TCCSĐT - Thông tin về các nền kinh tế lớn như Mỹ và Nhật Bản bị hạ mức tín nhiệm, nguy cơ nền kinh tế Mỹ bị suy thoái kép, cuộc khủng hoảng nợ công tại các nước châu Âu vẫn chưa đến hồi kết, các chỉ số chứng khoán của các quốc gia lớn đều giảm. Đáng chú ý là giá vàng thế giới tăng cao kỷ lục do lo ngại về tình trạng kinh tế toàn cầu. Đây là những nhân tố chính ảnh hưởng tới thị trường hàng hóa thế giới 9 tháng đầu năm nay và Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy này.

Tình hình thị trường trong nước có khá nhiều biến động. Thời tiết thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, dịch bệnh đang được khống chế tạo điều kiện cho chăn nuôi tái đàn, góp phần tăng nguồn cung thực phẩm cho thị trường. Lượng lúa hàng hóa phục vụ xuất khẩu mặc dù tăng so với năm trước, tuy nhiên do xuất khẩu được giá, nhu cầu thu mua tăng mạnh nên giá lúa gạo trong nước đang có xu hướng tăng. Về thị  trường tài chính tiền tệ, tốc độ lạm phát đang trong xu hướng tăng chậm lại là cơ sở cho việc điều chỉnh giảm lãi suất đối với VND trên thị trường tiền tệ, lãi suất huy động chính thức chưa giảm nhưng lãi suất thỏa thuận đã bắt đầu giảm ở hầu hết các ngân hàng thương mại.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê,chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng đầu năm 2011 có mức tăng mạnh hơn so với các năm trước. Trong số 11 nhóm hàng hoá và dịch vụ, chỉ duy nhất một nhóm giảm giá là Bưu chính, viễn thông. Các nhóm hàng Lương thực, thực phẩm năm nay tăng mạnh, nhất là nhóm thực phẩm tăng 28,7% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: CPI tháng 9 năm 2011 so với tháng trước tăng 0,82%; so với tháng 12 năm trước tăng 16,63%; so với tháng 9 năm trước tăng 22,42%; và bình quân 9 tháng đầu năm 2011 so với cùng kỳ năm 2010 tăng 18,16%. Như vậy trong 9 tháng đầu năm nay, bình quân mỗi tháng CPI tăng 1,72%, mức tăng này khá cao so với các năm trước (trừ năm 2008).

                                                                                                                       

 

CPI tăng bình quân mỗi tháng trong

9 tháng đầu năm (%)

Năm 2007

0,79

Năm 2008

2,22

Năm 2009

0,45

Năm 2010

0,70

Năm 2011

1,72

 

CPI tháng 9 năm nay so với tháng 12 năm trước đã tăng 16,63%, sức tăng CPI như hiện nay là thách thức lớn với mục tiêu kiềm chế lạm phát của năm (mới được điều chỉnh lên khoảng 18%)

Theo các chuyên gia kinh tế, CPI tăng mạnh do nhiều nguyên nhân. Trước hết là do chính sách tiền tệ, tín dụng. Cung tiền những năm vừa qua có sự nới lỏng quá mức là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát cao. Năm 2009, tình hình cung tiền cao hơn mức cần thiết và hệ quả là lạm phát năm 2010 và 2011 bị đẩy lên cao. Trong những tháng đầu năm 2011, nhờ kiểm soát chặt chẽ, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng giảm mạnh đã đem lại kết quả bước đầu, tốc độ lạm phát những tháng gần đây đang có xu hướng tăng chậm lại.

Đặc biệt, việc tăng giá điện, than, xăng dầu... mặc dù đã được thực hiện theo lộ trình, nhưng cũng gây ảnh hưởng nhất định đến giá thành nhiều mặt hàng sản xuất trong nước.

