Quyết tâm hoàn thành các đột phá, nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, xây dựng tỉnh Hà Giang phát triển nhanh và bền vững
TCCS - Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 với quyết tâm chính trị cao cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ hiệu quả 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá, tỉnh Hà Giang đã đạt được nhiều kết quả tích cực toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; đưa nghị quyết vào cuộc sống với những chuyển biến rõ rệt, hiệu quả cao, là động lực để Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục phấn đấu xây dựng Hà Giang phát triển nhanh và bền vững hơn.
Quyết tâm chính trị và kết quả quan trọng
Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới cực Bắc Tổ quốc, có vị trí địa - chính trị đặc biệt quan trọng, với diện tích tự nhiên 7.929,5km2, đường biên giới giáp Trung Quốc dài 277,556km; với 19 dân tộc anh em cùng chung sống đoàn kết, có bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc. Tuy nhiên, là tỉnh có địa hình bị chia cắt mạnh, chủ yếu là núi đá, nhiều núi cao, vực sâu, giao thông đi lại vô cùng khó khăn; trình độ dân trí còn thấp so với các tỉnh miền xuôi; nhiều tiềm năng, tài nguyên cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ chưa được khai thác hiệu quả, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn.
Để tháo gỡ những rào cản, nút thắt; nắm bắt thời cơ, khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, từ đó phát triển kinh tế nhanh, bền vững đi đôi với thực hiện dân chủ, công bằng xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá trong mục tiêu phát triển nhiệm kỳ 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các nhiệm vụ trọng tâm là: (1) Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, củng cố khối đoàn kết các dân tộc; tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị, các đơn vị sự nghiệp công lập tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới công tác đánh giá, quy hoạch, tuyển dụng, sử dụng cán bộ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng các chính sách phát triển kinh tế - xã hội; (2) Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, phát triển các ngành, lĩnh vực có lợi thế; huy động các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; (3) Tập trung phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao dân trí, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực; xây dựng con người Hà Giang đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; tiếp tục củng cố, hoàn thiện hệ thống y tế; (4) Tập trung xây dựng khu vực phòng thủ các cấp, nền quốc phòng toàn dân vững chắc. Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh toàn diện, sẵn sàng chiến đấu cao; tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; (5) Thực hiện tốt chính sách xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững, chăm lo đời sống nhân dân; nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tăng cường đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Các đột phá đó là: (1) Xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; (2) Phát triển du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị; (3) Tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Để đẩy nhanh tổ chức thực hiện đồng bộ đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII vào cuộc sống, Đảng bộ tỉnh đã ban hành 28 nghị quyết chuyên đề, xây dựng nhiều chương trình, đề ra các giải pháp, nhiệm vụ theo từng năm. Các cấp ủy đảng đã nghiêm túc quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, xây dựng kế hoạch thực hiện nghị quyết thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú, sinh động gắn với thực tiễn địa phương, chú trọng biên dịch sang tiếng dân tộc, ứng dụng chuyển đổi số... Qua đó, thể hiện quyết tâm chính trị của cấp ủy, chính quyền các cấp cụ thể hóa nghị quyết của Đảng cho từng cấp, từng ngành, từng địa phương, huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị để thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội.
