TCCSĐT - Sáng 16-5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dự Lễ thông xe cầu Cổ Chiên và tới dự và phát lệnh khởi công xây dựng công trình Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1

Đây là một công trình có ý nghĩa hết sức quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh đối với các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh nói riêng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung và có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược hợp tác tiểu vùng sông Mekong.

Cầu Cổ Chiên nối hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh là một trong bốn cầu lớn trên Quốc lộ 60, gồm cầu Cổ Chiên, Rạch Miễu, Hàm Luông, Đại Ngãi và là một trong những điểm kết nối quan trọng giữa Quốc lộ 60 với các tuyến Quốc lộ thuộc hành lang duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long (gồm các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng).

Dự án Cầu Cổ chiên gồm 2 dự án thành phần, dự án thành phần 1 (cầu Cổ Chiên) được xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực có tổng chiều dài cầu 1.599m. Tổng mức đầu tư là 2.308 tỷ đồng (vốn BOT trên 1.200 tỷ đồng; vốn ngân sách Nhà nước 1.044 tỷ đồng).

Dự án thành phần 2 (đường dẫn vào cầu) có quy mô cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h, bề rộng nền đường giai đoạn trước mắt là 12m, giai đoạn hoàn chỉnh quy mô nền là 20,5m; tổng chiều dài khoảng 9,39km; tổng mức đầu tư khoảng 997 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Cả hai dự án thành phần này đều được khởi công vào tháng 8-2013.

Việc đầu tư, xây dựng và đưa vào sử dụng cầu Cổ Chiên sẽ rút ngắn khoảng cách từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Trà Vinh, tạo kết nối chặt chẽ giữa Quốc lộ 60 và Quốc lộ 1, giảm áp lực giao thông cho Quốc lộ 1, góp phần hình thành một tuyến giao thông hoàn chỉnh và hiện đại, đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng tăng trong khu vực và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh phía Đông cũng như toàn vùng Tây Nam Bộ.

Phát biểu tại Lễ thông xe, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh cầu Cổ Chiên được thông xe, đưa vào sử dụng cùng với cầu Rạch Miễu, Hàm Luông và những công trình khác trong hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng thời gian qua và các công trình đang được đầu tư xây dựng sẽ là điều kiện quan trọng để Bến Tre, Trà Vinh và các tỉnh trong vùng đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

Nhấn mạnh hạ tầng kinh tế - xã hội là một khâu đột phá chiến lược, có ý nghĩa quyết định và nêu rõ, trong điều kiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long đã và đang được tập trung mạnh vào đầu tư, xây dựng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các tỉnh trong vùng tiếp tục quan tâm rà soát, bổ sung, cập nhật quy hoạch; chủ động, sáng tạo trong thu hút đầu tư, thực hiện các mục tiêu phát triển.

Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu rõ, thời gian qua, những kết quả mà các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đạt được là khá tích cực và toàn diện, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Vì vậy, gắn với đại hội Đảng các cấp, các địa phương trong vùng cần tập trung đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể; đề ra các giải pháp hiệu quả nhằm khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế của địa phương cũng như đề ra những giải pháp khắc phục những hạn chế, vướng mắc còn tồn tại, trong đó có hạn chế về kết cấu hạ tầng còn kém phát triển; về nguồn nhân lực chất lượng chưa cao; về nghiên cứu ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; về thu hút đầu tư… để tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.

Tại đây, khẳng định Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các địa phương trong thúc đẩy triển khai các dự án giao thông vận tải, nhất là các dự án trọng điểm, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long đó là việc đẩy nhanh tiến độ dự án mở rộng nâng cấp Quốc lộ 1A từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Cà Mau; hoàn thành dự án đường cao tốc từ Trung Lương đến Cần Thơ; hoàn thành đầu tư, nâng cấp dự án giao thông nối liền đường Hồ Chí Minh từ Bình Phước đến Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang - Cà Mau; hoàn thành hai cầu lớn là Cao Lãnh và Vòm Cống; sớm hoàn thành một số tuyến đường biên giới Việt Nam - Campuchia…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị bên cạnh nguồn vốn đầu tư của Trung ương, các địa phương cần hết sức quan tâm cân đối ngân sách, tìm ra các cách làm năng động, sáng tạo trong huy động các nguồn lực đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó có hạ tầng về giao thông vận tải.

Sáng cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và phát lệnh khởi công xây dựng công trình Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 - một trong những dự án nhà máy nhiệt điện có quy mô lớn, công nghệ hiện đại nhất được xây dựng tại Việt Nam đến thời điểm hiện nay.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 thuộc Trung tâm Điện lực Sông Hậu đặt tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, có tổng công suất 1.200MW gồm 2 tổ máy (2x600MW), diện tích xây dựng 115ha do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư; Ban Quản lý dự án Điện lực Dầu Khí Sông Hậu 1 là đại diện Chủ đầu tư chịu trách nhiệm quản lý dự án; Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) làm Tổng thầu EPC.

Đây là một trong các Dự án trọng điểm quốc gia thuộc Quy hoạch điện VII; đồng thời cũng là một trong ba Nhà máy Nhiệt điện của Trung tâm Điện lực Sông Hậu với tổng công suất 5.200MW. Tổng mức đầu tư của dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 là trên 43.000 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm hiện tại, kết cấu hạ tầng phục vụ thi công dự án đã được cơ bản hoàn thành các hạng mục chính như giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, san lấp mặt bằng, hệ thống cấp điện thi công, hệ thống cấp nước thi công…

Dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực điện của ngành dầu khí Việt Nam định hướng đến năm 2030. Việc triển khai thực hiện dự án sẽ giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương trong giai đoạn xây dựng và hàng trăm lao động trong giai đoạn vận hành.

Dự kiến sau khi hoàn thành và đưa vào vận hành vào năm 2019, Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 sẽ cung cấp vào lưới điện quốc gia khoảng 7,8 tỷ kWh/năm, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng.

Phát biểu tại Lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đây là dự án có quy mô vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại; có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Hậu Giang, khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

“Khi đi vào vận hành, với công suất 1.200MW, cung cấp vào lưới điện quốc gia gần 8 tỷ kWh/năm, Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 sẽ có đóng quan trọng cho bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước. Nếu Nhà máy không được đưa vào vận hành năm 2019 thì miền Nam sẽ thiếu điện, cho nên Chính phủ đã phê duyệt, coi đây là dự án quan trọng, cấp bách và đã cho cơ chế đặc biệt để bảo đảm thi công đến năm 2019 sẽ hoàn thành và đi vào vận hành” Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự cố gắng của Hậu Giang trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, bảo đảm điều kiện cho dự án được khởi công. Thủ tướng yêu cầu Hậu Giang tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ chủ đầu tư, nhà thầu triển khai dự án với quyết tâm đưa nhà máy vào vận hành đúng tiến độ với chất lượng cao nhất, đặc biệt không để xảy ra bất cứ vấn đề gì liên quan đến môi trường.

Cùng với đó, Hậu Giang cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan quan tâm, chăm lo tốt hơn đời sống, việc làm cho các hộ gia đình đã nhường đất cho dự án./.