TCCS - Biểu tượng cánh hoa sen thuần khiết mang cốt cách và văn hóa dân tộc kết đính trên máy bay của VietNam Airlines cùng câu châm ngôn kinh doanh: “Mang văn hóa Việt Nam ra thế giới và mang văn hóa thế giới đến Việt Nam” đã chuyển tải hình ảnh, tâm hồn con người, đất nước Việt Nam đi khắp thế giới, là sức mạnh tinh thần chắp cánh cho sự phát triển của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam trên lộ trình trở thành một trong những tập đoàn hàng không hàng đầu khu vực.

Gia nhập liên minh hàng không toàn cầu

Tháng 6 năm 2010, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VietNam Airlines) đã chính thức gia nhập Liên minh Hàng không toàn cầu Sky Team. Sky Team là liên minh hàng không lớn thứ hai thế giới, thực hiện hơn 13.000 chuyến bay mỗi ngày, phục vụ 393 triệu lượt hành khách mỗi năm. Với việc gia nhập Sky Team, hành khách của VietNam Airlines sẽ được hưởng những dịch vụ thuận tiện và đồng nhất tiêu chuẩn quốc tế trên mạng bay toàn cầu của Sky Team, bao phủ hơn 850 điểm đến, tại 169 quốc gia. Sự kiện này đánh đấu bước trưởng thành mới trong tiến trình hội nhập của VietNam Airlines. Việc gia nhập Sky Team là một biểu hiện sinh động của rất nhiều nỗ lực mà các thế hệ lãnh đạo và cán bộ công nhân viên của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đang thực hiện để minh chứng cho khả năng hội nhập quốc tế đầy đủ của doanh nghiệp Việt Nam, khẳng định vị thế, thương hiệu của mình ở thị trường hàng không quốc tế.

Thị trường ASEAN với số dân 600 triệu người, là khu vực kinh tế năng động của thế giới và một thị trường đầy tiềm năng, nhất là khi ASEAN trở thành một khối thị trường chung vào năm 2015 như lộ trình đã vạch ra. Với tầm nhìn chiến lược, lãnh đạo Tổng Công ty Hàng không đã sớm đầu tư mạnh vào mở rộng mạng đường bay và đội máy bay. Xây dựng VietNam Airlines trở thành tập đoàn kinh tế mạnh có vị thế xứng đáng trong khu vực, có khả năng cạnh tranh được với các hãng hàng không hàng đầu hiện nay trong ASEAN như: Singapore Airlines, Malaysia Airlines, Thai Airways.

Thị trường hàng không châu Á - Thái Bình Dương, theo đánh giá, trong thời gian tới sẽ là khu vực có mức tăng trưởng cao nhất trên toàn cầu (đạt trung bình 7%/năm, so với mức trung bình của thế giới là 5%/năm). Ngành du lịch Việt Nam cũng đang phát triển nhanh, khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam dự báo tăng trưởng ở mức 10 - 12%/năm, khách du lịch nội địa tăng khoảng 12 đến 15%/năm. Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đang chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để đón đầu sự phát triển đó. Khởi đầu từ một hãng hàng không nhỏ bé, công nghệ lạc hậu, hầu như không có tên trên bản đồ hàng không thế giới, ngày nay, mạng đường bay của VietNam Airlines đã mở rộng đến 26 tỉnh, thành phố trên cả nước và trên 40 điểm đến quốc tế tại Mỹ, châu Âu, Úc và châu Á. Ngay từ năm 2006, sau khi đạt chứng chỉ uy tín về an toàn khai thác của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế, VietNam Airlines đã chính thức trở thành hội viên của Hiệp hội trên, qua đó khẳng định chất lượng dịch vụ mang tiêu chuẩn quốc tế của mình.

Tuy nhiên, muốn phát triển, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam phải vượt qua chính những rào cản còn tồn tại của mình, trước khi muốn vượt qua những rào cản khốc liệt trên thương trường quốc tế. Những hạn chế nội tại về quy mô hoạt động (mạng đường bay, đội máy bay), tiềm lực tài chính, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực, chưa kể là sự cạnh tranh của nhiều hãng hàng không, kể cả hãng hàng không chi phí thấp ngay tại thị trường trong nước, sẽ tiếp tục là những thách thức lớn đối với Tổng Công ty trên con đường phát triển.

Lộ trình trở thành tập đoàn hàng không đứng thứ hai khu vực

Chặng đường hơn nửa thế kỷ đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, từ đội bay còn rất nhỏ với vẻn vẹn 5 chiếc máy bay cánh quạt IL 14, AN 2... thuở ban đầu, đến nay, đội bay có khoảng gần 70 chiếc, trong đó có những loại hiện đại bậc nhất thế giới như: Boeing B777, Airbus A330, A321, A320...

Để trở thành hãng hàng không đứng thứ hai trong khu vực như chiến lược đã đề ra, Tổng Công ty đề ra 4 nhiệm vụ, đó là phát triển đội bay với công nghệ hiện đại, đủ năng lực cạnh tranh; xây dựng hạ tầng kỹ thuật hàng không đồng bộ; bảo đảm an toàn, an ninh - chất lượng; xây dựng đội ngũ cán bộ , người lao động tiếp cận trình độ quốc tế. Quy mô đội tàu bay của Tổng Công ty đến 2015 khoảng 110 chiếc, năm 2020 khoảng trên 160 chiếc, đồng thời nghiên cứu phát triển đội bay chuyên dụng vận tải hàng hóa từ năm 2012. Đội bay trẻ, hiện đại là một lợi thế của VietNam Airlines.

Để bảo đảm các cân đối tài chính lớn và đủ nguồn kinh phí đầu tư phát triển đội bay, Tổng Công ty đặc biệt quan tâm việc bảo toàn và phát triển nguồn vốn chủ sở hữu bằng nhiều giải pháp, như cổ phần hóa, bổ sung vốn từ lợi nhuận, tăng vốn điều lệ, bổ sung vốn từ ngân sách. Ưu tiên nguồn vốn chủ sở hữu tăng thêm cho các dự án phát triển đội tàu bay, kết cấu hạ tầng phục vụ khai thác, bảo dưỡng. Đa dạng hóa cơ cấu vốn chủ sở hữu, thu hút vốn của các thành phần kinh tế khác, chuyển cơ chế quản lý vốn từ hình thức hành chính sang phương thức đầu tư tài chính đối với doanh nghiệp thành viên và tham gia rộng, sâu hơn vào thị trường vốn quốc tế.

Đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của Tổng Công ty nhằm mở rộng phạm vi, lĩnh vực kinh doanh, được thực hiện theo định hướng xây dựng tập đoàn vận tải hàng không đa quốc gia, kết hợp sức mạnh tổng hợp của nhiều thành phần kinh tế (bao gồm cả kinh tế tư nhân, tập thể và nước ngoài). Việc đầu tư không dàn trải, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực vận tải hàng không và dịch vụ đồng bộ như: dịch vụ đồng bộ trong dây chuyền vận tải hàng không, hạ tầng kỹ thuật hàng không..., qua đó nhằm tối ưu hóa lợi nhuận, mở rộng tiềm lực tài chính của doanh nghiệp.

Vươn lên tầm cao mới

Chất lượng sản phẩm dịch vụ của Tổng Công ty tuy đã có những chuyển biến tích cực nhưng chưa đồng đều. Năng lực cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường ở một số lĩnh vực không đáp ứng được yêu cầu. Việc ứng dụng các thành tựu tiên tiến của khoa học công nghệ còn chậm, chưa theo kịp sự phát triển của thị trường. Đặc biệt, hạ tầng phục vụ vận tải hàng không vẫn còn yếu kém, chưa tương xứng với vị thế và đòi hỏi đặt ra.

Giai đoạn 2010 - 2015 là giai đoạn phát triển chiến lược rất quan trọng trong chu kỳ phát triển hướng đến năm 2020 của VietNam Airlines, theo mô hình một tập đoàn vận tải hàng không lớn, được điều hành chuyên nghiệp, có mạng đường bay rộng khắp trong cả nước và toàn cầu, quy mô đứng thứ hai trong khối ASEAN. Chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới, một trong những lĩnh vực quan trọng là đưa Việt Nam vào bản đồ công nghiệp hàng không thế giới, tham gia xây dựng ngành công nghiệp hàng không của Việt Nam, tiến tới tham gia sâu vào dây chuyền lắp ráp, chế tạo trang thiết bị hàng không, tàu bay và bảo dưỡng động cơ; xây dựng hạ tầng nhà ga, sân đỗ, cùng các cơ sở cung ứng dịch vụ đồng bộ; triển khai nhanh và mạnh việc phát triển hạ tầng công nghệ - kỹ thuật, sửa chữa, bảo dưỡng máy bay.

Phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, trong đó tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, người lái, kỹ sư, chuyên gia tinh nhuệ về chuyên môn, có phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn cao, đảm đương tốt việc vận hành, quản lý một hãng hàng không chuyên nghiệp quy mô lớn.

Trong vận tải hàng không, lấy an toàn, chất lượng và hiệu quả kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn làm mục tiêu hàng đầu; từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ với phương châm kinh doanh: “khách hàng là trung tâm”. Chấn chỉnh toàn bộ các hệ thống của dây chuyền sản xuất. Kết hợp các yếu tố dịch vụ với các yếu tố văn hóa, tinh thần, tạo ra bản sắc văn hóa trong hoạt động của VietNam Airlines, có sự khác biệt rõ nét với các hãng cạnh tranh. Đây chính là nền tảng để phát triển, phấn đấu đến năm 2015 đưa Tổng Công ty vào danh sách 10 hãng hàng không được ưa chuộng nhất ở châu Á về chất lượng dịch vụ trên không, mặt đất, theo đánh giá của các công ty nghiên cứu thị trường hàng không độc lập, có uy tín./.