Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII, chiều 12-8, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật Hải quan sửa đổi với sự tham dự của các chuyên gia pháp lý đến từ các bộ, ngành Trung ương.

Luật Hải quan hiện hành được Quốc hội thông qua ngày 29-6-2011, có hiệu lực từ 01-01-2002 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan được Quốc hội thông qua ngày 14-6-2005, có hiệu lực thi hành từ 01-01-2006. Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật Hải quan đã góp phần thúc đẩy tiến trình cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh phát triển, bảo đảm an ninh kinh tế, lợi ích chủ quyền và an ninh quốc gia. 

Theo Tờ trình của Chính phủ, lý do cần thiết phải sửa đổi Luật Hải quan hiện hành xuất phát từ nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, cần thiết phải sửa đổi luật để nội luật hóa các điều ước quốc tế về hải quan mà Việt Nam tham gia là thành viên và góp phần tạo cơ sở pháp lý để tham gia đàm phán các hiệp định quốc tế khác. 

Việc sửa đổi Luật Hải quan cũng nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc hiện đại hóa hoạt động hải quan điện tử, phục vụ có hiệu quả sự phát triển của hoạt động kinh tế đối ngoại trong chiến lược kinh tế xã hội giai đoạn mới. Ngoài ra, việc sửa đổi Luật Hải quan còn là hành động cụ thể đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách thủ tục hải quan hướng tới một hoạt động công khai, minh bạch, hiệu quả, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bảo vệ lợi ích chủ quyền quốc gia, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại. 

Về quan điểm, những nội dung cơ bản sửa đổi dự án Luật Hải quan bao gồm các vấn đề cụ thể như thay đổi căn bản phương thức thực hiện thủ tục hải quan, từ truyền thống sang điện tử; tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính về hải quan; áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra, giám sát hải quan; có chế độ ưu tiên, tạo thuận lợi về thủ tục hải quan cho doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện; bổ sung cơ chế xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan; tạo cơ sở pháp lý để thực hiện thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo cơ chế một cửa quốc gia. 

Luật Hải quan lần này cũng sẽ được sửa đổi để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý hải quan; phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; sửa đổi những quy định phù hợp với văn bản pháp luật có liên quan và hoạt động xuất nhập khẩu và kiện toàn hệ thống tổ chức hải quan… 

Theo quan điểm của cơ quan thẩm tra, Thường trực Ủy ban pháp luật tán thành với những lý do cần thiết phải sửa đổi Luật Hải quan; đồng thời đóng góp nhiều ý kiến về bố cục của dự thảo cũng như những nội dung cơ bản và sửa đổi của dự án luật. Đánh giá chung về tổng thể dự án luật, các thành viên Ủy ban Pháp luật và các đại biểu cũng cho rằng, cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị khá tốt cho dự án với nhiều chuyên đề được nghiên cứu công phu, hồ sơ dự án đầy đủ, toàn diện những vấn đề có liên quan. 

Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cần quy định chi tiết hơn trong dự thảo luật hoạt động phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong phòng chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại để bảo đảm tính khả thi trong xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Quy định cụ thể thẩm quyền, hành vi mang tính nghiệp vụ của lực lượng hải quan, bảo đảm công khai, minh bạch, tránh lạm quyền như: Công tác trinh sát, dừng, kiểm tra phương tiện, hàng hóa, tạm giữ người, hàng hóa, công cụ hỗ trợ… 

Các đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về thủ tục, hoạt động hải quan đối với đặc khu hành chính, kinh tế; cụ thể hóa thẩm quyền xác định xuất xứ hàng hóa đối với cơ quan hải quan Việt Nam. Một số ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo cần trình bày cụ thể những vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan liên quan trong quá trình soạn thảo. 

Theo lộ trình, Dự án Luật Hải quan sửa đổi sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 20./.