1 - Năng suất lao động và việc áp dụng tính toán ở Việt Nam

Năng suất lao động (NSLĐ) là chỉ tiêu hiệu quả sử dụng lao động sống, đặc trưng bởi quan hệ so sánh giữa một chỉ tiêu đầu ra (kết quả sản xuất) và một chỉ tiêu đầu vào (lao động làm việc). Đây là một chỉ tiêu khá tổng hợp nói lên năng lực sản xuất của một đơn vị hay cả nền kinh tế - xã hội.

Tùy theo mục đích nghiên cứu của mỗi nước, mỗi ngành khác nhau trong từng giai đoạn khác nhau mà áp dụng chỉ tiêu năng suất lao động (nói cụ thể là chỉ tiêu năng suất lao động sống) theo phương thức khác nhau, được tính toán bằng chỉ tiêu đầu ra khác nhau.

Ở Việt Nam, năng suất lao động được tính toán theo chỉ tiêu giá trị tổng sản lượng (tính toàn bộ giá trị của sản phẩm tương tự như chỉ tiêu giá trị sản xuất ngày nay) được đưa vào chế độ báo cáo thống kê của các xí nghiệp (nay gọi là doanh nghiệp) trong các ngành công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng,... ngay từ những năm đầu mới thành lập ngành thống kê. Trong thời kỳ kế hoạch hóa tập trung có những năm năng suất lao động được coi là một trong những chỉ tiêu pháp lệnh để đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước của doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải,...

Bước sang thời kỳ đổi mới, nhất là phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chỉ tiêu năng suất lao động trong nền kinh tế quốc dân nói chung và các ngành kinh tế nói riêng, bấy lâu ít được chú ý tính toán. Trong chế độ báo cáo của các doanh nghiệp không còn có chỉ tiêu năng suất lao động và như vậy, tất nhiên, trong các ngành cũng không còn phải tổng hợp và báo cáo về chỉ tiêu năng suất lao động nữa. Tuy nhiên, trong nội bộ các doanh nghiệp, năng suất lao động vẫn được tính toán để phục vụ cho yêu cầu phân tích hoạt động kinh tế và chỉ đạo sản xuất của doanh nghiệp. Ở các loại phương tiện thông tin đại chúng và trên nhiều văn bản nhiều khi vẫn nhắc đến chỉ tiêu năng suất lao động, động viên phấn đấu nâng cao năng suất lao động,...

Từ khi nước ta gia nhập tổ chức năng suất châu Á (Asia Productivity Organization - APO) và quan hệ hợp tác quốc tế được mở rộng, đặc biệt là gia nhập khối ASEAN (tháng 7 năm 1995) thì việc nghiên cứu chỉ tiêu năng suất lại được đặt ra.

Cũng thời gian này, Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường) đã thiết lập Trung tâm năng suất Việt Nam. Tuy mới được thành lập nhưng Trung tâm năng suất đã tham gia thực hiện nhiều chương trình của APO liên quan đến Việt Nam, tổ chức hội thảo, cử cán bộ đi nghiên cứu khảo sát ở một số nước trong khu vực, tiến hành một số đề tài khoa học để nghiên cứu cách tiếp cận mới về năng suất, tính toán các chỉ tiêu năng suất, trong đó có chỉ tiêu năng suất lao động và năng suất các nhân tố tổng hợp.

Hiện nay, các chỉ tiêu năng suất lao động và tốc độ tăng năng suất các nhân tố tổng hợp được đưa vào danh mục các chỉ tiêu trong Hệ thống chỉ tiêu Thống kê quốc gia của Việt Nam. Tuy nhiên, mức độ áp dụng ở cấp nào, tính toán cụ thể ra sao thì còn đang ở giai đoạn nghiên cứu để giải thích và hướng dẫn áp dụng rộng rãi.

Trên phạm vi nền kinh tế quốc dân, tổng sản phẩm trong nước (Gross Domestic Production - GDP) là chỉ tiêu được dùng để tính toán tốc độ tăng trưởng kinh tế, làm căn cứ để đánh giá sự phát triển kinh tế của đất nước và tính toán nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng khác, nên tất nhiên sẽ làm căn cứ để tính toán các chỉ tiêu năng suất, trong đó có năng suất lao động trong phạm vi toàn nền kinh tế quốc dân.

Khác với phạm vi chung của nền kinh tế, trong các ngành như công nghiệp, nông - lâm nghiệp vẫn tiếp tục áp dụng chỉ tiêu giá trị sản xuất để tính toán tốc độ tăng trưởng, đánh giá kết quả hoạt động sản xuất của từng ngành cũng như để tính toán các chỉ tiêu năng suất, chất lượng và hiệu quả. Tuy vậy, khi tính toán và phân tích năng suất lao động của các ngành trong quan hệ với năng suất lao động toàn nền kinh tế quốc dân dưới đây, chúng tôi không tính theo chỉ tiêu giá trị sản xuất, mà theo chỉ tiêu giá trị tăng thêm - bộ phận cấu thành nên chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước.

Năng suất lao động tính theo giá trị tăng thêm có ưu điểm hơn hẳn so với năng suất lao động tính theo giá trị sản xuất vì ở tử số của chỉ tiêu năng suất lao động không tính phần chi phí trung gian (phần giá trị này luôn bị tính trùng giữa các doanh nghiệp, giữa các ngành) nên sự biến động của chỉ tiêu năng suất lao động không phụ thuộc vào thay đổi tổ chức sản suất như năng suất lao động tính theo giá trị sản xuất. Hơn nữa, nếu trong toàn nền kinh tế, năng suất lao động tính theo tổng sản phẩm trong nước, thì đối với từng ngành, từng doanh nghiệp, năng suất lao động cũng cần được tính theo giá trị tăng thêm. Có như vậy mới cho phép nghiên cứu, phân tích mối liên hệ giữa năng suất lao động của các doanh nghiệp, các ngành với năng suất lao động chung của toàn nền kinh tế quốc dân.

2 - Phân tích năng suất lao động chung toàn nền kinh tế giai đoạn 2001 - 2005

Từ số liệu về tổng sản phẩm trong nước (GDP) theo giá thực tế và lao động làm việc có trong Niên giám Thống kê của Tổng cục Thống kê, ta tính được mức năng suất lao động của năm 2005 đạt 19,62 triệu đồng. Nếu tính theo giá cố định (giá năm 1994) và nghiên cứu biến động của năng suất lao động ta thấy 5 năm qua năng suất lao động chung toàn nền kinh tế quốc dân của Việt Nam liên tục tăng lên và tăng với xu thế cao dần, cụ thể như sau:

Bảng 1: Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội giai đoạn 2001 - 2005

Năm

2001

2002

2003

2004

2005

Bình quân 5 năm

Tôc độ tăng NSLĐ (%)

4,25

4,48

4,54

5,19

5,51

4,81

Nếu quy đổi mức năng suất lao động toàn nền kinh tế từ giá thực tế (VNĐ) theo tỷ giá hối đoái thành đô la Mỹ (1 USD = 15.858 VNĐ) thì năng suất lao động toàn nền kinh tế của Việt Nam năm 2005 đạt 1.237 USD.

So sánh mức năng suất lao động tính theo USD và tốc độ tăng năng suất lao động tính bằng % năm 2005 của Việt Nam với một số nước trên thế giới, ta có kết quả như sau:

Bảng 2: Mức năng suất và tốc độ tăng năng suất lao động của một số nước và lãnh thổ trên thế giới năm 2005

Tên nước và lãnh thổ

Mức năng suất lao động

Tốc độ tăng NSLĐ

Mức NSLĐ (USD)

Thứ tự

Tốc độ (%)

Thứ tự

Mỹ

77346

1

1,8

12

Nhật

77061

2

1,9

10

Ai-len

62936

3

1,0

15

Hồng Kông

60299

4

5,0

4

Pháp

57677

5

1,4

14

Phần Lan

55698

6

0,1

18

Xin-ga-po

52426

7

1,9

10

Anh

51882

8

0,9

16

Đức

50789

9

0,9

16

Ca-na-đa

49308

10

1,6

13

Ô-xtrây-li-a

45545

11

-1,0

20

Đài Loan

35856

12

2,7

8

Hàn Quốc

27907

13

2,6

9

Ma-lai-xi-a

11300

14

3,0

6

Thái Lan

4305

15

3,0

6

Phi-lip-pin

2807

16

-0,8

19

Trung Quốc

2272

17

7,1

1

In-đô-nê-xi-a

1952

18

4,4

5

Ấn Độ

1242

19

6,6

2

Việt Nam

1237

20

5,51

3

Qua bảng số liệu trên ta thấy năng suất lao động của Việt Nam đạt ở mức thấp xấp xỉ năng suất lao động của Ấn Độ và đứng cuối cùng trong số 20 nước được chọn để so sánh. Nếu so với năng suất lao động của Mỹ (nước có năng suất lao động cao nhất trong bảng), thì năng suất lao động của Việt Nam chỉ mới bằng 1,6%.

Nếu tách riêng 6 nước trong khối ASEAN có trong bảng trên gồm: Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, Thái Lan, Phi-lip-pin, In-đô-nê-xi-a và Việt Nam thì Xin-ga-po dẫn đầu và Việt Nam tất nhiên ở vị trí cuối. Năng suất lao động năm 2005 của Việt Nam so với Xin-ga-po = 2,35%, so với Ma-lai-xi-a = 10,95%, so với Thái Lan = 28,73%, so với Phi-lip-pin = 44,07% và so với In-đô-nê-xi-a = 63,37%. Tuy nhiên, xét về tốc độ tăng năng suất lao động thì trong số những nước này Việt Nam có tốc độ tăng cao (5,51%, đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Ấn Độ) trong khi đó 4 nước còn lại chỉ tăng từ 1,9% - 4,4%. Riêng Phi-lip-pin, năng suất lao động năm 2005 giảm -0,8% và Ô-xtrây-li-a: -1,0%.

Nếu tính theo phương pháp sức mua tương đương (PPP), năng suất lao động của Việt Nam năm 2005 đạt trên 5.000 USD. Tuy nhiên, vẫn ở vị trí cuối cùng của 20 nước kể trên.

Như vậy, có thể nói, năng suất lao động của Việt Nam còn quá thấp so với năng suất lao động của các nước khác. Điều đó có thể giải thích về trình độ kỹ thuật, công nghệ của ta còn thấp, cơ sở vật chất còn nghèo, công tác quản lý còn một số hạn chế, sản xuất còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nếu xét theo xu thế biến động từ năm 2001 - 2005 thì năng suất lao động chung của Việt Nam liên tục tăng lên và có mức tăng khá (từ 4,25% đến 5,51%). Bình quân 5 năm là 4,81%. Những năm gần đây, Việt Nam đã chú ý đầu tư vốn và kỹ thuật để phát triển sản xuất, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế... là những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao năng suất lao động.

3 - Phân tích năng suất lao động theo khu vực kinh tế

Nền kinh tế Việt Nam chia thành 3 khu vực: Kinh tế nhà nước, kinh tế ngoài nhà nước (gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, kinh tế tư nhân,...) và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (gồm các loại hình 100% vốn đầu tư nước ngoài và loại hình liên doanh liên kết với nước ngoài).

Trong 3 khu vực kinh tế nói trên, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài luôn có mức năng suất lao động cao nhất. Năm 2005, năng suất lao động theo giá thực tế của khu vực kinh tế này đạt 196,97 triệu đồng. Khu vực kinh tế nhà nước có mức năng suất đứng vị trí thứ hai, đạt 78,01 triệu đồng. Thấp nhất là năng suất lao động của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, đạt 10,1 triệu đồng.

Nếu so sánh năng suất lao động năm 2005 của các khu vực kinh tế có mức đạt được cao hơn là khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế nhà nước với năng suất lao động của khu vực kinh tế có mức thấp nhất (khu vực kinh tế ngoài nhà nước), thì năng suất lao động khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài gấp 19,50 lần và mức năng suất lao động của khu vực kinh tế nhà nước gấp 7,72 lần. Nói cách khác, nếu lấy mức năng suất của khu vực kinh tế ngoài nhà nước là 1 đơn vị, thì năng suất lao động của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là 19,50 đơn vị và kinh tế nhà nước là 7,72 đơn vị.

Quan sát theo thời gian, năng suất lao động giữa 3 khu vực kinh tế trên ở những năm trước còn có sự chênh lệch nhiều hơn, và đã ngày càng được thu hẹp, tức là theo xu hướng càng những năm về sau mức độ chênh lệch này càng nhỏ dần (xem sơ đồ 1)
 

Sơ đồ 1: Quan hệ giữa mức năng suất lao động của 3 khu vực kinh tế từ năm 2001 đến 2005[1]

Nếu so sánh năng suất lao động của khu vực kinh tế nhà nước, đặc biệt là năng suất của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt được năm 2005 với mức năng suất lao động chung toàn nền kinh tế quốc dân đạt được của các nước trên thế giới và trước hết là so với 10 nước thuộc "tốp dưới" trong số 20 nước kể trên, thì năng suất lao động của Việt Nam không phải là quá thấp. Năng suất lao động của khu vực kinh tế nhà nước, năm 2005 đạt 78,01 triệu đồng tương đương 4.919 USD. Còn mức năng suất lao động bình quân chung của 2 khu vực kinh tế nhà nước và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài năm 2005 đạt 94,75 triệu đồng, tương đương 5.975 USD.

Theo hai phương án mức năng suất lao động của khu vực kinh tế nhà nước cũng như năng suất lao động chung của khu vực kinh tế nhà nước và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đều cao hơn mức năng suất lao động chung cả nền kinh tế quốc dân đạt được của 5 nước: Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Trung Quốc, Phi-lip-pin và Thái Lan.

Qua đây có thể thấy, năng suất lao động chung của cả ba khu vực ở Việt Nam đạt thấp chủ yếu là do, năng suất lao động của khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt quá thấp, trong khi đó lao động của khu vực kinh tế này lại rất lớn, chiếm tới 88% tổng số lao động làm việc ở cả ba khu vực.

Xét về tốc độ tăng, quan sát năng suất lao động tính theo giá cố định (giá năm 1994), thì năng suất lao động khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng nhanh và đều nhất, sau đến năng suất lao động khu vực kinh tế nhà nước. Năng suất lao động khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài liên tục giảm qua các năm. Đến năm 2005, bắt đầu tăng lên và có mức tăng khá (tăng trên 5%), nhưng bình quân cả thời kỳ 2001 - 2005 năng suất lao động khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài vẫn giảm trên 10%. Cụ thể xem bảng 3.

Bảng 3: Tốc độ tăng năng suất lao động của toàn nền kinh tế và các khu vực kinh tế thời kỳ 2001 – 2005

Đơn vị tính: %

Năm

2001

2002

2003

2004

2005

Bình quân 5 năm

1. KV kinh tế nhà nước

4,39

2,91

0,05

5,84

6,87

3,98

2. KV kinh tế ngoài nhà nước

4,16

4,85

4,29

4,55

5,17

4,60

3. KV kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài

-32,85

-11,73

-6,55

-8,11

5,63

-11,67

Có thể biểu diễn tốc độ tăng năng suất lao động của các khu vực kinh tế từ năm 2001 đến năm 2005 qua sơ đồ 2:
 

