Việt Nam thúc đẩy hợp tác với các đối tác Trung Đông - Bắc Phi
Sáng 4-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và phát biểu định hướng tại Diễn đàn hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các đối tác Trung Đông - Bắc Phi.
Đây là lần đầu tiên một sự kiện có quy mô lớn về thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các nước khu vực Trung Đông - Bắc Phi được tổ chức tại Việt Nam.
Diễn đàn diễn ra từ ngày 4 đến ngày 5-11-2013. Sau phiên khai mạc, Diễn đàn sẽ họp phiên tổng quan với chủ đề “Tổng quan về môi trường đầu tư và kinh doanh” và 2 phiên chuyên đề với chủ đề “Hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, thương mại và phát triển cơ sở hạ tầng” và “Hợp tác trong lĩnh vực lao động, nông nghiệp và du lịch”.
Diễn đàn là cơ hội để gặp gỡ, trao đổi, xác định phương hướng, lĩnh vực hợp tác kinh tế ưu tiên và đề ra các chủ trương, biện pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và các nước Trung Đông - Bắc Phi.
Mặc dù xa cách về địa lý, song Việt Nam và các quốc gia Trung Đông - Bắc Phi từ lâu đã có mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống. Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với tất cả các quốc gia trong khu vực Trung Đông - Bắc Phi.
Việt Nam có 12 cơ quan đại diện ngoại giao tại các nước Trung Đông - Bắc Phi và 15 nước trong khu vực đã mở cơ quan đại diện tại Việt Nam.
Trong 10 năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông - Bắc Phi tăng 878%, từ 889 triệu USD năm 2002 lên 7,4 tỷ USD năm 2012, trong đó kim ngạch với một số đối tác đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD /năm. Nhiều doanh nghiệp của khu vực này đang tích cực tham gia đầu tư vào nhiều dự án tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực dầu khí, cảng biển, công nghiệp và bất động sản...
Một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đã triển khai các dự án đầu tư ở khu vực, trong đó đáng chú ý có dự án thăm dò và khai thác dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tại Algeria. Hiện Việt Nam có khoảng 26.000 lao động đang làm việc tại các nước khu vực Trung Đông - Bắc Phi.
Tuy nhiên, những kết quả đã đạt được còn khiêm tốn so với tiềm năng hợp tác to lớn giữa hai bên. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực tuy tăng nhanh, song mới chỉ chiếm khoảng 5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2012 của Việt Nam. Trong khi đó, tổng khối lượng đầu tư vào Việt Nam chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong dòng vốn đầu tư hàng chục tỷ USD ra nước ngoài hàng năm của các quốc gia Trung Đông - Bắc phi; số lượng lao động Việt Nam cũng chỉ chiếm chưa đến 0,3% tổng số lao động nước ngoài đang làm việc tại Trung Đông - Bắc Phi.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh vượt qua khoảng cách về địa lý, Việt Nam và các quốc gia Trung Đông - Bắc Phi từ lâu đã có mối quan hệ hợp tác và hữu nghị truyền thống, cùng chia sẻ khát vọng hòa bình, độc lập, tự do và phát triển, cùng giúp đỡ và ủng hộ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước kia, cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng Việt Nam và các nước Trung Đông - Bắc Phi có những lợi thế và tiềm năng to lớn có thể bổ trợ cho nhau để hợp tác cùng phát triển. Sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới và mở cửa, Việt Nam đã trở thành một nước đang phát triển có thu nhập trung bình và đang vững bước đi lên trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việt Nam là địa điểm đầu tư hấp dẫn với môi trường chính trị - xã hội ổn định, có thị trường tiềm năng và nguồn nhân công dồi dào có kỹ năng với dân số 90 triệu người, lại nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phát triển năng động và là một động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới.
Các nước Trung Đông - Bắc Phi có vị trí địa chiến lược, địa kinh tế quan trọng, là nơi kết nối của ba châu lục Á - Âu - Phi, có nguồn vốn dồi dào và nguồn tài nguyên phong phú với trữ lượng dầu mỏ và khí đốt hàng đầu thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Diễn đàn hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các đối tác Trung Đông - Bắc Phi với sự tham gia của đông đảo các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chính phủ Việt Nam mong muốn Diễn đàn sẽ tạo thêm động lực và những đột phá mới, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước Trung Đông - Bắc Phi phát triển mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, dầu khí và lao động.
Với tinh thần chung như vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Diễn đàn tập trung thảo luận, cung cấp thông tin về những lĩnh vực ưu tiên đầu tư, kinh doanh của mỗi nước, cũng như kinh nghiệm để tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp của hai bên đầu tư, kinh doanh thành công vào thị trường của nhau.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cần đề xuất các sáng kiến và biện pháp cụ thể, nâng cao hiệu quả thực chất của các cơ chế hợp tác để Chính phủ Việt Nam và Chính phủ các nước Trung Đông - Bắc Phi hỗ trợ hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị các đại biểu tham dự Diễn đàn tập trung thảo luận, tìm ra các biện pháp thúc đẩy và mở rộng quan hệ hợp tác trên những lĩnh vực mà mỗi bên có thế mạnh, nhất là thương mại, năng lượng, khai khoáng và phát triển cơ sở hạ tầng; xây dựng và ký kết các hiệp định, thỏa thuận nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định, lâu dài cho quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực này, đồng thời xây dựng các định hướng, biện pháp nâng cao và cải thiện hơn nữa hiệu quả hoạt động trong các lĩnh vực như nông nghiệp, lao động, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa và du lịch. Việt Nam và một số nước châu Phi đã gặt hái được những kết quả tích cực ban đầu về hợp tác trong những lĩnh vực này.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Việt Nam đang triển khai mạnh mẽ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, với trọng tâm là hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đi đôi với việc tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo động lực cho phát triển nhanh, bền vững.
Việt Nam cũng đang tham gia đàm phán các Hiệp định Thương mại tự do quan trọng như Hiệp định đối tác hợp tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do với EU, Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh thuế quan Nga, Belarus, Kazakhstan và một số hiệp định thương mại tự do với các đối tác khác... Những hiệp định này sẽ mở ra cơ hội hợp tác to lớn không chỉ cho các doanh nghiệp Việt Nam mà cả các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
“Chúng tôi cam kết luôn tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam. Thành công của các bạn cũng là thành công của Việt Nam chúng tôi”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.
Trong phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ: Là một quốc gia nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương phát triển năng động, với một nền kinh tế đang kết nối mạnh mẽ với nhiều thị trường lớn trong khu vực và quốc tế, Việt Nam sẵn sàng là cửa ngõ cho hàng hóa và dịch vụ của các nước Trung Đông - Bắc Phi tiếp cận thị trường các quốc gia trong khu vực. Trong khi đó, với dân số trên 520 triệu người và nhiều nền kinh tế lớn, lại đang đẩy mạnh chính sách hướng Đông, Trung Đông - Bắc Phi không chỉ là điểm đến quan trọng của hàng hóa, lao động và dịch vụ mà còn là thị trường đầy tiềm năng đối với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Bộ trưởng mong rằng, Diễn đàn lần này sẽ là dịp để Việt Nam giới thiệu với các nước Trung Đông - Bắc Phi chính sách phát triển kinh tế và các cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam; đồng thời giúp các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu chính sách thương mại, đầu tư của các đối tác tại khu vực. Diễn đàn sẽ mang đến cơ hội cho các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đề xuất các định hướng, lĩnh vực hợp tác kinh tế ưu tiên, cũng như các biện pháp cụ thể để tăng cường và nâng cao hiệu quả hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và các nước Trung Đông - Bắc Phi./.
Xuất khẩu trên chặng đường nước rút về đích  (04/11/2013)
"Y tế ngoài công lập phải thực hiện 4 tiêu chí công khai"  (04/11/2013)
Nghề công tác xã hội: Thiếu nhưng vẫn khó xin việc  (04/11/2013)
Ban hành nghị định xử phạt vi phạm hàng không dân dụng  (04/11/2013)
Quy định về công bố tuyến hàng hải, phân luồng giao thông  (04/11/2013)
Canon chung tay cứu trợ 400 hộ dân vùng lũ miền Trung  (04/11/2013)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay