Gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa để đưa An Giang phát triển nhanh và bền vững
TCCS - Trong những năm qua, tỉnh An Giang luôn quan tâm công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, quán triệt thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa. Tỉnh xác định đầu tư cho văn hóa là đầu tư phát triển nền tảng tinh thần của xã hội, tạo sức mạnh nội sinh để phát triển bền vững. Từ đó, công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người An Giang thời gian qua đạt nhiều kết quả quan trọng.
Giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa
Văn hóa là tài sản tinh thần quý giá nhất của mỗi dân tộc, có sức mạnh nội sinh to lớn, giữ vai trò chủ đạo trong sự phát triển chung của đất nước. Với quan điểm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, sinh thời, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có bốn vấn đề cần phải được coi trọng ngang nhau, đó là chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa. Thấm nhuần tư tưởng của Bác về văn hóa, từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn coi trọng vai trò của văn hóa và quan tâm công tác xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhận thức của Đảng về văn hóa ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn. “Đảng ta xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta”(1).
Những năm gần đây, quá trình hội nhập quốc tế, sự giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa các quốc gia - dân tộc diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Bên cạnh tác động tích cực, trong hội nhập quốc tế cũng tạo ra những nguy cơ, thách thức đối với sự phát triển bền vững xã hội; nhiều giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là của các dân tộc thiểu số bị mai một, lãng quên; nhiều nghề thủ công truyền thống vốn là minh chứng cho óc sáng tạo, sự khéo léo của người Việt Nam có nguy cơ mất đi,... Do vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đảng ta xác định là phải gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Bởi, chỉ khi quốc gia - dân tộc phát triển dựa trên nền tảng bản sắc văn hóa truyền thống, tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại mới bảo đảm phát triển bền vững. Đó cũng chính là nhận thức chung của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang.
Nằm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, An Giang - quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng - có đường biên giới dài gần 100km giáp Vương quốc Cam-pu-chia. Với bề dày lịch sử 190 năm hình thành và phát triển, An Giang là tỉnh giàu truyền thống cách mạng và văn hóa; là tỉnh đa dân tộc, đa tôn giáo. Các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer cùng chung sống hòa thuận lâu đời, trải qua tiến trình lịch sử đã hình thành những giá trị văn hóa phong phú, thể hiện sinh động qua hệ thống di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể (nghệ thuật ẩm thực, trang phục, nghề thủ công truyền thống, nghi lễ, lễ hội, diễn xướng dân gian, các loại hình nghệ thuật, ngôn ngữ,...). Đến nay, toàn tỉnh có 88 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt (Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng và Khu di tích khảo cổ Óc Eo), 28 di tích quốc gia và 58 di tích cấp tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh còn sở hữu kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, đa dạng của cộng đồng các dân tộc Kinh, Khmer, Chăm, Hoa, với hơn 100 lễ hội truyền thống hằng năm; nhiều nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn, ẩm thực, trang phục, tri thức dân gian, tôn giáo, tín ngưỡng, tập quán cộng đồng, ngôn ngữ... Đây là nguồn tài nguyên văn hóa vô giá, chứa đựng những giá trị tốt đẹp của các dân tộc trên vùng đất An Giang. Có thể khẳng định, tính đa dạng về văn hóa là một trong những thế mạnh của hệ giá trị sinh thái nhân văn, tạo nét đẹp rất riêng của nền văn hóa tại tỉnh An Giang.
Quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa; nhận thức vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang luôn chú trọng phát triển văn hóa, tăng cường đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm bảo đảm cho sự phát triển ổn định và bền vững của tỉnh. Thời gian qua, tỉnh đã tích cực triển khai, tổ chức thực hiện nhiều giải pháp để bảo tồn và phát huy thế mạnh, đặc trưng văn hóa của An Giang.
Trong công tác trùng tu, bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa, tỉnh đã lập kế hoạch trùng tu di tích cấp tỉnh trong các giai đoạn 2016 - 2020 và 2021 - 2025; đề xuất Trung ương hỗ trợ trùng tu nhiều di tích cấp quốc gia. Đặc biệt, nhân dân đã đóng góp kinh phí cùng với Nhà nước trùng tu 69 đình làng để bảo tồn, gìn giữ các thiết chế văn hóa truyền thống làng, xã. Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nhất là di sản văn hóa và văn hóa truyền thống các dân tộc, hằng năm, tỉnh tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số Chăm, Khmer; chú trọng quản lý, tổ chức lễ hội trang trọng, tiết kiệm, phù hợp thuần phong mỹ tục. Một số lễ hội lớn, như Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, Lễ hội Kỳ Yên đình Thoại Ngọc Hầu, Lễ giỗ Đức Quản cơ Trần Văn Thành,... luôn được tổ chức chu đáo, trang trọng, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống.
Tỉnh thực hiện đẩy mạnh hợp tác quốc tế thông qua các hoạt động văn hóa đối ngoại, kết hợp tổ chức các sự kiện văn hóa; tham gia giao lưu nghệ thuật, triển lãm thương mại, văn hóa - du lịch trong nước và quốc tế. Đặc biệt, An Giang chú trọng xây dựng và phát triển phong trào văn hóa - văn nghệ vùng biên giới để cải thiện, phát huy đời sống văn hóa trong đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường quan hệ hữu nghị với Vương quốc Cam-pu-chia, giới thiệu bản sắc văn hóa độc đáo các dân tộc tỉnh An Giang ra thế giới.
Tận dụng nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng với nhiều danh lam thắng cảnh, kiến trúc nghệ thuật, nơi ghi lại những chiến công hào hùng của dân tộc, như núi Sam, núi Cấm, Khu di tích khảo cổ Óc Eo, Khu di tích miếu Bà Chúa Xứ, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang, chùa Tây An, đồi Tức Dụp, Khu di tích Nhà mồ Ba Chúc, rừng tràm Trà Sư,... tỉnh đẩy mạnh khai thác, phát huy các giá trị di sản văn hóa để quảng bá, thu hút du khách đến địa phương thông qua các chuyến du lịch, tuyến du lịch, tổ chức các lễ hội. Tỉnh xem đây là một kênh quảng bá các giá trị văn hóa, tinh thần của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn, qua đó góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người dân.
Đến nay, tỉnh đã lập quy hoạch, đề án phát triển dài hạn các loại hình văn hóa, nghệ thuật, như Quy hoạch phát triển ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Đề án bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2021... Đồng thời, tỉnh cũng ban hành nhiều quy định, quy chế quản lý di sản văn hóa và tổ chức lễ hội, từng bước đưa hoạt động quản lý, bảo vệ di sản văn hoá đi vào nền nếp.
Một số vấn đề cần quan tâm
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát huy sức mạnh, giá trị văn hóa để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh An Giang vẫn còn một số bất cập, hạn chế. Cụ thể là: đầu tư cho văn hóa tuy được quan tâm, nhưng chưa đáp ứng nhu cầu; công tác đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa một số nơi chưa tương hợp tình hình thực tế, nhiều di sản văn hóa có nguy cơ mai một, nhưng chưa có các chương trình hỗ trợ bảo tồn; công tác tuyên truyền, quảng bá văn hóa, đặc biệt là văn hóa - nghệ thuật truyền thống và công tác giáo dục, định hướng văn hóa, thẩm mỹ trong nhân dân, nhất là đối với thanh, thiếu niên, học sinh, công nhân... chưa được đầu tư đúng mức; chưa tạo được cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đối với những người làm công tác văn hóa; công tác quy hoạch, đầu tư phát triển thiết chế văn hóa còn chậm, chưa có sự đầu tư và kế hoạch khả thi để xây dựng các công trình văn hóa - nghệ thuật có giá trị lâu bền; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu, chưa đáp ứng kịp với tình hình thực tế ở một số lĩnh vực vốn mang tính định tính và nhạy cảm; còn nhiều bất cập giữa bảo tồn và phát triển trong việc khai thác các giá trị văn hóa phục vụ phát triển du lịch;...
Từ thực tiễn triển khai, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hoá trên địa bàn tỉnh An Giang thời gian qua, có thể rút ra một số vấn đề cần quan tâm:
Thứ nhất, nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào là lợi thế lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để phát huy tối đa sức mạnh và giá trị văn hóa, An Giang cần tiếp tục hoàn thiện các quy định, quy chế trong công tác quản lý văn hóa đáp ứng tình hình thực tế; hoàn thiện chế độ, chính sách đãi ngộ hợp lý đối với những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật.