Triển khai thực hiện 3 đột phá
Để thực hiện hiệu quả 3 đột phá nêu trên, tỉnh đã tập trung bố trí nguồn lực, trong đó chú trọng xây dựng, hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, tháo gỡ một trong những rào cản lớn nhất trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân tại Hà Giang. Ngày 22-12-2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TU về “Đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021 - 2025 và đến năm 2030”. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện; giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh ưu tiên dành ngân sách đầu tư các dự án giao thông chiến lược trên địa bàn, gồm 3 tuyến quốc lộ, 5 tuyến tỉnh lộ huyết mạch, đường liên xã và đầu tư xây dựng 1.736km đường giao thông nông thôn. Chương trình làm đường giao thông nông thôn, chỉnh trang đô thị và chương trình hỗ trợ xi-măng của tỉnh phát huy hiệu quả cao, nhận được sự tham gia, ủng hộ tích cực của nhân dân trong hiến đất, đóng góp vật liệu xây dựng, ngày công để cùng thực hiện; đến nay, 100% các xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm, 2.069/2.069 thôn bản có đường đi được xe cơ giới đến thôn, tỷ lệ đường trục thôn, bản được cứng hoá đạt 64%. Trong năm 2021 - 2022, tỉnh đã hoàn thành đầu tư nâng cấp quốc lộ 279 chiều dài 36km lên tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi; quốc lộ 4c kết nối 4 huyện vùng cao nguyên đá Đồng Văn, quốc lộ 34 nối với tỉnh Cao Bằng cũng được nâng cấp mở rộng, cắt cua giúp việc di chuyển của nhân dân và khách du lịch được thuận lợi, an toàn; có 5 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài khoảng 170km, trong đó đường tỉnh 177 đang được đầu tư nâng cấp với tổng mức đầu tư gần 1500 tỷ đồng; đường bờ Đông Sông Lô sử dụng nguồn vốn ODA (hợp tác phát triển chính thức) đang từng bước hoàn thiện cơ bản, bảo đảm kết nối giao thông giữa thành phố Hà Giang với các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, tránh được thế đường độc đạo của quốc lộ 2 hiện nay. Công tác chuẩn bị đầu tư tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (CT15 - giai đoạn I) có quy mô 4 làn xe, chiều rộng nền đường 25,25m, tổng mức đầu tư 3.198 tỷ đồng dự kiến khởi công vào quý I-2023, là tuyến đường giao thông huyết mạch, quan trọng kết nối Hà Giang với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong khu vực.
Để thực hiện đột phá về phát triển du lịch, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 2-8-2021, về phát triển du lịch Hà Giang giai đoạn 2021 - 2025. Trên cơ sở đó, thực hiện nhiều hoạt động thúc đẩy du lịch phát triển, như: Tổ chức Chương trình kích cầu du lịch năm 2022 với chủ đề “Hà Giang - An toàn, bản sắc và thân thiện”; hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh phục vụ du lịch năm 2022; chương trình đón những vị khách đầu tiên đến Hà Giang trong năm 2022; chương trình “Hành quân theo bước chân anh”; tổ chức thành công chương trình “Qua miền di sản 6 tỉnh Việt Bắc lần thứ XIII - Hà Giang năm 2022”… Đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, cùng với việc đẩy mạnh áp dụng chuyển đổi số để quảng bá hình ảnh du lịch Hà Giang với phong cảnh thiên nhiên kỳ vĩ gắn với con người thân thiện, mến khách, bản sắc văn hoá đa dạng, đặc sắc của các đồng bào các dân tộc anh em. Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tái đánh giá công nhận lần 3 sẽ tạo động lực đột phá phát triển du lịch của tỉnh trong thời gian tới. Hà Giang trở thành điểm đến yêu thích của du khách trong nước và quốc tế. Năm 2022, Hà Giang đón trên 2,2 triệu lượt khách du lịch, tăng 142,3% so với năm 2021, đạt 146,7% kế hoạch. Doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 4.306 tỷ đồng, tăng 165,8% so với năm 2021.
Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị. Trong đó, quan tâm, chú trọng hướng dẫn người dân, hợp tác xã nâng cao chất lượng sản phẩm đặc trưng của địa phương theo các tiêu chí đánh giá; thực hiện đánh giá, phân hạng và cấp chứng nhận sản phẩm (OCOP) cho các sản phẩm. Đến nay, toàn tỉnh có 270 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận; trong đó có 229 sản phẩm 3 sao, 39 sản phẩm 4 sao và 2 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia... Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định thông qua việc đưa các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương vào các siêu thị và lên sàn thương mại điện tử có uy tín. Đến nay, nhiều sản phẩm nông sản của Hà Giang được bạn bè trong và ngoài nước ưa chuộng, như: Cam sành, mật ong bạc hà, chè shan tuyết cổ thụ, thịt lợn đen và các sản phẩm từ dược liệu…
Để tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 14-12-2020, về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025, với mục đích là chuyển đổi tư duy và phương pháp chăn nuôi, trồng trọt của người dân, quy hoạch, sắp xếp lại các công trình bảo đảm vệ sinh môi trường, từ đó tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững trên chính mảnh vườn của mình. Tỉnh đã xây dựng chính sách và dành ngân sách để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo vay vốn với lãi suất 0% để đầu tư mua cây, con giống, vật tư nông nghiệp, hỗ trợ tập huấn, quy trình sản xuất… Vì vậy, Nghị quyết nhận được sự đón nhận tích cực của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân.
Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện cải tạo 2.325 vườn, trong đó 1.935 vườn đã cho hiệu quả kinh tế với tổng thu nhập là 36.362,6 triệu đồng, bình quân 18,8 triệu đồng/hộ/năm (cao gấp 2 - 3 lần so với thời điểm chưa thực hiện cải tạo vườn tạp), góp phần giải quyết việc làm ổn định cho 2.325 người; thay đổi nhận thức từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Cùng với đó, Nghị quyết số 04 NQ/TU, ngày 1-12-2020, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển bền vững cây cam sành trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 giúp bảo đảm quy hoạch, bảo tồn giống, nâng cao chất lượng, bảo vệ thương hiệu, giá trị sản phẩm cam sành Hà Giang. Toàn tỉnh quy hoạch phát triển 5.000ha diện tích cam sành tại các vùng trồng cam trọng điểm là Bắc Quang, Vị Xuyên, Quang Bình; đến nay, nhiều gia đình có nguồn thu nhập ổn định, phát triển làm giàu từ cây cam sành.
Tỉnh chỉ đạo quyết liệt triển khai Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Qua 3 năm thực hiện, đến nay, đã hoàn thành xây dựng 6.700 căn nhà cho nhân dân với số kinh phí huy động từ nguồn xã hội hoá hơn 1.000 tỷ đồng, vượt xa so với mục tiêu ban đầu của chương trình, giúp các hộ nghèo có khó khăn về nhà ở ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp, giảm nghèo bền vững.
Triển khai thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm
Trên cơ sở các nhiệm vụ trọng tâm đã được xác định, Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo kịp thời; chỉ đạo triển khai hiệu quả các kết luận, nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trên các lĩnh vực và đạt được những kết quả tích cực. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai quyết liệt, hiệu quả với nhiều cách làm mới, chủ động, sáng tạo, linh hoạt, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị và giải quyết kịp thời các nhiệm vụ phát sinh. Nghị quyết số 18-NQ/TU, ngày 29-10-2021, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã góp phần nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành và duy trì mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước, hệ thống hội nghị giao ban trực tuyến tỉnh Hà Giang được triển khai với quy mô 241 điểm cầu từ cấp tỉnh kết nối đến các xã; 100% các cơ quan hành chính có thể tham gia các cuộc họp trực tuyến quy mô 4 cấp Trung ương, tỉnh, huyện, xã; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh được tập trung hoàn thiện với gần 2.000 dịch vụ công trực tuyến.
Trong năm 2022, 100% các huyện đã thành lập trường nội trú 3 cấp và đưa vào hoạt động hiệu quả, là bước phát triển quan trọng trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh người dân tộc thiểu số có cơ hội hoàn thành chương trình trung học phổ thông; tỉnh đã hoàn chỉnh hồ sơ để Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang và bắt đầu tuyển sinh từ năm 2023; hoạt động khuyến học, khuyến tài được quan tâm, quỹ khuyến học, khuyến tài đã huy động được gần 24 tỷ đồng để hỗ trợ các học sinh nghèo và khuyến khích phát triển, thu hút nhân tài, giáo viên và học sinh.
Cùng với việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TU về xóa bỏ hủ tục, phong tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh và tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả, từ đó làm thay đổi tư duy, nhận thức, từng bước xóa bỏ những hủ tục, phong tục lạc hậu đã tồn tại từ lâu đời trong việc cưới, việc tang, lễ hội và trong đời sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc. Các lĩnh vực văn hóa, y tế cũng được đặc biệt chú trọng quan tâm, nhất là đầu tư kết cấu hạ tầng y tế, các thiết chế văn hoá, liên kết khám, chữa bệnh các tuyến y tế với Trung ương. Toàn tỉnh có 5,2 cán bộ/trạm y tế xã; 100% số trạm y tế có bác sĩ công tác. Tỉnh chú trọng thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về giảm nghèo, nên trong năm 2022, toàn tỉnh giảm 8.771 hộ nghèo, tương ứng giảm 4,99% tỷ lệ hộ nghèo.
Một số kinh nghiệm bước đầu và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2023
Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, toàn diện của cả hệ thống chính trị, sự tham gia nhiệt tình của nhân dân, việc triển khai thực hiện nghị quyết của cấp ủy các cấp trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã đạt được những kết quả bước đầu rất tích cực, đáng ghi nhận, tạo môi trường thuận lợi, động lực quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, từng bước xóa đói, giảm nghèo, cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, thay đổi bộ mặt đô thị và nông thôn. Những kinh nghiệm bước đầu được rút ra, đó là:
Thứ nhất, chỉ đạo ban hành nghị quyết chuyên đề, xây dựng kế hoạch cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh nhanh chóng, kịp thời, đồng bộ và tổ chức triển khai bài bản, khoa học, phù hợp với tình hình của từng cấp, từng ngành, từng địa phương; luôn lấy thực tiễn làm thước đo đánh giá hiệu quả của nghị quyết.
Thứ hai, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm chủ động trong công việc của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội; huy động sự vào cuộc đồng bộ, thống nhất cả hệ thống chính trị gắn với phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp, từng ngành.
Thứ ba, kịp thời nhân rộng các mô hình, gương điển hình, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả cùng với việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, chấn chỉnh khắc phục những vướng mắc, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được, vẫn còn một số khó khăn, tồn tại cần tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục, như: Hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, vẫn còn “vùng lõm” thiếu điện, nước, sóng điện thoại và mạng internet; nguồn nhân lực chất lượng còn thấp, hoạt động liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị chưa đạt kết quả cao; cải cách hành chính chưa thực sự hiệu quả, các tồn đọng chưa được giải quyết triệt để; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, quy mô doanh nghiệp nhỏ, sức cạnh tranh còn thấp...
Để quyết tâm hoàn thành 3 đột phá, 5 nhiệm vụ trọng tâm, cũng như các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết, trong năm 2023, Tỉnh ủy Hà Giang xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, đó là: Nghiên cứu, kịp thời ban hành các nghị quyết, văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện sát thực tiễn; huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Triển khai hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Tập trung thực hiện tốt chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; triển khai hiệu quả các nội dung Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tăng cường công tác lập và quản lý quy hoạch xây dựng, phát triển, chỉnh trang đô thị, xây dựng thôn mới; tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) đoạn qua tỉnh Hà Giang. Thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu kinh tế Thanh Thuỷ để kêu gọi đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Tập trung huy động nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hoá triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ, chương trình tín dụng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tập trung phân cấp triển khai thực hiện tốt, hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định; tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng dạy và học, bảo đảm thực chất, không chạy theo thành tích, không để học sinh không đạt chuẩn ở các cấp học; làm tốt công tác y tế dự phòng, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân; phát huy, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, đẩy mạnh quảng bá du lịch Hà Giang trên các nền tảng số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với thị trường lao động; quyết tâm chỉ đạo đạt mức duy trì giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4%/năm trở lên, hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo mới.
Với truyền thống đoàn kết, thống nhất và khát vọng vươn lên mạnh mẽ, toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, các đột phá, nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Với những chủ trương, định hướng đúng đắn, kịp thời, triển khai trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ và hiệu quả, trong những năm tới, tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục có bước phát triển mới, ngày càng giàu đẹp, văn minh./.
Hà Giang: Tạo bước đột phá toàn diện về nâng cao chất lượng quản trị và hành chính công  (23/12/2022)
Tỉnh Hà Giang phát huy hiệu quả vai trò công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới  (22/12/2022)
- Đối ngoại với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa: Thành tựu và bài học kinh nghiệm
- Đảng bộ tỉnh Lào Cai xây dựng đội ngũ cán bộ, tạo đột phá để góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững
- Phát triển kinh tế xanh: Cơ hội và thách thức đối với ngành dệt may Việt Nam
- Tác động của điều kiện tự nhiên - xã hội đến công tác đấu tranh phản, bác quan điểm sai trái, thù địch trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện nay
- Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng với phương hướng và giải pháp trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp