TCCSĐT – Sáng 27-9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai đã chính thức khai mạc. Dự Hội nghị có đồng chí Lê Hồng Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Thị Doan - Phó Chủ tịch nước, Phạm Bình Minh - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, ông Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các tỉnh thành.

 

 Quang cảnh Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ 2

Hội nghị còn có sự tham dự của gần 1.000 đại biểu, khách mời là lãnh đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, trí thức, doanh nhân, các nhà hoạt động xã hội, tôn giáo, lãnh đạo các hội đoàn, đại diện cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong diễn văn khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định: bà con kiều bào là một bộ phận không tách rời, là nguồn lực quan trọng và quý báu của dân tộc Việt Nam trong phát triển và xây dựng đất nước. Chính vì lẽ đó, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến công tác về người Việt Nam ở nước ngoài. Bộ trưởng mong muốn, thông qua Hội nghị này, bà con tiếp tục có những đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của quê hương.

Báo cáo tại Hội nghị về tình hình và công tác Người Việt Nam ở nước ngoài, ông Tạ Nguyên Ngọc - Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp, Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài đã nhấn mạnh: Hội nghị lần này là dịp để các đại biểu trong và ngoài nước cùng trao đổi, đánh giá tình hình thế giới và trong nước, những nhân tố đang và sẽ tác động đến cộng đồng, điểm lại những việc đã làm và việc cần làm trong thời gian tới, xác định tầm nhìn, định hướng cho công tác để người Việt Nam ở nước ngoài thực sự là bộ phận, là nguồn sinh lực được phát huy mạnh mẽ, nhằm xây dựng cộng đồng vững mạnh, đóng góp cho quá trình hội nhập toàn diện, phù hợp với “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020” của đất nước.

Báo cáo nêu rõ: thời gian qua, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục tăng về số lượng, đến nay đã có trên 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống, lao động, học tập tại 103 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cuộc sống của kiều bào ngày càng ổn định, hòa nhập vào xã hội sở tại, có tiềm lực đáng kể về kinh tế, tri thức. Người Việt Nam ở nước ngoài luôn khẳng định được vai trò quan trọng trong ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và đặc biệt là ngoại giao văn hoá; có nhiều người, nhất là lớp trẻ rất thành đạt trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, kinh tế, văn hóa - xã hội, trong đó có một số bước đầu tham gia chính trường ở Mỹ, Canada, Úc, Đức... Hằng năm có khoảng 500 nghìn lượt kiều bào về nước, trong đó có không ít chuyên gia, trí thức về làm việc và nhiều người về tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh. Hiện có trên 3.500 doanh nghiệp trong nước được thành lập hoặc có vốn góp của kiều bào với tổng số vốn đăng ký khoảng 8,4 tỷ USD. Lượng kiều hối gửi về nước hằng năm tăng trung bình 10 - 15%, năm 2011 đạt trên 9 tỷ USD, trong 6 tháng đầu năm 2012 đã đạt khoảng 6,4 tỷ USD, chiếm gần 1/10 GDP cả nước, đóng góp quan trọng vào việc ổn định kinh tế của đất nước.

Đáng chú ý, công tác vận động kiều bào đã được triển khai tích cực với nhiều hình thức, nội dung phong phú, gắn với các sự kiện chính trị, xã hội lớn của đất nước như các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, Giỗ Tổ Hùng Vương, “Trại hè Việt Nam”, chương trình “Xuân Quê hương”, được tổ chức hằng năm và gần đây nhất là hoạt động của Đoàn kiều bào ra thăm và tặng quà quân dân huyện đảo Trường Sa. Bên cạnh đó, nhiều hội nghị, hội thảo chuyên đề được tổ chức như Hội nghị tổng kết 6 năm thực hiện Nghị quyết 36, Hội thảo “Bảo tồn bản sắc văn hoá Việt Nam, giữ gìn tiếng Việt”, Hội nghị lãnh đạo các tổ chức người Việt Nam ở nước ngoài; công tác thông tin, báo chí phục vụ cộng đồng không ngừng được đẩy mạnh, nhiều cơ quan báo chí trong nước đã thực sự coi trọng việc đưa tin liên quan đến kiều bào, đã tạo được hiệu ứng truyền thông tích cực đối với dư luận trong nước, quốc tế và kiều bào, góp phần hạn chế, đẩy lùi các luận điệu vu cáo, xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Thay mặt bà con kiều bào, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, kiều bào tại Philipines đã chân thành cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với bà con kiều bào, ông khẳng định: bà con luôn hướng về quê hương và mong muốn xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. Thông qua Hội nghị này, ông và bà con mong muốn lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cần nghiên cứu để các thủ tục hành chính, đầu tư về nước thông thoáng hơn, tạo ra sự hấp dẫn để bà con đầu tư về quê hương. Đặc biệt, công tác thông tin tuyên truyền sâu rộng để bà con nắm được thông tin trong nước, có hình thức hướng dẫn, hỗ trợ tầng lớp thanh niên trẻ việt kiều trong việc học tiếng Việt để họ gắn bó hơn với quê hương đất nước.

 

 Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu tại hội nghị


Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã vui mừng nhận thấy: mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vẫn giữ vững và phát huy truyền thống đoàn kết, "tương thân tương ái", "lá lành đùm lá rách" để cùng nhau nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống ổn định, hội nhập vững chắc hơn vào xã hội nơi cư trú và hướng về quê hương đất nước. Tích cực tham gia vào các sự kiện chính trị, văn hoá, xã hội trọng đại của đất nước; hoạt động từ thiện, nhân đạo, chia sẻ với đồng bào gặp khó khăn ở trong nước. Những tình cảm và nghĩa cử ấy thể hiện rõ nghĩa tình "đồng bào" và quan điểm "người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam" của Đảng và Nhà nước ta. Với 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài không chỉ là một phần máu thịt của dân tộc Việt Nam mà còn là nguồn lực quý báu cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, là cầu nối quan trọng trong quan hệ quốc tế của Việt Nam. Đảng và Nhà nước ta luôn rất quan tâm đến công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Từ sau Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất đến nay, nhiều chủ trương, chính sách tiếp tục được ban hành hoặc sửa đổi, hoàn thiện mới, đáp ứng quyền lợi thiết thực của kiều bào.

Đồng chí yêu cầu: Hội nghị cần tập trung thảo luận, nhìn lại quá trình phát triển của cộng đồng thời gian qua, đồng thời có những đề xuất ý kiến, phát huy sáng kiến với Đảng và Nhà nước về công tác kiều bào. Trong thời gian tới, Đảng và nhà nước sẽ tiếp tục đánh giá một cách đầy đủ và sát thực hơn về tình hình và xu hướng phát triển của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, về hiệu quả của các chủ trương, chính sách đối với kiều bào, đặc biệt là từ sau Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất, nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu, xác định chiến lược xây dựng cộng đồng tham gia với Đảng và Nhà nước về các chủ trương, chính sách liên quan đến công tác người Việt Nam ở nước ngoài, trên cơ sở đó xây dựng các chương trình, đề án vận động người Việt Nam ở nước ngoài trước mắt và lâu dài.

Hội nghị sẽ diễn ra đến hết ngày 30-9-2012./.