Theo tin nước ngoài, hơn 4.000 tỉ USD mà các chính phủ trên thế giới đã tung ra để khắc phục hậu quả cuộc khủng hoảng tài chính không thể bù lại số tài sản bị “bốc hơi” trên các thị trường chứng khoán đang sụp đổ và tình hình dường như ngày càng tồi tệ hơn.
Nhà phân tích Robert Buckland của Citigroup nhận định thế giới đang ở trong tâm điểm của cơn bão tài chính toàn cầu. Các nhà hoạch định chính sách không thể làm giảm bớt cường độ của bão, bất chấp các biện pháp đối phó ngày càng mạnh mẽ khiến cho mọi người hy vọng. Theo ông, doanh thu của các công ty giảm sút đòi hỏi phải có những biện pháp mới mạnh mẽ hơn. Theo Citigroup, sau 5 tuần kể từ khi ngân hàng đầu tư Lehman Brothers của Mỹ sụp đổ, các thị trường chứng khoán thế giới đã bị “bốc hơi” tới 12.000 tỉ USD. Từ đó, lòng tin của người tiêu dùng và giới kinh doanh cũng giảm sút và mức chi tiêu giảm mạnh. Điều đó chắc chắn sẽ tác động đến quyết định của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 29-10 về việc có giảm lãi suất ngắn hạn hay không.
Theo một cuộc thăm dò của hãng tin Anh Reuters, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ có thể giảm 0,5%/năm trong quý III. Nhà kinh tế Bruce Kasman của Tập đoàn tài chính JP Morgan cho rằng sau đó tình hình có thể trở nên tốt hơn. Ông dự đoán GDP của Mỹ sẽ giảm 4% trong quý IV, mức tồi tệ nhất kể từ năm 1982.
Nhà kinh tế Benjamin Reitzes của BMO Capital Markets, nói: “Trong vài thập kỷ qua, người tiêu dùng Mỹ đã khiến cho kinh tế thế giới phát triển. Hiện nay, họ đang bị cạn tiền và có lẽ không chi tiêu nhiều như trước đây, giống như người tiêu dùng ở Anh và châu Âu. Chu kỳ tăng trưởng sắp tới phải xuất phát từ các thị trường mới nổi”. Cho đến khi chu kỳ sắp tới bắt đầu, lợi nhuận của các công ty sụt giảm có thể sẽ tạo ra thêm nhiều cú sốc không mấy dễ chịu đối với một số thị trường chứng khoán trên thế giới./. |