Xây dựng gia đình Việt Nam: Những thành tựu nổi bật, vấn đề đặt ra và giải pháp chính sách
TCCS - Gia đình là đơn vị xã hội quan trọng nhất trong việc tạo ra thế hệ mới, tái tạo sức lao động của người trưởng thành, chăm sóc người đau ốm, người cao tuổi... Xã hội phát triển thì gia đình cũng biến đổi và phát triển với những sắc thái khác nhau. Điều này đòi hỏi phải không ngừng hoàn thiện pháp luật, chính sách về gia đình, như vậy mới đạt được mục tiêu của công tác gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa là ổn định, củng cố và xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội.
Những thành tựu nổi bật
Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21-2-2005, của Ban Bí thư, “Về xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, đã khẳng định: Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhìn lại thành tựu hơn 35 năm đổi mới, có thể thấy một số điểm nổi bật của sự nghiệp xây dựng gia đình Việt Nam hiện nay.
Một là, sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho mọi gia đình. Theo Ngân hàng Thế giới, những thành tựu sau hơn 35 năm qua đã thúc đẩy phát triển kinh tế, nhanh chóng đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp. Từ năm 2002 đến năm 2018, GDP đầu người tăng 2,7 lần, đạt trên 2.700 USD năm 2019, với hơn 45 triệu người thoát nghèo. Tỷ lệ nghèo giảm mạnh từ hơn 70% xuống còn dưới 6% (3,2 USD/ngày theo sức mua ngang giá). Trong bối cảnh đó, kinh tế hộ gia đình thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự tăng trưởng tổng thu nhập quốc dân hằng năm. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới ở cơ sở phát triển. Ngày càng có nhiều gia đình văn hóa, khu phố văn hóa, làng văn hóa, cụm dân cư văn hóa, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm đã giúp cho hàng triệu gia đình thoát nghèo và nâng cao mức sống.
Hai là, hệ thống pháp luật, chính sách về gia đình và liên quan đến gia đình ngày càng hoàn thiện. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho các gia đình nghèo, đặc biệt khó khăn, gia đình có công với cách mạng, gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã đạt được những thành tích đáng kể, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội ngày càng ổn định và phát triển. Những giá trị nhân văn mới, tiêu biểu là bình đẳng giới và quyền trẻ em, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được đề cao. Những năm qua, việc thành lập cơ quan quản lý nhà nước về gia đình và lấy ngày 28-6 hằng năm là Ngày Gia đình Việt Nam đã khẳng định vai trò của gia đình đối với sự phát triển xã hội và sự quan tâm của xã hội đối với gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ba là, cùng với sự phát triển dân số là quá trình hạt nhân hóa gia đình. Hai xu hướng này diễn ra song song, làm tăng số lượng gia đình Việt Nam sau hơn 35 năm đổi mới đất nước. Tốc độ gia tăng về tỷ lệ hộ gia đình qua các cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở các năm 1989, 1999 và 2019 cho thấy, số hộ gia đình vào ngày 1-4-1989 là 12.927.297, tăng 3,1% so với đợt tổng điều tra ngày 1-10-1979. Đến ngày 1-4-1999, số lượng hộ gia đình cả nước là 16.661.666, tăng 2,5% so với ngày 1-4-1989. Tiếp đó, đến ngày 1-4-2009, Việt Nam có 22.444.322 hộ gia đình, tăng 3,0% so với ngày 1-4-1999. Và đến ngày 1-4-2019, cả nước có 26.870.079 hộ gia đình, tăng 4,4 triệu hộ so với cùng thời điểm năm 2009, tỷ lệ tăng là 1,8%(1). Như vậy, sau 30 năm, số lượng hộ gia đình nước ta năm 2019 tăng gấp 2,07 lần so với năm 1989.