Giá xăng dầu tăng hai đợt vào ngày 24-2-2011 và 29-3-2011 với mức độ tăng khá cao, cụ thể: xăng tăng 4.900đ/lít (tăng 29,88% so với cuối năm 2010); dầu hỏa tăng 5.700đ/lít (tăng 37,74%); dầu Diezel tăng 6.350đ/lít (tăng 43,05%), tuy nhiên vào ngày 26-8-2011 đã giảm nhưng mức độ giảm không nhiều, mỗi lít xăng dầu chỉ giảm 300-500đ/lít, nên nhìn chung 9 tháng đầu năm, giá xăng, dầu vẫn tăng cao đã ảnh hưởng rất lớn vào giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và lưu thông hàng hóa. Giá bán điện cho sản xuất và sinh hoạt cũng được điều chỉnh tăng trên 15% kể từ ngày 1-3-2011. Giá gas thế giới liên tục tăng cao trên 15% so với tháng 12-2010, nguyên nhân do bất ổn chính trị ở Li-bi làm nguồn cung mặt hàng này giảm, bên cạnh đó Nhà máy lọc dầu Dung Quất tạm dừng hoạt động 2 tuần trong tháng 4-2011 cũng đã ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước. Giá thép và giá phôi thép thế giới tăng cao vào tháng 3, tháng 4-2011 cộng với tỷ giá USD/VN trong những tháng đầu năm tăng cao, nên các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đã liên tục tăng giá vào tháng 3, 4 và tháng 5-2011. Các tháng 6, 7, 8 do hạn chế đầu tư công nên giá thép xây dựng đã giảm, tuy nhiên, sang tháng 9 nhu cầu xây dựng bắt đầu tăng, kèm theo giá thép xây dựng thế giới tăng, nên tính chung 9 tháng đầu năm giá thép vẫn tăng gần 10%.

Việc tăng giá đầu vào cho sản xuất như vậy dẫn đến tăng giá thành và giá bán sản phẩm, từ đó gây ra lạm phát cao. Chi phí trung gian trên tổng giá trị sản xuất công nghiệp ngày càng tăng, từ mức 60% vào năm 2001 tăng lên 70% vào năm 2005 và khoảng 78% vào năm 2010. 9 tháng đầu năm 2011, chỉ số giá nguyên, nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng CPI bình quân (16,63%), trong đó: nhóm nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 29,7%, than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 26,2%, khí đốt tăng 20,75%...

Giá đầu vào tăng, dẫn đến giá bán sản phẩm tăng cao. Chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng đầu năm 2011 tăng 27,57%; chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng công nghiệp tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài những nguyên nhân trên thì việc điều chỉnh tăng lương của khu vực doanh nghiệp và khu vực hưởng lương từ ngân sách Nhà nước đã phần nào tác động đến yếu tố tâm lý người bán hàng góp phần làm giá cả tăng. Bên cạnh đó, thời gian nghỉ Tết Nguyên Đán 2011, nghỉ lễ ngày 30/4, 1/5 và Quốc khánh 2/9 kéo dài, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ vui chơi giải trí tăng nên giá thực phẩm, giá dịch vụ tăng theo.

Để điều hành kịp thời khi tình hình thị trường, giá cả biến động mạnh, các ngành, các cấp cần tập trung thực hiện các giải pháp sau đây:

- Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, ổn định tỷ giá để kiềm chế lạm phát.

- Từng bước giảm dần lãi suất huy động và cho vay để giảm bớt khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, xóa bỏ dần các biện pháp hành chính.

- Thực hiện chủ trương xác định giá theo cơ chế thị trường nhất là đối với các mặt hàng đầu vào quan trọng cho sản xuất như điện, than, xăng, dầu... Cần minh bạch khâu tính giá thành để giải quyết tình trạng độc quyền gây ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống của người dân.

- Tăng cường công tác kiểm soát thị trường, kiên quyết xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng giả, trốn thuế...

- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền gắn với nâng cao ý thức trách nhiệm vì cộng đồng của doanh nghiệp và người dân, khắc phục triệt để nguyên nhân lạm phát do yếu tố tâm lý.

Khó khăn thách thức trong 3 tháng cuối năm 2011 của kinh tế nước ta rất lớn, đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương phải luôn theo sát tình hình, chủ động ngăn ngừa lạm phát, theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường thế giới và trong nước, nhất là diễn biến giá cả các mặt hàng quan trọng như dầu thô, xăng dầu, thép xây dựng, lương thực, thực phẩm.../.