Phong trào cộng sản Nam Á từ sau chiến tranh lạnh đến nay

Mẫn Huyền Sâm ThS, Vụ Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương, Ban Đối ngoại Trung ương
19:54, ngày 01-09-2015

TCCS - Phong trào cộng sản tại Nam Á ra đời từ rất sớm và mở rộng hoạt động tại hầu hết các nước trong khu vực. Sau thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, chủ nghĩa Mác - Lê-nin bắt đầu có ảnh hưởng sâu rộng tới các phần tử tiên tiến của giai cấp công nhân và tầng lớp tiểu tư sản trí thức mới trong phong trào giải phóng dân tộc ở tiểu lục địa Nam Á. Từ những năm 20 của thế kỷ XX, được sự giúp đỡ của quốc tế cộng sản, các nhóm cộng sản đầu tiên được thành lập ở ba trung tâm công nghiệp lớn là Can-cút-ta, Bom-bay nay là Mum-bai (Ấn Độ) và La-ho (Pa-ki-xtan).

Quá trình hoạt động của các đảng cộng sản tại Nam Á

Giai đoạn đầu, một số đảng chủ trương tiến hành đấu tranh vũ trang và đã có những đóng góp tích cực vào phong trào đấu tranh chung của nhân dân chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc cho đất nước, như Đảng Cộng sản Ấn Độ (CPI, giai đoạn 1925 - 1947), Đảng Cộng sản Xri Lan-ca (CPSL, những năm 40), Đảng Cộng sản Băng-la-đét (CPB, trước những năm 70),... Tuy nhiên, trừ Đảng Nhân dân Áp-ga-ni-xtan nắm chính quyền tại Áp-ga-ni-xtan từ năm 1978 - 1992, các đảng còn lại đều không thành công trong việc giành chính quyền về tay nhân dân lao động bằng con đường đấu tranh vũ trang.

Những năm 60 và đầu những năm 70, phong trào cộng sản, cánh tả ở một số nước Nam Á gặp nhiều khó khăn do Chiến tranh lạnh diễn ra gay gắt và bất đồng trong nội bộ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Nhiều đảng bị đàn áp, cấm hoạt động, phải rút vào hoạt động bí mật hoặc bán công khai; một số đảng bị phân liệt thành các đảng hoặc các nhóm cộng sản “thân Liên Xô” hoặc “thân Trung Quốc”.

Giai đoạn cuối những năm 70 đến giữa những năm 80, vượt qua những khó khăn, các đảng vẫn tiếp tục kiên định những tư tưởng và nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, có những điều chỉnh mạnh mẽ về đường lối, sách lược, đáng chú ý là hầu hết các đảng chuyển sang hình thức đấu tranh hòa bình thông qua con đường nghị trường để giành chính quyền về tay nhân dân lao động và tiến tới xây dựng chủ nghĩa xã hội ở từng nước. Ngoài ra, các đảng luôn đi tiên phong trong cuộc đấu tranh vì lợi ích của những người lao động, vì hòa bình, dân sinh, dân chủ. Một số lãnh đạo của các đảng cộng sản tham gia lãnh đạo các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị quốc tế, như Hội đồng hòa bình thế giới, Tổ chức đoàn kết Á - Phi, Liên hiệp công đoàn thế giới, Hội Liên hiệp phụ nữ dân chủ thế giới, Liên hiệp thanh niên, sinh viên dân chủ thế giới,... Phong trào học sinh, sinh viên xuống đường biểu tình chống Mỹ, ủng hộ Việt Nam do các đảng cộng sản Nam Á lãnh đạo được hình thành từ những năm 50 đến những năm 70 tạo nên một làn sóng lớn, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, chính đảng tham gia.

