Sáng 19-10, tại Hà Nội, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo công bố chương trình và nội dung Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII. Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Ủy viên Trung ương Đảng - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chủ trì.
Tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII đã tiến hành tổng kết các hoạt động ở các lĩnh vực trong đó có 7 đề án đổi mới.

Trên cơ sở tiếp thu những đổi mới này, các kỳ họp Quốc hội khóa XIII sẽ tiếp tục phát huy các kết quả đó, đồng thời kết hợp với thực tiễn để tiến hành đổi mới. Vấn đề này cũng được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gửi thư, kêu gọi phát huy sáng kiến của các đại biểu trong hoạt động của Quốc hội.
Theo đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, đề án đổi mới hoạt động của Quốc hội được chia làm hai phần. Một phần có thể thực hiện ngay tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII.

Cụ thể: Đổi mới ngay trong hoạt động ở hội trường. Báo cáo giải trình phát biểu tại hội trường phải ngắn gọn. Còn các bản giải trình báo cáo sẽ gửi trực tiếp đến các đại biểu nghiên cứu.

Về đổi mới chất vấn và trả lời chất vấn đã thực hiện ở những kỳ họp trước thì tại kỳ họp này sẽ tiếp tục phát huy. Việc đổi mới chất vấn sẽ thực hiện theo nhóm vấn đề. Các Bộ trưởng trả lời chất vấn không trình bày văn bản giải trình mà trả lời trực tiếp câu hỏi của các đại biểu. Các đại biểu khi tham gia chất vấn phải vào thẳng vấn đề không giải thích câu hỏi của mình.

Ngoài ra, Quốc hội sẽ tăng cường tổ thư ký để tránh những câu hỏi khi thảo luận ở tổ tiếp tục đem ra thảo luận tại hội trường. Các đại biểu sẽ có nhiều thời gian thảo luận những vấn đề quan trọng của đất nước trên hội trường.

Trong tiếp xúc cử tri, cũng sẽ gặp gỡ với nhiều đối tượng. Thường vụ, các hội đồng, các ủy ban Quốc hội cũng tiến hành đổi mới trong việc kiểm tra, giám sát.

Cũng tại cuộc họp báo, Văn phòng Quốc hội thông báo chương trình và nội dung Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII. Theo đó kỳ họp này sẽ bắt đầu từ ngày 20-10 và kết thúc vào ngày 26-11.

Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 5 dự án Luật, bao gồm: Luật Cơ yếu, Luật Lưu trữ, Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo, Luật Đo lường; 1 Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp luật của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII và cho ý kiến về 13 dự án Luật sẽ được trình Quốc hội như: Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Giáo dục đại học, Luật Phòng, chống rửa tiền, Luật Giám định tư pháp…

Bên cạnh đó, tại Kỳ họp này, Quốc hội cũng tập trung xem xét các Báo cáo về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015) và Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020; Tổng kết Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng toàn quốc; Chương trình mực tiêu quốc gia năm 2011- 2015; Chương trình sử dụng trái phiếu Chính phủ năm 2011-2015.

Ngoài ra, Quốc hội còn nghe báo cáo của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cáo, Báo báo của Chính phủ về công tác thi hành án và đặc xá, Báo cáo tổng hợp ý kiến và giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8 và 9, Quốc hội khóa XII…

Dự kiến Quốc hội sẽ dành khoảng 2,5 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Các nội dung quan trọng của kỳ họp sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam và kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam./.