Quốc hội biểu quyết thông qua nhiều nội dung quan trọng

BTV tổng hợp (Nguồn: TTXVN)
22:31, ngày 09-06-2015

TCCSĐT - Ngày 09-6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015; nghe Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi); thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016; biểu quyết thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) và thảo luận về dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

* Buổi sáng, với 86,26% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015.

Theo Nghị quyết, sẽ bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII các dự án Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1269/2011/NQ-UBTVQH12 ngày 14-7-2011 về biểu thuế bảo vệ môi trường (đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua tại phiên họp tháng 3-2015); Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 ngày 16-12-2013 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên; Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động sau một năm nghỉ việc; Pháp lệnh quản lý thị trường.

Điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 như sau: bổ sung vào Chương trình năm 2015 các dự án Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1269/2011/NQ-UBTVQH12 ngày 14-7-2011 về biểu thuế bảo vệ môi trường; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 ngày 16-12-2013 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) thông qua tại kỳ họp thứ 10 theo quy trình tại một kỳ họp Quốc hội; Luật Dược (sửa đổi) cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10; Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động sau một năm nghỉ việc thông qua tại kỳ họp thứ 9 theo quy trình tại một kỳ họp Quốc hội; Pháp lệnh quản lý thị trường.

Điều chỉnh thời hạn trình Quốc hội: Chuyển dự án Luật khí tượng thủy văn từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 lên Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, thông qua tại kỳ họp thứ 10; Lùi thời gian trình dự án Luật Biểu tình từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 sang Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11; lùi thời gian trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ từ chương trình thông qua tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII sang Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV; Rút dự án Luật Dân số ra khỏi Chương trình năm 2015...

Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày cho thấy, tính đến ngày 15-5, qua 100 báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân của các bộ, ngành trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và kết quả của các hoạt động lấy ý kiến khác thì đã có khoảng 8,5 triệu lượt ý kiến của nhân dân tham gia góp ý về dự thảo Bộ luật.

Đối tượng lấy ý kiến được trải rộng từ các cơ quan ở trung ương đến các cơ quan, tổ chức ở địa phương; từ các cơ quan nhà nước đến các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo.

Qua tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân và tiếp thu chỉnh lý dự thảo Bộ luật, đa số ý kiến cho rằng, dự thảo Bộ luật được xây dựng công phu. Về cơ bản đã thể chế hóa được đầy đủ, toàn diện các quan điểm, chủ trương của Đảng đã được xác định tại chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và chiến lược cải cách tư pháp; đã cụ thể hóa được các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, về xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên...

Những vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết việc thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005 về cơ bản đều đã có phương hướng giải quyết hợp lý trong dự thảo Bộ luật. Vì vậy, hầu hết các ý kiến đều đánh giá cao về tính dự báo, tính ổn định lâu dài và tính khả thi của dự thảo Bộ luật.

Tuy nhiên, bên cạnh những đánh giá tích cực, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Bộ luật vẫn còn nhiều lỗi về mặt kỹ thuật văn bản; một số quy định có nội dung hoặc chưa rõ ràng, chưa hợp lý hoặc chưa giải quyết được triệt để các vấn đề phát sinh trong thực tiễn giao lưu dân sự. Những vấn đề này cần được khắc phục để bảo đảm quy định của Bộ luật Dân sự thực sự trở thành những chuẩn mực pháp lý trong ứng xử của người dân, trong hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền; bảo đảm hành lang pháp lý thuận lợi, an toàn, ít rủi ro hơn cho người dân, cho các hoạt động kinh tế nói riêng và cho sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nói chung và cho quá trình hội nhập quốc tế của đất nước.

Báo cáo của Chính phủ đã giải trình rõ về 10 vấn đề được xác định là trọng tâm trong quá trình lấy ý kiến nhân dân, bao gồm về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự; về quyền nhân thân của cá nhân; về chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự; về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức; về bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu; về hình thức sở hữu; về thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác theo hợp đồng; về điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi; về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản; về thời hiệu.

Báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) của Ủy ban Pháp luật nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và nhiều nội dung của dự thảo Bộ luật Dân sự đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến nhân dân, các cơ quan, tổ chức, các ngành, các cấp.

Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016 nêu rõ 2016 là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; là năm cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; là năm tiếp tục triển khai thực hiện Hiến pháp mới, với bộ máy của nhiều cơ quan nhà nước có sự điều chỉnh, nhiệm vụ được chuyển giao giữa hai giai đoạn, một số chính sách được định hướng mới.

Bên cạnh việc đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên của mình, các cơ quan phải dành thời gian cho công tác tổ chức, nhân sự; do vậy, việc dự kiến chương trình hoạt động giám sát năm 2016 của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cũng phải được lựa chọn một cách phù hợp, bảo đảm tính khả thi của chương trình.

Năm 2016, Quốc hội sẽ tiến hành ba kỳ họp với những điểm chính của mỗi kỳ họp là Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, diễn ra khoảng 10 ngày, vào cuối tháng 3-2016, tập trung vào việc tổng kết công tác cả nhiệm kỳ; thực hiện giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021; dự kiến không tổ chức chất vấn và giám sát chuyên đề.

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, là kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới, diễn ra khoảng 20 ngày, vào cuối tháng 7-2016, chủ yếu tập trung làm công tác tổ chức bộ máy và nhân sự cấp cao của các cơ quan nhà nước; xem xét báo cáo về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021; tại kỳ họp này, dự kiến không tổ chức chất vấn và giám sát chuyên đề.

Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, diễn ra vào cuối tháng 10-2016; hoạt động của Quốc hội đi vào ổn định, tập trung vào các nội dung chính là kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng và hoạt động giám sát; tại kỳ họp này, dự kiến có tiến hành hoạt động chất vấn và giám sát một chuyên đề.

Về đề xuất nội dung giám sát chuyên đề, trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu ý kiến kiến nghị của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định một trong hai nội dung cụ thể sau đây: Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giai đoạn 2005-2015; định hướng phát triển khoa học, công nghệ để đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2015-2025.

* Chiều ngày 09-6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) và thảo luận về dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Với 85,25% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi). Trước khi biểu quyết thông qua, các đại biểu Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gồm 8 chương 41 điều, quy định về quyền, trách nhiệm, tổ chức, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Nhà nước, nhân dân và các tổ chức; điều kiện bảo đảm hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Thảo luận về dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, nhiều ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Dự án Luật được xây dựng trên cơ sở thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013; tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện tốt hơn chức năng giám sát của các cơ quan quyền lực nhà nước; khắc phục những hạn chế, bất cập trong các quy định của pháp luật hiện hành về giám sát và thực tiễn hoạt động giám sát trong thời gian qua, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân trong thời gian tới, bảo đảm Hiến pháp và pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã góp ý cụ thể về các nội dung: chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn; giám sát chuyên đề của Quốc hội; giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân.

* Từ ngày 11-6 đến ngày 13-6 tới, Quốc hội sẽ thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn đối với 4 bộ trưởng: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát; Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận.

Trước phiên chất vấn và trả lời chất vấn, bên lề Kỳ họp, các đại biểu Quốc hội đều thể hiện mong muốn các bộ trưởng sẽ có những giải pháp cụ thể để giải quyết những vấn đề “nóng”, bức xúc được các đại biểu và cử tri quan tâm./.