Biến đổi của gia đình nông thôn trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay
TCCS - Chương trình xây dựng nông thôn mới được đánh giá là phát triển toàn diện, tạo chuyển biến sâu sắc trên nhiều phương diện, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn. Đi kèm với sự thay đổi đó, nhiều vấn đề nhức nhối, thách thức trong gia đình nông thôn cần giải pháp hiệu quả để vừa giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, vừa tiếp nhận các yếu tố văn hóa mới một cách phù hợp, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới hiện đại, văn minh, giàu truyền thống.
Một số vấn đề chung về gia đình
Gia đình chiếm vị trí quan trọng, có vai trò hết sức to lớn đối với xã hội. Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), gia đình là yếu tố tự nhiên và cơ bản, một đơn vị kinh tế - xã hội và là một giá trị vô cùng quý báu của nhân loại cần được giữ gìn và phát huy. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, gia đình là hạt nhân của xã hội. Mọi gia đình đoàn kết cộng lại thành xã hội đại đoàn kết. Điều 60 Hiến pháp 2013 khẳng định: Nhà nước, xã hội tạo môi trường xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng con người Việt Nam có sức khỏe, văn hóa, giàu lòng yêu nước, có tinh thần đoàn kết, ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân.
Từ góc độ xã hội học vĩ mô, gia đình được coi là một thiết chế xã hội, nghĩa là một đơn vị cơ sở được mọi người công nhận để thực hiện những chức năng xã hội nhất định. Ở góc nhìn tâm lý, gia đình được xem là “thiết chế xã hội được pháp luật công nhận, gồm vợ, chồng hoặc bố mẹ, con hoặc bố/mẹ, con, có hoặc không một số người khác ở chung một nhà, có chức năng hoặc duy trì nòi giống và/hoặc chức năng kinh tế, giáo dục, nuôi dưỡng, xã hội, tinh thần”(1).
Hiện nay, các gia đình nông thôn Việt Nam là đối tượng thụ hưởng, thực hiện của rất nhiều chương trình, kế hoạch nhằm phát triển nông thôn văn minh, hiện đại, trong đó, “nông thôn mới là kết quả của một quá trình phát triển nông thôn theo định hướng chiến lược mới, đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế, xã hội, môi trường và thể chế mới ở nông thôn trong các điều kiện cụ thể của từng vùng nông thôn”(2). Có thể hiểu, biến đổi của gia đình nông thôn trong quá trình xây dựng nông thôn mới là sự thay đổi về chức năng, mối quan hệ, sinh kế, lối sống và thực hành văn hóa thường ngày của gia đình được đặt trong sự vận động, phát triển của xã hội nông thôn dựa trên các chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước. Sự biến đổi đó chịu tác động từ tiến trình phát triển nông thôn hiện đại, quá trình đô thị hóa nông thôn đang diễn ra mạnh mẽ, đồng thời phụ thuộc vào trình độ, nhận thức, quan niệm, ứng xử, hành động không chỉ của từng thành viên trong gia đình, mỗi gia đình, mà còn của cộng đồng làng/xã, của hệ thống chính trị ở nông thôn.
Các quan điểm về biến đổi gia đình được hình thành chủ yếu dựa trên lý thuyết hiện đại hóa (Modernization theory) xuất hiện và phát triển từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Trọng tâm của lý thuyết này cho rằng, các xã hội bước vào giai đoạn hiện đại hóa có những hình thái rất đa dạng, không chỉ bao gồm công nghiệp hóa mà còn cả đô thị hóa, tính cơ động xã hội cao. Sự vận động trong nhận thức giá trị của mỗi gia đình thể hiện ở việc: Từ chỗ nhấn mạnh các giá trị về kinh tế, vật chất chuyển sang ưu tiên các giá trị tinh thần và chất lượng cuộc sống. Các gia đình và thành viên trong mỗi gia đình có sự lựa chọn chủ động “chiến lược sống” một cách phù hợp, cân bằng giữa các giá trị truyền thống và hiện đại. Ở Việt Nam, biến đổi gia đình còn là kết quả tất yếu của các chính sách đổi mới của Nhà nước trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Có những khía cạnh của đời sống gia đình biến đổi theo xu hướng tích cực, đóng góp vào sự nghiệp phát triển của đất nước, mặt khác, một vài biến đổi làm chậm lại sự phát triển theo hướng tiến bộ và phù hợp xã hội của chính bản thân gia đình.
