Thể chế hóa, cụ thể hóa nội dung hiến định: Đảng chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình
TCCS - Hiến pháp năm 2013 đã hiến định: Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân đã được thể chế hóa, cụ thể hóa trong nhiều văn kiện của Đảng và Nhà nước. Điều này góp phần nâng cao sức chiến đấu của Đảng, đồng thời phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện kiểm soát, giám sát quyền lực trong điều kiện mới.
Quá trình phát triển nhận thức về vai trò, thẩm quyền và trách nhiệm của Đảng
Ngay trong cuốn “Đường Cách mệnh” được xuất bản năm 1927, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt vấn đề: Cách mệnh trước hết phải có cái gì? Và Người trả lời: “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”(1). Người khẳng định: “Lực lượng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động là rất to lớn, là vô cùng vô tận. Nhưng lực lượng ấy cần có Đảng lãnh đạo mới chắc chắn thắng lợi”(2).
Đại hội VI của Đảng (năm 1986) xác định: “ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM là hạt nhân lãnh đạo nền chuyên chính vô sản ở nước ta. Đảng có nhiệm vụ thống nhất lãnh đạo mọi hoạt động của Nhà nước và của xã hội, tập trung nỗ lực của toàn dân, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trong cả nước, bảo vệ độc lập, thống nhất vĩnh viễn của Tổ quốc”(3).
Đại hội VII của Đảng (năm 1991) thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã xác định rõ hơn vai trò, thẩm quyền và trách nhiệm của Đảng: “Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống ấy. Đảng liên hệ mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”(4). Đây là lần đầu tiên vấn đề Đảng chịu sự giám sát của nhân dân được xác định trong Văn kiện Đảng. Đại hội VIII, IX của Đảng tiếp tục khẳng định vai trò, trách nhiệm của Đảng đã được xác định trong Cương lĩnh năm 1991.
Đại hội X của Đảng (năm 2006) tiếp tục xác định rõ hơn, Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân; dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; đoàn kết và lãnh đạo nhân dân tiến hành sự nghiệp cách mạng. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị; đồng thời, là một bộ phận của hệ thống ấy. Đảng lãnh đạo, tôn trọng và phát huy vai trò của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Đại hội XI của Đảng (năm 2011) thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định rõ hơn: Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Cương lĩnh năm 2011 cũng đã bổ sung nhận thức về vai trò, thẩm quyền trách nhiệm của Đảng: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội... Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là bộ phận của hệ thống ấy. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”(5). Đây là bước phát triển về tư duy lý luận của Đảng.
Như vậy, vấn đề Đảng chịu sự giám sát của nhân dân đã được khẳng định trong Văn kiện Đảng từ Đại hội VII đến nay.
Quá trình hiến định vai trò lãnh đạo và trách nhiệm của Đảng trong Hiến pháp
Hiến pháp năm 1946, năm 1959 chưa hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng, song vai trò của Đảng luôn được thể hiện xuyên suốt nội dung Hiến pháp và trong thực tiễn cách mạng. Đến Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1980, Điều 4 quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong và bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân Việt Nam, được vũ trang bằng học thuyết Mác - Lê-nin, là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội; là nhân tố chủ yếu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng tồn tại và phấn đấu vì lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam. Các tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp”.
Thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, được Đại hội VII của Đảng thông qua, Điều 4, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 tiếp tục hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng: “Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), kế thừa Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992, Điều 4, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định:
“1. Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.
3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”(6).
Có thể thấy, quy định: Đảng Cộng sản gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình là một trong những điểm mới của Hiến pháp năm 2013 so với các bản Hiến pháp trước đó.
Các bản Hiến pháp của Việt Nam đều được nhân dân thảo luận góp ý kiến và đồng tình. Ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đã ghi nhận quyền của nhân dân trong xây dựng Hiến pháp. Khoản c, Điều thứ 70 của Hiến pháp năm 1946 quy định: “Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết”. Khoản 4, Điều 120, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Hiến pháp được thông qua có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định”.
Như vậy, có thể khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội đã bảo đảm tính chính danh.
Thực trạng việc thể chế hóa, cụ thể hóa nội dung: Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình
1- Thực trạng việc thể chế hóa, cụ thể hóa nội dung: Đảng chịu sự giám sát của nhân dân.
Điều lệ Đảng - bộ “luật” của Đảng được Đại hội VII thông qua quy định: “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng quyền làm chủ và chịu sự giám sát của nhân dân, đoàn kết và lãnh đạo nhân dân tiến hành sự nghiệp cách mạng. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống ấy. Đảng tôn trọng vai trò của Nhà nước, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”(7). Điều lệ Đảng được thông qua tại các Đại hội VIII, IX, X, XI và XII đều xác định: Đảng chịu sự giám sát của nhân dân.
