Phần nổi nhỏ của một khối băng chìm lớn

Lê Thuỳ Dương
22:16, ngày 16-05-2011

TCCSĐT - Vừa qua, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì hoàn thành chuyến công du sang Mat-xcơ-va để chuẩn bị cho chuyến thăm Nga chính thức của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào vào tháng 6-2011. Tuy nhiên, đây không đơn giản là chuyến công tác mang tính chất chuẩn bị mà có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với quan hệ song phương mà còn đối với tình hình an ninh quốc tế nói chung.

Từ bối cảnh “nóng” của chuyến thăm

Tình hình khá “nóng” và đầy kịch tính ở Trung Đông và Bắc Phi đã tác động mạnh tới nỗ lực hợp tác giữa Nga và Trung Quốc vốn đã tương đối ăn ý trong những năm qua trong các vấn đề quốc tế và khu vực, thì nay đã chuyển sang giai đoạn mang tính chất hoàn toàn mới.

Trung Đông và Bắc Phi là động lực cho cuộc đàm phán giữa Bộ trưởng Bộ ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì ở Mat-xcơ-va với người đồng cấp Nga Xec-gây La-vrôp. Nga và Trung Quốc tuyên bố sẽ phối hợp để giải quyết những vấn đề phát sinh từ các cuộc bạo động chính trị ở Trung Đông và Bắc Phi.

Rõ ràng là, cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở Li-bi chứng tỏ sự “thâm hụt lòng tin” giữa một bên là Mỹ và đồng minh trong NATO với bên kia là Nga, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác khó có thể khoả lấp được khi NATO phớt lờ lời kêu gọi của Mat-xcơ-va và Bắc Kinh cần ngừng bắn ngay lập tức ở Li-bi. Trước tình hình đó, Nga và Trung Quốc không còn tin vào kế hoạch và ý tứ của Mỹ và các đồng minh trong NATO ở Trung Đông nói chung và Li-bi nói riêng. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Xec-gây La-vrôp tỏ ý thất vọng lớn về tiêu chuẩn nước đôi của phương Tây và những thủ đoạn mà họ áp dụng trong việc giải trình một cách đơn phương và tuỳ tiện về nội dung của Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an của Liên hợp quốc để có thể làm những gì họ muốn. Thậm chí, hiện nay Mỹ và NATO đang có ý định mượn cớ “bảo đảm an ninh” cho “hoạt động nhân đạo” để đưa quân bộ vào Li-bi nhằm mục tiêu tối thượng là tiêu diệt nhà lãnh đạo Li-bi, ông Ca-đa-phi. Cuộc ném bom của NATO nhằm vào dinh thự riêng của ông Ca-đa-phi trong những ngày vừa qua đã chứng tỏ rất rõ điều đó.  

Đồng thời, Nga và Trung Quốc đang xem xét với mối lo ngại sâu sắc về cái gọi là “Nhóm tiếp xúc về Li-bi” bao gồm 22 nước và 6 tổ chức quốc tế. Bàn về quyết định của Nhóm tiếp xúc vừa được thông qua tại cuộc gặp ở Rô-ma, theo đó sẽ khẩn cấp thành lập Quỹ Hỗ trợ cho lực lượng nổi dậy ở Li-bi với số tiền 250 triệu USD, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Xec-gây La-vrôp tuyên bố rằng: Nhóm tiếp xúc đã tự gán cho minh vai trò dẫn đầu trong việc xác định chính sách của cộng đồng quốc tế về vấn đề Li-bi, thậm chí thay thế Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Điều không chỉ khiến Mat-xcơ-va và Bắc Kinh mà nhiều nước khác trong cộng đồng quốc tế lo ngại là Nhóm tiếp xúc đang trở thành một cơ chế vượt mặt Liên hợp quốc để “dàn xếp” các cuộc nổi dậy trong thế giới A-rập và là công cụ để các nước phương Tây thực hiện chiến lược toàn cầu của họ. Nhóm các nước thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh và các nước thuộc Liên đoàn các nước A-rập có mặt trong Nhóm tiếp xúc tự đưa ra tuyên bố ngang nhiên rằng họ là “tiếng nói tập thể về tình hình khu vực”.

Tới hợp tác chặt chẽ hơn giữa Nga và Trung Quốc

Hãng thông tấn chính thức của Nga đã sử dụng cụm từ "hợp tác chặt chẽ" để nói về bản chất của giai đoạn mới trong quan hệ Nga - Trung Quốc trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Sự hợp tác này đang thách thức Mỹ và các đồng minh  phương Tây, đưa họ vào tình thế không dễ dàng gì trong việc tiếp tục chương trình hành động đơn phương ở châu Phi và Trung Đông.

Trên danh nghĩa, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đến thăm Nga để tham dự Diễn đàn kinh tế quốc tế ở Xanh Pê-téc-bua từ ngày 16 đến ngày 18-06-2011 mà phía Nga đánh giá như là "Diễn đàn Đa-vôt của Nga" nhưng dư luận Nga và Trung Quốc đánh giá sự kiện này là một dấu mốc có tính bước ngoặt trong sự hợp tác nhiều mặt giữa Nga và Trung Quốc, trong đó hợp tác năng lượng chiếm vị trí đặc biệt quan trọng.  

Tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga “Gazprom” dự kiến đến năm 2015 sẽ xuất khẩu 30 tỉ m3 khí thiên nhiên sang thị trường Trung Quốc và hiện tại các cuộc đàm phán về giá đang được xúc tiến khẩn trương. Nhà chức trách Trung Quốc cho rằng mọi khó khăn trong các cuộc đàm phán này sẽ được giải quyết, theo đó Nga và Trung Quốc sẽ ký hiệp định hợp tác khí đốt trong chuyến thăm Nga sắp tới của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.

Trên thực tế, việc Trung Quốc sở hữu một nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phát triển nhanh và “đói” năng lượng và Nga - một quốc gia xuất khẩu tài nguyên năng lượng lớn nhất thế giới, sẽ ký kết hiệp định hợp tác về khí đốt là sự kiện có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều vấn đề hợp tác song phương. Thị trường châu Âu truyền thống vốn là nơi tiêu thụ chủ yếu để Nga xuất khẩu năng lượng hiện đang đứng trước thách thức xuất hiện một đối thủ cạnh tranh “đáng gờm” từ phía Đông là Trung Quốc trong bối cảnh giữa phương Đông và phương Tây đang bất đồng trong việc giải quyết các vấn đề xung đột ở châu Phi, Trung Đông và Trung Á.

Trong hợp tác quốc tế, ông Xec-gây La-vrôp tuyên bố: "Chúng tôi đã thống nhất quan điểm về cách thức hành động bằng cách phát huy khả năng của cả hai nước nhằm nhanh chóng ổn định tình hình và ngăn chặn những hậu quả tiêu cực không thể dự báo trước ở khu vực này". Ông còn tuyên bố rằng Nga và Trung Quốc có quan điểm tương đồng rằng mỗi một quốc gia cần phải độc lập quyết định tương lai của mình mà không cần sự can thiệp của nước ngoài. Hai bên đang thống nhất quan điểm phối hợp chung nhằm chống lại mọi nỗ lực của Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương đang mưu toan tiến hành chiến dịch trên bộ ở Li-bi. Trong thời gian gần đây, Nga đã bày tỏ quan điểm cho rằng Mat-xcơ-va sẽ phủ quyết mọi nghị quyết cho phép Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ủy nhiệm cho NATO tiến hành chiến dịch trên bộ.

Phần nổi nhỏ của khối băng chìm lớn

Tại cuộc họp báo chung với Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì ở Mat-xcơ-va, Bộ trưởng Ngoại giao Nga tuyên bố: "Nhóm tiếp xúc ở Li-bi tự mình thành lập, tự mình ra quyết định và hiện đang đứng ra chịu trách nhiệm về chính sách của cộng đồng quốc tế ở Li-bi. Và cũng không chỉ ở  Li-bi mà còn ở các quốc gia khác trong khu vực". Như vậy là, thế giới đang đứng trước nguy cơ Nhóm tiếp xúc không chỉ can thiệp vào công việc nội bộ của Li-bi mà còn ở nhiều quốc gia khác.

Từ trước tới nay, Trung Quốc vẫn chỉ “đứng sau” Nga trong ván cờ mạo hiểm đối đầu với phương Tây. Nhưng gần đây Trung Quốc bắt đầu có tiếng nói mạnh mẽ hơn. Trong chuyến thăm Nga lần này, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì công khai phê phán hành động của phương Tây ở Li-bi. Ba tuần trước đó, báo “Peoples Daily” của Trung Quốc đăng bài bình luận cho rằng: phương Tây không có quyền tự cho phép mình tiến hành cuộc chiến tranh ở Li-bi vì lí do kinh tế cũng như chiến lược. Nếu phương Tây tiếp tục can thiệp vào công việc của Li-bi thì họ sẽ phải đứng về một phía trong hai bên đối địch. Về hoạt động quân sự, các nước phương Tây sẽ phải sử dụng lực lượng trên bộ để lật đổ nhà lãnh đạo Ca-đa-phi và điều đó hoàn toàn vượt ra khỏi khuôn khổ quyền hạn của Liên hợp quốc.

Mat-xcơ-va và Bắc Kinh bày tỏ mối lo ngại ngày càng sâu sắc rằng sự can thiệp của Mỹ và các nước phương Tây khác vào tình hình Li-bi chỉ là phần nổi nhỏ của khối băng chìm lớn là chiến lược địa - chính trị nhằm duy trì ưu thế toàn diện của của họ sau “chiến tranh lạnh” ở châu Phi và Trung Đông./.