TCCSĐT - Mặc dù đã tiên liệu những rủi ro về giá dầu do khủng hoảng nợ ở châu Âu và suy thoái kinh tế toàn cầu, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vẫn tiếp tục đầu tư vào các nguồn cung nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ đang ngày càng gia tăng của toàn thế giới.

 

 

 

 Bất chấp rủi ro, OPEC vẫn đầu tư vào mở rộng sản xuất

 

 

OPEC nâng mức dự báo về nhu cầu dầu mỏ thế giới

Trong báo cáo “Triển vọng dầu mỏ thế giới 2011”, OPEC đã nâng mức dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới lên 92,9 triệu thùng/ngày vào năm 2015, tăng 1,9 triệu thùng/ngày so với năm ngoái. Báo cáo cũng cho biết, 12 nước thành viên của OPEC đang có kế hoạch tăng gấp đôi nguồn dầu mỏ dự trữ vào năm 2015.

Về giá dầu trong một thập kỷ tới, báo cáo của OPEC nhận định, giá dầu sẽ tăng lên mức 85-95 USD/thùng (năm ngoái là 75-85 USD/ thùng). Giá dầu tăng cao kỷ lục vào tháng 4-2011 là 127 USD/thùng do xung đột tại Libya khiến nước này phải dừng nguồn cung lại.

Bên cạnh đó, báo cáo dài 287 trang này còn trích dẫn hàng loạt những thách thức đối với nền kinh tế toàn cầu như gói cứu trợ tiền tệ đang suy yếu, cuộc khủng hoảng nợ ở Eurozone và đưa ra những bằng chứng cho thấy các nước mới nổi vốn là nguồn tiêu thụ dầu mỏ mạnh sẽ không tránh khỏi bị ảnh hưởng vì suy thoái kinh tế toàn cầu.

Thêm vào đó là tình hình chính trị bất ổn ở Italy và Hy Lạp những ngày qua cũng chứng kiến một loạt diễn biến chính trị thay đổi. Chính phủ Italy cho rằng, Thủ tướng Silvio Berlusconi không có khả năng ngăn cản nguy cơ nước này lâm vào khủng hoảng tài chính như Hy Lạp. Sau cuộc gặp trực tiếp Thủ tướng Silvio Berlusconi ngày 8-11 tại Roma, Tổng thống Italy Giorgio Napolitano cho biết, ông S.Berlusconi sẽ từ chức sau khi Quốc hội thông qua kế hoạch ngân sách cho năm tới. Thủ tướng George Papandreou cũng đã tuyên bố từ chức, để dọn đường cho việc thành lập một chính phủ liên minh.

Tại cuộc họp của OPEC hồi tháng 6 năm nay, Saudi Arabia và các nước đồng minh của OPEC ở khu vực vùng vịnh đã đơn phương tăng sản lượng lên sau khi không thể thuyết phục các thành viên khác trong OPEC cùng tăng năng suất để bù vào sản lượng thâm hụt của Libya. Kết quả là, năng suất trong toàn OPEC đã giảm khoảng 4 triệu thùng/ngày trong năm nay.

Theo báo cáo trung hạn của OPEC, sản lượng dự trữ dầu sẽ tăng lên gấp đôi và đạt 8 triệu thùng/ngày vào năm 2015 khi nguồn cung dầu mỏ tại Libya phục hồi và OPEC mở rộng đầu tư sản xuất. Báo cáo của OPEC cho biết, các nước thành viên đã đề xuất chi tiết cho 132 dự án định triển khai trong giai đoạn 2011-2015, với tổng số tiền đầu tư lên đến gần 300 tỉ USD.

Báo cáo nhận định: “Bất chấp những thách thức và rủi ro, các thành viên của OPEC vẫn tiếp tục đầu tư nhằm tạo ra năng suất cao hơn”.

Theo OPEC, Libya chỉ mất khoảng 15 tháng là có thể phục hồi lại sản lượng dầu mỏ trước cuộc nội chiến là 1,6 triệu thùng/ngày (số liệu tháng 1-2011). OPEC cũng hy vọng rằng năng suất dầu mỏ của các nước ngoài tổ chức này cũng tăng lên, nhu cầu dầu thô tăng chậm, khoảng 31,3 triệu thùng/ngày năm 2015, tăng 500.000 thùng/ngày so với dự đoán năm ngoái.

IEA dự đoán nhu cầu khí đốt của toàn cầu sẽ tăng 1,7%/năm

Cũng trong ngày 9-11-2011, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã công bố báo cáo thường niên về “Triển vọng năng lượng toàn cầu”, theo đó nhu cầu dầu của toàn cầu sẽ tăng 14% vào năm 2035. Nhu cầu dầu tăng chủ yếu nhờ sự gia tăng ở Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi, trong khi giá dầu có thể tăng lên tới 150 USD/thùng trong thời gian ngắn nếu đầu tư vào khu vực sản xuất dầu ở Trung Đông và Bắc Mỹ giảm mạnh.

Theo ước tính của IEA, nhu cầu dầu mỏ của toàn cầu sẽ đạt 99 triệu thùng/ngày vào năm 2035, tăng 12 triệu thùng/ngày so với năm 2010, và giá dầu có thể tăng lên tới 150 USD/thùng bất chấp khả năng biến động giá hiện nay.

IEA dự đoán nhu cầu khí đốt của toàn cầu sẽ tăng 1,7%/năm lên 4.750 tỉ m3 vào năm 2035. Tuy nhiên, về ngắn hạn, tình trạng dồi dào khí đốt khai thác từ các nguồn phi truyền thống như từ đá phiến sét, sẽ gây sức ép lên giá khí đốt.

Theo dự đoán của IEA, nguồn cung cấp khí đốt từ các nguồn phi truyền thống sẽ tăng lên tới hơn 20% tổng sản lượng khí đốt vào năm 2035 so với khoảng 13% vào năm 2009.

Trước đó, các nhà kinh tế thế giới nhận định giá dầu vào cuối năm 2011 có thể tăng 20% và đạt mức 120 USD/thùng khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu thúc đẩy nhu cầu về nguồn nhiên liệu thiết yếu này. Các nhà kinh doanh dầu mỏ thế giới cho rằng, do tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế mới nổi có thể vượt quá các tác động bất lợi của cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu, của tăng trưởng kinh tế chậm chạp ở Mỹ cũng như các nỗ lực của IEA nhằm kiềm chế tăng giá dầu.

Người đứng đầu nhóm nghiên cứu năng lượng khu vực ở Hồng Công, Gordon Kwan nhấn mạnh, giá dầu được hỗ trợ tốt để mức tăng đem lại lợi nhuận khổng lồ cho khu vực năng lượng nhưng chưa thể làm ngừng tăng trưởng của các nền kinh tế thế giới.

Theo các nhà phân tích tại Ngân hàng Merrill Lynch và các thị trường toàn cầu của Tập đoàn tài chính Citi của Mỹ, các nhân tố như tăng trưởng chậm của nền kinh tế Mỹ, cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu và các nỗ lực của Trung Quốc kiềm chế tăng trưởng và lạm phát,… có thể kiềm chế giá dầu ở mức trung bình 90USD/thùng trong quý 4-2011 nếu Saudi Arabia, nước sản xuất và xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, tăng sản lượng xuất khẩu dầu.

Theo tính toán của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), giá dầu tăng 10% sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế thế giới khoảng 0,25% nếu mức tăng này ổn định trong 1 năm./.