Việc thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội về gia đình cùng với nhận thức của người dân được nâng cao đã tạo nên xu hướng gia đình hạt nhân có quy mô nhỏ. Quá trình hạt nhân hóa gia đình, bên cạnh những ưu điểm của gia đình hai thế hệ (cha mẹ - con cái), cùng với sự hình thành và phát triển của loại hình gia đình mới (gia đình độc thân, gia đình cha/mẹ đơn thân, sống chung không kết hôn), thì cũng có những khó khăn nhất định trong bối cảnh xã hội có nhiều biến động, chuyển đổi nghề nghiệp và di cư hiện nay.
Bốn là, độ tuổi kết hôn tăng dần trong ba thập niên qua. Năm 2009, tuổi kết hôn trung bình lần đầu (SMAM) của nam giới là 26,2 và của nữ là 22,8, chênh lệch 3,4 năm. SMAM của cả nam và nữ ở thành thị đều cao hơn ở nông thôn (27,7 và 24,4 so với 25,6 và 22,0). So sánh theo khu vùng kinh tế - xã hội, SMAM của nam và nữ cao nhất là ở Đông Nam Bộ (27,4 và 24,2), và thấp nhất ở vùng Trung du, miền núi phía Bắc (24,2 và 21,3) và Tây Nguyên (25,2 và 21,8). Số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 25,2 tuổi, tăng 0,7 tuổi so với năm 2009. Trong đó, tuổi kết hôn trung bình của nam giới cao hơn nữ giới 4,1 tuổi (tương ứng là 27,2 tuổi và 23,1 tuổi). Như vậy, sau 10 năm, độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nam và nữ đều tăng: trong đó nam tăng 1,0 tuổi và nữ tăng 0,3 tuổi. Điều này cho thấy sự khác biệt giới trong độ tuổi kết hôn và khác về mức độ gia tăng độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nam và nữ.
Năm là, các chức năng cơ bản của gia đình có sự biến đổi. Trong thời kỳ đổi mới, sự biến đổi cấu trúc và quy mô gia đình kéo theo sự biến đổi về cách thức thực hiện các chức năng gia đình. Sự biến đổi chức năng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, đô thị hóa có những điểm khác biệt so với giai đoạn trước đổi mới. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều thành phần kinh tế cùng tồn tại là cơ sở để đa dạng cách thức thực hiện chức năng kinh tế của gia đình.
Sáu là, cơ cấu loại hình gia đình có sự biến đổi. Sự biến đổi thực hiện các chức năng cơ bản của gia đình cũng ảnh hưởng đến sự biến đổi quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, đặc biệt là mối quan hệ vợ chồng, quan hệ cha mẹ và con cái ngày càng dân chủ hơn, vợ chồng tôn trọng nhau, cha mẹ lắng nghe con cái, giảm bớt tính gia trưởng, độc đoán.
Bảy là, hình thành những chuẩn mực gia đình mới. Biến đổi xã hội cũng có nghĩa là sự mất đi của một số giá trị, chuẩn mực không còn thích hợp và hình thành nên những giá trị, chuẩn mực xã hội mới, cùng với quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa, đã làm giàu thêm các giá trị, chuẩn mực của văn hóa Việt Nam. Điều này tác động tích cực đến đời sống văn hóa gia đình, đời sống văn hóa tinh thần đa dạng, phong phú, các thành viên trong gia đình có nhiều lựa chọn và thụ hưởng văn hóa.
Tám là, những thành tựu của khoa học và công nghệ nói chung và trong lĩnh vực y học nói riêng tạo nên những tiến bộ trong công tác gia đình. Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng về khoa học và công nghệ trong y học, có một số thành công sánh ngang các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Sự tiến bộ của khoa học và công nghệ đáp ứng nhu cầu có con của những cặp vợ chồng hiếm muộn, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe các tầng lớp dân cư, nâng cao tuổi thọ của người dân, giảm tỷ lệ tử vong của người mẹ và con, đem lại niềm vui, hạnh phúc cho hàng triệu gia đình.
