Cử tri mong muốn các đại biểu trúng cử nhiệm kỳ tới sẽ mang đến nhiều thay đổi cho đời sống nhân dân như: giải quyết việc làm, tìm thị trường tiêu thụ nông sản…

Ngày 15-5, cùng với cử tri huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, hơn 8.000 cử tri thuộc 4 xã của huyện Biên giới Mường Tè, tỉnh Lai Châu sẽ đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.


4 xã bầu cử sớm thuộc huyện Mường Tè gồm: Mường Mô, Ka Lăng, Tà Tổng, Mù Cả, thuộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, địa hình rộng và chia cắt bởi hệ thống sông suối, giao thông đi lại rất khó khăn. Đặc biệt vào mùa mưa lũ thường xuyên xảy ra lũ ống, lũ quét sạt lở đất gây ách tắc giao thông. Vì vậy, theo đề nghị của địa phương, Hội đồng bầu cử Trung ương đã cho phép Mường Tè tổ chức bầu cử sớm vào ngày 15-5 ở các xã này.

 Đến cuối giờ chiều 14-5, tất cả cử tri của 4 xã đều đã nắm rõ lịch bầu cử và các nguyên tắc, quy định về quyền lợi và nghĩa vụ của người cử tri khi đi bỏ phiếu. Cử tri Hoàng Văn Sạn, bản Mường Mô, xã Mường Mô, huyện Mường Tè vui mừng: “Với tư cách là một cử tri đi thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, chúng tôi rất tự hào, xác định đây là trách nhiệm, nghĩa vụ đi cầm lá phiếu đi bầu ra người đại biểu, cơ quan quyền lực ở địa phương”.

4 xã Mường Mô, Ka Lăng, Tà Tổng, Mù Cả thuộc đơn vị bầu cử số 12 và 13, với 45 tổ bầu cử và hơn 8.000 cử tri. Theo ông Lý Anh Hừ, Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội đồng bầu cử huyện Mường Tè, cùng với việc cấp phát, vận chuyển tài liệu, phiếu bầu, con dấu, hòm phiếu, đến thời điểm này công tác chuẩn bị tại các điểm bỏ phiếu đã hoàn tất. Công tác đảm bảo an ninh chính trị đã được tăng cường. Lực lượng cán bộ, chiến sĩ làm công tác an ninh trật tự đã được điều xuống 16/16 xã, thị trấn, trong đó tập trung vào địa bàn 4 xã bầu cử sớm.


Thời điểm này đã bước vào mùa mưa, hay xảy ra mưa đá, lốc xoáy, sạt lỡ ách tắc giao thông, khó khăn cho việc đi lại. Do vậy, ủy ban bầu cử huyện Mường Tè đã lường trước khó khăn này và có các biện pháp đề phòng để kịp thời khắc phục khi có sự cố xảy ra. Có thể nói, công tác chuẩn bị cho bầu cử ngày 15-5 ở Mường Tè được chuẩn bị khá kỹ lưỡng và chu đáo. Với tinh thần phấn khởi, đoàn kết của toàn dân, sự nỗ lực cố gắng của các cơ quan, ban, ngành, cuộc bầu cử ngày 15-5 trên địa bàn 4 xã huyện biên giới đặc biệt khó khăn của Mường Tè sẽ diễn ra thuận lợi và đúng là ngày hội của toàn dân như cử tri ở đây mong muốn.


* Sáng 14-5, tại xã Sơn Thủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện miền núi Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri giữa các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII với cử tri xã Sơn Thủy.


Sau khi nghe các ứng cử viên trình bày chương trình hành động, cử tri xã Sơn Thủy, huyện miền núi Sơn Hà mong rằng, khi các ứng cử viên trúng cử đại biểu Quốc hội cần quan tâm hơn nữa đến đời sống của người dân miền núi nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Trong đó, tập trung giải quyết việc làm cho nông thôn, miền núi; tìm thị trường tiêu thụ ổn định các loại cây nguyên liệu như: sắn, keo; tăng cường công tác hướng dẫn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao cho đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt, nhà nước cần có chính sách ưu đãi giảm giá phân bón, thuốc trừ sâu để đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện sản xuất thâm canh.


* Trước cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, người dân các huyện khu vực phía Tây tỉnh Thanh Hóa đều có chung mong muốn Nhà nước đầu tư mạnh mẽ hơn nữa xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông nông thôn để kích thích phát triển kinh tế, xã hội.


Trong nhiều ý kiến của cử tri trước thềm cuộc bầu cử, đa số tập trung vào việc mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ để nâng giá trị các sản phẩm từ cây luồng, nâng cao đời sống đồng bào.


Anh Lữ Ngọc Quý, cử tri thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa mong muốn nhà nước hỗ trợ để người dân Quan Hóa có thể làm giàu từ cây luồng bằng cách thu hút được nhiều nhà đầu tư đến với bản làng.


Cũng như người dân các huyện khu vực miền núi Thanh Hóa, người dân huyện Quan Sơn đều bày tỏ mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn nữa để cải thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, đặc biệt là đường giao thông và các công trình thủy lợi nhỏ, cầu treo dân sinh, cải thiện thu nhập từ vườn rừng, hướng đến mục tiêu xóa đói giảm nghèo.


Chỉ còn vài ngày nữa sẽ đến bầu cử, mỗi cử tri ở đây đều thấy trách nhiệm hơn với lá phiếu cầm trên tay, sẵn sàng tham gia ngày hội bầu cử để thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình. Ai cũng mong mỏi và hi vọng chương trình hành động của các đại biểu trúng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND nhiệm kỳ tới sẽ mang đến nhiều thay đổi cho nông thôn miền núi, khu vực khó khăn và khắc nghiệt bậc nhất xứ Thanh./.