Một khía cạnh khác khi nghiên cứu biến đổi gia đình chính là việc nhìn nhận gia đình với tư cách là một chủ thể văn hóa. Nếu “gia đình văn hóa” là mô hình gia đình được xã hội tôn vinh vì đạt được một phẩm chất giá trị nào đó theo quy ước, thì “văn hóa gia đình” là một trong những thuộc tính khách quan của mọi gia đình. Nghiên cứu gia đình từ cách tiếp cận văn hóa giúp chúng ta có cơ sở để hiểu bản chất và truyền thống của các gia đình Việt Nam, sự chuyển giao và tiếp thu các giá trị văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Xây dựng nông thôn mới và sự biến đổi của gia đình nông thôn
Một là, gia đình nông thôn giữ vai trò hạt nhân, nòng cốt trong các chiến lược phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới văn minh, giàu bản sắc
Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các quy định về việc xây dựng gia đình văn hóa đã phát huy được vai trò hạt nhân của mỗi gia đình trong xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới. Từ “chiếc nôi” đầu tiên(3) ở tỉnh Hưng Yên về gia đình văn hóa, phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” ngày càng phát triển sâu rộng, thu hút trên 90% số gia đình sinh sống ở nông thôn. Trải qua thời gian, phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” đã được định hình trước đây với Cuộc vận động xây dựng “Nếp sống văn minh - Gia đình văn hóa” và tiếp tục được phát triển mạnh mẽ hơn trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, phối hợp với các hội, ngành tổ chức phát động mô hình “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Gia đình khuyến học”, “Dòng họ khuyến học”… Các gia đình văn hóa là hạt nhân nòng cốt, tích cực, gương mẫu chấp hành quy ước, hương ước cộng đồng, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường, tích cực tham gia các phong trào của địa phương nơi cư trú. Trong Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, tiêu chí văn hóa chia làm 2 loại: Cơ sở vật chất văn hóa (tiêu chí 6); đời sống văn hóa (tiêu chí 16). Gia đình có vai trò trên cả 2 phương diện này: Thứ nhất, gia đình là chủ thể giữ vai trò nòng cốt ủng hộ và thực hiện các chủ trương, chính sách xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, hiến tặng đất đai, ủng hộ tiền mặt, hiện vật, tham gia đóng góp ngày công, trực tiếp xây dựng, sửa chữa, giữ gìn, tu bổ nhà văn hóa, sân vận động, sân thể thao…; thứ hai, gia đình có vai trò xây dựng đời sống văn hóa gia đình.
Các gia đình thể hiện ý thức, trách nhiệm cao trong việc tham gia các xây dựng kết cấu hạ tầng địa phương, như xây dựng cầu, đường giao thông, làm đẹp cảnh quan ngõ xóm, đường làng. Nhiều công trình văn hóa, thể dục, thể thao ra đời từ sự tự nguyện đóng góp của các hộ gia đình bằng tiền của, đất đai, công sức, làm cho bức tranh nông thôn mới ngày càng trở nên sinh động. Đến hết năm 2019, tỷ lệ các gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa gia tăng đồng đều trên cả nước. Nhiều địa phương có tỷ lệ công nhận Gia đình văn hóa cao như Đồng Nai (98,92%), Thành phố Hồ Chí Minh (95%), Bắc Ninh (94,3%), Hưng Yên (91%), Bà Rịa - Vũng Tàu (90,81%), Hà Nội (87%)(4). Ngày Gia đình 18-11 hằng năm đều có nội dung biểu dương khen thưởng các gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, bởi đó không chỉ là tiêu chí phấn đấu mà còn là chuẩn giá trị tôn vinh của xã hội, là niềm vinh dự, tự hào của mỗi gia đình.
Hai là, gia đình nông thôn mới thực hiện các chức năng cơ bản vốn có của gia đình trên cơ sở mới, với mức độ cao hơn và hoàn thiện hơn
Các gia đình chú trọng và ý thức cao trong việc giáo dục đạo đức, chăm sóc sức khỏe cho con, không hoàn toàn “ỷ lại” hoặc “khoán” việc học tập, giáo dục con cái cho nhà trường như trước. Nhiều gia đình nông thôn tạo cho mình truyền thống hiếu học, hòa thuận đùm bọc nhau, truyền thống sáng tạo khoa học - công nghệ, truyền thống làm nghề thủ công… Chức năng giữ gìn, lưu truyền, phát triển văn hóa dân tộc của gia đình nông thôn ngày càng được coi trọng. Thông qua các câu chuyện cổ tích, câu ca dao, tục ngữ, cha mẹ, ông bà là những người thầy đầu tiên dạy dỗ, nuôi dưỡng tâm hồn, phát triển tư duy và từng bước giáo dục hình thành nhân cách cho mỗi con người. Qua lao động, qua việc xử lý các mối quan hệ hằng ngày, gia đình đã truyền thụ cho con trẻ những nét đẹp của truyền thống gia đình, dòng họ, truyền thống văn hóa dân tộc, từ đó, mỗi cá nhân hình thành và bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tình cộng đồng, lòng nhân ái...
Ba là, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình nông thôn mới trở nên bình đẳng hơn trước
Sự thay đổi này thể hiện ở việc người phụ nữ được quyền tham gia góp ý và quyết định các công việc quan trọng và phân công lao động trong hộ gia đình. Phụ nữ đóng góp tích cực trong thực hiện 19 tiêu chí nông thôn mới, đặc biệt là đóng góp công sức, tiền của xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển nông thôn; tham gia hiến đất, góp công làm đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, các công trình hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa. Quan hệ cha mẹ - con cái cũng ngày càng bình đẳng hơn. Sự áp đặt một chiều đòi hỏi con cái chỉ biết vâng lời, tuân thủ sự sắp đặt của cha mẹ dường như vắng bóng hoặc chỉ còn xuất hiện lác đác ở một số gia đình nông thôn còn nặng tính bảo thủ. Phần lớn cha mẹ thời nay đã biết lắng nghe, tôn trọng các ý kiến, nguyện vọng của con cái và có trách nhiệm chu đáo với con cái hơn. Cha mẹ trở thành “người bạn lớn” của con cái không chỉ từ thuở còn thơ mà cả khi đã trưởng thành.
Bốn là, gia đình nông thôn có sự chuyển biến trong lối sống và lựa chọn nghề nghiệp
Lối sống gia đình nông thôn mới có xu hướng chuyển từ sự lựa chọn vật chất sang các giá trị tinh thần. Trong bối cảnh có sự đan xen của nhiều luồng văn hóa, các gia đình nông thôn mới lại càng chú ý hơn đến những giá trị tinh thần. Những nền nếp, thói quen “kính trên nhường dưới”, “kính già yêu trẻ”, “thuận vợ thuận chồng”, “máu chảy ruột mềm”, “lá lành đùm lá rách”,… vẫn được đề cao. Sự tham dự của thành viên gia đình vào các ngày giỗ tổ, lễ hội, trong việc sửa sang từ đường, xây cất mồ mả tổ tiên, cưới xin, ma chay, khuyến học, khuyến tài trong gia đình và dòng họ đã góp phần khẳng định gia đình luôn giữ vị trí quan trọng của đời sống cộng đồng làng, xã trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Việc chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng chuyển lao động nông nghiệp, nông thôn sang lao động công nghiệp, dịch vụ ở khu công nghiệp, khu tiểu thủ công nghiệp và làng nghề ở khu vực nông thôn diễn ra mạnh mẽ. Ở một chiều hướng khác, đó là sự chuyển dịch cơ cấu lao động kèm theo sự di cư, tạo ra các dòng di chuyển dân cư và lao động từ nông thôn ra thành thị, từ vùng nông thôn này đến vùng nông thôn khác. Nhiều thành viên trong gia đình chuyển dịch đến các thị trường phi nông nghiệp, tạo nên tính đa dạng trong sinh kế, việc làm, giảm đi sự rủi ro cho thu nhập của hộ gia đình. Các gia đình nông thôn mới nhanh chóng nắm bắt được xu thế, chủ động tham gia vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương, xây dựng được thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, vừa nâng cao thu nhập, vừa giải quyết việc làm tại chỗ thường xuyên, khắc phục tình trạng “ly nông”, “ly hương”. Điều này thể hiện sự năng động, linh hoạt của các hộ gia đình nông thôn, là nền tảng then chốt phát triển kinh tế hộ gia đình bền vững.
