TCCSĐT - Ngày 14-6 vừa qua, Chính phủ Mỹ đã công bố Chiến lược cho khu vực Tiểu vùng Sahara châu Phi. Văn kiện dài 12 trang được Nhà Trắng công bố lập luận về sự cần thiết đối với Mỹ phải có chiến lược này và trình bày bốn nội dung trụ cột của chiến lược.
Trong lời nói đầu cho chiến lược này, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh mục tiêu của chiến lược là tập trung vào khai thác tiềm năng kinh tế của châu lục, thúc đẩy dân chủ, tăng cường phát triển và đảm bảo an ninh trên châu lục. Ông B.Obama cho rằng, lợi ích chiến lược lâu dài và thiết thực của nước Mỹ ở trong tương lai của châu Phi. Tổng thống B.Obama muốn đề cập đến lợi ích kinh tế và an ninh của Mỹ ở khu vực này và ở trên cả châu lục khi phát biểu: "chúng ta nhìn về tương lai, điều đã rõ ràng là châu Phi đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết đối với an ninh và phồn vinh của cộng đồng quốc tế nói chung và của nước Mỹ nói riêng".

Các nền kinh tế ở châu Phi hiện có tốc độ tăng trưởng thuộc diện năng động nhất trên thế giới. Lực lượng lao động trẻ và xã hội đang có những chuyển biến sâu sắc về chính trị, cho nên một trong những mục đích của chiến lược này là tăng cường trao đổi thương mại và hợp tác đầu tư giữa Mỹ với khu vực. Nhưng cả lợi ích về an ninh của Mỹ ở đây cũng rất nhãn tiền. Xung đột khu vực và nội chiến, xung đột sắc tộc và tôn giáo cũng như hoạt động khủng bố, cướp biển không chỉ là những mối đe dọa an ninh đối với châu Phi, mà còn cả đối với Mỹ. Làn sóng chính biến ở Bắc Phi và Trung Đông cũng làm chấn động cả châu lục về mọi phương diện. Cho nên Mỹ chủ trương tăng cường hiện diện quân sự, tìm kiếm đồng minh và tranh thủ đối tác ở châu Phi.

Bên cạnh đó, Tổng thống B.Obama xác định lợi ích cốt lõi của Mỹ ở khu vực này là "bảo đảm an ninh của Mỹ", an ninh cho công dân Mỹ và các đồng minh và đối tác của Mỹ; "hỗ trợ những nhà nước dân chủ quan trọng về kinh tế và là những đối tác quan trọng của Mỹ trên diễn đàn thế giới, mở rộng cơ hội cho đầu tư và thương mại của Mỹ, ngăn ngừa xung đột và tội phạm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững trên nền tảng vững chắc và xóa đói nghèo".

Để đạt được những mục tiêu và lợi ích nói trên, chiến lược này được xây dựng dựa trên bốn trụ cột chính là tăng cường các thể chế dân chủ; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đầu tư và thương mại; bảo đảm hòa bình và tăng cường an ninh; và thúc đẩy phát triển chung. Cách tiếp cận của Mỹ ở đây là "chủ động và hướng về phía trước trên cơ sở quan hệ đối tác".

Thời điểm công bố chiến lược này đáng được chú ý về hai phương diện.

Thứ nhất, kinh tế Mỹ hiện đang trong giai đoạn không thuận lợi và Tổng thống B.Obama cần một bức tranh kinh tế sáng sủa hơn để duy trì cơ hội tái cử. Tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư với châu Phi hoặc ít nhất mở ra triển vọng mới cho mối quan hệ ấy rất hữu ích cho ông B.Obama.

Thứ hai,
hơn bốn tháng rưỡi nữa là đến ngày bầu cử tổng thống Mỹ. Thời gian ấy không đủ để việc thực hiện chiến lược này và đưa lại những kết quả cụ thể, nhưng việc công bố chiến lược đó lại có tác dụng chính trị đáng kể và mạng lại những thuận lợi cơ bản cho Tổng thống B.Obama trong cuộc chạy đua nước rút vào Nhà Trắng.

Trong thực chất, chiến lược này chưa bao hàm những biện pháp và chương trình hợp tác cụ thể, mà chủ yếu chỉ là tập hợp những định hướng chính sách đối với châu Phi mà Tổng thống B.Obama đã thực hiện trong nhiệm kỳ cầm quyền đầu tiên, dựa trên những ý tưởng và cách thức quan hệ lâu nay với châu lục này.

Rất có thể chiến lược này sẽ chỉ dừng lại ở mức chung chung vì thực tế nó chưa thể mang lại kết quả đáng kể trong thời gian từ nay cho tới ngày bầu cử tổng thống. Và dù Tổng thống B.Obama tái cử hay ứng cử viên Mitt Romney đắc cử trong cuộc bầu cử sắp tới tại Mỹ đều có thể tiếp tục phát triển và cụ thể hóa chiến lược này mà không cần phải soạn thảo và công bố lại./.