Đảng và Nhà nước đã ban hành các văn bản để thể chế hóa, cụ thể hóa nội dung “Đảng chịu sự giám sát của nhân dân”, cụ thể như:
Bộ Chính trị khóa VIII ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 18-2-1998, “Về xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở”. Thể chế hóa quan điểm của Đảng, Chính phủ đã ban hành các quy chế thực hiện dân chủ ở các loại hình cơ sở. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11, ngày 20-4-2007, “Về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn”. Điều 24, Chương V của Pháp lệnh quy định những nội dung nhân dân giám sát, như: những nội dung công khai; nội dung nhân dân bàn và quyết định trực tiếp; những nội dung nhân dân bàn, biểu quyết; những nội dung nhân dân tham gia ý kiến (được quy định rõ trong Pháp lệnh). Điều 24 quy định những hình thức để thực hiện việc giám sát của nhân dân: Nhân dân thực hiện việc giám sát thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng; nhân dân trực tiếp thực hiện việc giám sát thông qua quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc kiến nghị thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận cấp xã, ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng.
Pháp lệnh số 34 tuy không trực tiếp đề cập đến việc nhân dân giám sát Đảng mà là giám sát những công việc của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân và cán bộ của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, nhưng đã gián tiếp đề cập đến giám sát của nhân dân đối với Đảng. Bởi vì, mọi quyết định của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân đều có vai trò lãnh đạo của Đảng.
Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội (ban hành kèm theo Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12-12-2013, của Bộ Chính trị) xác định rõ khái niệm “giám sát” là việc theo dõi, phát hiện, xem xét; đánh giá kiến nghị đối với cơ quan, tổ chức và cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức, viên chức nhà nước về việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Quy chế chỉ rõ mục đích, tính chất của giám sát nhằm góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp; phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, những mặt tích cực; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Đối tượng giám sát là các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến cơ sở, cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức, viên chức nhà nước. Nội dung giám sát là việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước (trừ những vấn đề thuộc bí mật quốc gia) của cơ quan, tổ chức và cá nhân. Quy chế còn quy định phạm vi giám sát, phương pháp giám sát, quyền và trách nhiệm trong giám sát, điều kiện bảo đảm, khen thưởng, xử lý vi phạm; tổ chức thực hiện.
Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Quy định số 86-QĐ/TW, ngày 1-6-2017, “Về giám sát trong Đảng”; Quy định số 179-QĐ/TW, ngày 25-2-2019, “Về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ”; Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23-9-2019, “Về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”. Trong các quy định trên có đề cập đến vai trò của nhân dân.
2- Thực trạng việc thể chế hóa, cụ thể hóa nội dung: Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.
Trách nhiệm của Đảng trong các quyết định của mình trước nhân dân thể hiện ở nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng. Cương lĩnh năm 1991 xác định: “Đảng lãnh đạo xã hội bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương công tác; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức kiểm tra và bằng hành động gương mẫu của đảng viên. Đảng giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo chính quyền và các đoàn thể. Đảng không làm thay công việc của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị”(8).
Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định rõ hơn: “Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên. Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo của hệ thống chính trị. Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị, tăng cường chế độ trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu”(9).
Đại hội XII của Đảng (năm 2016) xác định: “Tiếp tục cụ thể hóa phương thức lãnh đạo của Đảng đã được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) ở tất cả các cấp bằng những quy chế, quy định, quy trình cụ thể. Quy định rõ hơn Đảng phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình; về quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu và mối quan hệ giữa tập thể cấp ủy, tổ chức đảng với người đứng đầu, bảo đảm thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, đi đôi với phát huy vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của người đứng đầu và cơ chế xử lý đối với người đứng đầu khi vi phạm. Quy định rõ hơn thẩm quyền và trách nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy và ban thường vụ cấp ủy các cấp”(10).
Ban Chấp hành Trung ương các khóa đều ban hành quy chế làm việc, quy định trách nhiệm và quyền hạn của Ban Chấp hành Trung ương, của Ủy viên chính thức, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương; của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; của Tổng Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị là Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, của đồng chí Thường trực Ban Bí thư. Về trách nhiệm, quyền hạn của Ban Chấp hành Trung ương, Quy chế quy định: Ban Chấp hành Trung ương là cơ quan lãnh đạo của Đảng giữa hai kỳ Đại hội, chịu trách nhiệm trước toàn Đảng và toàn dân về tình hình mọi mặt của Đảng và của đất nước; quyết định những vấn đề chiến lược và chủ trương, chính sách lớn về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, công tác xây dựng Đảng, công tác quản lý thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết Đại hội Đảng. Bộ Chính trị quyết định những chủ trương, chính sách, luật pháp lớn nhằm thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết của Đại hội, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương. Ban Bí thư lãnh đạo công việc hằng ngày của Đảng. Ban Chấp hành Trung ương các khóa cũng đều ban hành quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương ngày càng được bổ sung, hoàn thiện. So với Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và các khóa trước đây, Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã phân định rõ hơn trách nhiệm, quyền hạn, chế độ làm việc và phương pháp công tác của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; bổ sung, sửa đổi nhiều điểm về quyền hạn của Ban Chấp hành Trung ương, đặc biệt là trách nhiệm, quyền hạn của Tổng Bí thư được bổ sung quy định: “Định kỳ hằng tháng và khi cần thiết Tổng Bí thư chủ trì các cuộc làm việc với các đồng chí Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và đồng chí Thường trực Ban Bí thư”. Cấp ủy các cấp cũng ban hành quy chế làm việc của cấp mình và ngày càng hoàn thiện.
Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành các quy định về trách nhiệm, quyền hạn. Chẳng hạn, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018, “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016, “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương”. Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012, “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp”; Kết luận số 55-KL/TW, ngày 15-8-2019, “Về việc tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ để chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng”,...
Bên cạnh những ưu điểm trên, việc thể chế hóa, cụ thể hóa nguyên tắc hiến định: Đảng chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình còn nhiều hạn chế, bất cập, nhất là chưa có những văn bản quy phạm pháp luật về việc Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Ban Chấp hành Trung ương, cấp ủy các cấp, các khóa, đều ban hành quy chế làm việc, nhưng chỉ lưu hành nội bộ, đảng viên và nhân dân không được biết. Chính vì thế, nhân dân không có đủ căn cứ để giám sát và xem xét trách nhiệm, thẩm quyền của Đảng và nhất là không đủ căn cứ để xem xét xử lý kỷ luật đối với cấp ủy, tổ chức đảng.
Một số kiến nghị
Dự thảo Báo cáo chính trị đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, nêu rõ: “Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, trọng tâm là đối với Nhà nước còn chậm đổi mới, có mặt còn lúng túng. Cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng và Nhà nước chưa đầy đủ, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả chưa cao”. Ở đây, cần bổ sung đánh giá: “Việc cụ thể hóa phương thức lãnh đạo của Đảng đã được xác định trong Cương lĩnh ở tất cả các cấp bằng những quy chế, quy định, quy trình cụ thể còn chậm. Chưa quy định rõ Đảng phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình; về quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu và mối quan hệ giữa tập thể cấp ủy, tổ chức đảng với người đứng đầu, bảo đảm thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ và cơ chế xử lý đối với tổ chức đảng và cá nhân khi vi phạm”.
Dự thảo Báo cáo chính trị nêu phương hướng, nhiệm vụ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, đặc biệt là với Nhà nước trong điều kiện mới: “Tiếp tục cụ thể hóa phương thức lãnh đạo của Đảng đã được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) ở tất cả các cấp bằng những quy chế, quy định, quy trình cụ thể. Quy định cụ thể Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình; về quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu và mối quan hệ giữa tập thể cấp ủy, tổ chức đảng với người đứng đầu, bảo đảm thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, đi đôi với phát huy vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của người đứng đầu và cơ chế xử lý đối với người đứng đầu khi vi phạm. Quy định rõ hơn thẩm quyền và trách nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy, ban thường vụ, thường trực cấp ủy các cấp. Đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện phân cấp, phân quyền, chống tha hóa quyền lực; có cơ chế để các địa phương phát huy quyền chủ động, sáng tạo, gắn với đề cao trách nhiệm, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý thống nhất của Trung ương”(11).
Cần thay cụm từ “Tiếp tục” bằng từ “Đẩy mạnh” trong câu: “Tiếp tục cụ thể hóa phương thức lãnh đạo của Đảng...”, thành “Đẩy mạnh việc cụ thể hóa phương thức lãnh đạo của Đảng...”. Bởi lẽ, Đại hội XII đã xác định: “Tiếp tục cụ thể hóa phương thức lãnh đạo của Đảng...”. Thực tế đòi hỏi phải “đẩy mạnh cụ thể hóa phương thức lãnh đạo của Đảng...”. Thay cụm từ “Quy định cụ thể” bằng cụm từ “Thể chế hóa, cụ thể hóa” trong câu: “Quy định cụ thể Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”, thành “Thể chế hóa, cụ thể hóa nguyên tắc Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”. Thêm một đoạn: “Công khai hóa các quy chế, quy định để cán bộ, đảng viên và nhân dân biết và giám sát việc thực hiện các quy chế, quy định đó. Có cơ chế xử lý đối với các tổ chức đảng và cá nhân khi vi phạm”. Bởi lẽ, Đại hội XII đã xác định: “Quy định rõ hơn Đảng phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình...”. Thực tế đòi hỏi không chỉ cụ thể hóa mà còn phải thể chế hóa; đồng thời, phải công khai các quy chế, quy định để nhân dân biết và giám sát./.
----------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 289
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 609
(3) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 47, tr. 581 - 582
(4) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t. 51, tr. 147
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 88 - 89
(6) Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2014, tr. 9 - 10
(7) Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 51, tr. 254
(8) Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 51, tr. 147
(9) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Sđd, tr. 88 - 89
(10) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016,
tr. 214 - 215
(11) Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng (Tài liệu sử dụng tại đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương), Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, tháng 4-2020, tr. 68 - 69
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025: Xây dựng Cao Bằng - nơi cội nguồn cách mạng - phát triển nhanh và bền vững  (28/10/2020)
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025: Chú trọng phát triển kinh tế biển, xây dựng tỉnh Cà Mau phát triển nhanh, bền vững  (27/10/2020)
Để Hưng Yên trở thành tỉnh phát triển mạnh của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước  (23/10/2020)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam