Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII: Quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh hiệu quả chưa cao
TCCSĐT - Thực hiện Nghị quyết số 74/2014/QH13, ngày 24-6-2014 của Quốc hội về Chương trình giám sát năm 2015 và Nghị quyết số 820/NQ-UBTVQH13, ngày 17-10-2014 về thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 - 2014”, Đoàn giám sát trực tiếp làm việc tại 27 huyện, 16 nông trường, 10 lâm trường, 06 ban quản lý rừng thuộc 20 tỉnh, thành phố.
Ngoài ra, Đoàn giám sát còn tổ chức nhiều cuộc hội thảo và làm việc với nhiều bộ, ngành liên quan để làm rõ một số nội dung, số liệu và trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai, đánh giá hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai của các cơ quan Trung ương, địa phương, các nông, lâm trường, đơn vị được Nhà nước giao đất.
Ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật
Trong hơn 10 năm (2003-2014), thực hiện chủ trương đẩy mạnh việc tiếp tục sắp xếp đổi mới, phát triển nông, lâm trường quốc doanh, Bộ Chính trị đã ban hành các Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 16-6-2003 và Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 12-3-2014 về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước - Trưởng đoàn giám sát cho biết, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai của các nông, lâm trường, các công ty nông, lâm nghiệp được ban hành kịp thời, là cơ sở pháp lý quan trọng để sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 - 2014. Nội dung các chính sách, pháp luật đã được xây dựng tương đối phù hợp với tình hình thực tiễn chuyển đổi mô hình, cơ chế hoạt động của các nông, lâm trường, các công ty nông, lâm nghiệp trong từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội. Các quy định của pháp luật về quản lý đất đai đã xác định rõ quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng đất, trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai nên đã nâng cao được vai trò, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân cũng như ý thức sử dụng tiết kiệm nguồn lực về đất đai của các doanh nghiệp, nông, lâm trường so với thời gian trước đây, nhờ đó đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, quản lý tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên quá trình quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường, đã trải qua nhiều lần thay đổi luật đất đai và các quy định, chính sách đất đai, nhưng việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn, tổ chức thực hiện của các bộ, ngành còn chậm, chưa đồng bộ; tính ổn định của văn bản chưa cao, nhiều nội dung tại các Nghị định, Thông tư thường xuyên có sửa đổi, bổ sung, gây khó khăn trong việc triển khai thực hiện. Chủ trương chính sách sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh thời gian qua mới chủ yếu làm thay đổi hình thức tổ chức quản lý, chưa làm thay đổi căn bản cơ chế quản lý và quản trị doanh nghiệp nên chưa tạo được sự chuyển biến căn bản theo mục tiêu đề ra. Do buông lỏng quản lý, áp dụng không đúng chủ trương chính sách khoán nên một số nông, lâm trường không còn thực chất là doanh nghiệp nhà nước, nhưng vẫn áp dụng cơ chế chính sách sắp xếp, đổi mới như nhau là không phù hợp. Việc ban hành một số chính sách quản lý lao động, tổ chức sản xuất, quản lý đất nông, lâm nghiệp theo kiểu hành chính, mệnh lệnh đã làm hạn chế quyền chủ động, sáng tạo của doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, gây nên những hậu quả lâu dài và phức tạp, rất khó khắc phục trong quản lý, sử dụng đất đai của các nông, lâm trường. Đối tượng sản xuất của các công ty nông, lâm nghiệp là cây trồng và vật nuôi, tư liệu sản xuất chủ yếu là đất đai. Nhưng trong thời gian qua, việc bán vườn cây, đàn gia súc ở một số nông, lâm trường chưa tính toán đến giá trị quyền sử dụng đất, hoặc khi cổ phần hóa nhưng không đề cập đến giá trị quyền sử dụng đất đã gây ra những mâu thuẫn mà đến nay vẫn chưa xử lý được.
Nhiều tồn tại cần khắc phục
Đoàn giám sát đánh giá, giai đoạn 2004 - 2014, công tác quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường quốc doanh đã có những chuyển biến tích cực so với giai đoạn trước 2004, tuy nhiên những hạn chế, tồn tại cũng đã được phân tích chỉ rõ trên từ mặt công tác.
Công tác quy hoạch đất và quy hoạch 3 loại rừng ở địa phương chưa sát thực tế và tổ chức thực hiện quy hoạch chưa nghiêm. Trong giai đoạn 2004 - 2014, do chính sách đầu tư phát triển rừng phòng hộ, nên nhiều nông, lâm trường đã chuyển một lượng lớn diện tích đất thành đất rừng phòng hộ. Ngân sách không đủ đầu tư, quản lý quy hoạch chưa tốt nên các Ban quản lý rừng còn để đất hoang hóa, chưa đưa vào sử dụng, trong khi người dân rất cần đất sản xuất mà chính quyền lại không thể chuyển giao.