Những vấn đề đặt ra
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa và hội nhập quốc tế tạo ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt gia đình và công tác gia đình trước nhiều khó khăn, thách thức. Mặt trái của cơ chế thị trường và lối sống thực dụng tác động mạnh tới các giá trị đạo đức truyền thống và lối sống lành mạnh; sự phân hóa giàu nghèo tiếp tục tác động đến không ít gia đình... Tất cả những điều này đặt ra một số vấn đề trong gia đình Việt Nam hiện nay, đó là:
Thư nhất, vẫn còn có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình. Tảo hôn vẫn là hiện tượng đáng lo ngại ở nhiều dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, không ít gia đình dân tộc thiểu số ở một số địa phương thuộc vùng miền núi vẫn còn hôn nhân cận huyết. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng giống nòi của thế hệ tương lai.
Thứ hai, một bộ phận các cặp vợ chồng vẫn còn ảnh hưởng của tư tưởng trọng nam, dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh, để lại những hậu quả xã hội ở nhiều lĩnh vực kinh tế, hôn nhân gia đình, an ninh, trật tự xã hội.
Thứ ba, xu hướng sinh ít con và tuổi thọ gia tăng là các yếu tố thúc đẩy già hóa nhanh. Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Sự gia tăng gia đình có người cao tuổi, đặc biệt là người cao tuổi sống một mình, là vấn đề xã hội rất cần có sự quan tâm và hoàn thiện chính sách chăm sóc người cao tuổi, gia đình người cao tuổi.
Thứ tư, một số gia đình có biểu hiện coi trọng chức năng kinh tế, sao nhãng chức năng giáo dục con cái. Gia đình có xu hướng nhường dần chức năng giáo dục cho nhà trường. Mặc dù mức sống gia đình Việt Nam ngày càng được cải thiện, nhưng việc chuyển hướng ngành, nghề đối với những hộ gia đình làm nông nghiệp trong quá trình đô thị hóa và phát triển công nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Hàng nghìn gia đình vẫn đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của chiến tranh. Hàng trăm nghìn trẻ em nạn nhân của chất độc da cam đang là nỗi đau của nhiều gia đình. Những mất mát, đau thương của hàng triệu gia đình trong chiến tranh sau gần nửa thế kỷ vẫn chưa thể bù đắp. Công tác xóa đói, giảm nghèo ở một số địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là ở vùng duyên hải, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ năm, mặc dù mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình có xu hướng dân chủ và bình đẳng hơn trước, nhưng vẫn còn tình trạng bạo lực gia đình, đặc biệt là bạo lực của chồng đối với vợ. Bạo lực gia đình là một vấn đề xã hội mang tính toàn cầu, và bạo lực trên cơ sở giới không dễ giải quyết ngày một ngày hai. Bên cạnh những nguyên nhân do bất bình đẳng giới, ngoại tình, rượu chè, cờ bạc, thì cần phải nói thêm một nguyên nhân quan trọng nữa là đa số người vợ khi bị bạo lực lại tự nhận mình có lỗi, chứ không phải lỗi của người chồng có hành vi bạo lực. Do đó, cần nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm của các cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội cùng chung tay góp phần phòng, chống bạo lực gia đình.
Thứ sáu, vẫn còn hiện tượng làm mẹ ở tuổi vị thành niên. Trên phạm vi toàn quốc, phụ nữ chưa thành niên sinh con chiếm tỷ trọng 3,3‰, trong đó cao nhất ở Trung du và miền núi phía Bắc (9,7‰), cao hơn 8,5 lần so với vùng Đồng bằng sông Hồng (1,1‰). Tây Nguyên là vùng có tỷ lệ phụ nữ từ 10 - 17 tuổi sinh con cao thứ hai (6,8‰). Tình trạng ly hôn, ly thân, chung sống không kết hôn, quan hệ tình dục và nạo phá thai trước hôn nhân gia tăng đã để lại những hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt đối với gia đình và xã hội. Tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em, trẻ em bị xâm hại, trẻ em phải lang thang kiếm sống, trẻ em vi phạm pháp luật vẫn là vấn đề xã hội nhức nhối. Các tệ nạn ma túy, cờ bạc, rượu chè, mại dâm vẫn đặt nhiều gia đình trước nguy cơ đổ vỡ.
Thứ bảy, mặt trái của cơ chế thị trường và lối sống thực dụng tác động mạnh tới các giá trị đạo đức truyền thống và lối sống lành mạnh. Nhiều giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình như hiếu nghĩa, thủy chung, kính trên, nhường dưới đang có biểu hiện xuống cấp. Những xung đột giữa các thế hệ về lối sống và việc chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi đang đặt ra những thách thức mới.
Thứ tám, xuất hiện nhiều loại hình gia đình mới, trong đó có hộ gia đình độc thân, làm mẹ đơn thân... Những loại hình gia đình này, ở các chiều cạnh khác nhau, cần có chính sách xã hội và công tác gia đình phù hợp. Với những cặp vợ chồng hiếm muộn, Luật Hôn nhân và gia đình cho phép người thân mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, tuy nhiên chính sách thấm đậm tính nhân văn này cũng có thể nảy sinh phiền phức về mối quan hệ tình cảm mẹ con sau này, hoặc cũng có thể rắc rối liên quan đến pháp lý.
Một số giải pháp trong thời gian tới
Từ những vấn đề đặt ra về biến đổi gia đình trong quá trình phát triển, có thể gợi ý một số giải pháp chính sách phát triển gia đình Việt Nam trong thời gian tới.
Thứ nhất, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác gia đình: Các cấp ủy đảng, chính quyền, công đoàn và các đoàn thể xã hội cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác gia đình. Cần lồng ghép công tác gia đình vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và kế hoạch 5 năm của các bộ, ban, ngành, địa phương, từ trung ương đến cơ sở. Để công tác gia đình thực hiện được hiệu quả, cần có đội ngũ công chức, viên chức, cộng tác viên làm công tác gia đình được nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và nguồn kinh phí thích hợp với tầm quan trọng của gia đình, coi đầu tư cho gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững. Bảo đảm đủ nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước và huy động sự đóng góp của toàn xã hội cho công tác gia đình. Tiếp tục củng cố và ổn định các cơ quan: Tổng cục Dân số (Bộ Y tế), Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) và các cơ quan thuộc lĩnh vực này ở các cấp, đặc biệt là ở cấp huyện và cấp cơ sở; đẩy mạnh việc đào tạo cán bộ để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước và phối hợp liên ngành về công tác gia đình.
Thứ hai, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về gia đình: Cần rà soát lại hệ thống pháp luật, chính sách liên quan đến gia đình; sửa đổi, điều chỉnh và hoàn thiện cho phù hợp với quá trình phát triển của xã hội và sự biến đổi gia đình. Xây dựng, phát triển hệ thống dịch vụ xã hội liên quan đến gia đình, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của các loại hình gia đình hiện nay. Có chính sách quan tâm đến những hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, di dân để xây dựng các công trình thủy điện, đường cao tốc, khu công nghiệp, khu chế xuất. Cần quan tâm hơn đến các gia đình chính sách (hộ nghèo, gia đình có công; thương binh, liệt sỹ), nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, hạn hán, thiên tai khắc nghiệt, bão lũ, đại dịch COVID-19. Mở rộng và nâng cao hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; bảo đảm cho các gia đình có cơ hội tiếp cận sự bảo trợ của Nhà nước, ổn định cuộc sống, chăm lo giáo dục con cái và chăm sóc người cao tuổi.
Thứ ba, đa dạng quan điểm về gia đình: Bên cạnh quan niệm về gia đình theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 “Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định của Luật này” (khoản 2, Điều 3), cần có những quan niệm đa dạng về gia đình cho phù hợp với thực tiễn sinh động với nhiều dạng thức mới hiện nay (gia đình độc thân, gia đình đồng tính, làm mẹ đơn thân, sống chung không kết hôn...). Những dạng thức mới này có được xem là gia đình hay không có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ với những nhà hoạch định chính sách, với chính gia đình, mà cả với nhà quản lý, lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu gia đình. Các chính sách về gia đình không chỉ giới hạn theo luật pháp, mà cũng cần có chính sách xã hội phù hợp với các dạng thức mới.
Thứ tư, xây dựng gia đình phải luôn gắn với sự nghiệp giải phóng phụ nữ: Bạo lực gia đình, mất cân bằng giới tính khi sinh là những biểu hiện của bất bình đẳng giới vẫn đang hiện diện. Do vậy, xây dựng gia đình và công tác gia đình cần phải gắn liền với sự nghiệp giải phóng phụ nữ, với tiến trình bình đẳng giới. Để làm được điều này, không nên xem gia đình là lĩnh vực riêng của ngành nào, mà cần có quan điểm coi những vấn đề của gia đình là vấn đề của cộng đồng, xã hội. Các chính sách xã hội, các phong trào xã hội không nên tạo ra gánh nặng, vai trò kép đối với người phụ nữ, người vợ, người mẹ trong gia đình. Cần đặc biệt quan tâm xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình, đặc biệt là tư tưởng coi thường phụ nữ. Hạn chế và tiến tới chấm dứt nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Nam giới, cộng đồng, gia đình và xã hội tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ làm tốt vai trò của họ và có cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp.
Thứ năm, đa dạng hóa các loại hình tuyên truyền và nâng cao chất lượng truyền thông, giáo dục gia đình: Trong bối cảnh phát triển của công nghệ thông tin, với sự đa dạng của các phương tiện truyền thông, cần kết hợp các loại hình truyền thông để tuyên truyền, giáo dục hiệu quả. Cần chú ý sử dụng loại hình truyền thông, phương tiện truyền thông và nội dung truyền thông phù hợp với gia đình ở từng vùng, miền, dân tộc khác nhau. Nội dung giáo dục gia đình cần cung cấp các kiến thức, kỹ năng sống, như kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình và với cộng đồng... Giáo dục và vận động các gia đình tự nguyện, tự giác, tích cực thực hiện nếp sống văn minh, không trọng nam khinh nữ, không lựa chọn giới tính khi sinh. Vận động các gia đình tích cực tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, Quy chế Dân chủ ở cơ sở; phát triển các hình thức tổ hòa giải, các câu lạc bộ gia đình tại cộng đồng; giữ gìn và phát huy văn hóa gia đình và truyền thống tốt đẹp của dòng họ; xây dựng tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, nhắc nhở, động viên nhau thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Trong giáo dục, phải kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam gắn với xây dựng những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển. Chú ý đến đặc thù văn hóa gia đình các dân tộc thiểu số trong tuyên truyền, giáo dục.
Thứ sáu, tăng cường công tác nghiên cứu, điều tra, khảo sát toàn diện về gia đình: xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến gia đình, triển khai những nghiên cứu khoa học về gia đình một cách hệ thống để có cơ sở đề xuất chính sách xã hội về gia đình. Nghiên cứu về gia đình không chỉ làm sáng tỏ cơ sở lý luận của Đảng và Nhà nước về gia đình, các lý thuyết nghiên cứu về gia đình vận dụng thích hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội - văn hóa Việt Nam, mà còn tập trung nghiên cứu các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình cần gìn giữ, tiếp thu những giá trị mới, tiên tiến. Nghiên cứu xây dựng các mô hình gia đình Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; áp dụng các kết quả nghiên cứu để giải quyết những thách thức trong lĩnh vực gia đình và dự báo những biến đổi về gia đình trong thời kỳ mới. Cần xây dựng một trung tâm dữ liệu quốc gia về gia đình, phục vụ quản lý nhà nước về gia đình, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, giảng dạy về gia đình Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế./.
-------------------
(1) Tổng cục Thống kê: Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam 2019, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2019
Phát huy giá trị truyền thống trong xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh  (09/07/2021)
Về xây dựng chiến lược gia đình trong giai đoạn tới  (03/03/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển