Trên cơ sở nhận định nguy cơ tin tặc có thể gây ra một thảm họa khủng khiếp và bất ngờ như vụ "Trân Châu cảng," Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) từ nhiều năm qua đã và đang theo đuổi một chương trình tuyệt mật nhằm bảo vệ an ninh cho hệ thống hạ tầng cơ sở sống còn của nước Mỹ.
Chương trình bí mật này đã được tiết lộ trên tờ Nhật báo Phố Wall từ năm 2010, nhưng ngày 3-1-2013 NSA mới chính thức công bố.

Chương trình tuyệt mật vừa được công bố có tên gọi "Công dân hoàn hảo" với nội dung chính là nghiên cứu phát triển các hệ thống thiết bị phát hiện và giám sát nhằm bảo vệ hệ thống cơ sở hạ tầng sống còn của nước Mỹ, trong đó có các nhà máy điện, các tuyến giao thông quan trọng và các công ty Internet... trước nguy cơ của các vụ tấn công mạng.

Tham gia dự án này có cả khu vực kinh tế nhà nước và tư nhân, do quỹ Sáng kiến An ninh mạng quốc gia tài trợ. Tập đoàn nhà thầu quốc phòng Raytheon đã được trao gói thầu đầu tiên 100 triệu USD.

Theo văn bản tài liệu 188 trang vừa được công bố nhưng đã bị lược bỏ các chi tiết quan trọng, chương trình "Công dân hoàn hảo" tuy đã được bắt đầu từ năm 2009, nhưng đến nay vẫn đang ở trong giai đoạn ban đầu với sự tham gia của 28 kỹ sư phần mềm và các chuyên gia lập trình.

Tháng 6-2009, ngay sau khi lên cầm quyền nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Barack Obama đã quyết định thành lập Bộ Chỉ huy an ninh mạng nhằm đối phó với những nguy cơ tấn công mạng ngày càng tăng nhắm vào các cơ sở thông tin dữ liệu quan trọng hàng đầu của Mỹ.

Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) cũng đã có kế hoạch thành lập lực lượng dự bị chiến tranh mạng để có thể huy động trong tình huống các hệ thống phòng thủ chiến tranh mạng tuyến đầu của Mỹ bị đánh sập.

Đầu tháng 10-2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta từng lên tiếng cảnh báo về nguy cơ nước Mỹ phải hứng chịu một “Trân Châu Cảng” trên mạng khi các nhóm tin tặc ở nước ngoài đồng loạt tấn công làm tê liệt hệ thống máy tính kiểm soát hệ thống cơ sở hạ tầng như các nhà máy điện, nhà máy hóa chất và nguồn nước của Mỹ./.