Các nông, lâm trường được Nhà nước giao quản lý diện tích đất đai khá lớn (7.916.366 ha), song việc quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu là sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh, nhiều tồn tại về quản lý, sử dụng đất đai chậm được khắc phục, có nơi còn diễn biến phức tạp hơn. Tình trạng giao khoán đất sai mục đích, sai đối tượng, thất thoát, lãng phí tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng khá phổ biến. Hiệu quả sử dụng tài nguyên đất, tài nguyên rừng, vườn cây lâu năm và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nhiều công ty chưa cao (điển hình ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên, duyên hải miền Trung). Tình trạng sử dụng sai mục đích, để đất hoang hóa, đất chưa sử dụng vẫn còn khá nhiều (hiện còn 236.619ha đất chưa sử dụng). Kết quả sắp xếp, chuyển đổi mô hình quản lý, quản trị doanh nghiệp còn hình thức. Phần lớn các công ty nông, lâm nghiệp chưa chuyển sang hình thức thuê đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất (khoảng 60% các công ty nông, lâm nghiệp với 88% diện tích). Vì vậy, từ báo cáo của các địa phương, đến báo cáo của Chính phủ đều không tổng hợp được đầy đủ số liệu về hiệu quả sản xuất kinh doanh và kết quả thu nộp ngân sách của toàn bộ các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng, các tổ chức, doanh nghiệp quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh. Diện tích đất các nông, lâm trường kê khai để tính tiền thuê đất, tiền sử dụng đất chủ yếu là diện tích đất phi nông nghiệp, đất xây dựng trụ sở, hoặc sử dụng vào mục đích kinh doanh khác.
Kết quả sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường theo Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị thực hiện chậm, hiệu quả đạt thấp, nhiều mục tiêu không hoàn thành; nhiều nông, lâm trường hoạt động không hiệu quả nhưng vẫn tồn tại. Hầu hết các nông, lâm trường mới thực hiện chuyển đổi tên gọi thành công ty hoặc Ban quản lý mà chưa có sự thay đổi trong quản trị đơn vị và quản lý, sử dụng đất đai. Việc rà soát sử dụng đất của các nông, lâm trường mới chủ yếu thực hiện trên sổ sách mà không được rà soát trên thực địa; hầu hết nông, lâm trường sau khi được sắp xếp lại đã không thực hiện việc lập hoặc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chi tiết để phù hợp yêu cầu nhiệm vụ mới sau khi sắp xếp lại. Phần lớn các nông, lâm trường chuyển đổi thành doanh nghiệp (hơn 60% nông, lâm trường với khoảng 88% diện tích) đã không làm thủ tục chuyển sang giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất theo quy định của Luật Đất đai.
Tại các đơn vị sau cổ phần hóa, công tác quản lý đất đai vẫn còn lỏng lẻo. Trong 3 đơn vị cổ phần hóa, do không quản lý chặt chẽ nên phần lớn diện tích đất trước đây nông, lâm trường đã giao khoán cho người lao động đã bị chuyển mục đích sử dụng, chuyển nhượng trái phép (trước khi cổ phần hóa). Khi thực hiện cổ phần hóa, đơn vị không thu hồi được (điển hình là: Công ty cổ phần Gà giống Ba Vì, Công ty cổ phần Giống nông - lâm nghiệp Quảng Nam; Công ty cổ phần xuất nhập khẩu nông - lâm sản chế biến, thuộc Tổng công ty Rau quả - Nông sản, Công ty Việt Mông…). Tại 10 đơn vị do thực hiện khoán trắng, nên khi thực hiện cổ phần hóa, công tác quản lý đất đai, định hướng kế hoạch sản xuất, kinh doanh rất khó khăn, không thu hồi được các diện tích khoán và đang sử dụng không đúng mục đích (điển hình là: Công ty cổ phần Đông Triều, Công ty Chè Long Phú, Công ty lâm đặc sản Quảng Nam…). 11/32 đơn vị sau khi cổ phần hóa đã không thực hiện rà soát, quy hoạch sử dụng đất và làm thủ tục chuyển sang giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất theo quy định của Luật Đất đai.
