Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 18-11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về dự án Luật Phá sản (sửa đổi) và dự án Luật Đầu tư công.

Tháo gỡ hạn chế, vướng mắc của Luật Phá sản hiện hành

Đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi luật Luật Phá sản nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, khắc phục những tồn tại, vướng mắc; đồng thời góp phần vào việc tạo khuôn khổ pháp lý cho quá trình thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Dự án Luật Phá sản (sửa đổi) so với Luật Phá sản hiện hành đã bổ sung, sửa đổi nhiều nội dung mới như quy định về quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; chế định Quản tài viên; phương thức gửi đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; thứ tự phân chia tài sản...

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) cho rằng, quy định thông báo lâm vào tình trạng phá sản là chưa hợp lý bởi sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã.

Quy định trong khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ, nếu nhận thấy doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản, thông báo bằng văn bản cho những người có quyền hoặc nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản biết để họ xem xét việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là “rất đáng buồn” cho doanh nghiệp bởi họ trở thành đối tượng của quá nhiều cơ quan giám sát.

Bên cạnh đó, chưa có một chuẩn mực nào để các cơ quan này có thể “nhận thấy” được doanh nghiệp đã phá sản, bởi nhiều khi trong các tình huống khó khăn, các doanh nghiệp vẫn cố gắng xoay xở vượt qua.

Việc tuyên bố phá sản nhiều khi làm cho hoạt động của các doanh nghiệp chưa thực sự phá sản lâm vào tình trạng đình trệ. Ban soạn thảo cần xem xét quy định nội dung này - đại biểu Nguyệt Hường nhấn mạnh.

Về quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, đại biểu Nguyệt Hường nêu ý kiến nội dung “Chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán được khoản nợ đến hạn từ 200 triệu đồng trở lên trong thời gian ba tháng, kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu là khó khả thi”.

Ban soạn thảo cần phân biệt rõ các doanh nghiệp không có khả năng thanh toán khoản nợ khi đến hạn hoặc doanh nghiệp cố tình không thanh toán các khoản nợ.

Hiện nay, quy mô của các doanh nghiệp là khác nhau. Đối với các doanh nghiệp lớn, việc thanh toán 200 triệu đồng không khó khăn nhưng với phần nhiều doanh nghiệp nhỏ thì không như vậy. Bên cạnh đó, cần có quy định mở rộng thời gian (hơn 3 tháng) để doanh nghiệp và các chủ nợ có thể thỏa thuận với nhau.

Đối với quy định Quản tài viên, các đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Nguyễn Quốc Bình, Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) tán thành với dự án luật nhằm khắc phục được hạn chế của Tổ quản lý, thanh lý tài sản và những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế phối hợp, có tính chất kiêm nhiệm của các thành viên như luật hiện hành. Việc bổ sung chế định Quản tài viên thay cho mô hình Tổ quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp là phù hợp với chủ trương xã hội hóa đối với những hoạt động mang tính chất nghề nghiệp và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Quốc Bình chỉ rõ nếu Quản tài viên thực hiện việc bảo hộ, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi thì cần thiết phải là đối tượng có kinh nghiệm, có kiến thức về kinh tế và quản trị doanh nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường cũng đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu quy định chi tiết tiêu chí lựa chọn, cơ chế giám sát, trách nhiệm pháp lý, bảo đảm tính công bằng, minh bạch trong hoạt động của Quản tài viên; đồng thời có chế định để chủ nợ và doanh nghiệp có thể giám sát Quản tài viên nhằm bảo đảm đối tượng này làm việc công bằng, minh bạch...

Khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, lãng phí

Tán thành với việc cần thiết ban hành Luật Đầu tư công, đại biểu Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) khẳng định Luật sẽ tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, lãng phí, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư công theo đúng mục tiêu, định hướng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bảo đảm tính công khai, minh bạch; đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế.

Thể hiện sự băn khoăn đối với quy định về chủ đầu tư trong dự án luật, đại biểu Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) phân tích, nếu có vốn tài sản mới là chủ đầu tư nhưng thực tế hiện nay nhiều chủ đầu tư công không có vốn, không có tài sản chỉ là thẩm quyền. Và khi thẩm quyền thì tham mưu, dự án như thế nào thì đồng ý như thế, dẫn đến tất cả các dự án đầu tư công vượt trần dự án lớn, lãng phí nhiều.

Khi thực hiện nếu có vi phạm thì không ai bị xử phạt. Đầu tư công là một trong những điều kiện để tham nhũng lớn. Vì vậy cần xác định rõ chủ đầu tư là ai. Đại biểu Khiết nhấn mạnh.

Nhấn mạnh quan điểm “Quản lý của Việt Nam hiện chưa tốt dẫn đến hiệu quả đầu tư công thấp, sản phẩm thu được chưa xứng với kinh phí bỏ ra”, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) nêu rõ cần quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong vấn đề này.

Đại biểu An đề nghị cần quy định rõ ràng, chặt chẽ về quyền, trách nhiệm giám sát của cộng đồng để người dân thực hiện được quyền của mình./.