Năm là, các giá trị văn hóa truyền thống của gia đình được đề cao, duy trì bên cạnh việc tiếp thu các yếu tố mới của gia đình hiện đại
Các hộ gia đình nông thôn mới vẫn thực hành văn hóa theo khuôn mẫu truyền thống, song không ngừng tiếp thu những yếu tố văn hóa mới. Các gia đình tăng cường đóng góp, đầu tư nâng cấp các di tích lịch sử, phục hồi các sinh hoạt tín ngưỡng và các hình thức diễn xướng dân gian khác. Do mức sống được nâng cao, đời sống gia đình nông thôn mới có sự hiện diện của những yếu tố mang màu sắc hiện đại, như: Việc xây dựng nhà cửa theo những thiết kế hiện đại; mua sắm các tiện nghi sinh hoạt tân tiến; thưởng thức các loại hình giải trí có chất lượng; tổ chức đi du lịch ở các địa phương khác…
Tuy nhiên, một số chuyển biến của gia đình nông thôn còn diễn ra cả theo chiều hướng tiêu cực. Cuộc sống của xã hội hiện đại ở một góc độ nào đó đã phá vỡ nền nếp gia phong, đạo đức của gia đình truyền thống Việt Nam. Lối sống thực dụng, ích kỷ, đề cao cuộc sống hưởng thụ,… đã và đang là nguy cơ làm mai một, xói mòn nhiều giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình. Các chức năng cơ bản của gia đình nông thôn theo hướng hiện đại mang màu sắc mới, có yếu tố mờ đi, có yếu tố trội lên. Nhìn chung, khuôn mẫu của gia đình tự thỏa mãn, tự thực hiện mọi phúc lợi cho các thành viên từ lúc mới sinh cho đến hết cuộc đời không còn nữa. Nhiều chức năng được các thiết chế xã hội khác đảm trách hoàn toàn hoặc một phần. Nhịp sống hối hả với những vòng quay của công việc, học hành khiến những bữa cơm gia đình hiếm khi đông đủ. Cuộc sống tiện nghi với những phương tiện giải trí công nghệ cao đã tạo nên những “ốc đảo” ngay trong mỗi gia đình, khiến cá nhân sống khép kín, nhu cầu giao lưu văn hóa càng trở nên ít ỏi, gia đình không còn là trung tâm của mọi hoạt động. Chức năng thỏa mãn nhu cầu tâm lý - tình cảm của mỗi thành viên trong gia đình trở nên thiếu bền vững, thiếu đi sự đồng cảm, sẻ chia hiểu biết. Điều đó dẫn đến tỷ lệ ly hôn trong gia đình nông thôn gia tăng hơn trước, đáng chú ý, trong số những người chủ động ly hôn có tỷ lệ khá lớn là phụ nữ, nhất là những người có khả năng độc lập về kinh tế…
Đối với thực hiện xây dựng nếp sống văn hóa mới, việc bình xét các danh hiệu văn hóa còn mang tính hình thức, chất lượng các danh hiệu chưa cao. Có hiện tượng chạy theo thành tích, dễ dãi trong việc bình xét mà một phần nguyên nhân xuất phát từ áp lực của việc công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” khá cao, nhưng chất lượng, nội dung, tiêu chuẩn, tiêu chí chưa đáp ứng theo quy định và thực tế đời sống. Đội ngũ làm công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cấp xã còn thiếu, chủ yếu kiêm nhiệm chuyên môn, nghiệp vụ, lại thường xuyên thay đổi vị trí việc làm nên hiệu quả chưa cao. Việc bình xét, đánh giá danh hiệu “Gia đình văn hóa” dồn vào cuối năm, nên không bảo đảm thời gian, dẫn đến một số địa phương làm qua loa, hình thức.
Một số vấn đề đặt ra và giải pháp
Cùng với quá trình hiện đại hóa, đô thị hóa nông thôn sẽ là sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp sang hoạt động sản xuất phi nông nghiệp, sự chuyển đổi của các làng nghề thủ công truyền thống, chuyển đổi lao động sang khu vực phi nông nghiệp kèm theo đó là chuyển đổi trong cấu trúc gia đình, xã hội nông thôn. Quá trình này một mặt tạo ra nguồn thu nhập, sinh kế mới, tạo cơ hội du nhập tri thức mới và công nghệ mới cho cư dân nông thôn; mặt khác cũng tạo ra những rủi ro, đứt gãy trong cơ cấu gia đình, xã hội nông thôn. Những rủi ro mới sẽ phát sinh đối với người già, phụ nữ, trẻ em ở lại nông thôn và cho cả những người di cư ra đô thị (trong trường hợp chưa tích lũy đủ năng lực về kỹ năng, tri thức, vốn, thông tin, quan hệ) và cần cơ chế an sinh xã hội kiểu mới để xử lý vấn đề này.
Gia đình hạt nhân sẽ vẫn tiếp tục là mô hình chủ đạo và sẽ ngày càng phổ biến hơn. Trong xu thế hiện đại ngày nay, tình trạng gia đình thiếu cha hoặc thiếu mẹ, thiếu cha mẹ (do đi làm ăn xa, do ly thân/ly dị), gia đình chỉ có thế hệ ông bà - cha mẹ sinh sống, con cái và gia đình nhỏ ở riêng sẽ ngày càng phổ biến. Sự tách biệt cư trú của con cái khi xây dựng gia đình và sự xuất hiện gián tiếp của các kênh giao tiếp bằng phương tiện truyền thông hiện đại làm cho sự liên hệ, thông cảm giữa các thế hệ ngày càng ít đi. Sự xung đột giữa các thế hệ về lối sống và việc chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi đang đặt ra những thách thức mới.
Trong bối cảnh các giá trị gia đình vẫn được ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, cần nâng cao ý thức tự giác, tự nguyện của các gia đình trong việc tham gia xây dựng nông thôn, làng xã văn minh, hiện đại. Những biến đổi của gia đình nông thôn nói trên chính là một quá trình liên tục bảo tồn, truyền thụ, phát huy những giá trị truyền thống; đồng thời tiếp thu có chọn lọc và cải biến thành những giá trị tiên tiến, tinh hoa của gia đình hiện đại. Những đặc trưng của gia đình truyền thống cần được phát huy hơn nữa, là những nhân tố chính giúp gia đình Việt Nam phát triển, thích nghi với xu hướng hiện đại hóa.
Hai là, đổi mới cách thức bình xét, công nhận “Gia đình văn hóa” chất lượng hơn, thực chất hơn, gắn xây dựng gia đình văn hóa với nếp sống văn hóa, lối sống văn hóa. Từ trước đến nay, phương thức bình xét, công nhận không được chú ý cải tiến, hầu hết mang nặng tính hình thức, làm ảnh hưởng đến sự hưởng thụ thực chất của văn hóa gia đình. Cần đổi mới sự đánh giá, công nhận, bình xét, biểu dương các gia đình văn hóa tiêu biểu, thiết thực, hiệu quả. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về giáo dục nhân cách của các thành viên trong gia đình nông thôn mới, phòng, chống các tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình và xây dựng văn hóa gia đình.
Ba là, tăng cường và bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực gia đình, trong việc định hướng hình thành các chuẩn mực của gia đình hiện đại, phát huy giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống. Tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác xây dựng gia đình văn hóa gắn với phát triển văn hóa nông thôn, xây dựng nông thôn mới theo những tiêu chí đã đề ra. Tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, cơ cấu lao động, nâng cao năng suất và chất lượng cuộc sống, trên cơ sở đó, từng bước nâng cao chất lượng “Gia đình văn hóa”. Cấp ủy, chính quyền các cấp phải đưa nội dung công tác xây dựng văn hóa gia đình, “Gia đình văn hóa” vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và chương trình, kế hoạch công tác hằng năm.
Bốn là, cần có những chính sách cụ thể nhằm tăng cường sức mạnh nội tại cho các gia đình, nhân rộng và biểu dương các mô hình “Gia đình văn hóa” tiêu biểu. Cần giữ gìn, trân trọng các phong tục tốt đẹp của gia đình, cộng đồng và dân tộc, biểu dương và nhân rộng những tấm gương sáng về văn hóa gia đình làm nền móng vững vàng cho lối sống, cách ứng xử có văn hóa.
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống và các quy tắc ứng xử văn hóa trong gia đình. Thực hiện hiệu quả Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình, trong đó nhấn mạnh nội dung giáo dục đạo đức, lối sống. Thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch hành động của Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và các chương trình, đề án thuộc lĩnh vực gia đình. Chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình. Duy trì, nhân rộng các mô hình hiệu quả tại cộng đồng về xây dựng gia đình hạnh phúc và phòng, chống bạo lực gia đình.
Sáu là, kết hợp hài hòa giữa các quy ước, hương ước của làng xã với việc xây dựng, thực hiện quy ước xây dựng nông thôn mới. Hương ước đóng vai trò như một “bộ luật” riêng chưa hoàn chỉnh của làng xã nhằm duy trì và cố kết cộng đồng trước mọi thách thức của lịch sử. Hiện nay, nhận thức của các gia đình về nếp sống văn minh trong xây dựng nông thôn mới ở các làng quê dần được thay đổi. Việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước nông thôn mới cần được đặt dưới sự quản lý, kiểm soát của Nhà nước nhằm bảo đảm nội dung của hương ước, quy ước phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, không vi phạm quyền con người, quyền công dân./.
-----------------------
(1) Lê Thị Thanh Hương (chủ biên): Ứng xử của người dân vùng đồng bằng sông Hồng trong gia đình, Viện Tâm lý học, Nxb. Từ điển Bách khoa thư, Hà Nội, 2009, tr. 180.
(2) Hồ Xuân Hùng (chủ biên): Nông thôn mới Việt Nam: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr. 14.
(3) Từ những năm 60 của thế kỷ XX, 6 gia đình ở thôn Ngọc Tỉnh, xã Ngọc Long, huyện Yên Mỹ (tỉnh Hưng Yên) giao ước với nhau thực hiện theo nếp sống mới, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Qua đúc rút kinh nghiệm, 6 gia đình trên đã trở thành những gia đình văn hóa đầu tiên trong toàn quốc. Năm 1962, xã Ngọc Long được Chính phủ tặng Huân chương Lao động hạng Ba về công tác xây dựng nếp sống mới, được Bộ Văn hóa - Thông tin tặng bức trướng “Chiếc nôi gia đình văn hóa”.
(4) Các số liệu trích trong Tài liệu Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hà Nam, tháng 9-2019.
Quảng Nam cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới  (31/10/2020)
Triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm ở Hà Nội: Những kết quả đạt được và giải pháp  (25/10/2020)
Huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới  (20/10/2020)
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển