Bị cáo Dương Chí Dũng: "Xin được khoan hồng"

Theo: dangcongsan.vn
23:08, ngày 29-04-2014

Sáng 29-4, bước sang ngày làm việc thứ 6, Phiên tòa phúc thẩm vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm tiếp tục với phần tranh luận rất căng thẳng, khi cả phía đại diện Viện Kiểm sát và các luật sư đều bảo lưu quan điểm trước đó.

Các luật sư phủ nhận tính hợp pháp của tài liệu mới

Mở đầu phiên tòa, Chủ tọa Nguyễn Văn Sơn đã công bố chi tiết các tài liệu do bên Nga cung cấp.

Ngay sau khi Chủ tọa công bố, Luật sư Ngô Ngọc Thủy băn khoăn: Hội đồng xét xử tiếp nhận những tài liệu này như thế nào? Nó là loại gì và được xếp như thế nào trong hồ sơ vụ án, trong khi hầu hết là bản dịch không có chứng thực và mới được dịch ngày 28-4 tại Chương Mỹ, Hà Tây (Hà Nội) mà không phải tại Thành phố Hà Nội.

Các luật sư khác cũng cho rằng, theo Hiệp định Tương trợ tư pháp về hợp thức hóa được trao đổi giữa hai quốc gia, thì các tài liệu này không thỏa mãn tính hợp pháp. Theo quy định của pháp luật, tất cả tài liệu nước ngoài và của người Việt Nam ở nước ngoài đều phải được thực hiện hợp thức hóa, được dịch ở cơ quan ngoại giao Việt Nam.

Luật sư Nguyễn Thành Hưng đề nghị bỏ tài liệu này ra ngoài vụ án, Luật sư đặt vấn đề: Nếu người dịch sai thì sao? Ai là người chịu trách nhiệm?

Trả lời các luật sư, Hội đồng xét xử cho biết, khi gửi các luật sư những tài liệu này chỉ là bản photo, toàn bộ hồ sơ gốc tòa đã nhận được thông qua Vụ 1B của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Trên cơ sở của tài liệu này và ý kiến của các luật sư, trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử sẽ xem xét tính hợp pháp của tài liệu này.

Viện Kiểm sát đề nghị giữ nguyên mức án tử hình với hai bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc

Cũng trong phiên xét xử sáng nay, Tòa tiếp tục triệu tập ông Nguyễn Tuấn Khang, đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng hải. Trả lời Hội đồng xét xử về những yêu cầu tra soát đối với giao dịch của bị cáo Trần Hải Sơn qua tài khoản tại chi nhánh Hà Nội, Hải Phòng và giao dịch rút tiền của Trần Hải Sơn bằng chứng minh thư nhân dân không qua tài khoản từ tháng 6-2008 đến tháng 2-2009, ông Khang cho biết: Cho đến nay, mặc dù tất cả nhân viên giỏi nhất của Ngân hàng đã tra soát cả một đêm nhưng không tìm được bất kỳ giao dịch nào của Trần Hải Sơn trong thời điểm này.

Sau khi kết thúc phần xét hỏi các bị cáo, nhân chứng và người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa nêu quan điểm giữ nguyên bản kết luận trước đó.

Theo đại diện Viện Kiểm sát, quá trình xem xét, đánh giá thấy còn nhiều vấn đề lặp đi lặp lại. Viện Kiểm sát chủ yếu chỉ đánh giá những vấn đề mới cho rằng có ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xem xét, đánh giá các chứng cứ. Trong phần xét hỏi, các bị cáo cũng thừa nhận lời khai tại cơ quan điều tra, làm rõ thêm vai trò chỉ đạo của Dũng, Phúc về việc mua ụ nổi 83M. Quan điểm của Viện Kiểm sát việc có hay không tài liệu mới này cũng không ảnh hưởng gì đến việc đánh giá hành vi tham ô của các bị cáo. Viện Kiểm sát đã có đủ chứng cứ để đánh giá hành vi phạm tội của các bị cáo. Phần xét hỏi không phát sinh nội dung mới và làm thay đổi hành vi phạm tội của các bị cáo, vì vậy, đề nghị giữ nguyên bản kết luận trước đó.

Chưa đủ căn cứ buộc tội, luật sư đề nghị hủy án sơ thẩm, điều tra lại

Trước Hội đồng xét xử, bị cáo Mai Văn Phúc mong muốn trình bày thay luật sư của mình về lời khai Sơn đưa 5 tỷ đồng cho Phúc. Theo bị cáo Phúc, đến thời điểm này, Ngân hàng TMCP Hàng Hải đã xác minh là không có giao dịch Sơn rút 2 tỷ tại Ngân hàng này. Đồng thời, không những Hà không chuyển cho Sơn 3 tỷ như lời Sơn khai, mà theo chứng từ của Ngân hàng cung cấp, Huyền lại chuyển ngược lại cho Hà 3 tỷ, vậy thì Sơn lấy đâu 5 tỷ đưa cho bị cáo? Theo Mai Văn Phúc thì toàn bộ số tiền 1,666 triệu USD đều vẫn nằm trong tay bị cáo Sơn. “Trong két nhà Sơn còn tồn 6 tỷ đồng”, bị cáo Phúc dẫn tài liệu vụ án để nêu vấn đề này.

Luật sư Hoàng Hữu Được bào chữa cho bị cáo Mai Văn Phúc phân tích: Theo nhận định của đại diện Ngân hàng TMCP Hàng hải đến 95% không có việc giao dịch đối với công dân Trần Hải Sơn tại Ngân hàng này và theo nguyên tắc suy đoán vô tội thì phải khẳng định cho bị cáo là không có việc chuyển tiền. Nhưng đại diện Viện kiểm sát vẫn chấp nhận lời khai của Sơn đưa số tiền này cho Phúc là không phù hợp với quy định của pháp luật, chưa kể các lời khai khác còn mâu thuẫn. Luật sư cho rằng, nếu không có cơ sở vững chắc, căn cứ chứng minh là Sơn đã rút tiền thì không có cơ sở để kết tội Phúc. Do đó, Luật sư nhận định không đủ cơ sở để quy trách nhiệm của Phúc trong việc nhận 10 tỷ đồng, đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung, tuyên bị cáo Mai Văn Phúc không phạm tội tham ô tài sản.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp cùng bào chữa cho Phúc cũng đưa quan điểm, căn cứ để kết tội “chết” cho Dũng, Phúc là không có. Dẫn chứng diễn biến phiên tòa cho thấy, người tiếp nhận, khảo sát, nhận tiền, hoàn tất thủ tục, chia tiền là Sơn, vậy ai là người phải chịu trách nhiệm chính, quyết định đảo lộn bản chất sự việc. Đây là vấn đề Luật sư cho rằng cần xem xét, điều tra làm rõ bản chất sự việc có phải là tình trạng “gắp lửa bỏ tay người” hay không?

Bào chữa cho Dương Chí Dũng, Luật sư Trần Đình Triển chỉ ra: Viện kiểm soát không đánh giá chứng cứ đầy đủ. Viện kiểm soát đã đưa ra chứng cứ về việc anh Phạm Văn Quỳnh (lái xe cho Sơn) chứng kiến việc đưa tiền của Sơn cho Dũng tại Thành phố Hồ Chí Minh nhưng cũng không căn cứ vào lời khai của anh Quỳnh tại cơ quan điều tra là vào làm việc từ tháng 8-2008, trong khi hành vi Sơn đưa tiền cho Dũng lại diễn ra vào tháng 7-2008. “Những chứng cứ này làm sao buộc tội được, trong khi không lấy lời khai của lái xe, trợ lý của Dũng?”, Luật sư Trần Đình Triển bức xúc.

Luật sư Ngô Ngọc Thủy cùng bào chữa cho Dương Chí Dũng cho rằng: Cần thẩm định kỹ vấn đề này bởi mạng sống con người không thể bỏ qua khi chưa làm sáng tỏ vấn đề. Ngoài tính hợp pháp, Luật sư Ngô Ngọc Thủy cho rằng: Tài liệu mới còn nghèo nàn về thông tin, chưa làm rõ ai là người thỏa thuận, chỉ đạo mua và chia chác mua ụ nổi 83M. Trong khi đó, lời khai của Sơn lúc không nhớ, lẫn lộn lại được dùng làm chứng cứ để kết tội là không thỏa đáng, đáng suy nghĩ . Theo đó, Luật sư giữ nguyên quan điểm trả hồ sơ, điều tra bổ sung thì người bị kết án mới “tâm phục, khẩu phục”.

Bản thân Dương Chí Dũng, trong phiên tòa sáng 29-4 cũng đề nghị Hội đồng xét xử triệu tập anh Việt, nguyên trợ lý của Dũng đến làm chứng vì anh Việt là người ra đón bị cáo tại sân bay Thành phố Hồ Chí Minh đưa về khách sạn và sau đó, đưa đi ăn ngay. Bị cáo Dũng cho rằng, đây là một tình tiết mới. Bị cáo Dũng cũng đặt câu hỏi: Tại sao Sơn không chuyển tiền cho mình tại Hà Nội mà lại là Thành phố Hồ Chí Minh, bởi làm sao có thể vận chuyển được số tiền lớn như vậy về Hà Nội?

Luật sư Trần Hồng Phúc, bào chữa cho nhóm các bị cáo hải quan cho rằng, trách nhiệm chứng minh thuộc cơ quan tiến hành tố tụng, vì vậy, nếu chưa đủ chứng cứ, tài liệu thì trả hồ sơ, điều tra lại. Đối với lời khai của nhóm cán bộ hải quan có mâu thuẫn giữa ụ nổi và tàu, đề nghị tòa không công nhận…

Dự kiến, Hội đồng xét xử sẽ tuyên án vào ngày 7-5./.

Nói lời sau cùng trước Tòa, bị cáo Dương Chí Dũng bày tỏ sự ân hận trên cương vị Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines đã để xảy ra vụ tiêu cực gây tổn thất tài sản cho Nhà nước. Bị cáo mong Hội đồng xét xử quyết định chính xác, công minh để không xảy ra tình trạng “quýt làm cam chịu”, đồng thời xin được khoan hồng cho sống để được minh oan.