Để bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thực sự trở thành những trụ cột của hệ thống an sinh xã hội
TCCS - Ở Việt Nam, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế là những trụ cột của hệ thống an sinh xã hội. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế phù hợp cho từng giai đoạn lịch sử của đất nước, góp phần quan trọng vào việc thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và phát triển bền vững đất nước.
Những bước tiến vững chắc
An sinh xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Đảng ta đề ra ngay từ khi mới thành lập (3-2-1930).
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 11-1940, Đảng ta nhấn mạnh “sẽ đặt ra Luật Bảo hiểm xã hội” khi thiết lập được chính quyền cách mạng và tạo lập quỹ hưu bổng cho người già. Quán triệt tinh thần ấy, ngay từ năm 1941, trong “Mười chính sách của Việt Minh” do Bác Hồ soạn thảo, các mục tiêu về việc bảo đảm an sinh xã hội cho đồng bào một lần nữa được đặt ra. Có thể nói, đây chính là những tiền đề hết sức căn bản để xây dựng hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ở nước ta sau này. Tư tưởng đó như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong các bản Hiến pháp của Nhà nước ta sau này, “công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội” (Điều 34, Hiến pháp năm 2013).
Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội nói chung, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nói riêng nhằm thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng hoàn thiện hơn, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, như: Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 26-5-1997, của Bộ Chính trị, “Về tăng cường lãnh đạo thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội”, Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 1-6-2012, của Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, “Về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020”, Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 22-11-2012, của Bộ Chính trị, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 - 2020”; Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23-5-2018, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII “Về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội” tiếp tục khẳng định bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là hai chính sách xã hội quan trọng giữ vai trò trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước, chăm lo cuộc sống của nhân dân.
Về hệ thống pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế: ngày càng hoàn thiện, sát với yêu cầu thực tiễn, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và nhân dân. Chính sách bảo hiểm xã hội từ chỗ chỉ là các nghị định, điều lệ tạm thời về bảo hiểm xã hội, nay đã được nâng cấp lên cơ sở pháp lý cao hơn và ngày càng đi vào cuộc sống với Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014. Luật là văn bản có giá trị pháp lý cao thể chế hóa quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, xây dựng nền y tế Việt Nam theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển. Theo đó, công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ngày càng có nhiều cải tiến theo hướng thuận lợi hơn với người bệnh; quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế ngày càng được mở rộng. Quỹ Bảo hiểm y tế trở thành nguồn tài chính quan trọng, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng nguồn chi cho công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Nếu như trước năm 1995, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ quản lý 2,87 triệu lao động thì đến hết năm 2020, mặc dù trong tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, song nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, diện bao phủ bảo hiểm xã hội tiếp tục tăng với hơn 16,1 triệu người tham gia, đạt 32,6% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là gần 1,1 triệu người, tăng 494 nghìn người, gần gấp đôi so với năm 2019; lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực kinh tế phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt khoảng 2,2%, tăng gấp gần 5 lần so với năm 2015. Cả nước có gần 13,3 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đạt khoảng 27% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Về chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế: tiếp tục có bước tăng trưởng ấn tượng với khoảng 88 triệu người tham gia, chiếm 90,85% dân số, vượt 0,15% chỉ tiêu Nghị định số 01/NĐ-CP, ngày 1-1-2020, của Chính phủ, “Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020”, tăng 25,6% so với năm 2015. Với tỷ lệ bao phủ này, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân và về đích trước thời hạn. So với các quốc gia phát triển trên thế giới để đạt mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân cần từ 40 năm đến 80 năm, trong khi Việt Nam là 17 năm. Điều này khẳng định, mỗi năm đã có thêm hàng trăm nghìn lao động, hàng triệu người dân được chăm sóc, bảo vệ các quyền lợi an sinh cơ bản nhất thông qua các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và góp phần từng bước bảo đảm an sinh xã hội, tiến tới mục tiêu công bằng xã hội.
Về công tác giải quyết chế độ, chính sách: Từ năm 1995 đến hết năm 2019, toàn ngành bảo hiểm xã hội đã giải quyết trên 120 triệu lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe (bình quân mỗi năm trên 4,8 triệu lượt người)...; từ năm 2010 đến hết năm 2019 giải quyết gần 6,9 triệu người hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp (bình quân mỗi năm trên 689 nghìn người). Riêng trong năm 2020 giải quyết trên 133.300 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng; trên 897 nghìn người hưởng trợ cấp một lần; gần 9,6 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe (tăng 27,1% so với năm 2015); trên 1.006 triệu người hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng gần 20,4% so với năm 2019, tăng 91,2% so với năm 2015; thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho trên 167,2 triệu lượt người khám, chữa bệnh nội trú và ngoại trú, tăng 28,4% so với năm 2015.
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động tới mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, chính sách bảo hiểm xã hội càng thể hiện rõ hơn sự ưu việt, nhân văn, chia sẻ, hỗ trợ với người dân, người lao động, giúp người lao động vượt qua khó khăn do bị giảm thu nhập, mất việc làm. Ngành bảo hiểm xã hội kịp thời thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, góp phần tháo gỡ những khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, như giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho doanh nghiệp, tăng cường và hỗ trợ tối đa giải quyết các thủ tục hành chính thông qua giao dịch điện tử, thực hiện chi trả lương hưu tận nhà cho người cao tuổi...
Về công tác cải cách hành chính: Cải cách thủ tục hành chính được Bảo hiểm xã hội Việt Nam tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan bảo hiểm xã hội. Bộ thủ tục hành chính của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam được cắt giảm từ 114 thủ tục (năm 2015) còn 27 thủ tục (năm 2019); số giờ thực hiện thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp giảm từ 335 giờ/năm (năm 2015) xuống còn 147 giờ (năm 2019), hiện đã hoàn thiện các thủ tục báo cáo Ngân hàng Thế giới để công nhận còn 129 giờ/năm.
Về công tác ứng dụng công nghệ thông tin: Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần đổi mới phương thức hoạt động và hiện đại hóa ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam, đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Năm 2020, ngành đã hoàn thành việc cung cấp các dịch vụ công mức độ 4 cho tất cả các thủ tục hành chính, đồng thời chủ động tích hợp, cung cấp 15 dịch vụ công mức độ 4 của ngành, dịch vụ công liên thông với các bộ, ngành trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Nhằm tiếp tục cung cấp những dịch vụ tiện ích phục vụ người dân, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu, xây dựng và đưa vào triển khai thành công ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” trên nền tảng thiết bị di động. Qua đó cung cấp các chức năng, tiện ích để tìm kiếm, tra cứu các thông tin đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; lịch sử thụ hưởng các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; các điểm thu, đại lý thu... Hiện nay, đã triển khai thí điểm việc sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID thay thế cho thẻ bảo hiểm y tế bằng giấy (bị hỏng, bị mất do bão, lũ,...) để khám, chữa bệnh tại 10 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi bão, lũ.
Những kết quả này góp phần quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu của Đảng và Nhà nước là phục vụ, chăm lo cho người dân, khẳng định quan điểm đúng đắn của Đảng trong khuyến khích người dân nâng cao năng lực tự bảo đảm an sinh xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Một số hạn chế, bất cập đã được nêu rõ trong Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, như hệ thống chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội chưa theo kịp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, chưa thích ứng với quá trình già hóa dân số và sự xuất hiện các quan hệ lao động mới. Việc mở rộng và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội còn dưới mức tiềm năng; độ bao phủ bảo hiểm xã hội tăng chậm; số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tăng nhanh; tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi bảo hiểm xã hội chậm được khắc phục... Trong khi đó, mục tiêu mà Nghị quyết số 28-NQ/TW đặt ra là tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội đạt 35% lực lượng lao động trong độ tuổi vào cuối năm 2021; 45% vào năm 2025; bảo hiểm thất nghiệp đạt 28% vào năm 2021 và 35% vào năm 2025...
Để khắc phục hạn chế, thời gian tới toàn ngành phải tập trung đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách, xây dựng bảo hiểm xã hội thật sự trở thành một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, tiến tới thực hiện mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân theo lộ trình phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần quan trọng vào việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Nỗ lực thực hiện mục tiêu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân
Để đạt được những mục tiêu mà Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra, cần sự tham gia vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và mỗi người dân đối với công tác bảo hiểm xã hội. Riêng đối với ngành bảo hiểm, thời gian tới tập trung triển khai thực hiện các giải pháp cụ thể sau:
Một là, tiếp tục thực hiện các mục tiêu đã được Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra, nhất là mục tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; Nghị quyết số 125/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW; các đề án, dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (theo các lộ trình đến năm 2021, năm 2025, năm 2030).
Hai là, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; chủ động, tích cực cùng các cơ quan tham gia, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế phù hợp với tình hình thực tiễn, phát triển ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, vì sự hài lòng của tổ chức, cá nhân tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Ba là, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong tình hình mới theo hướng chuyên nghiệp, đúng trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng nhóm đối tượng, trong đó tập trung vào nhóm đối tượng là người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình.
Bốn là, với phương châm lấy người dân làm trung tâm phục vụ, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên nguyên tắc đơn giản, dễ dàng, thuận tiện cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện giao dịch với cơ quan bảo hiểm xã hội; thực hiện tốt các dịch vụ công trực tuyến, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết chế độ, chính sách.
Năm là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện việc số hóa tất cả các hoạt động nghiệp vụ của ngành bảo hiểm xã hội; thực hiện liên thông dữ liệu với các bộ, ngành; hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm theo Quyết định số 714/QĐ-TTg, ngày 22-5-2015, của Thủ tướng Chính phủ, “Ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử”; đẩy mạnh việc giao dịch điện tử; quản lý, sử dụng văn bản điện tử trong hệ thống cơ quan bảo hiểm xã hội và trên trục liên thông của Chính phủ.
Sáu là, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nội bộ việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đặc biệt là công tác thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm, gian lận, trục lợi Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm y tế.
Bảy là, tăng cường công tác đối ngoại, hợp tác song phương, đa phương khu vực và thế giới trong lĩnh vực an sinh xã hội; tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để hoàn thiện việc đàm phán và trình cấp có thẩm quyền ký kết các hiệp định và các biên bản thỏa thuận thực hiện các hiệp định về bảo hiểm xã hội với một số nước./.
Vietcombank dành 30 tỷ đồng hỗ trợ kinh phí xây nhà cho hộ nghèo, khó khăn về nhà ở tại huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa  (22/03/2021)
Hợp tác Vietcombank - FWD: Dịch vụ bancassurance thời đại 4.0  (11/01/2021)
Hà Nội triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân  (20/12/2020)
Agribank được vinh danh 2 giải thưởng ngân hàng Việt Nam tiêu biểu 2020  (27/11/2020)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển