Tỉnh Hà Giang: Chương trình xã hội hóa xây nhà ở người có công, cựu chiến binh, hộ nghèo vượt xa mong đợi
TCCS - Là một trong những tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước, sau tỉnh Điện Biên, cuối năm 2018, toàn tỉnh Hà Giang còn tới 31,17% số hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều. Nhà ở của không ít gia đình người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn trong tình trạng nhà tranh, tre, lứa lá, tạm bợ dột nát. Sau hơn 3 năm tiến hành Chương trình hỗ trợ xây nhà ở người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo, kết quả vượt xa sự mong đợi…
Chương trình mang tính nhân văn sâu sắc, hợp lòng dân
Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 1-4-2019, toàn tỉnh Hà Giang có 80.698 nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ. Kết quả rà soát hộ nghèo theo tiêu chí hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 cuối năm 2018, toàn tỉnh còn 56.083 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 31,17% tổng số hộ trên địa bàn tỉnh, trong đó số hộ nghèo thiếu hụt về tiêu chí nhà ở (nhà ở thiếu kiên cố hoặc đơn sơ, tạm bợ) là 10.123 hộ, chiếm tỷ lệ 18,05% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Trong đó, đối tượng gia đình chính sách, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo biên giới có khó khăn về nhà ở còn hơn 4.100 hộ.
Đó là những con số đáng bận tâm, không chỉ phản ánh thực trạng số hộ nghèo còn không ít, những người phải sống trong nhà tạm còn nhiều, mà còn cho thấy chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, người có công, cựu chiến binh còn những vướng mắc nhất định. Thực tế trong những năm qua, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công và hộ nghèo và đã đạt được những kết quả đáng mừng. Tuy nhiên, với tỉnh nghèo Hà Giang còn có những bất cập nhất định. Cụ thể, nguồn kinh phí từ ngân sách hỗ trợ có hạn, điều kiện để nhận được chính sách hỗ trợ chưa thật phù hợp, mức hỗ trợ còn thấp, nhất là đối với chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo hình thức vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội…, nên nhà ở của gia đình người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Hà Giang chưa được cải thiện rõ nét, nhiều hộ rơi vào tình trạng xóa nhà tranh, tre, lứa lá, tạm bợ dột nát bằng nhà tạm.
Thực hiện phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động (Quyết định số 1258/QĐ-TTg, ngày 21-8-2017) và Chương trình vận động ủng hộ đầu tư xây dựng nhà ở cho gia đình chính sách, cựu chiến binh nghèo trên địa bàn tỉnh Hà Giang của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Kế hoạch số 01-KH/BCĐ triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Hà Giang từ nguồn vốn xã hội hóa. Để bảo đảm sự thống nhất trong chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang ban hành Quyết định số 153-QĐ/TU, ngày 25-7-2019, thành lập Ban chỉ đạo hỗ trợ xây nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Hà Giang (gọi tắt là Ban chỉ đạo). Đó chính là sự khởi đầu một chương trình mang tính nhân văn sâu sắc, đấy ý nghĩa - Chương trình 1953!
Với vai trò Thường trực Ban chỉ đạo tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang nhanh chóng ban hành các công văn, quyết định thực hiện các công việc có liên quan đến việc triển khai thực hiện chương trình một cách đồng bộ, hiệu quả. Lời kêu gọi đóng góp, ủng hộ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo... Cuối tháng 9-2019, lời kêu gọi “Đóng góp, ủng hộ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo 34 xã biên giới có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Hà Giang” được gửi đi, kêu gọi và vận động sự tham gia ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Lời kêu gọi do đồng chí Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang, Phó trưởng Ban chỉ đạo - có đoạn: “Hà Giang là tỉnh vùng cao, biên giới cực Bắc của Tổ quốc, là mặt trận ác liệt, chịu nhiều thiệt hại nhất và là nơi kết thúc muộn nhất cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc (1979 - 1989). Cuộc chiến tàn khốc đã đi qua gần 30 năm, nhưng để lại nhiều mất mát, đau thương cho người dân Hà Giang và nhân dân cả nước, hàng nghìn gia đình mãi mãi mất đi người thân, hàng nghìn gia đình được đón người thân trở về nhưng lại mang nặng thương tích do chiến tranh… Thực hiện phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, đồng thời nhằm tri ân những người đã hy sinh xương máu bảo vệ biên cương Tổ quốc và hướng tới người dân nghèo biên giới, Tỉnh ủy Hà Giang đã thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Phó trưởng ban thường trực. Ban hành kế hoạch triển khai cụ thể với mức hỗ trợ xây dựng mỗi căn nhà 60 triệu đồng từ nguồn kinh phí vận động xã hội hóa, chưa kể phần nhân công xây dựng do các lực lượng địa phương đóng góp, giúp đỡ. Mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2021 xây dựng được trên 3.000 căn nhà, ưu tiên cho các đối tượng: Người có công, cựu chiến binh nghèo và các hộ nghèo 34 xã biên giới”.
Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Chương trình 1953, lời kêu gọi tha thiết ấy của lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã được đáp lại một cách nhanh chóng, hiệu quả. Sức lan tỏa của chương trình ngày một rộng hơn khi công tác tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ngày càng phủ kín, thông qua nhiều “kênh” khác nhau. Đồng thời với đó, là các công việc có liên quan như rà soát, lập danh sách đối tượng cần hỗ trợ để tiến hành xét duyệt; ban hành thiết kế các mẫu nhà ở; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện từng giai đoạn; phân công các cơ quan, đơn vị phụ trách, giúp đỡ, hỗ trợ xây nhà ở theo địa chỉ; triển khai khởi công xây dựng nhà ở kịp thời bàn giao đưa vào sử dụng cho hộ gia đình đã được thẩm định theo kinh phí được phân bổ và tự vận động; tổ chức giao ban định kỳ, kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm, chỉ đạo, đôn đốc đẩy mạnh thực hiện chương trình…
Kết quả vượt xa kỳ vọng, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý
Mục tiêu mà chương trình đưa ra là “phấn đấu hoàn thành hỗ trợ 6.000 nhà ở vào cuối năm 2022”, định mức hỗ trợ cho mỗi ngôi nhà là 60 triệu đồng và nguồn kinh phí hỗ trợ hoàn toàn là xã hội hóa. Nhằm bảo đảm tính kiên cố, bền vững của công trình, ngoài việc bảo đảm tiêu chuẩn 3 cứng (cứng nền, khung – tường, mái cứng) theo chỉ đạo của tỉnh, các huyện đã tuyên truyền, vận động và được các hộ đồng tình thực hiện với phương châm: Xây dựng nhà ở gắn với xây dựng nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh, gia cố giằng néo mái nhà, mái lợp bằng tôn xốp (lạnh) bảo đảm an toàn vào mùa mưa bão. Những ngôi nhà được xây dựng đảm bảo chất lượng, phù hợp với kiến trúc, nhà ở truyền thống của đồng bào các dân tộc.
Kể từ khi triển khai vào tháng 7-2019, chương trình nhân văn này đã nhận được sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm ủng hộ và trợ giúp của đông đảo các cơ quan, doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty, các cá nhân, nhà hảo tâm, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên khắp cả nước. Đến ngày 15-11-2022, tổng kinh phí mà chương trình nhận được là 400.334 triệu đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ của các đơn vị, cá nhân chuyển vào tài khoản của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang là 285.969 triệu đồng; kinh phí do Ban chỉ đạo tỉnh vận động chuyển thẳng cho các huyện là 8.400 triệu đồng; kinh phí các huyện, các ngành tự vận động và các đơn vị chuyển thẳng cho các huyện là 91.415 triệu đồng; kinh phí hỗ trợ từ chương trình nhà đại đoàn kết từ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Giang là 14.250 triệu đồng; kinh phí từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa Trung ương là 300 triệu đồng.
Với sự ủng hộ tích cực, hiệu quả, nguồn kinh phí thực hiện chương trình là tương đối bảo đảm. Sau 3 giai đoạn triển khai hỗ trợ, lũy kế đến tháng 11 toàn tỉnh đã có 6.700 hộ gia đình triển khai xây dựng nhà ở, vượt 700 hộ so với mục tiêu đề ra, vượt xa kỳ vọng ban đầu. Trong số 6.700 hộ gia đình được hỗ trợ nhà ở, có 249 hộ gia đình chính sách người có công, 605 hộ cựu chiến binh nghèo, 2.086 hộ nghèo xã biên giới và 3.760 hộ nghèo xã nội địa. Tổng giá trị 6.700 căn nhà sau khi hoàn thiện là 727.675 triệu đồng, bao gồm cả số tiền gia đình tự đối ứng, số tiền quy đổi từ ngày công hỗ trợ (tổng số 341.766 ngày công)…
Ngày 26-11-2022, tỉnh Hà Giang tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2022. Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh khẳng định, chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở là chủ trương lớn của tỉnh, hợp lòng dân. Trong quá trình triển khai thực hiện, tỉnh đã vào cuộc rất quyết liệt; Ban chỉ đạo xây dựng nhà ở được thành lập từ cấp tỉnh đến cơ sở do đồng chí bí thư cấp ủy làm trưởng ban; huy động cả hệ thống chính trị và người dân cùng vào cuộc. Đặc biệt, Hà Giang nhận được rất nhiều tình cảm sâu sắc, chân thành từ các tổ chức, doanh nghiệp, tập đoàn, nhà hảo tâm đã hỗ trợ bằng vật chất, tinh thần để tỉnh hoàn thành chương trình nhà ở. Toàn bộ kinh phí huy động được hỗ trợ trực tiếp, đúng đối tượng; nhà ở được xây dựng đảm bảo chất lượng, phù hợp với phong tục, văn hóa truyền thống của các dân tộc. Chương trình xây dựng nhà ở để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý để Hà Giang tiếp tục triển khai hiệu quả nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác trong thời gian tới./.
Có một Hà Giang khác lạ  (03/12/2022)
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang thảo luận về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) và dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)  (25/10/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay