Đây là khẳng định của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 17 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP17); Hội nghị lần thứ 7 các bên tham gia Nghị định thư Kyoto (CMP7), diễn ra từ ngày 28-11 đến ngày 11-12-2011 ở Durban, Nam Phi, được Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thông báo tại cuộc họp báo về kết quả của Đoàn Việt Nam tham dự 2 Hội nghị này, tổ chức ngày 15-12, tại Hà Nội.

Đoàn Việt Nam đã tích cực tham gia các phiên họp quan trọng liên quan trực tiếp đến Việt Nam tại Hội nghị, nắm bắt quan điểm của mỗi nước, các nhóm nước, trao đổi ý kiến với các đại biểu quốc tế nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia.

Trưởng đoàn Việt Nam có bài phát biểu tại Phiên họp cấp cao của Hội nghị, thông báo các hoạt động chủ động và tích cực của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, nêu rõ quan điểm của Việt Nam về thiết lập thỏa thuận quốc tế thực hiện Công ước khí hậu, Nghị định thư Kyoto trong các thời kỳ sau năm 2012, khẳng định quyết tâm của Việt Nam hợp tác chặt chẽ cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Bài phát biểu này đã nhận được sự ủng hộ của nhiều đại biểu quốc tế.
Bên cạnh việc tham gia các phiên họp chính thức trong khuôn khổ Hội nghị, Đoàn Việt Nam đã có gần 20 cuộc gặp song phương với Đoàn đại biểu một số nước vốn có hoạt động hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, một số nước khác đang muốn tìm kiếm khả năng hợp tác với Việt Nam ở lĩnh vực này.

Qua làm việc với đại diện của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), về hỗ trợ Việt Nam chuẩn bị xây dựng Thông báo quốc gia lần thứ 3 cho Công ước khí hậu, UNEP đã đánh giá cao việc Việt Nam hoàn thành Thông báo quốc gia lần thứ 2. Đồng thời sẵn sàng tài trợ không hoàn lại, hỗ trợ kỹ thuật giúp Việt Nam triển khai thủ tục chuẩn bị xây dựng Thông báo quốc gia lần thứ 3 cho Công ước khí hậu vào đầu năm 2012.

Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ kịp thời báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ kế hoạch triển khai thực hiện các kết quả của COP17/CMP7 tại Durban trong thời gian tới. Mặt khác, sẽ tiến hành những việc cần làm ngay để nhanh chóng tiếp cận được các nguồn tài chính, những thành tựu khoa học kỹ thuật về tăng trưởng xanh; tăng cường hợp tác song phương cùng có lợi để ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai, cũng như thực hiện cơ chế mới về quản lý phát thải, phục hồi rừng, sinh kế cho cộng đồng bảo vệ môi trường...

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã giới thiệu về 6 kết quả chính đạt được tại COP17 và CMP7. Đặc biệt là Quỹ Khí hậu xanh trở thành kênh chủ yếu để huy động và giải ngân các khoản kinh phí dành cho ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Ủy ban Thích ứng gồm 16 thành viên sẽ báo cáo trực tiếp COP về điều phối các hoạt động thích ứng trên phạm vi toàn cầu. Cơ chế Công nghệ sẽ được vận hành đầy đủ vào năm 2012 thông qua Trung tâm và Mạng lưới công nghệ khí hậu.../.