Sau Chiến tranh lạnh, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, kinh tế tri thức và quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, tác động sâu sắc đến sự phát triển của nhiều nước; hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế chủ đạo trên thế giới, kéo theo những điều chỉnh rõ nét về chính sách đối ngoại của các nước; thế giới vẫn còn tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định, như tranh chấp về ảnh hưởng và quyền lực, biên giới, lãnh thổ, biển, đảo, tài nguyên, xung đột sắc tộc và tôn giáo, nhiều điểm “nóng” trên thế giới vẫn chưa được giải quyết, ảnh hưởng đến vận mệnh loài người, đòi hỏi sự hợp tác để giải quyết của tất cả các quốc gia, dân tộc.

Tại Nam Á, Ấn Độ nổi lên trở thành cường quốc khu vực và gia tăng vai trò trên trường quốc tế; xu hướng dân chủ hóa ngày càng được mở rộng, hợp tác nội khối được củng cố và kinh tế dần cải thiện với tốc độ tăng trưởng khá, tuy nhiên tranh giành quyền lực nội bộ, bạo lực, xung đột sắc tộc, tôn giáo, khủng bố có liên quan đến lực lượng Hồi giáo cực đoan vẫn tiếp tục xảy ra tại nhiều nước; cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn gay gắt, kinh tế khu vực kém phát triển, tình trạng nghèo đói, mù chữ, tăng dân số,... vẫn rất nghiêm trọng.

Khắc phục khó khăn trong quá trình hoạt động

Là một bộ phận của phong trào cộng sản quốc tế, các đảng cộng sản tại Nam Á cũng chịu những tác động bất lợi, mặc dù không nặng nề như các đảng tại châu Âu từ sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Những năm 1989 - 1991 là thời gian khó khăn nhất đối với phong trào cộng sản tại Nam Á. Hầu hết các đảng tỏ ra lúng túng về đường lối, tổ chức; nội bộ phân hóa nghiêm trọng, bị chia rẽ, phân liệt; số lượng đảng viên sụt giảm, cơ sở hoạt động của các đảng bị thu hẹp, thậm chí một số đảng bị tan rã, chấm dứt hoạt động.

Hầu hết hoạt động của các đảng trong giai đoạn này đều tập trung vào việc đánh giá và tìm cách hạn chế những ảnh hưởng do sự kiện trên gây ra, củng cố nội bộ, như tiến hành đại hội, đẩy mạnh đấu tranh nội bộ, tự phê bình, xác định nguyên nhân tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu, rút ra bài học kinh nghiệm, xác định con đường đấu tranh mới phù hợp với thực tiễn của đất nước.

Tại Ấn Độ, trước tình trạng phong trào cộng sản lúng túng, hoang mang về những vấn đề lý luận mới; một bộ phận đảng viên xuất hiện tâm trạng hoài nghi, mất niềm tin về chủ nghĩa Mác - Lê-nin và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, Đảng CPI và Đảng Cộng sản Ấn Độ Mác-xít (CPI-M) đã tập trung vào công tác lý luận và xây dựng Đảng nhằm đề ra đường lối, chính sách phù hợp trong tình hình mới cũng như củng cố lực lượng, tạo chỗ đứng trên chính trường.

Tại Nê-pan, Đảng Cộng sản Nê-pan Mác-xít Lê-nin-nít Thống nhất (CPN-UML) triệu tập Đại hội V (tháng 1-1993) tiếp tục khẳng định giá trị tiến bộ của chủ nghĩa Mác và kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội(1). Đảng CPI(M) tổ chức Đại hội XIV (tháng 1-1992) thông qua nhiều văn kiện, như Nghị quyết về một số vấn đề tư tưởng, Báo cáo tổ chức và nhiệm vụ của Đảng, sửa đổi Điều lệ Đảng, Nghị quyết về xem xét sửa đổi Cương lĩnh Đảng; Đảng CPI cũng tổ chức Đại hội XV (tháng 4-1992) thông qua một số văn kiện quan trọng, như Cương lĩnh sửa đổi, Điều lệ Đảng sửa đổi và Nghị quyết về “Những diễn biến tại Liên Xô và Đông Âu” nhằm cập nhật những chuyển biến của tình hình.

Tại Xri Lan-ca, Đảng CPSL tiếp tục kiên định theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, khẳng định chỉ có con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mới đem lại công bằng xã hội, xóa bỏ quan hệ bóc lột giữa người với người, nâng cao đời sống và bảo đảm quyền dân chủ cho nhân dân Xri Lan-ca(2); chủ trương tạo ra sự thay thế thực sự của các lực lượng dân chủ và cánh tả do giai cấp lao động lãnh đạo nhằm đưa Xri Lan-ca đi lên chủ nghĩa xã hội; đồng thời điều chỉnh chiến lược theo hướng tham gia liên minh cầm quyền với Đảng Tự do Xri Lan-ca (SLFP) nhằm mục tiêu ngăn cản Đảng Cánh hữu Dân tộc thống nhất (UNP) nắm quyền, mở rộng dân chủ, tăng cường công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giúp đỡ người nghèo và giải quyết các vấn đề của đất nước, nhất là vấn đề sắc tộc và nội chiến(3).

Tại Băng-la-đét, Đảng CPB tập trung hoạt động củng cố lại tư tưởng, lực lượng và tổ chức sau khi bị phân liệt (năm 1993), thông qua cương lĩnh mới với tên gọi “Cương lĩnh cách mạng dân tộc dân chủ” và chiến lược “chuyển hóa dân chủ cách mạng” đối với bộ máy nhà nước và xã hội, nhằm đưa đất nước thoát khỏi sự kiểm soát và thống trị của chủ nghĩa đế quốc, chống các chính sách kinh tế tự do mới, xóa bỏ tàn dư của chế độ phong kiến, thực hiện dân chủ hóa tất cả các mặt của đời sống chính trị, kinh tế và xã hội để tiến lên con đường phát triển đất nước độc lập.

Về cơ bản, nội dung chiến lược, cương lĩnh chính trị sửa đổi hoặc cương lĩnh mới của các đảng đều nổi lên một số nội dung chủ yếu: khẳng định tính đúng đắn và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, cho rằng sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu không phải là sự cáo chung của chủ nghĩa xã hội, mà chỉ là sự thất bại của một mô hình cụ thể, từ đó tiếp tục khẳng định niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lê-nin và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; thừa nhận tương quan lực lượng trên thế giới đang tạm thời nghiêng về chủ nghĩa tư bản, tuy nhiên, thời đại ngày nay vẫn trong giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội sẽ lâu dài, phức tạp và phải trải qua nhiều giai đoạn. Do đó, đối với các đảng cộng sản tại Nam Á giai đoạn hiện nay là tiến hành cách mạng dân chủ hoặc dân tộc - dân chủ, giành thắng lợi qua con đường đấu tranh nghị trường và lên nắm chính quyền, tiếp theo là sử dụng chính quyền nhà nước để tổ chức nhân dân lao động tiến hành cải biến xã hội, cải tạo nhà nước và hệ thống chính trị, tiến tới xã hội xã hội chủ nghĩa; mỗi đảng cần vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin để xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện cụ thể tại mỗi nước.

Từ giữa những năm 90 của thế kỷ XX đến nay, trên cơ sở vượt qua khủng hoảng về đường lối, các đảng đã khắc phục tình trạng hoang mang, lúng túng ban đầu, dần phục hồi và thậm chí có những bước phát triển mới. Hoạt động của các đảng trong thời gian này tập trung vào: 1- Củng cố, xây dựng đảng mạnh về chính trị - tư tưởng, tổ chức và vận động quần chúng; 2- Chú trọng vào các cuộc bầu cử thông qua các hoạt động cụ thể, như nghiên cứu soạn thảo cương lĩnh tranh cử phù hợp, phân tích các lực lượng chính trị để lập liên minh tranh cử, và vận động tranh cử nhằm giành lá phiếu của cử tri; 3- Đẩy mạnh các cuộc đấu tranh bảo vệ quyền lợi của nhân dân lao động vì hòa bình, dân chủ, dân sinh và tiến bộ xã hội; 4- Tăng cường phối hợp với các đảng cộng sản, công nhân, cánh tả, dân chủ tiến bộ trong nước nhằm xây dựng một mặt trận thống nhất, tạo ra sự thay thế chính quyền tư sản; 5- Mở rộng hoạt động đối ngoại, thể hiện tình đoàn kết và chủ nghĩa quốc tế vô sản với các đảng cộng sản trong khu vực và trên thế giới; đấu tranh, tố cáo âm mưu và hoạt động của chủ nghĩa đế quốc và tư bản tài chính quốc tế.