Thực hiện giao khoán rừng, đất lâm nghiệp và đất sản xuất nông nghiệp đã nẩy sinh nhiều vấn đề phức tạp, có biểu hiện vi phạm pháp luật như giao khoán đất nông, lâm nghiệp cho những người không thuộc đối tượng trực tiếp sản xuất nông, lâm nghiệp. Nhiều nông, lâm trường, nhất là những nơi khoán trắng, không quản lý chặt chẽ quá trình sử dụng đất sau khi giao khoán, để xảy ra tình trạng người nhận khoán đất của công ty nông, lâm nghiệp tự do chuyển nhượng, mua bán hợp đồng giao khoán, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật, tự ý xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ kiên cố trên đất nhận khoán là phổ biến, nhất là đất vùng ven đô thị, gây nhiều bức xúc (điển hình là một số nông, lâm trường ở các tỉnh Tây Nguyên, Tây Bắc và trên địa bàn Hà Nội). Một số nông, lâm trường để người nhận khoán chuyển nhượng đất cho người ở các thành phố, địa phương khác không nhằm mục đích sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Nhiều nông, lâm trường thực hiện bán vườn cây, hoặc khoán trắng dẫn đến không quản lý được sản xuất do người nhận khoán cho rằng vườn cây, đất giao khoán là của người lao động tự đầu tư nên không chấp nhận việc quản lý về đất đai và điều hành sản xuất của nông, lâm trường (điển hình như Công ty Chè Mộc Châu, Công ty Chè Yên Bái, Công ty cổ phần Thực phẩm Bắc Giang, Công ty cổ phần Đông Triều...).
Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các nông, lâm trường ở các địa phương còn chậm, đến nay còn 43,5% số đơn vị với 54,2% diện tích chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài ra nhiều nông, lâm trường đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ trước khi được sắp xếp lại theo Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị, sau khi sắp xếp lại đã chuyển đổi loại hình tổ chức, thay đổi chế độ sử dụng và thu hẹp quy mô đất đai, nhưng chưa làm thủ tục điều chỉnh hoặc cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Một số nông, lâm trường đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước đây có diện tích cấp lớn hơn diện tích hiện nay đang quản lý, sử dụng, do hồ sơ giao đất không sát thực tế (giao chồng lấn vào diện tích đất của dân đang sử dụng).
Việc bàn giao đất cho địa phương quản lý thực hiện còn chậm. Theo báo cáo của các địa phương, trong 10 năm qua các nông, lâm trường, ban quản lý rừng đã bàn giao cho địa phương quản lý 883.012 ha. Tuy nhiên, so với quy định của pháp luật đất đai và Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị thì diện tích đất đã bàn giao cho địa phương còn thấp so với yêu cầu. Nhiều nông, lâm trường chủ yếu mới thực hiện việc bàn giao trên giấy tờ, chưa bàn giao trên thực địa. Việc thu hồi đất của các nông, lâm trường sau khi sắp xếp lại thực hiện còn chậm, dẫn đến tình trạng đất “vô chủ” kéo dài, làm gia tăng tình trạng lấn chiếm đất trái phép. Diện tích đất bàn giao cho địa phương chủ yếu là đất các công trình hạ tầng công cộng hoặc đất xa, xấu, khó canh tác, đất đang có tranh chấp hoặc vi phạm khó giải quyết nên chính quyền địa phương không muốn tiếp nhận. Một số nơi bàn giao đất tốt, trên đất đang có vườn cây, rừng trồng nhưng địa phương còn lúng túng do không xác định được nguồn vốn trồng rừng, trữ lượng rừng để bàn giao và cách thức tính toán giá trị tài sản đền bù hoặc bên nhận đất không có khả năng thanh toán tiền đền bù giá trị tài sản trên đất.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho biết, tại kỳ họp thứ 10, đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường nhằm sớm khắc phục những bất cập, tồn tại, bảo đảm việc quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai tại các nông, lâm trường, công ty nông, lâm nghiệp và ban quản lý rừng theo đúng các quy định của pháp luật./.
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 02 đến ngày 08-11-2015  (09/11/2015)
Hội nghị tham vấn không chính thức cấp bộ trưởng: Bước chuẩn bị cho Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu - COP 21  (09/11/2015)
Một số kinh nghiệm trong tổ chức Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ chí Minh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020  (09/11/2015)
Tổng thống Italy Sergio Mattarella kết thúc chuyến thăm Việt Nam  (08/11/2015)
Fitch xếp hạng tín nhiệm Việt Nam mức BB- với triển vọng ổn định  (08/11/2015)
Hội đồng Bảo an ra tuyên bố về tình hình khủng hoảng Libya  (08/11/2015)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên