Xây dựng gia đình văn hóa là một trong những nội dung thiết yếu của công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, là một trong bảy phong trào cụ thể của phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được Đảng và Nhà nước ta quan tâm sâu sắc, chăm lo cụ thể bằng những chiến lược, sách lược quan trọng với các Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), kết luận Hội nghị Trung ương 10 (khóa IX), Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư, ngày 21-2-2005, Quyết định số 106/2005QĐ-TTg ngày 16-5-2005 của Thủ tưởng Chính phủ.

Quán triệt sâu sắc các chủ trương của Đảng và Nhà nước về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng gia đình văn hóa thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chúng ta đã tích cực triển khai thực hiện Quy chế công nhận “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”. Trong đó, tiêu chuẩn công nhận gia đình văn hóa gồm 3 tiêu chí: Gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương ; Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người; Tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác học tập đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả.

1. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được sự tham gia, hưởng ứng tích cực và mạnh mẽ của toàn xã hội, các bộ, ban, ngành, các cơ quan thành viên Ban chỉ đạo trung ương đến địa phương, phối hợp triển khai, gắn kết với những chương trình, phong trào hành động cụ thể, thiết thực của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ, Trung ương Hội Cựu chiến binh, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các đoàn thể chính trị - xã hội - nghề nghiệp.

Có thể nói, phong trào xây dựng gia đình văn hóa là nội dung cốt lõi của phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa dựa trên sự kế thừa có chọn lọc giá trị văn hóa gia đình truyền thống Việt Nam, đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của toàn xã hội, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước trong tiến trình hội nhập, được nhân dân đồng tình hưởng ứng thực hiện, mang lại những kết quả quan trọng, tạo tiền đề và nền tảng cơ bản để tiếp tục thực hiện “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”.

Ở các tỉnh, thành, phong trào được xây dựng dựa trên truyền thống và nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, phát huy khả năng sáng tạo của cộng đồng, làm cho mọi người, mọi nhà ngày càng nâng cao nhận thức về nội dung, mục đích, ý nghĩa của phong trào thông qua các chương trình hoạt động thích hợp với văn hóa của từng vùng, miền, khu vực.

Các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ đã xác định xây dựng Gia đình văn hóa là trọng tâm công tác xây dựng làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa. Thủ đô Hà Nội phát động phong trào “Người tốt, việc tốt”, “Tuổi trẻ Thủ đô năng động sáng tạo”, “Xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc” nêu cao đạo lý uống nước nhớ nguồn, “Lấy gia đình làm nền tảng, lấy cộng đồng dân cư, đơn vị hành chính là cơ sở để xây dựng môi trường văn hóa. Khôi phục, kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa gia đình truyền thống của Thăng Long - Hà Nội gắn với yêu cầu của nếp sống văn hóa công nghiệp đô thị hiện đại”. Thành phố Hải Phòng xây dựng “Quỹ ân nghĩa”, “Tuyên truyền gương người tốt, việc tốt trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa”. Các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc đã phát huy vai trò tự quản cộng đồng và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, phấn đấu giữ vững và nâng cao chất lượng xây dựng và công nhận các danh hiệu gia đình văn hóa, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa, khu dân cư văn hóa. Các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hải Dương chú trọng tuyên truyền về bản sắc văn hóa dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường, văn minh trong ứng xử, để khơi dậy bản chất tốt đẹp trong mỗi con người.

Mặc dù còn những khó khăn của một bộ phận đồng bào các dân tộc thiểu số các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, song phong trào xây dựng gia đình văn hóa vẫn được các địa phương triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, đem lại hiệu quả thiết thực. Tại tỉnh Cao Bằng, các dòng họ phát huy truyền thống hiếu học, xây dựng quỹ khuyến học, những hộ khá giỏi hỗ trợ vốn, truyền nghề, tạo công ăn việc làm giúp hộ nghèo thoát nghèo, nhiều gia đình văn hóa thuộc đối tượng chính sách gia đình thương binh, bệnh binh gương mẫu, gia đình công giáo sống tốt đời, đẹp đạo. Các gia đình văn hóa tỉnh Lào Cai gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội tại các bản văn hóa, tích cực vận động bà con xóa bỏ những hủ tục lạc hâu trong việc cưới, việc tang ở thôn, bản. Bắc Kạn xây dựng các mô hình hòa thuận, tương thân tương ái, hiếu học, phát triển kinh tế vườn, đồi theo hướng hàng hóa, có ý thức bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa của dòng họ, cộng đồng, kế thừa, xây dựng các tập quán tốt đẹp trên cơ sở truyền thống văn hóa đồng bào dân tộc. Tại các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh... bằng cơ chế tự quản, thông qua các quy ước, hương ước, các hộ gia đình tại cơ sở đã có nhiều biện pháp tích cực đấu tranh, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng.

Tại các tỉnh Tây Bắc, đồng bào các dân tộc đã phấn đấu xây dựng gia đình văn hóa theo phương thức tập trung phát triển kinh tế gia đình, vươn lên dám nghĩ dám làm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh giỏi, làm giàu bằng chính bàn tay, khối óc của mình...

Các tỉnh Bắc Trung Bộ, xác định xây dựng gia đình văn hóa là cơ sở, là nền tảng cho việc xây dựng thành công thôn, bản, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị văn hóa. Tỉnh Thanh Hóa với 100% xã, phường, làng bản, đơn vị xây dựng thành đơn vị văn hóa. Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế chú trọng xây dựng mô hình gia đình hiện đại, ít con, chất lượng cuộc sống cao, hạnh phúc trên cơ sở nền tảng văn hóa gia đình truyền thống, thương yêu giúp đỡ bà con lối xóm, có nếp sống lành mạnh vì cộng đồng, sống có nghĩa tình với làng, bản, khối phố, trọng đạo lý nghĩa tình trong quan hệ họ hàng, dòng tộc và có trách nhiệm với xã hội...

Thành phố Đà Nẵng với Chương trình thành phố “5 không và 3 có”. Tỉnh Quảng Nam đã đẩy mạnh công tác xây dựng quy ước, tộc ước, hương ước cộng đồng về thôn, bản, khối phố văn hóa. Các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa sôi nổi thi đua xây dựng gia đình văn hóa, các tiêu chí gia đình văn hóa được xây dựng theo quy định của pháp luật, phù hợp với đặc điểm của từng vùng, tạo môi trường tiến bộ, góp phần giáo dục và vận động từng gia đình tích cực thực hiện nếp sống văn minh, hoàn thành nghĩa vụ công dân đối với nhà nước.

Các tỉnh khu vực Tây Nguyên xác định gia đình văn hóa là một đơn vị kinh tế, đơn vị văn hóa, đơn vị an sinh cơ sở, là cầu nối giữa mỗi cá nhân con người với xã hội, là thành tố quan trọng trong cuộc vận động phong trào. Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chương trình mục tiêu 3 giảm. Tỉnh Bình Phước tổ chức thành lập Hội khuyến học, tăng cường thực hiện mục tiêu 5 giảm. Tỉnh Tây Ninh vận động bà con các dân tộc giữ gìn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể và các làng nghề truyền thống thông qua các tổ chức hoạt động sinh hoạt lễ hội truyền thống để giữ gìn bản sắc của từng dân tộc. Tỉnh Đồng Nai xây dựng gia đình văn hóa kết họp với mô hình “4 giảm, 7 có”. Tỉnh Bình Thuận các hộ gia đình văn hóa đã đoàn kết tương trợ giúp đỡ nhau góp vốn, vay vốn, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, thực hành tiết kiệm, phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chú trọng xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa gắn với phong trào xây dựng gương Người tốt việc tốt...

Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với mục tiêu lấy phong trào xây dựng gia đình văn hóa là cơ sở, nền tảng để xây dựng ấp, khóm, công sở văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình và cộng đồng xã hội. Phong trào khuyến học của tỉnh Đồng Tháp đã giúp nhiều trẻ em nghèo hiếu học đến trường. Tại Bến Tre, nhiều vị chức sắc tôn giáo tích cực tham gia cuộc vận động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, làm tốt công tác từ thiện xã hội. Tỉnh Trà Vinh đầu tư tiền của, ngày công, in ấn tài liệu, biểu mẫu phục vụ công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng giao thông nông thôn, chỉnh trang cảnh quan môi trường.

Từ thực tiễn trong những năm qua, phong trào xây dựng gia đình văn hóa được triển khai rộng khắp trên phạm vi toàn quốc với nhiều nội dung và hình thức phong phú, đa dạng, thu được nhiều kết quả, đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, tạo nền tảng tốt đẹp cho sự phát triển bền vững của gia đình Việt Nam.

Tính đến nay, cả nước đã có gần 15 triệu trên tổng số 18 triệu hộ, chiếm gần 82% hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, trong đó có trên 13 triệu hộ đạt chuẩn văn hóa, chiếm gần 73% tổng số hộ gia đình Việt Nam.

Như vậy, từ điển hình 6 gia đình của thôn Ngọc Tỉnh, xã Ngọc Long, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên năm 1960 trở thành “chiếc nôi đầu tiên của phong trào Gia đình văn hóa” đến nay, phong trào xây dựng gia đình văn hóa được triển khai rộng khắp trên phạm vi cả nước, với những kết quả tích cực, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và tư tưởng, đạo đức lối sống của nhân dân; góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, tăng cường củng cố hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở; góp phần ổn định an ninh, trật tự xã hội; tích cực đề cao giá trị đạo đức, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; góp phần thực hiện tốt công tác khuyến học, khuyến tài, bảo tồn văn hóa truyền thống, giữ gìn cảnh quan môi trường; tác động gắn kết và thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước và các phong trào lớn của các ngành, tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội phát triển đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực; góp phần tác động trực tiếp vào tiến trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, xây dựng mô hình nông thôn mới.

2. Tuy nhiên, qua thời gian triển khai thực hiện, phong trào xây dựng gia đình văn hóa cũng đã bộc lộ những điểm yếu, cần kịp thời rút kinh nghiệm để khắc phục trong thời gian tới.

Trước hết, tuy phong trào được triển khai trong thời gian dài, nhưng việc duy trì tổ chức thực hiện thiếu đồng đều giữa các địa phương, vận dụng nội dung, tiêu chí vào thực tế địa phương chưa phù hợp với điều kiện thực tế của nhân dân.

Cấp ủy Đảng, chính quyền một số nơi chưa thật sự quan tâm, chỉ đạo hoạt động phong trào, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng xã hội tham gia thực hiện phong trào.

Đặc biệt, chất lượng phong trào chưa được chú trọng duy trì, vẫn còn hiện tượng chạy theo thành tích, chạy theo số lượng mà không chú ý đến chất lượng của các tiêu chí gia đình văn hóa.

Việc tổ chức đăng ký, bình xét, khen thưởng chưa thường xuyên, chưa kịp thời hoặc đã làm nhưng còn thiếu nghiêm túc, mang tính ước lệ, nặng về hình thức. Một số nơi chưa có kế hoạch cụ thể để chỉ đạo, chưa tạo được động lực hấp dẫn phong trào để cuốn hút mọi tầng lớp xã hội tham gia thực hiện.

Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhiều nơi còn yếu, thiếu tập trung, còn nghèo nàn, đơn điệu, chưa nhân rộng được nhiều điển hình tiên tiến hạt nhân cho phong trào.

Nguồn kinh phí đầu tư cho phong trào còn hạn chế, việc bình xét ra quyết định công nhận, khen thưởng cho các gia đình văn hóa chưa tạo động lực thúc đẩy động viên, cổ vũ phong trào ở nhiều nơi.

Từ thực tiễn phong trào xây dựng gia đình văn hóa trên phạm vi toàn quốc thời gian vừa qua, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

Một là, phong trào xây dựng gia đình văn hóa phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, với các ngành, các cấp, tạo động lực thúc đẩy các phong trào khác ngày càng phát triển.

Hai là, xây dựng tiêu chí phù hợp với mỗi vùng, miền, đặc điểm truyền thống văn hóa của mỗi địa phương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để mọi người dân và mỗi gia đình nắm vững tiêu chí nội dung của phong trào, tự giác thực hiện và coi đây là trách nhiệm và quyền lợi của mình.

Ba là, phát huy nội lực, dựa vào truyền thống tốt đẹp của từng gia đình, dòng họ, vào sức mạnh của cả cộng đồng, nêu cao vai trò gương mẫu của các già làng, trưởng thôn, người cao tuổi, người có uy tín trong cộng đồng.

Bốn là, gắn kết phong trào xây dựng gia đình văn hóa với các phong trào thi đua, chương trình hành động của các cấp, các ngành, địa phương các tổ chức đoàn thể nhằm tạo sức mạnh tổng hợp.

Năm là, công tác đăng ký, bình xét, công nhận danh hiệu phải được tiến hành thường xuyên, kịp thời biểu dương, tôn vinh, nhân rộng những điển hình tiêu biểu trong phong trào với nội dung và hình thức phù hợp; khắc phục bệnh chủ nghĩa thành tích, khen thưởng tràn lan.

Sáu là, chú trọng đầu tư kinh phí cho phong trào và thường xuyên tập huấn cho cán bộ, hướng dẫn chỉ đạo hoạt động phong trào ở cơ sở.

Trước xu thế hội nhập hiện nay, đất nước đang đứng trước những cơ hội lớn và những thách thức lớn, đòi hỏi phải có sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân để thúc đẩy sự phát triển đất nước, vượt qua những thách thức, những rào cản về văn hóa trong tiến trình hội nhập để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, thể hiện tầm cao, chiều sâu về trình độ phát triển của một dân tộc, là sự kết tinh những giá trị tốt đẹp nhất trong quan hệ giữa người với người, với xã hội và thiên nhiên. Nó vừa là một động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, vừa là mục tiêu của chúng ta.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã chỉ rõ: Phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, thích ứng với những đòi hỏi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Chúng ta cần tiếp tục quán triệt tầm quan trọng về vai trò, vị trí, lợi ích, đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả thiết thực, bền vững, góp phần thực hiện tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong xu thế hội nhập hiện nay vì hạnh phúc của nhân dân, vì tương lai đất nước.

Cả nước ta hiện đã có hàng trăm gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc, là minh chứng sống động, thiết thực và thuyết phục nhất, khẳng định sự cố gắng liên tục để đạt kết quả sau gần nửa thế kỷ xây dựng và phát triển phong trào gia đình văn hóa với sự tham gia của toàn xã hội, sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng và Nhà nước, sự ủng hộ, giúp đỡ của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, bộ, ban, ngành, các tỉnh, thành và đặc biệt là sự tham gia với tư cách là chủ thể phong trào của từng gia đình đối với trách nhiệm của xã hội vì sự phồn vinh của đất nước.

Với sự tăng trưởng về số lượng các gia đình văn hóa Việt Nam trong thời gian tới, Phong trào gia đình văn hóa sẽ nhận được sự đồng thuận của toàn xã hội đối với việc đề cao chất lượng của phong trào, để chất lượng phải thực sự trở thành thước đo sự phát triển, và đó chính là thiết thực hưởng ứng Phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, như lúc sinh thời Người từng căn dặn: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, hạt nhân của xã hội là gia đình”.