguồn gốc của những quan ngại”.
Theo ông V. Churkin, các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng vào đầu năm 2016 đã khiến cho tình hình trên bán đảo Triều Tiên cũng như trong khu vực xấu đi trầm trọng. Ông V. Churkin cũng nhấn mạnh rằng các thành tựu ngoại giao đạt được trong nhiều năm qua cho thấy những cuộc khủng hoảng quốc tế nghiêm trọng nhất đều có thể được giải quyết thông qua hợp tác và đối thoại, nếu như các bên liên quan cho thấy quyết tâm hướng đến những giải pháp được cộng đồng chấp nhận.
Từ Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng văn kiện này đã phát đi một thông điệp đơn giản rằng Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân và lựa chọn một hướng đi mới đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân Bình Nhưỡng. Ông B. Obama nhấn mạnh nghị quyết cho thấy một phản ứng mạnh mẽ, thống nhất và thích hợp của cộng đồng quốc tế đối với vụ thử hạt nhân ngày 06-01 và vụ phóng tên lửa mang vệ tinh ngày 07-02 vừa qua.Cũng trong ngày 03-3, thông báo của Văn phòng Báo chí Bộ Ngoại giao Anh cho biết Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cho biết tất cả các nước giờ đây sẽ phải thực hiện các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên bên cạnh việc tuân thủ các nghị quyết trước đó, đồng thời nhấn mạnh “Triều Tiên phải chấm dứt các hành động khiêu khích và tiến hành các bước đi mang tính xây dựng với cộng đồng quốc tế” để đổi lại sự hồi đáp tích cực.
Trong khi đó, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini nhấn mạnh nghị quyết trên đã “thể hiện rõ ràng sự đoàn kết và quyết tâm của cộng đồng quốc tế”, đồng thời tuyên bố EU sẽ xem xét áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào Triều Tiên, ngoài những biện pháp đã được nêu trong nghị quyết.
Ở châu Á, Chính phủ Hàn Quốc nhận định đây là nghị quyết mạnh mẽ nhất từ trước đến nay nhằm vào Triều Tiên, đồng thời khẳng định sẽ ủng hộ văn kiện mới này. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng cam kết sẽ thực hiện “mọi nỗ lực cần thiết” cùng với các thành viên của Liên hợp quốc để bảo đảm rằng nghị quyết được thực hiện một cách thấu đáo mà không gặp bất kỳ vấn đề gì, đồng thời tuyên bố Seoul sẽ tăng cường hơn nữa sự hợp tác quốc tế để Triều Tiên sẽ phải từ bỏ chương trình hạt nhân của mình “một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược được”.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết Tokyo đánh giá rất cao việc Hội đồng Bảo an thông qua nghị quyết 2270 nói trên và “mạnh mẽ yêu cầu” Triều Tiên không có thêm hành động gây hấn như thử hạt nhân hay phóng tên lửa đạn đạo.
Theo Kyodo, Trung Quốc đã bày tỏ hy vọng tất cả các nước sẽ thực thi “đầy đủ và nghiêm túc” những biện pháp trừng phạt mới, nghiêm khắc hơn nhằm vào Triều Tiên, vừa được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua. Những biện pháp này được đưa ra để trừng phạt Triều Tiên vì theo đuổi trái phép các chương trình hạt nhân và tên lửa. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cũng kêu gọi tái khởi động vòng đàm phán đa phương về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên đồng thời cho rằng những biện pháp trừng phạt trên không được ảnh hưởng tới cuộc sống thường nhật của người dân nước này.
Ngày 03-3, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam tại Hà Nội, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định: “Lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ hòa bình, ổn định, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, không phổ biến hạt nhân và tiến tới giải trừ loại vũ khí này”. Ông Lê Hải Bình cho biết: “Việt Nam mong muốn các bên liên quan tích cực thúc đẩy đối thoại tìm giải pháp hòa bình cho các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên, góp phần thiết thực vào duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới. Là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã và sẽ tuân thủ nghiêm túc các Nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”.
Áp đặt thêm những biện pháp mới
Nghị quyết trừng Triều Tiên mới đây của Liên hợp quốc bổ sung cho những thiếu sót trong các nghị quyết trừng phạt trước đó đồng thời áp đặt thêm những biện pháp mới.
Theo nghị quyết, lần đầu tiên trong lịch sử, tất cả các chuyến hàng tới và rời Triều Tiên sẽ bị thanh sát. Nghị quyết cũng cấm các tàu của Triều Tiên bị tình nghi là chở những mặt hàng phi pháp rời các bến cảng trên khắp thế giới, đồng thời thắt chặt lệnh cấm vận vũ khí để cản trở cả những nhà cung cấp vũ khí loại nhỏ giao dịch với Bình Nhưỡng.
Văn kiện này cũng áp đặt lệnh cấm Triều Tiên xuất khẩu than, quặng, vàng, titan và khoáng sản đất hiếm đồng thời cấm các quốc gia cung cấp cho nước này nhiên liệu dùng trong ngành hàng không.
Trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng, nghị quyết mới bắt buộc (thay vì khuyến khích như trong các nghị quyết trước đây) các quốc gia phải phong tỏa tài sản của các cá nhân và thực thể có liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Nghị quyết cũng cấm tất cả các quốc gia cho phép các ngân hàng Triều Tiên mở chi nhánh, văn phòng đại diện mới, đồng thời cấm các thể chế tài chính thành lập liên doanh, thiết lập hay duy trì quan hệ thông tin với các ngân hàng Triều Tiên.
Nghị quyết cũng yêu cầu các quốc gia đóng cửa tất cả các ngân hàng Triều Tiên cũng như chấm dứt các giao dịch ngân hàng với nước này trong vòng 90 ngày.
Theo các nghị quyết trước đây, Triều Tiên bị cấm nhập khẩu hoặc xuất khẩu các mặt hàng và công nghệ hạt nhân hoặc tên lửa cũng như hàng hóa xa xỉ. Nghị quyết mới mở rộng những mặt hàng bị cấm, bổ sung hàng xa xỉ, như đồng hồ đắt tiền, xe trượt tuyết, xe nước giải trí và đồ pha lê.
Văn kiện này cũng bổ sung vào danh sách đen 17 cá nhân và 12 thực thể Triều Tiên. Tất cả những đối tượng này đều bị phong tỏa tài sản và bị cấm đi lại.
Nghị quyết cũng yêu cầu nối lại các cuộc đàm phán sáu bên để tiến tới “phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên theo cách hòa bình và có thể kiểm chứng được”.
Cũng trong ngày 02-3, Hội đồng Bảo an công bố nghiên cứu mới về việc Triều Tiên đã dùng những cách cách nào để lẩn tránh hiệu quả các biện pháp trừng phạt của quốc tế trong suốt một thập niên qua.
Báo cáo, do một ủy ban giám sát lệnh trừng phạt soạn thảo, thừa nhận rằng bốn nghị quyết với những biện pháp trừng phạt mỗi lúc một mạnh hơn đối với Triều Tiên kể từ năm 2006, đã không thuyết phục được Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Chẳng hạn như nghị quyết của Liên hợp quốc năm 2006 yêu cầu các quốc gia thành viên phải báo cáo về tất cả các hoạt động thanh sát tàu của Triều Tiên bị tình nghi là chuyên chở vũ khí hoặc các sản phẩm dùng cho mục đích quân sự. Song trong 10 năm qua, chỉ có một nước thành viên Liên hợp quốc nộp báo cáo.
Báo cáo lưu ý một số quốc gia tại Đông Nam Á, châu Phi và Trung Đông tiếp tục bán cho Triều Tiên các thiết bị quân sự bị cấm, như phụ tùng máy bay không người lái và các hệ thống radar./.
Ngành Y tế tiếp tục chủ động lấy người bệnh làm trung tâm để phục vụ  (03/03/2016)
Chủ tịch nước: Không dồn việc khó cho Quốc hội khóa mới  (03/03/2016)
Quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội được mở rộng ra thêm 3 tỉnh  (03/03/2016)
Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích hợp pháp ở Biển Đông  (03/03/2016)
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tăng cường tuyên truyền về bầu cử  (03/03/2016)
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02-2016  (03/03/2016)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay