Nam Định chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu
TCCS - Biến đổi khí hậu đang là thách thức lớn đối với nhân loại, làm thay đổi toàn diện, sâu sắc quá trình phát triển kinh tế - xã hội và an ninh toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Nằm ở cửa ngõ phía Nam đồng bằng sông Hồng, với 3 huyện ven biển và đường bờ biển dài 72km, Nam Định là một trong những tỉnh, thành phố của nước ta chịu ảnh hưởng sâu sắc của biến đổi khí hậu. Do vậy, thời gian qua, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường luôn được Nam Định đặc biệt chú trọng.
Từ xác định tầm quan trọng của ứng phó với biến đổi khí hậu đến tăng cường chương trình hành động cụ thể
Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Những năm gần đây, tần suất và cường độ thiên tai ở nước ta, như lốc xoáy, lũ quét, sạt lở đất, úng ngập, xâm nhập mặn, hạn hán, cháy rừng ngày càng gia tăng, gây tổn thất to lớn cho sức khỏe và tài sản cộng đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và hệ sinh thái cũng như kinh tế, văn hóa, xã hội. Nằm trong vùng vịnh Bắc Bộ, có khu bảo tồn thiên nhiên vườn quốc gia Xuân Thủy (khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam, vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế hiện nay), bãi bồi ven biển ở huyện Nghĩa Hưng thuộc vùng lõi khu dự trữ sinh quyển sông Hồng (được UNESCO công nhận năm 2004), Nam Định thường xuyên bị ảnh hưởng của bão hoặc áp thấp nhiệt đới, bình quân khoảng 4 - 6 cơn bão/năm. Từ thập niên 90 của thế kỷ XX đến nay, Nam Định đã hứng chịu khoảng 30 trận bão, 1 trận lốc, 4 trận lũ gây thiệt hại lớn về người và của, ước tính hàng nghìn tỷ đồng. Các hiện tượng thời tiết cực đoan, như nhiệt độ tăng cao, nắng nóng kéo dài, lượng mưa thay đổi bất thường, mức độ rét đậm, rét hại, áp thấp nhiệt đới, bão lũ, hán hán, sạt lở đất, dịch bệnh... kết hợp với nước biển dâng, xâm nhập mặn... đã gây nhiều khó khăn cho trồng trọt, chăn nuôi, khai thác và nuôi trồng thủy, hải sản; đe dọa an ninh lương thực của tỉnh cũng như của khu vực; tác động trực tiếp đến nước sạch, vệ sinh môi trường; tài nguyên, đa dạng sinh học và hệ sinh thái; đe dọa tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân; ảnh hưởng đến các hoạt động du lịch; hủy hoại các kết cấu hạ tầng... Tất cả đã và đang đặt Nam Định phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng.
Theo Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2011 - 2015, tầm nhìn 2020, được phê duyệt tại Quyết định số 1721/QĐ-UBND, ngày 13-10-2011, của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định, với kịch bản phát thải trung bình (B2), khí hậu tỉnh Nam Định có những biến đổi cụ thể là: Nhiệt độ trung bình có xu hướng tăng dần ở tất cả các mùa trong năm. Dự báo trong thế kỷ XXI, nhiệt độ trung bình năm tăng lên 1,20C và đến cuối thế kỷ này, mức tăng có thể là 2,40C so với thời kỳ 1980 - 1999. Với mức tăng nhiệt độ như trên thì vào năm 2050, nhiệt độ trung bình năm trên địa bàn tỉnh khoảng 28,30C; đến năm 2100 là 29,50C. Lượng mưa có xu thế tăng dần so với thời kỳ 1980 - 1999, vào năm 2020 lượng mưa trung bình tăng 1,6% đạt 1.352,7mm, năm 2050 tăng 4,1% đạt 1.386mm, năm 2100 tăng 7,9% đạt 1.436,6mm. Mỗi năm mực nước biển tăng lên khoảng 2,15mm, cùng với đó, đường bờ biển bị lấn vào trung bình 10m. Dự báo giai đoạn 2020 - 2100 mực nước biển dâng từ 12 đến 74cm so với giai đoạn 1980 - 1999; tổng diện tích bị ngập của tỉnh là 61,71km2; trong đó huyện Giao Thủy ngập 34,27km2; Hải Hậu ngập 20,9km2; Nghĩa Hưng ngập 6,54km2.