Một số kết quả đạt được của các đảng cộng sản tại Nam Á

Thứ nhất, các đảng luôn kiên định với chủ nghĩa Mác - Lê-nin và sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, có tinh thần cách mạng, chiến đấu cao và là lực lượng tiến bộ, yêu nước, đi đầu trong phong trào đấu tranh bảo vệ quyền dân sinh, dân chủ, chống chính sách phản dân chủ và nhân dân của các chính quyền tư sản; chống chủ nghĩa đế quốc, chính sách cường quyền của Mỹ và phương Tây nhằm can thiệp công việc nội bộ của các quốc gia độc lập có chủ quyền, đấu tranh bảo vệ hòa bình, độc lập dân tộc và dân chủ trên thế giới, vạch rõ các mưu đồ và hành động của tư bản tài chính quốc tế và các công ty đa quốc gia chi phối và phá hoại độc lập, chủ quyền các nước, gây thiệt hại kinh tế đối với các nước thế giới thứ ba.

Thứ hai, củng cố lực lượng và dần mở rộng ảnh hưởng, xác lập được vị thế nhất định trên chính trường qua việc giành lá phiếu ủng hộ của cử tri trong bầu cử. Hầu hết các đảng gia tăng tổ chức đảng, số lượng đảng viên và mở rộng ảnh hưởng trong các tổ chức quần chúng nông dân, công nhân, công đoàn, phụ nữ, thanh niên, sinh viên...

Thứ ba, bước đầu phối hợp lực lượng, đoàn kết các đảng cộng sản, cánh tả trong nước nhằm tạo mặt trận thống nhất trong đấu tranh và tranh cử, như Mặt trận thứ 3 tại Ấn Độ mà nòng cốt là Đảng CPI và CPI-M; Mặt trận dân chủ cánh tả (LDF) do các đảng cộng sản lãnh đạo tại Băng-la-đét; hợp nhất 3 đảng cộng sản tại Nê-pan vào năm 1991;...

Thứ tư, trên cơ sở độc lập tự chủ, tôn trọng lẫn nhau và bình đẳng, từng bước mở rộng quan hệ hợp tác với các đảng cộng sản, công nhân trong khu vực và trên thế giới thông qua hình thức trao đổi đoàn, trao đổi thông tin, tư liệu, dự đại hội, hội thảo,... đồng thời chủ động và tích cực tham gia các diễn đàn đa phương quốc tế của các chính đảng, nhất là các đảng cộng sản, công nhân và cánh tả, như “Cuộc gặp các đảng cộng sản, công nhân quốc tế”; Diễn đàn đa phương các chính đảng châu Á; Hội thảo quốc tế “Các đảng chính trị và một xã hội mới”; Trang thông tin điện tử của Cuộc gặp các đảng cộng sản và công nhân quốc tế - Solidnet..., nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và các vấn đề lý luận xã hội chủ nghĩa.

Điểm mới trong nhận thức của các đảng về phối hợp hoạt động là mỗi đảng phát huy tinh thần tự chủ, coi việc thực hiện thành công cuộc cách mạng tại mỗi nước là đóng góp hiệu quả nhất vào sự phát triển của phong trào cộng sản quốc tế. Ngoài ra, các đảng luôn nêu cao tinh thần quốc tế vô sản, ủng hộ công cuộc bảo vệ độc lập, chủ quyền và xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa ở các nước do các đảng cộng sản lãnh đạo, chống lại chính sách bao vây, cô lập, phong toả, cấm vận của Mỹ đối với các nước đó.

Những thách thức phải vượt qua

Trong quá tình hoạt động, do thực lực của các đảng còn yếu nên vị thế của các đảng trên chính trường vẫn còn nhiều bấp bênh, thậm chí có lúc thụt lùi. Ngoài Đảng CPN-UML, các đảng còn lại khó có thể giành được chính quyền ở trung ương trong giai đoạn trước mắt để thực hiện mục tiêu lâu dài là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Mặt trận cánh tả tại Ấn Độ do Đảng CPI và CPI-M làm nòng cốt liên tục bị sụt giảm số ghế tại Quốc hội, từ 63 ghế tại cuộc bầu cử Quốc hội khóa 14 (năm 2004), 27 ghế (năm 2009), đến nay chỉ còn 11 ghế; mất vị trí cầm quyền ở hai bang Tây Ben-gan và Kê-ra-la, trong đó Tây Ben-gan được coi là “thành trì của các đảng cộng sản” với việc lực lượng cánh tả liên tục nắm quyền trong 37 năm và hiện nay chỉ còn nắm quyền tại bang nhỏ Tri-pu-ra; Đảng CPB giành 6 ghế trong Quốc hội nhiệm kỳ 1991 - 1995, nhưng hiện nay không giành được ghế nào; Đảng CPSL trong nhiều năm cũng chỉ duy trì được 2 ghế tại Quốc hội.

Những thách thức lớn mà hầu hết các đảng đều đang gặp phải là làm sao thích nghi với tình hình biến đổi cơ cấu giai tầng xã hội ở mỗi nước, vị trí trong phong trào đấu tranh của nhân dân, xác định cơ sở giai cấp - xã hội của đảng và chính sách vận động quần chúng, xác định chiến lược và sách lược liên minh hay tham gia các tập hợp lực lượng chính trị - xã hội trong tranh cử. Việc xử lý vấn đề này có thể giúp mở rộng hoặc làm suy yếu đảng nếu không giữ được bản sắc trong liên minh.

Những thách thức mà các đảng phải đối mặt xuất phát từ một số nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, trong đó các nguyên nhân khách quan bao gồm:

Một là, mất chỗ dựa từ phong trào cộng sản quốc tế cả về tinh thần lẫn vật chất;

Hai là, sự cạnh tranh khốc liệt trên chính trường từ đông đảo các chính đảng, các phong trào khác nhau. Trong đó, đối thủ lớn của các đảng là các đảng tư sản vì những đảng này có vai trò và vị thế rất mạnh nhờ có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời và có nhiều đóng góp to lớn đối với dân tộc, với tư cách là lực lượng chính lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc;

Ba là, ảnh hưởng mạnh mẽ của tôn giáo, sắc tộc trong đời sống xã hội. Nhiều chính đảng, lực lượng chính trị lợi dụng mâu thuẫn tôn giáo, sắc tộc trong hoạt động chính trị đã hạn chế không nhỏ trong việc truyền bá hệ tư tưởng mác-xít cũng như tập hợp lực lượng;

Bốn là, sự can dự mạnh mẽ của Mỹ tại khu vực góp phần tăng cường sự cấu kết giữa lực lượng đế quốc phản động với giai cấp tư sản nhằm thu hẹp và xóa bỏ ảnh hưởng của các đảng cộng sản, cánh tả;

Năm là, môi trường chính trị, an ninh khu vực phức tạp và sự gia tăng cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn thách thức các đảng trong việc phân tích, đánh giá đúng tình hình để từ đó tìm ra con đường đấu tranh phù hợp;

Sáu là, những vấn đề cố hữu tiêu cực của khu vực tác động không nhỏ đến tư tưởng, nhận thức của không ít đảng viên và các đảng cũng như sự phối hợp giữa các đảng, nhất là tư tưởng cục bộ địa phương và quan điểm tôn giáo, sắc tộc;

Bảy là, giai cấp công nhân ở hầu hết các nước Nam Á còn yếu, phân tán (mỗi nước đều có hơn chục tổ chức công đoàn do các chính đảng khác nhau lãnh đạo).

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan nêu trên là các nguyên nhân chủ quan:

Thứ nhất, sự lúng túng về đường lối, chính sách và tập hợp lực lượng, do đó thiếu nhất quán về đánh giá các lực lượng chính trị trên chính trường, cũng như đường hướng, nhiệm vụ cách mạng. Hầu hết các đảng vẫn chưa tìm được biện pháp đấu tranh phù hợp.

Thứ hai, một số đảng vẫn giữ quan điểm tả khuynh hoặc hữu khuynh dẫn tới hai xu hướng hoặc thái quá, phủ định hoàn toàn trong đánh giá một số vấn đề hoặc từ bỏ đấu tranh giai cấp, đầu hàng giai cấp tư sản, xa rời mục tiêu chủ nghĩa xã hội. Một số đảng tỏ ra cứng nhắc và thiếu toàn diện trong đánh giá về chủ nghĩa tư bản, toàn cầu hóa trong khi có đảng bị hạn chế tính độc lập, bản sắc riêng và không thể hiện được vai trò trong các hoạt động đấu tranh ngoài nghị trường vì quá tập trung vào bầu cử, phải thỏa hiệp với các đảng khác trong liên minh và bị ràng buộc vào chủ trương và chính sách chung của liên minh.

Thứ ba, trong nội bộ một số đảng vẫn tồn tại tình trạng mất đoàn kết, bè phái, cục bộ. Tại Ấn Độ, tình trạng chia rẽ, bất đồng trên nhiều vấn đề, thể hiện rõ nhất qua vấn đề hợp nhất đảng vẫn còn tồn tại. Tại Nê-pan, tình trạng tranh giành quyền lực, bè phái trong nội bộ Ban lãnh đạo Đảng CPN-UML diễn ra thường xuyên, nhất là trong các kỳ đại hội, nghiêm trọng nhất là sau Đại hội VI (năm 1998) khiến Đảng bị phân liệt. Tại Băng-la-đét, cũng xảy ra tình trạng phân liệt đảng vào năm 1993.

Ngoài ra, phải kể đến vai trò hạn chế của các đảng trong lãnh đạo giai cấp công nhân và sự phối hợp hoạt động lỏng lẻo, chưa hiệu quả giữa các đảng, kết hợp với tình trạng đảng viên già hóa, điều kiện hoạt động eo hẹp do khó khăn về tài chính, hạn chế về phương tiện truyền thông hiện đại, phương tiện hoạt động,...

Tóm lại, những người cộng sản Nam Á phải hoạt động trong điều kiện hết sức khó khăn do, một mặt, vừa phải tiến hành đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, phong kiến, tư sản mại bản, vừa phải đấu tranh chống những chính sách phản dân chủ, phản nhân dân của các đảng tư sản cầm quyền và chống lại những hủ tục của hệ thống đẳng cấp, tình trạng xung đột tôn giáo, ly khai và chủ nghĩa phân biệt cộng đồng; mặt khác, thế và lực của các đảng còn hạn chế, chưa đủ sức cạnh tranh với các lực lượng tư sản. Hoạt động phối hợp giữa các cộng sản của các nước Nam Á sẽ tiếp tục hạn chế như hiện nay chừng nào chưa có ngọn cờ lãnh đạo trong khu vực và khi mà hầu hết các đảng vẫn còn đang phải tập trung giải quyết tình hình ở trong nước./.

-------------------------------------------

(1) Đảng Cộng sản Nê-pan Mác-xít Lê-nin-nít (CPN-UML): Nghị quyết Đại hội V, tr. 3 - 13

(2) Đảng Cộng sản Xri Lan-ca (CPSL): Vấn đề dân tộc tại Xri Lan-ca (The National Question in Sri Lanka), tr. 10

(3) Văn kiện Đại hội XVI (năm 1998), tr. 18 và theo phát biểu của đồng chí Ra-da Côn-lu-re (Raja Collure), Chủ tịch CPSL tại Cuộc gặp quốc tế thứ 13 các đảng cộng sản và công nhân tại Hy Lạp (từ ngày 9-12 đến ngày 11-12-2011)