4 - Phân tích năng suất lao động theo ngành kinh tế

Theo hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, nền kinh tế của Việt Nam chia theo nhiều ngành kinh tế khác nhau như công nghiệp; nông, lâm nghiệp, thủy sản; xây dựng, giao thông,... Trên góc độ phân tích năng suất lao động, hơn nữa do điều kiện về số liệu hiện có nên không phân tích sâu đến từng ngành kinh tế mà ở đây chỉ nghiên cứu các ngành và nhóm ngành như sau: Nông - lâm nghiệp, công nghiệp và các ngành kinh tế khác (các ngành kinh tế khác gồm tất cả các ngành còn lại ngoại trừ các ngành nông lâm nghiệp và công nghiệp).

Trong các ngành và nhóm ngành kinh tế trên đây, công nghiệp luôn là ngành tiên tiến hơn, có trình độ kỹ thuật cao nên cũng luôn có năng suất lao động cao hơn. Năm 2005, năng suất lao động của công nghiệp Việt Nam tính bằng chỉ tiêu giá trị tăng thêm - một bộ phận của tổng sản phẩm trong nước theo giá thực tế đạt 52,87 triệu đồng. Nông - lâm nghiệp luôn là những ngành có trình độ kỹ thuật thấp, sản xuất lại phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, do vậy luôn có năng suất lao động thấp nhất, năm 2005 chỉ đạt 6,26 triệu đồng.

Các ngành kinh tế khác có năng suất lao động đứng vị trí thứ hai (sau công nghiệp, nhưng cao hơn nông - lâm nghiệp). Năm 2005, năng suất lao động trong các ngành kinh tế khác đạt 28,04 triệu đồng.

Nếu so sánh mức năng suất lao động của ngành công nghiệp (ngành có năng suất lao động cao nhất) và các ngành kinh tế khác (ngành có năng suất lao động đứng vị trí thứ hai sau ngành công nghiệp) với năng suất lao động của ngành nông, lâm nghiệp (ngành có năng suất lao động đạt thấp nhất) ta thấy năm 2005 năng suất lao động của ngành công nghiệp gấp 8,45 lần và năng suất lao động các ngành kinh tế khác gấp 4,48 lần. Nói cách khác, nếu lấy năng suất lao động ngành nông - lâm nghiệp là một đơn vị thì năng suất lao động ngành công nghiệp đạt 8,45 đơn vị và năng suất lao động các ngành khác đạt 4,48 đơn vị. Nếu quan sát theo thời gian, quan hệ chênh lệch này của cả hai trường hợp giữa năng suất lao động ngành công nghiệp và năng suất lao động các ngành khác so với năng suất lao động ngành nông - lâm nghiệp đều có xu hướng giảm dần qua các năm.

Có thể xem xét mức chênh lệch cụ thể về năng suất của các ngành trên từ năm 2001 đến 2005 như sơ đồ 3.
 

Sơ đồ 3: Quan hệ giữa mức năng suất lao động của các ngành và nhóm ngành kinh tế

Qua số liệu trên, có thể thấy năng suất lao động trong ngành nông - lâm nghiệp của nước ta quá thấp, kém xa năng suất lao động của các ngành kinh tế khác và đặc biệt là so với năng suất lao động ngành công nghiệp, trong khi đó lao động của ngành nông - lâm nghiệp lại chiếm một tỷ lệ khá lớn (năm 2001 là 60,34% và đến năm 2005 là 53,34%), nên đã ảnh hưởng rất nhiều đến mức năng suất lao động chung.

Xét về biến động của năng suất lao động (so sánh năng suất lao động tính theo giá cố định qua các năm), ta thấy: năng suất lao động trong ngành nông - lâm nghiệp tăng đều hơn (từ 3,15% đến 4,21%) và bình quân 5 năm (2001-2005) đạt 3,81%. Năng suất lao động của công nghiệp trong 3 năm đầu (2001 - 2003) tăng không đáng kể, đến năm 2004 có tốc độ tăng tương đương tốc độ tăng năng suất lao động của ngành nông - lâm nghiệp (4,05%) và đến năm 2005 đạt khá cao (6,54%). Mức tăng bình quân 5 năm đạt 2,75%, thấp hơn tốc độ tăng năng suất lao động bình quân 5 năm của ngành nông, lâm nghiệp là -1,06% (=2,75% - 3,81%). Năng suất lao động của các ngành kinh tế khác trong 2 năm 2001 và 2002 giảm chút ít, 3 năm tiếp theo có tăng, nhưng chậm và bình quân 5 năm (2001 - 2005) năng suất lao động của các ngành này gần như không tăng.

Có thể quan sát tốc độ tăng năng suất lao động của từng năm và bình quân 5 năm của các ngành kinh tế như bảng 4.

Bảng 4: Tốc độ tăng năng suất lao động của các ngành kinh tế thời kỳ 2001 - 2005

Đơn vị tính: %

Năm

Ngành KT

2001

2002

2003

2004

2005

Bình quân 5 năm

Chung nền kinh tế

4,25

4,48

4,54

5,19

5,58

4,81

-Ngành nông-lâm nghiệp

4,21

3,15

3,34

4,21

4,14

3,81

-Ngành công nghiệp

0,19

2,03

1,05

4,05

6,54

2,75

Các ngành kinh tế khác

-0,1

-0,03

1,07

1,19

0,20

0,48

Có thể biểu diễn tốc độ tăng năng suất lao động của các ngành kinh tế từ năm 2001 đến năm 2005 qua sơ đồ 4.

 

Sơ đồ 4: Tốc độ tăng năng suất lao động của các ngành kinh tế

Quan sát quan hệ giữa tốc độ tăng năng suất lao động chung của nền kinh tế quốc dân và tốc độ tăng năng suất lao động của các ngành và nhóm ngành kinh tế cho thấy, tốc độ tăng năng suất lao động của toàn nền kinh tế có mức tăng cao hơn mức tăng năng suất lao động của riêng các ngành. Điều đó được giải thích là năng suất lao động của toàn nền kinh tế như là năng suất lao động bình quân giữa năng suất lao động các ngành, vì vậy biến động của năng suất lao động bình quân phụ thuộc vào hai yếu tố: sự biến động trực tiếp về năng suất lao động của các ngành và sự thay đổi cơ cấu lao động theo ngành (nếu tỷ trọng lao động của những ngành có năng suất cao hơn tăng lên còn tỷ trọng lao động của những ngành có năng suất lao động thấp giảm đi thì sự thay đổi cơ cấu đó sẽ làm tăng năng suất lao động bình quân chung. Và ngược lại, nếu tỷ trọng lao động của các ngành có năng suất lao động cao hơn giảm đi, còn tỷ trọng lao động của những ngành có năng suất lao động thấp tăng lên thì sự thay đổi cơ cấu đó sẽ làm giảm năng suất lao động bình quân chung).

Thực tế ở Việt Nam trong 5 năm qua (2001 - 2005), tỷ trọng lao động của ngành công nghiệp và các ngành kinh tế khác có năng suất lao động cao hơn (so với năng suất lao động của ngành nông, lâm nghiệp) luôn tăng lên và tất nhiên tỷ trọng lao động các ngành nông, lâm nghiệp (ngành có năng suất lao động thấp hơn) sẽ giảm đi, xem số liệu bảng 5.

Bảng 5: Tỷ trọng lao động của các ngành kinh tế qua các năm

Đơn vị tính: %

Năm

2001

2002

2003

2004

2005

Tổng số lao động

100,00

100,00

100,00

100,00

100,00

- Tỷ trọng lao động nông - lâm nghiệp

60,34

58,66

56,98

55,37

53,34

- Tỷ trọng lao động công nghiệp và các ngành khác

39,66

41,34

43,02

40,63

46,66

Sự biến động cơ cấu lao động giữa các ngành theo xu hướng như trên đã liên tục đóng góp từ 48,22% - 78,75% vào phần trăm tăng lên của tốc độ tăng năng suất lao động bình quân chung toàn nền kinh tế quốc dân thời kỳ 2001 - 2005 (xem bảng 6).

Bảng 6: Mức độ đóng góp của thay đổi cơ cấu lao động giữa các ngành đối với mức tăng của NSLĐ chung toàn nền kinh tế quốc dân

Đơn vị tính:%

Năm

2001

2002

2003

2004

2005

Bình quân 5 năm

I. Tốc độ NSLĐ của ngành và do thay đổi cơ cấu lao động

-Tăng NSLĐ các ngành

0,90

1,22

1,60

2,69

2,84

1,85

- Thay đổi cơ cấu lao động giữa các ngành

3,35

3,26

2,94

2,50

2,67

2,96

II. Tỷ phần đóng góp trong tốc độ NSLĐ chung của nền KTQD

- Tăng NSLĐ các ngành

21,25

27,18

35,27

51,78

51,52

37,20

- Thay đổi cơ cấu lao động giữa các ngành

78,75

72,82

64,73

48,22

48,48

62,80

Tóm lại, phân tích trên đây cho thấy, năng suất lao động bình quân chung toàn nền kinh tế quốc dân của nước ta đạt được còn ở mức thấp so với các nước trên thế giới. Trong đó, đặc biệt khu vực kinh tế ngoài nhà nước (xét theo hình thức sở hữu) và ngành nông - lâm nghiệp (xét theo ngành kinh tế) có mức năng suất lao động rất thấp, nhưng lại có lao động chiếm tỷ lệ rất cao. Điều đó đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến mức năng suất lao động bình quân chung toàn nền kinh tế quốc dân.

Tuy nhiên, xét theo xu thế biến động, thì năng suất lao động toàn nền kinh tế liên tục tăng lên và có mức tăng khá. Mức tăng lên của năng suất lao động bình quân chung này do sự tăng lên thuần túy về năng suất lao động các ngành, các khu vực đóng góp bình quân dưới 40%, còn do chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng lao động của các khu vực kinh tế, các ngành có năng suất lao động cao hơn tức là giảm tỷ trọng lao động theo tỷ lệ tương ứng của các khu vực kinh tế, các ngành có năng suất lao động thấp đóng góp bình quân trên 60%.

Để không ngừng nâng cao năng suất lao động chung của toàn nền kinh tế quốc dân, trong thời gian tới chúng ta phải hết sức chú ý đầu tư cho phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý sản xuất, đẩy mạnh đào tạo nâng cao trình độ của người lao động... để phấn đấu tăng năng suất lao động đều hơn ở cả 3 khu vực kinh tế, cũng như tất cả các ngành kinh tế quốc dân. Phải đặc biệt chú ý nâng cao năng suất lao động ở khu vực kinh tế ngoài nhà nước cũng như nâng cao năng suất lao động ngành nông - lâm nghiệp, vì ở các khu vực và ngành kinh tế này hiện nay trình độ kỹ thuật còn rất thấp, nhưng lại có phạm vi hoạt động rộng và chiếm tỷ lệ lao động rất lớn.

Mặt khác, phải tạo môi trường thật thông thoáng để lao động dễ dàng dịch chuyển từ những lĩnh vực, những ngành kinh tế có năng suất lao động thấp sang các lĩnh vực, các ngành kinh tế có năng suất lao động cao, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách tích cực theo hướng vừa công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vừa tăng nhanh năng suất lao động toàn xã hội.
 

[1] Ghi chú: NSLĐ khu vực kinh tế ngoài nhà nước lấy làm 1 đơn vị