Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 21
* Sáng 10-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Tờ trình do Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam trình bày nêu rõ, thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước theo phương châm Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; đồng thời, để bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và công tác quản lý. Bên cạnh đó, việc xây dựng dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bùi Văn Nam, qua thực tiễn quản lý cho thấy có một số quy định tại các luật và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam vẫn còn những điểm bất cập, chưa thống nhất.
Điển hình như Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam quy định người nước ngoài sau khi nhập cảnh nếu có nhu cầu sẽ được xét cho chuyển đổi mục đích nhập cảnh. Lợi dụng quy định này, thời gian qua, nhiều người nước ngoài đã vào Việt Nam với danh nghĩa tham quan, du lịch, sau đó xin chuyển đổi để thực hiện các mục đích khác, đặc biệt xin chuyển đổi ở lại lao động.
Để phù hợp với thực tế hiện nay đang có nhiều người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, dự thảo Luật đã quy định về thị thực lao động và yêu cầu người nước ngoài vào làm việc có thu nhập tại Việt Nam phải có giấy phép lao động của cơ quan quản lý nhà nước về lao động trước khi nhập cảnh.
Thứ trưởng Bùi Văn Nam cũng cho biết, để bảo đảm tính linh hoạt, không cứng nhắc của Luật, đối với một số trường hợp cụ thể được chuyển đổi mục đích nhập cảnh nhưng sẽ do Chính phủ quy định.
Theo dự thảo Luật, người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam chỉ được sử dụng một hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu nhằm giải quyết tình trạng phát sinh đối với người có nhiều quốc tịch, trong đó có người Việt Nam định cư ở nước ngoài (vừa có hộ chiếu Việt Nam, vừa có hộ chiếu nước ngoài) nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam; xác định cụ thể quốc tịch của người đó, hạn chế xung đột pháp luật khi áp dụng các chế tài xử lý vi phạm, đồng thời phục vụ thống kê nhà nước về xuất nhập cảnh.
Làm rõ thêm về quy định này, đại diện Bộ Công an cho biết, trong trường hợp người nước ngoài có 2 quốc tịch xuất nhập cảnh vào Việt Nam, Luật này giải quyết theo hướng, khi cá nhân nhập cảnh bằng hộ chiếu nào thì phát sinh các vấn đề về quốc tịch theo hộ chiếu đó, nguyên tắc là chỉ sử dụng 1 hộ chiếu, nhằm tránh xung đột quốc tịch và quản lý trong quá trình cá nhân cư trú tại Việt Nam.
Ngoài ra, người nước ngoài nhập cảnh, cư trú tại Việt Nam phải có cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam mời, bảo lãnh, trừ trường hợp thuộc diện được miễn thị thực hoặc cần tranh thủ đối ngoại, được cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài xét cấp thị thực. Quy định nguyên tắc này nhằm ràng buộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc quản lý hoạt động của người nước ngoài, tránh tình trạng người nước ngoài lợi dụng nhập cảnh Việt Nam hoạt động trái mục đích nhập cảnh gây phương hại đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Trả lời câu hỏi của một số ủy viên UBTVQH về việc liệu dự thảo Luật này có chồng chéo với một số luật chuyên ngành hay không, đại diện Ban soạn thảo cho rằng, đây là lĩnh vực có tính chất chuyên ngành, các vấn đề khác như vấn đề lao động, du lịch hay doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam được điều chỉnh ở các luật khác. Ví dụ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý vấn đề về du lịch; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý những vấn đề về lao động,... còn Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam chỉ tập trung trách nhiệm các cơ quan quản lý thuộc vấn đề xuất nhập cảnh, cấp thị thực cho người nước ngoài tại Việt Nam.
Liên quan đến việc liệu có mâu thuẫn giữa quy định của dự thảo Luật này với Luật Đầu tư năm 2005 khi quy định trong dự thảo luật thị thực Việt Nam có thời hạn không quá 12 tháng, trong khi Luật Đầu tư năm 2005 quy định thời hạn của thị thực cấp cho người nước ngoài vào đầu tư tối đa là 5 năm, đại diện Bộ Công an giải trình thêm: quy định thời hạn 12 tháng là phù hợp với điều kiện Việt Nam. Hơn nữa, để bảo đảm sự linh hoạt và thuận lợi cho người nước ngoài vào Việt Nam, dự thảo luật cũng quy định cụ thể đối tượng, điều kiện cấp thẻ tạm trú, ký hiệu, thời hạn của thẻ tạm trú và nâng thời hạn của thẻ tạm trú từ 3 năm lên 5 năm.
Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị quy định cần bảo đảm tính thống nhất về thời hạn của thị thực và thẻ tạm trú, nhất là đối với những trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích làm việc, học tập, hợp tác đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý của cơ quan, tổ chức có liên quan và cho người nước ngoài.
Thẩm tra tra sơ bộ dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết, qua thẩm tra, Thường trực Ủy ban nhất trí về sự cần thiết và quan điểm chỉ đạo xây dựng luật này như Tờ trình của Chính phủ.
Liên quan đến quản lý nhà nước đối với lĩnh vực nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung trách nhiệm của một số bộ có liên quan nhiều đến lĩnh vực này như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế. Bổ sung trách nhiệm của Bộ Công an quy định cụ thể về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, biên chế của cơ quan xuất nhập cảnh; công bố công khai, minh bạch địa chỉ, quy chế làm việc của cơ quan xuất nhập cảnh nhằm tạo thuận lợi cho người nước ngoài khi có nhu cầu tiếp xúc, làm việc với cơ quan xuất nhập cảnh Việt Nam, đồng thời giúp cho hoạt động kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng được thuận lợi.
Bên cạnh đó, mặc dù dự luật đã quy định trách nhiệm của UBND cấp huyện và cấp xã trong lĩnh vực này, nhưng “còn chung chung, khó bảo đảm tính khả thi và hiệu quả” - bản báo cáo thẩm tra nêu rõ. Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị cần quy định cụ thể hơn, đặc biệt là về chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của cấp xã - nơi trực tiếp quản lý cư trú và hoạt động của người nước ngoài tại địa phương.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, việc ban hành luật phải đáp ứng yêu cầu giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong thực tế, trong đó tính đến việc tương thích đối với các luật có liên quan, tránh trùng lặp, bỏ sót những nội dung điều chỉnh nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Dự án Luật phải được xây dựng thể hiện rõ và đầy đủ nguyên tắc chủ quyền quốc gia và bình đẳng trong quan hệ quốc tế, kết hợp chặt chẽ và hài hòa giữa yêu cầu phát triển kinh tế, mở rộng đối ngoại với bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thể chế hiện hành.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý Ban soạn thảo đặc biệt chú ý đến việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, quy định cụ thể những nội dung liên quan trực tiếp đến người nước ngoài phải thực hiện, bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch và thuận tiện và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ở một khía cạnh khác, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị nhiều nội dung cần được Ban soạn thảo thể hiện rõ ngay trong Luật, hạn chế tối đa việc giao Chính phủ quy định. Ngoài ra, Cơ quan soạn thảo cần tiếp cận những vấn đề mới có liên quan đến việc thành lập Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 để bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế.
Tại phiên họp, nhiều ý kiến của thành viên UBTVQH cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc quy định chặt chẽ, cụ thể hơn về điều kiện kèm theo để được cấp thị thực thuộc nhóm dễ phát sinh những vấn đề phức tạp như: du lịch, lao động, những người được cấp thị thực ký hiệu D theo Pháp lệnh hiện hành có thể thông qua việc chứng minh về tài chính, vé máy bay khứ hồi…
Dự kiến, Dự án Luật sẽ được trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 và thông qua tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII.
* Chiều 10-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hôn nhân và gia đình.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật hôn nhân và gia đình nhằm thể chế hóa các quan điểm của Đảng, khắc phục những tồn tại, hạn chế của quy định hiện hành và đáp ứng kịp thời các yêu cầu khách quan của thực tiễn. Sửa đổi, bổ sung Luật nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và các nguyên tắc cơ bản về quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình đã được ghi nhận trong Hiến pháp và các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Văn Hiện lưu ý dự án Luật cần xử lý hài hòa mối quan hệ giữa việc gìn giữ, phát triển các giá trị văn hóa, chuẩn mực đạo đức, truyền thống tốt đẹp với quá trình thay đổi của gia đình hiện đại và đời sống xã hội trong quá trình xây dựng dự án Luật.
Dự án Luật chỉ nên sửa đổi, bổ sung những vấn đề đã rõ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; những vấn đề chưa rõ, chưa phù hợp và chưa thực sự cấp thiết sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổng kết và bổ sung vào thời điểm thích hợp.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật hôn nhân và gia đình bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính, đồng thời khẳng định Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa họ và bổ sung quy định giải quyết hậu quả của việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính về quan hệ tài sản, xác định cha, mẹ, con và quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ và con...
Về vấn đề này, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với quy định như dự thảo Luật. Vì hiện nay, quan niệm và nhận thức của xã hội về vấn đề đồng tính đã thay đổi so với thời điểm thông qua Luật hôn nhân và gia đình năm 2000.
Ở góc độ quyền con người, việc bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính thể hiện tính nhân văn, góp phần giảm bớt sự kỳ thị đối với nhóm người này và để có cơ sở giải quyết hậu quả về mặt pháp lý của tình trạng chung sống như vợ chồng giữa một bộ phận người cùng giới tính đang diễn ra trong thực tế.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng dự thảo Luật bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới, nhưng Nhà nước lại không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa họ là quy định dở dang, chưa chặt chẽ.
Qua đó, đồng chí Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định rõ ràng, cụ thể hơn cấm hay không cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính; đồng thời, tổng kết, khảo sát thực trạng người đồng tính tại Việt Nam, có đánh giá tác động về mặt xã hội, văn hóa, tâm lý... đối với quy định trong dự thảo.
Dự thảo Luật nghiêm cấm việc mang thai hộ vì mục đích thương mại và cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo với các điều kiện ràng buộc cụ thể, quy định quyền, nghĩa vụ các bên có liên quan và việc giải quyết tranh chấp.
Về vấn đề này, có ý kiến cho rằng việc cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo nhằm đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của nhiều cặp vợ chồng không có khả năng sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, góp phần bảo vệ hạnh phúc gia đình.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nên nghiêm cấm việc mang thai hộ với bất kỳ mục đích nào vì đây là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, rất dễ bị lợi dụng và chưa thực sự phù hợp với văn hóa Việt Nam.
Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với quy định cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Điều này thể hiện tính nhân văn trong pháp luật về hôn nhân và gia đình, tạo cơ hội cho một số cặp vợ chồng được thực hiện quyền làm cha, làm mẹ chính đáng.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng đây là vấn đề mới, chưa có kinh nghiệm thực tiễn, nên các quy định phải rất chặt chẽ, điều kiện phải rõ ràng, bảo đảm quyền cho các bên và nhất là những đứa trẻ được sinh ra trong trường hợp này. Quy định lỏng lẻo sẽ tạo điều kiện hợp pháp hóa cho mục đích thương mại hoặc buôn bán trẻ em.
Cùng quan điểm nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu làm rõ khái niệm “không vì mục đích thương mại”; bổ sung các quy định về số lần được mang thai hộ, số người mang thai hộ trong cùng một thời điểm, vấn đề mang thai hộ có yếu tố nước ngoài, việc bảo vệ quyền lợi của người mẹ và trẻ em, bảo vệ quyền người mang thai hộ...
Xung quanh vấn đề áp dụng tập quán trong thực hiện Luật hôn nhân và gia đình, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với quan điểm của Chính phủ về việc cho phép áp dụng tập quán trong thực hiện Luật hôn nhân và gia đình.
Điều này thể hiện quan điểm của Nhà nước về sự tôn trọng, bảo tồn và phát huy các phong tục, tập quán tốt đẹp, tiến bộ của các dân tộc; giải quyết được các vấn đề phát sinh liên quan đến quan hệ hôn nhân và gia đình trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Tưởng Duy Lượng cho rằng việc quy định tại khoản 2 Điều 6 của dự thảo Luật đã đặt ưu tiên tập quán lên trên pháp luật là chưa hợp lý, chưa bảo đảm sự nghiêm minh, hiệu lực, tính thống nhất của hệ thống pháp luật và chưa phù hợp với Điều 3 của Bộ luật Dân sự là tập quán chỉ có thể áp dụng “trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận” với điều kiện “không được trái với những nguyên tắc quy định trong Bộ luật Dân sự”.
Tại buổi làm việc, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quôc hội còn cho ý kiến về các vấn đề quan trọng khác của dự án Luật như điều kiện kết hôn; nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn; các quy định chung về chế độ tài sản của vợ chồng; chế định ly thân; cơ quan giải quyết thuận tình ly hôn...
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng đây là dự án Luật trình lần đầu với nhiều vấn đề thực tế được xã hội quan tâm. Các ý kiến thảo luận tập trung vào 7 nội dung quan trọng là áp dụng tập quán về hôn nhân và gia đình; điều kiện kết hôn; chế độ tài sản của vợ chồng; việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn; chế định ly thân; cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc thuận tình ly hôn; vấn đề mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Tuy nhiên, các vấn đề nêu ra vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm xin ý kiến của các chuyên gia; đồng thời tổ chức các cuộc điều tra, khảo sát, tổng kết, nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 6./.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh làm việc với UBND TP. Hà Nội  (10/09/2013)
Nghệ An tập trung điều tra vụ việc xảy ra ở Giáo họ Trại Gáo  (10/09/2013)
Tình hữu nghị đoàn kết Việt Nam - Cuba không thay đổi  (10/09/2013)
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Tỉnh trưởng tỉnh Aichi, Nhật Bản  (10/09/2013)
Phát triển Hà Giang thành tỉnh miền núi kiểu mẫu  (10/09/2013)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay