TCCSĐT - Sau khi có Chỉ thị 37-CT/TW, ngày 4-8-2009 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã khẩn trương tổ chức quán triệt đến các quận ủy, huyện ủy, đảng ủy cấp trên cơ sở, đảng ủy cơ sở trực thuộc Thành ủy và đội ngũ cán bộ chủ chốt của Thành phố về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của đại hội; đồng thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đại hội cơ sở và cấp trên cơ sở.

Đến cuối tháng 7-2010, tất cả 2.741 cơ sở đảng của Thành phố Hồ Chí Minh với 1.754 chi bộ, 987 đảng bộ đã hoàn thành đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2010 - 2015. Trong đó, có 69 đảng bộ (chiếm 6,99%) thực hiện thí điểm chủ trương đại hội trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư. Đại hội Đảng cấp cơ sở lần này thực sự là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng ở các địa phương, đơn vị bởi đại hội không chỉ đề ra phương hướng hoạt động và bầu ra nhân sự lãnh đạo của nhiệm kỳ mới, mà còn là dịp để phát huy trí tuệ tập thể và phát huy dân chủ trong tổ chức đảng, trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Thành phố.

Sau khi có Chỉ thị 37-CT/TW, ngày 4-8-2009 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã khẩn trương tổ chức quán triệt đến các quận ủy, huyện ủy, đảng ủy cấp trên cơ sở, đảng ủy cơ sở trực thuộc Thành ủy và đội ngũ cán bộ chủ chốt của Thành phố về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của đại hội; đồng thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đại hội cơ sở và cấp trên cơ sở. Thành ủy đã lập Ban Chỉ đạo đại hội và 6 tổ công tác do các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy phụ trách, trực tiếp chỉ đạo công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội tại các đảng bộ cơ sở; thực hiện thí điểm chủ trương đại hội bầu trực tiếp ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, cũng như các đại hội cấp cơ sở nói chung. Văn phòng Thành ủy và các ban của Thành ủy có các văn bản, đề cương, hướng dẫn cụ thể việc xây dựng văn kiện, dự thảo nghị quyết đại hội, công tác nhân sự, công tác tuyên truyền, công tác kiểm tra, công tác bảo vệ chính trị nội bộ v.v… phục vụ đại hội cơ sở. Ban Chỉ đạo Thành ủy đã kịp thời chỉ đạo và thực hiện giao ban định kỳ rút kinh nghiệm, qua đó phát huy những cách làm tốt của các địa phương, đơn vị; chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót nhằm bảo đảm đại hội đảng cấp cơ sở thực hiện đúng mục tiêu và các yêu cầu chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Nhìn chung, kết quả đại hội đảng cấp cơ sở đã đạt được các yêu cầu cơ bản theo tinh thần Chỉ thị 37-CT/TW, được thể hiện trên các mặt sau đây:

Thứ nhất, hệ thống các văn kiện đại hội được chuẩn bị nghiêm túc, tập hợp được trí tuệ của đảng viên, cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân. Chất lượng của hầu hết văn kiện cấp cơ sở được nâng lên, đảm bảo yêu cầu đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; nghiêm túc tự phê bình, đánh giá đúng thực trạng tình hình; thể hiện rõ kết quả thực hiện nghị quyết nhiệm kỳ qua, đồng thời nêu được những ưu, khuyết điểm, nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm về sự lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng trên tất cả các lĩnh vực: thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác chuyên môn, bảo đảm an ninh - chính trị, trật tự - an toàn xã hội, công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, công tác xây dựng đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị; đề ra được mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong nhiệm kỳ tới sát với yêu cầu thực tiễn của cơ sở với quyết tâm cao, đồng thời cũng đảm bảo tính khả thi.

Thứ hai, công tác chuẩn bị nhân sự được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thực hiện đúng quy trình hướng dẫn của Trung ương và cấp ủy cấp trên, bảo đảm đúng nguyên tắc trong bầu cử, phát huy được tính công khai, dân chủ trong Đảng. Số lượng cấp ủy được bầu ở đa số cơ sở đảng đều tăng, bầu đủ cấp ủy, có đổi mới trên 1/3 so với nhiệm kỳ trước; độ tuổi bình quân có giảm, tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ trong cấp ủy cơ sở tăng (nhất là ở cấp phường - xã). Số lượng và cơ cấu cấp ủy tương đối hợp lý, đảm bảo phát huy và tăng cường sự lãnh đạo của tổ chức đảng ở địa phương, đơn vị. Chất lượng cấp ủy cơ sở được nâng lên, đảm bảo tiêu chuẩn, có uy tín và có trình độ, năng lực thực hiện nhiệm vụ, có khả năng nâng tầm lãnh đạo và sức chiến đấu, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thứ ba, công tác tổ chức đại hội được chuẩn bị khá chu đáo về chương trình, công tác chỉ đạo, điều hành; trang trọng về hình thức, đảm bảo yêu cầu tiết kiệm. Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành đại hội, nhiều nơi đã triển khai thực hiện khá tốt công tác tuyên truyền, cổ động, phát động các phong trào thi đua, đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ chính trị hoặc tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề bức xúc ở cơ sở…, tạo khí thế sôi nổi và có sự tác động, thu hút sự quan tâm của quần chúng nhân dân đối với đợt sinh hoạt chính trị của Đảng.

Thứ tư, về kết quả, Đại hội đã bầu 13.046 cấp ủy viên (6.018 cấp ủy viên của khối ban, ngành, sở, cơ quan Trung ương và 7.028 cấp ủy viên khối quận, huyện), trong đó 7.226 đồng chí được tái cử.

So với nhiệm kỳ 2005 - 2010, có thể nói, chất lượng của cấp ủy đã có sự nâng cao đáng kể: có 55,39% cấp ủy viên tái cử, tạo sự liên tục và kế thừa cấp ủy nhiệm kỳ trước khá tốt; tỷ lệ cấp ủy viên là nữ đạt 27,18%, tăng 1,62%; độ tuổi bình quân là 44,51, giảm 0,32 tuổi; có 79,47% có trình độ đại học và trên đại học, tăng 8,04% v.v..

Ở khối quận, huyện, có 2.187 cán bộ nữ, đạt 31,18% trên tổng số cấp ủy viên trúng cử, tăng 2,55%. Về độ tuổi, cấp uỷ của nhiệm kỳ này trẻ hơn: bình quân là 44,19 tuổi (giảm 0,67 tuổi); có 518 cán bộ trẻ dưới 30 tuổi, đạt 7,37%. Ở nhóm phường, xã, thị trấn: độ tuổi của cấp ủy bình quân là 41,59 tuổi (giảm 2,06 tuổi); dưới 30 tuổi có 11,15% (so với 8,05%), từ 30 - 40 tuổi có 34,11% (so với 24,35%), trên 40 tuổi có 54,74% (so với 67,6%). Số cấp ủy viên nữ tăng gần 5% (33,05% so với 28,37%). Tỷ lệ cấp ủy viên có trình độ đại học và trên đại học tăng cao (61,82% so với 40,55%), đồng thời giảm tỷ lệ cấp ủy viên có trình độ trung cấp (16,49% so với 22,23%). Trình độ lý luận chính trị cấp ủy viên cũng được nâng lên: trình độ cao cấp, cử nhân là 25,34% so với 22,96%; trung cấp là 59,34% so với 52,17%…

Ở khối sở, ngành thành phố và bộ, ngành Trung ương, có 1.359 cán bộ nữ (bằng 22,58%, tăng 0,4%). Về độ tuổi, bình quân là 45,96 tuổi, trong đó, dưới 30 tuổi có 111 đồng chí (1,84%, tăng 0,73%). Về trình độ chuyên môn, đại học và trên đại học chiếm 86,76%; cao cấp và cử nhân chính trị là 35,78%...

Ngoài những thành công đáng ghi nhận nói trên, trong quá trình triển khai đại hội Đảng cấp cơ sở vừa qua ở Thành phố Hồ Chí Minh, có thể thấy vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, thể hiện rõ nhất trên hai mặt sau đây.

- Về chuẩn bị văn kiện, một số cơ sở đảng đề ra mục tiêu, nhiệm vụ chưa thật cụ thể, chưa thật sát hợp; thiếu các giải pháp đột phá, quyết liệt. Ở một vài cơ sở đảng, ở loại hình cơ quan, đơn vị sự nghiệp, trong xây dựng báo cáo tổng kết chưa nêu bật được vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị; một số nơi còn lúng túng về đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng, nhất là trong doanh nghiệp ngoài nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập. Trong báo cáo kiểm điểm cấp ủy, một số cơ sở chưa phân tích sâu vai trò của cấp ủy trong lãnh đạo, điều hành, tinh thần tự phê bình chưa được đề cao.

- Về công tác nhân sự, công tác quy hoạch cấp ủy, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ trẻ của một vài cấp ủy còn hạn chế. Mặt khác, do đặc điểm riêng của các cơ sở đảng thuộc lực lượng vũ trang, một số cơ quan quản lý chuyên môn, doanh nghiệp… rất khó có cán bộ trẻ có đủ điều kiện tham gia cấp ủy nên tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ chưa đạt yêu cầu chung.

Qua công tác chỉ đạo việc chuẩn bị, thực hiện các quy trình về công tác nhân sự đại hội cấp cơ sở, cấp ủy cấp trên cơ sở của Thành phố cũng đã bước đầu rút ra được nhiều kinh nghiệm cần thiết trong công tác đánh giá, điều động, bố trí, luân chuyển, cũng như quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Cụ thể: Một là, các cấp ủy, ban chỉ đạo đại hội đảng cơ sở cần tiếp thu, quán triệt sâu sắc chỉ thị, hướng dẫn của Trung ương, cấp ủy cấp trên để có sự chỉ đạo một cách tập trung, kiên quyết; chủ động đề ra nội dung, biện pháp thực hiện, có sự vận dụng phù hợp với tình hình thực tiễn của thành phố; tích cực “đeo bám”, kiểm tra, hướng dẫn cụ thể quá trình thực hiện.

Hai là, thực hiện tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ là điều kiện để tăng số lượng cấp ủy, cơ cấu được cán bộ nữ, cán bộ trẻ tham gia cấp ủy, đáp ứng được yêu cầu xây dựng cơ cấu cấp ủy khóa mới phù hợp với chỉ đạo của Bộ Chính trị. Trong quy hoạch, tuyển chọn cán bộ phải đặc biệt chú ý đến trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức… bởi tất cả mọi thành công của nhiệm vụ chính trị đều xuất phát từ đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Ba là, trong đại hội cơ sở đảng, cần chú trọng đến tính dân chủ rộng rãi trong Đảng, tăng thêm uy tín và trách nhiệm của người được bầu; tạo sự thống nhất từ trong nội bộ để thực hiện tốt nghị quyết đại hội đề ra. Khi có vấn đề phát sinh, cấp ủy cấp trên có sự chỉ đạo, phân tích, quán triệt kỹ về quan điểm, chủ trương, tạo sự đồng thuận, thống nhất cả về nhận thức và hành động trong đại hội.

Cuối cùng, những kinh nghiệm nói trên cần được vận dụng ngay sau khi tổng kết chỉ đạo đại hội cấp cơ sở lần này, làm căn cứ và cơ sở để sớm bắt tay vào việc chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho nhiệm kỳ sau./.