Thứ hai, xây dựng, phát triển văn hóa, con người tỉnh An Giang phải phù hợp điều kiện thực tế của địa phương và xu thế thời đại. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh phải hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống tinh thần của người dân; từng bước thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn; quan tâm các đối tượng chính sách và yếu thế; chú trọng phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ ba, quan tâm hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa, gắn văn hoá với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; ưu tiên phát triển một số lĩnh vực văn hóa mà tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế trên cơ sở gắn kết với sự phát triển của các tỉnh, thành phố lân cận và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, chú trọng xây dựng cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài, huy động tốt mọi nguồn lực để đầu tư phát triển văn hóa, con người.
Thứ tư, tăng cường đầu tư cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa; giữ gìn giá trị bản sắc truyền thống để giáo dục thế hệ trẻ về cội nguồn, giá trị chân - thiện - mỹ; nâng cao ý thức, lòng tự hào dân tộc; tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Thứ năm, tăng cường giới thiệu, quảng bá văn hóa, hình ảnh vùng đất, lịch sử, con người tỉnh An Giang trong và ngoài nước để tạo vị thế, sức mạnh nội sinh trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Việc phát huy nguồn lực di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế, nhất là kinh tế du lịch, dịch vụ, đang tạo ra những giá trị kinh tế to lớn, giải quyết việc làm cho nhiều lao động và có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để văn hóa thực sự là “sức mạnh nội sinh”, là động lực phát triển bền vững
Trước yêu cầu tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự là “sức mạnh nội sinh”, là “động lực phát triển” và “soi đường cho quốc dân đi”; giúp khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang xác định thời gian tới tập trung thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, các cấp ủy, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện về xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong thời kỳ mới; quan tâm xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế; trong đó, văn hóa trong Đảng trở thành tấm gương đạo đức cho xã hội; văn hóa doanh nghiệp trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Song song đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, con người tỉnh An Giang. Từng bước hình thành các giá trị chuẩn mực về văn hóa, góp phần phát triển toàn diện con người tỉnh An Giang; nâng cao sức mạnh nội sinh để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống, nhất là trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Hai là, thực hiện nghiêm khung khổ pháp lý, thể chế về văn hóa; rà soát, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt cơ chế, chính sách; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực cho văn hóa phát triển theo hướng hiện đại, hội nhập và bền vững. Chú trọng phát triển văn hóa đặc trưng trong từng lĩnh vực: giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, báo chí và truyền thông, tôn giáo và tín ngưỡng. Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư, nâng cấp đối với các trường, cơ sở có đào tạo lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; khuyến khích xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình đào tạo văn hóa, nghệ thuật.
Ba là, khẩn trương xây dựng quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đối với các di tích quốc gia đặc biệt, quần thể di tích quốc gia trên địa bàn tỉnh; hoàn tất các thủ tục trình UNESCO công nhận Khu di tích khảo cổ học Óc Eo - Ba Thê là di sản văn hóa thế giới, công nhận Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Huy động nhiều nguồn lực đầu tư gắn với đẩy mạnh xã hội hóa đối với các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích trên địa bàn tỉnh; khai thác tiềm năng di tích gắn kết giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch. Chủ động mở rộng hợp tác văn hoá với các vùng, miền trong cả nước; tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc nói chung, văn hóa An Giang nói riêng; hỗ trợ các địa phương có chung đường biên giới với Vương quốc Cam-pu-chia tổ chức các chương trình giao lưu quảng bá, giới thiệu văn hóa địa phương.
Bốn là, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của nhân dân trong tỉnh. Khuyến khích, tạo điều kiện để mọi người dân chủ động tham gia các hoạt động văn hóa cộng đồng, qua đó phát huy năng lực sáng tạo văn hóa, nghệ thuật. Đổi mới các hoạt động văn hóa phù hợp sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, của thời kỳ chuyển đổi số và những biến đổi do con người, xã hội, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các yếu tố an ninh phi truyền thống tác động.
Năm là, quan tâm phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa, văn nghệ, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực văn hóa then chốt, đặc thù. Tiếp tục nâng cao năng lực tham mưu của cơ quan chuyên trách và cán bộ làm công tác văn hóa, góp phần đưa những quan điểm chỉ đạo, nội dung, chương trình hành động thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa thành hiện thực. Chú trọng công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, đào tạo lực lượng cán bộ văn hóa đủ chuẩn, đáp ứng ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới./.
----------------------------
(1) Nguyễn Phú Trọng: “Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Tạp chí Cộng sản, số 979 (tháng 12-2021), tr. 7
Thúc đẩy đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh và bền vững  (19/02/2023)
Phát triển thị trường bất động sản bền vững tại Việt Nam  (16/02/2023)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay