TCCSĐT - Thế giới có 54% số ca mắc lao đa kháng thuốc được chữa khỏi, nhưng tỷ lệ này ở Việt Nam đã đạt hơn 70%. Nếu điều trị theo phác đồ chín tháng, tỷ lệ thành công có thể lên tới 85%. 98% gia đình có người mắc lao sẽ không phải đối diện với chi phí cao như trước.

Tỷ lệ chữa khỏi lao phổi đạt hơn 70%

Hiện số người mắc bệnh lao đang giảm hằng năm khoảng 5-6%, số tử vong vì bệnh giảm nhanh hơn. Trong hai năm 2015 - 2016, cả nước đã giảm 3.000 người chết vì lao. Đó là nhờ công tác chủ động khám, phát hiện sớm bệnh lao.

GS,TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, Việt Nam có kết quả điều trị bệnh lao rất tốt, phát hiện sớm tất cả các thể lao, cung cấp dịch vụ điều trị lao cho tất cả người bệnh sau chẩn đoán, điều trị lao tiềm ẩn. Hằng năm, cả nước đã phát hiện và điều trị cho trên 100.000 người mắc lao với tỷ lệ chữa khỏi cao trên 90% trường hợp mắc mới. Công tác chống lao vẫn duy trì mục tiêu triển khai tại 100% số quận, huyện và 100% số xã, phường. Tỷ lệ dân số được chương trình chống lao tiếp cận đạt 100%.

Chương trình chống Lao quốc gia đã mở rộng diện tầm soát quản lý lao kháng thuốc từ 51 lên 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Chương trình chống lao đã mở rộng diện tầm soát lao đa kháng thuốc tới nhóm bệnh nhân lao phổi AFB (+) tại tất cả các tỉnh, thành trên toàn quốc.

Chương trình phòng chống lao quốc gia đã áp dụng khuyến cáo của WHO trong việc sử dụng các test chẩn đoán mới như genExpert, Hain test trong phát hiện sớm bệnh lao và cắt đứt nguồn lây. Đồng thời chương trình cũng thí điểm sử dụng các thuốc mới như Bedquiline và phác đồ điều trị lao đa kháng ngắn hạn.

Năm 2017, Chương trình chống lao quốc gia bắt đầu áp dụng quy trình quản lý và điều trị bệnh nhân lao tiền siêu kháng và siêu kháng thuốc bằng phác đồ cá nhân tại các đơn vị quản lý lao kháng thuốc.

Hiện nay, Việt Nam cũng đã triển khai thành công điều tra dịch tễ lao toàn quốc lần thứ 2; Hoàn thành xây dựng đề án can thiệp tích cực cho khu vực Tây Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh. Một số mô hình can thiệp mới, tích cực đang được mở rộng ở nhiều địa phương.

Dinh dưỡng cho người mắc bệnh lao phổi

Sức đề kháng và khả năng miễn dịch của người bị bệnh lao thường rất yếu. Hơn nữa, người bị bệnh lao dễ bị chán ăn, giảm hấp thu chất dinh dưỡng (kể cả các vi chất). Quá trình chuyển hóa cũng bị thay đổi theo chiều hướng tăng tiêu hao năng lượng và các chất dinh dưỡng dẫn đến sụt cân và thiếu dưỡng chất. Do đó, cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân sẽ làm tăng hiệu quả điều trị bệnh lao, giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục.

Đối với người bị bệnh lao thì năng lượng nạp vào tùy theo thể trạng. Nếu gầy phải ăn nhiều để đạt chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) trên 18,5. Nếu thể trạng bình thường thì năng lượng nạp vào không thay đổi. Điều quan trọng trong chế độ dinh dưỡng của bệnh là phải đủ 4 nhóm thực phẩm: đường, đạm, dầu mỡ vitamin và khoáng chất. Ngoài ra, cần ưu tiên lượng đường từ quả chín để tốt cho gan thải độc do tác dụng phụ của thuốc.

Kẽm: Do cơ chế hoạt động của các loại thuốc điều trị lao đã gây nên tình trạng thiếu hụt kẽm ở người bệnh dẫn đến chán ăn, suy giảm hệ miễn dịch. Người bệnh nên chọn thực phẩm giàu kẽm như: sò, hến, con hàu, cùi dừa già, đậu Hà Lan, đậu tương, củ cải, lòng đỏ trứng gà, thịt lợn nạc…

Vitamin A, E, C: Đây là những chất quan trọng giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ niêm mạc, giúp da khỏe mạnh, tránh nguy cơ bị nhiễm khuẩn, chống ôxy hóa nhưng người bị bệnh lao lại dễ bị thiếu hụt. Có thể uống bổ sung ở dạng dược phẩm theo chỉ định của bác sĩ hoặc ưu tiên chọn thực phẩm giàu các vitamin này như: rau tươi có màu xanh đậm, quả chín có màu vàng đỏ như cam, xoài, đu đủ, cà chua, cà rốt chứa nhiều vitamin A, C; gan súc vật và gia cầm, thịt đỏ như thịt lợn nạc, thịt bò, cá biển… đều chứa nhiều vitamin D.

Sắt: Nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt ở người bệnh lao rất cao làm giảm sức đề kháng, dẫn đến dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, tim mạch… Cần ăn những thực phẩm giàu sắt như: mộc nhĩ, nấm hương, đậu nành, lòng đỏ trứng, thịt bò, thịt nạc, gan…

Vitamin K, B6: Do người bệnh hấp thu kém, dễ gặp rối loạn tiêu hóa nên khả năng tổng hợp vitamin K giảm, gây trở ngại quá trình đông máu. Các vitamin này có nhiều trong thực phẩm như: gan, các loại rau màu xanh đậm. Dùng thuốc điều trị lao thường phải dùng kéo dài (vài tháng) theo phác đồ chống lao, các thuốc này lại làm giảm khả năng hấp thụ vitamin B6 dễ gây viêm dây thần kinh ngoại biên, giảm miễn dịch do vậy ngoài uống vitamin B6 dạng dược phẩm bổ sung, người bệnh nên ăn thực phẩm chứa nhiều vitamin này như: thịt lợn nạc, thịt gà, đậu, đỗ các loại, khoai tây, chuối, súp lơ, ngũ cốc nguyên hạt…

Cần đa dạng món ăn: Do thể trạng yếu và tác dụng phụ của thuốc nên người bệnh dễ chán ăn, đòi hỏi phải đa dạng món ăn. Chọn những món người bệnh thích nhưng phải thường xuyên thay đổi để tạo sự kích thích. Nên chia nhỏ bữa ăn hằng ngày để người bệnh hấp thu tốt và đầy đủ hơn các chất dinh dưỡng cần thiết.

Lưu ý: Người bệnh tuyệt đối không được dùng các loại chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá vì những chất này làm giảm tác dụng điều trị và tăng tác dụng phụ của thuốc./.