Trước những cảnh báo về nguy cơ biến đổi khí hậu với nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định xác định công tác ứng phó với biến đổi khí hậu là cấp thiết, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của tỉnh, vừa có tính trước mắt, vừa có tính lâu dài và liên quan đến tất cả các ngành, địa phương. Do đó, thời gian qua, Nam Định đã tăng cường chỉ đạo, lãnh đạo xây dựng và ban hành các chương trình hành động, giải pháp, kế hoạch chung cho toàn tỉnh và cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực, địa phương, nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực do biến đổi khí hậu gây ra. Qua đó không những bảo đảm cho quá trình phát triển ổn định, bền vững của tỉnh mà còn góp phần bảo đảm sự thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.
Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định tăng cường chỉ đạo quán triệt và thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước, như Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 15-11-2004, của Bộ Chính trị khóa IX “Về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Quyết định số 158/QĐ-TTg, ngày 2-12-2008, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu và các văn bản pháp luật khác về biến đổi khí hậu... đến các cấp ủy, chính quyền và phổ biến rộng rãi trong nhân dân để cán bộ, nhân dân biết, hiểu và thực hiện. Cấp ủy và chính quyền các cấp tích cực xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản đáp ứng được nhu cầu thực tiễn công tác ứng phó biển đổi khí hậu tại địa phương. Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 28-5-2005 và Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 22-11-2011 về tăng cường bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; Chương trình hành động số 14-CTr/TU, ngày 22-7-2013, về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 1721/QĐ-UBND, ngày 13-10-2011, phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh Nam Định giai đoạn 2011 - 2015 tầm nhìn 2020, Kế hoạch số 65/KH-UBND, ngày 15-10-2013, thực hiện Nghị quyết số 24/NQ-TW, ngày 3-6-2013, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường... Các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành, đảng ủy trực thuộc căn cứ vào tình hình thực tế tổ chức xây dựng kế hoạch, chương trình hành động về ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên môi trường sát với tình hình địa phương, đơn vị.
Nam Định cũng tập trung xây dựng, kiện toàn bộ máy cán bộ, công chức có trình độ năng lực tham mưu và triển khai công tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Đến nay, 10 huyện, thành phố của Nam Định có Ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu; thành lập mới Chi cục Bảo vệ môi trường, Chi cục Biển; Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố đều có biên chế chuyên trách về công tác môi trường, biến đổi khí hậu. Cấp xã có 1 đến 2 cán bộ địa chính - xây dựng kiêm nhiệm công tác này. Các cơ quan thông tin truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức tuyên truyền, giáo dục đa dạng và phù hợp với từng đối tượng. Các địa phương thường xuyên tổ chức hội thảo, tập huấn cho nông dân kỹ thuật nuôi trồng các giống mới có khả năng chịu mặn, chịu hạn, chịu ngập; tổ chức ngoại khóa cho học sinh trong các trường học để cung cấp kiến thức thực tế và những vấn đề liên quan đến biển đổi khí hậu. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về vai trò, tầm quan trọng, ý thức trách nhiệm đối với công tác bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Song song với các hoạt động trên, Nam Định cũng tập trung tăng cường hiệu quả quản lý nguồn tài nguyên trong điều kiện biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu quả cấp giấy phép về nước cho các tổ chức, doanh nghiệp (từ năm 2011 đến tháng 5-2015, cấp 69 giấy phép xả thải vào nguồn nước; 45 giấy phép hoạt động tài nguyên nước; 4 giấy phép hoạt động thăm dò nước, 9 giấy phép khai thác nước); phát huy hiệu quả sử dụng cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước, hệ hống quan trắc dưới đất (10 cụm giếng quan trắc thuộc hệ thống quan trắc quốc gia và 25 giếng quan trắc nước ngầm). Tỉnh cũng triển khai Dự án “Phục hồi tài nguyên hệ sinh thái bị suy thoái vùng ven bờ tỉnh Nam Định ứng phó với biến đổi khí hậu”, “Kế hoạch xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ nguy cơ ngập gây ra bởi nước biển dâng do bão và siêu bão”; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2020, lập kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016 - 2020; đẩy mạnh công tác trồng rừng chắn sóng, giữ bãi. Từ 2007 đến nay, rừng trồng ngập mặn ở Nam Định đạt 3.600ha, phấn đấu đến năm 2020 đạt 5.713ha; đang tiếp tục triển khai Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015 - 2020 tỉnh Nam Định”.
Giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến môi trường, phòng ngừa các nguồn ô nhiễm là một trong những công tác luôn được Nam Định chú trọng thời gian qua. Đến nay, 100% các dự án đầu tư mới được bố trí phù hợp quy hoạch, 2/3 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động có hệ thống xử lý rác thải đạt quy chuẩn môi trường, 3/18 cụm công nghiệp đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; đã và đang triển khai dự án xử lý rác thải y tế tại 15 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa; đầu tư 122 công trình bãi chôn lấp hợp vệ sinh cho 116 xã, thị trấn. Tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt của thành phố Nam Định và các xã lân cận đạt 88%. Khu vực nông thôn có 186/204 xã, thị trấn có hoạt động thu gom, xử lý rác thải với 2467/3052 thôn, xóm tổ chức thu gom rác; tổng lượng thu gom khoảng 488,7 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom đạt 74,1%. Trên địa bàn tỉnh có khoảng 30 lò đốt rác.
Cơ sở vật chất, năng lực dự báo ứng phó biến đổi khí hậu của Nam Định cũng thường xuyên được tăng cường. Ngân sách chi hằng năm cho công tác bảo vệ tài nguyên môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu được bảo đảm. Trung tâm quan tắc và phân tích tài nguyên môi trường tỉnh đã xây dựng hệ thống quản lý theo quy trình Vilab. Toàn tỉnh đã nâng cấp, kiên cố hóa 56,8/76,6km đê biển, có khả năng chống bão cấp 10, tần suất 5%; xây mới 8 cống qua đê và 53 mỏ kè giữ bãi bảo vệ đê. Tỉnh cũng đang xây dựng 21 mỏ kè mới; tu bổ, nâng cấp 18,1km đê biển xung yếu ở 3 huyện ven biển; xây mới 30 cống qua đê bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão; nâng cấp hơn 30km đê sông, hơn 20km chiều dài kè bảo vệ đê và bê-tông hóa mặt đê. Xuất phát từ nghiên cứu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu tới mô hình bệnh tật, Nam Định đã xây dựng bản đồ các bệnh, bản đồ dịch tễ học một số bệnh truyền nhiễm...
Hướng tới sự chủ động trong ứng phó với biến đổi khí hậu
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu ở Nam Định còn không ít khó khăn, hạn chế. Nhận thức về việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu của một bộ phận cán bộ, nhân dân, doanh nghiệp còn thấp. Ban Chỉ đạo về biến đổi khí hậu các cấp đều là các cán bộ kiêm nhiệm, chưa có nhiều kinh nghiệm nên công tác chỉ đạo và điều hành gặp nhiều khó khăn, công tác phối hợp giữa các đơn vị vẫn còn lúng túng. Nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu đòi hỏi đầu tư rất lớn nhưng nguồn kinh phí thực hiện còn hạn chế; chính sách để huy động nguồn lực từ cá nhân, doanh nghiệp trong nước và quốc tế chưa phát huy được hiệu quả. Việc sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường tại cấp huyện và cấp xã còn nhiều bất cập cũng như kinh phí đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, hệ thống cảnh báo thiên nhiên, sự cố của tỉnh còn thấp nên hiệu quả dự báo chưa cao. Công tác thực thi pháp luật về tài nguyên môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu chưa nghiêm; công tác thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên...
Để nâng cao hiệu quả công tác ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới, tỉnh Nam Định xác định một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần thực hiện tốt như sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiếp tục phổ biến, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương về biến đổi khí hậu. Các cấp ủy bổ sung chương trình công tác hằng năm và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực bộ máy quản lý về ứng phó với biến đổi khí hậu các cấp. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức về ứng phó biến đổi khí hậu, chú trọng tới cán bộ quản lý, cán bộ lập kế hoạch, cán bộ chuyên trách huyện, xã.
Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm sức khỏe cho người dân. Tiếp tục đa dạng hóa hình thức, đổi mới nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng; xác định các đối tượng ưu tiên tuyên truyền, giáo dục về ứng phó biến đổi khí hậu, như lồng ghép kiến thức cơ bản biến đổi khí hậu vào các trường học, các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, vẽ tranh, viết báo tường, các hội thi,... biểu dương khen thưởng các điển hình tốt. Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành. Giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đối với sức khỏe con người. Đẩy mạnh giám sát và kiểm soát về y tế địa phương để bảo đảm an toàn sức khỏe cho nhân dân; áp dụng các giải pháp về công nghệ, trang thiết bị kiểm soát dịch bệnh phát sinh, phát triển, lây lan trong điều kiện biến đổi khí hậu, nhất là sau thiên tai.
Ba là, đẩy mạnh năng lực dự báo, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mới, tiên tiến cũng như đẩy mạnh việc hiện đại hóa, tự động hóa các trang thiết bị kỹ thuật quan trắc tài nguyên và môi trường để nâng cao hiệu quả dự báo, cảnh báo, điều tra, đánh giá, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thường xuyên cập nhập, hoàn thiện kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu. Nâng cao tính khoa học và tính thực tiễn trong các chương trình, kế hoạch về ứng phó biến đổi khí hậu cho từng giai đoạn, từng ngành, từng địa phương. Thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, cấp ngành để đạt các mục tiêu về ứng phó biến đổi khí hậu. Thu hút các dự án đầu tư có công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, ít chất thải; nghiên cứu phát triển và tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến cho ứng phó biến đổi khí hậu. Khuyến khích sử dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng nhằm giảm thiểu phát thải các-bô-níc và sử dụng các nguồn nhiên liệu mới như xăng sinh học, các nguồn nguyên liệu thay thế phục vụ cho sản xuất và sinh học.
Bốn là, đẩy mạnh hoạt động đầu tư, đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính, tăng cường và đa dạng hóa nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu. Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Kết hợp tăng chi từ ngân sách với đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, nhất là các nguồn vốn ưu đãi cho ứng phó với biến đổi khí hậu. Hằng năm, ưu tiên bố trí ngân sách phù hợp cho công tác điều tra cơ bản, xử lý ô nhiễm môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu. Thực hiện tốt công tác xã hội hóa để huy động tối đa các nguồn lực, kể cả các nguồn ODA để đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là lĩnh vực công nghệ sử dụng năng lượng cac-bon thấp, hoặc năng lượng không các-bon (mặt trời, gió,..), trồng và bảo vệ rừng. Thực hiện chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tham gia hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; hỗ trợ người dân trồng và bảo vệ rừng, nhất là rừng ngập mặn ven biển.
Năm là, tăng cường giao lưu và hợp tác quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu. Chủ động phối hợp chặt chẽ với Trung ương và các tỉnh, thành phố thuộc lưu vực sông Nhuệ - Đáy để trao đổi thông tin, kinh nghiệm về ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ cho phát triển của vùng kinh tế trọng điểm nói chung và của Nam Định nói riêng. Đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan, tổ chức quốc tế để tiếp cận công nghệ mới và huy động nguồn lực cho giảm phát thải khí gây “hiệu ứng nhà kính”, thích ứng với biến đổi khí hậu./.
Hướng tới Cộng đồng ASEAN: AEC hứa hẹn kỷ nguyên mới  (16/12/2015)
Campuchia hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong cắm mốc biên giới  (16/12/2015)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Pháp  (16/12/2015)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Chủ tịch Thượng viện Campuchia  (16/12/2015)
Ngày làm việc thứ ba Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành TW Đảng  (16/12/2015)
Việt Nam tham dự Diễn đàn Văn hóa Quốc tế Saint Petersburg lần thứ IV  (16/12/2015)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay