Ban Bí thư làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu
Tại cuộc làm việc, đồng chí Lò Văn Giang, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu đã báo cáo tình hình và kết quả sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội XII Đảng bộ tỉnh Lai Châu.
Sau khi nghe đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương có liên quan phát biểu góp ý, Ban Bí thư đã thảo luận và kết luận: Trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước, Tỉnh ủy Lai Châu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng các cấp bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể, phát huy truyền thống đoàn kết, trung kiên của các dân tộc, nỗ lực phấn đấu và đạt được một số kết quả khả quan trên các lĩnh vực. Kinh tế phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân 13,8%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 12 triệu đồng/năm, một số cơ sở vật chất quan trọng được đầu tư xây dựng, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển trong những năm tiếp theo. Sản xuất lương thực tăng cao, cơ bản giải quyết được an ninh lương thực. Cây công nghiệp chè, cao su phát triển thành các vùng cây công nghiệp lớn gắn với công nghiệp chế biến, tạo ra sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh, tạo hướng xóa đói giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc trong tỉnh. Bình quân hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 7,5%, giải quyết việc làm cho 5,6 nghìn người. Toàn tỉnh có 93/96 xã có đường ô tô đến trung tâm; 85,4% số xã, phường, thị trấn, 65,3% số hộ được cấp điện lưới quốc gia, 69% số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh... Lai Châu cũng đã cơ bản hoàn thành công tác di dân tái định cư phục vụ xây dựng các nhà máy thủy điện Sơn la, Lai Châu, Huổi Quảng, Bản Chát, gắn với xây dựng nông thôn; triển khai thực hiện nghiêm túc, có kết quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng, gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Ban Bí thư tán thành những nhiệm vụ, giải pháp tỉnh Lai Châu đề ra, nhằm thực hiện mục tiêu đưa Lai Châu cơ bản ra khỏi tình trạng kém phát triển vào năm 2015 và trở thành tỉnh có trình độ phát triển trung bình ở khu vực miền núi phía Bắc vào năm 2020. Theo đó, Lai Châu tăng cường đầu tư và sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách Trung ương cấp, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của tỉnh, tranh thủ mọi nguồn lực từ bên ngoài để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nâng cao trình độ dân trí, phát triển nguồn nhân lực tại chỗ bằng việc đa dạng hóa các loại hình đào tạo, gắn đào tạo với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới; tăng cường quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị trong mọi tình huống; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, nhất là ở cơ sở...
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Lai Châu có vị trí địa chính trị, quân sự chiến lược trọng yếu, lại có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, du lịch sinh thái, có đường biên giới dài, thuận lợi cho phát triển kinh tế biên mậu, có nhiều tài nguyên khoáng sản... Nhân dân các dân tộc trong tỉnh có truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, cần cù lao động, có kinh nghiệm trong những năm đổi mới, đặc biệt là đã xác định được đường hướng đúng đắn để tiếp tục phát triển đi lên.
Tổng Bí thư cũng chia sẻ với những khó khăn của Lai Châu: Vẫn là tỉnh nghèo nhất cả nước, địa hình núi cao hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, quy mô nền kinh tế còn nhỏ bé, trình độ canh tác còn lạc hậu, chất lượng, hiệu quả thấp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém, tỷ lệ đói nghèo còn cao (31,82%), nguy cơ tái nghèo còn lớn, thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng 36% cả nước, sản xuất nông lâm nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, còn mang nặng tính tự cung tự cấp, nhiều chỉ tiêu phát triển, nhất là trong lĩnh vực văn hóa, xã hội chưa đạt kế hoạch đề ra.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh cần phát huy hơn nữa những thành tích, kinh nghiệm đã có, nêu cao quyết tâm và quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, phát huy cao độ nội lực, năng động sáng tạo, đổi mới tư duy, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, để Lai Châu có bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Tổng Bí thư chỉ rõ: Trước hết Lai Châu cần tiếp tục duy trì tốc độ, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; cải thiện rõ rệt kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông; tập trung khai thác hợp lý, có hiệu quả các tiềm năng thế mạnh về cửa khẩu, tài nguyên thiên nhiên, trong đó có vấn đề giữ rừng, khai thác rừng, tài nguyên khoáng sản, phát triển các ngành kinh tế có thế mạnh, các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, phù hợp với đất đai, khí hậu của địa phương... Tổng Bí thư lưu ý, Lai Châu cần tập trung nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, chú ý giảm nghèo nhanh và bền vững. Cùng với phát triển kinh tế phải đặc biệt chú trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không được để xảy ra tình huống bất ngờ.
Tổng Bí thư nhất trí cho rằng, Lai Châu cần tăng cường đầu tư, có cơ chế tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho công cuộc xây dựng và phát triển của Lai Châu, chú ý phát triển nhanh nhưng phải bền vững, tập trung ưu tiên số một cho phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, Lai Châu cần phát triển mạnh kinh tế biên mậu, khai thác tối đa thị trường Trung Quốc, xây dựng quan hệ giao lưu hợp tác tốt giữa hai bên biên giới. Tổng Bí thư lưu ý Lai Châu cần tập trung nâng cao trình độ dân trí, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng công tác đào tạo cán bộ, nhất là lãnh đạo chủ chốt các cấp, quan tâm bồi dưỡng, phát triển cán bộ trẻ, cán bộ nữ, người dân tộc thiểu số... Đặc biệt, Lai Châu cần làm tốt hơn nữa việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nhưng đồng thời phải khắc phục các hủ tục lạc hậu; chú ý vấn đề di cư ngoài kế hoạch, vấn đề dân tộc, tôn giáo. Tổng Bí thư nhấn mạnh, Lai Châu cần thường xuyên quan tâm, chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, làm tốt công tác dân vận, tiếp tục thực hiện nghiêm túc, bài bản Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, không được buông lơi.
Về các kiến nghị của tỉnh Lai Châu, Ban Bí thư đã cơ bản tán thành, ủng hộ về chủ trương và đề nghị Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương chủ động phối hợp với tỉnh Lai Châu, lựa chọn triển khai những việc đã có kết luận, cần được ưu tiên đầu tư, nhằm tạo động lực cho Lai Châu phát triển; sửa đổi, bổ sung và ban hành một số cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù để khuyến khích bảo vệ và phát triển rừng... Sau cuộc làm việc sẽ có thông báo Kết luận của Ban Bí thư về kết quả hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng bộ tỉnh Lai Châu và một số chủ trương phát triển tỉnh Lai Châu đến năm 2020./.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp các đại sứ trình quốc thư  (27/08/2013)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng làm việc tại Hậu Giang  (27/08/2013)
Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Xây dựng  (27/08/2013)
Phê duyệt Quy hoạch bảo tồn di tích Thành Nhà Hồ  (27/08/2013)
Ban hành nghị định mới về Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển  (27/08/2013)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay