TCCS - Sự phát triển vượt bậc của khoa học và công nghệ trong thời kỳ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã ghi dấu ấn trên nhiều lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh. Triển khai Nghị quyết số 07-NQ/TU, của Tỉnh ủy về phát triển khoa học và công nghệ tỉnh đến năm 2020, hoạt động khoa học và công nghệ của tỉnh Quảng Ninh đã có những bước tiến nhanh chóng ở từng ngành, lĩnh vực.

Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên Trường Đại học Hạ Long_Nguồn: quangninh.gov.vn

Với quan điểm coi khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, gắn chặt với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Nghị quyết số 07-NQ/TU đặt ra mục tiêu đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ theo xu hướng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; coi đây là động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế tri thức, tăng năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh hội nhập quốc tế, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường; phấn đấu đến năm 2020, Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp.

Đến nay, sau gần 4 năm triển khai, các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết đã cơ bản hoàn thành. Hoạt động khoa học và công nghệ tạo được nhiều dấu ấn quan trọng trên các ngành, nghề, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tăng sức bật từ nguồn lực đầu tư

Nghị quyết số 07-NQ/TU đặt ra mục tiêu dành trên 2% tổng vốn đầu tư xã hội cho hoạt động khoa học và công nghệ; các địa phương bố trí tối thiểu 4% tổng chi thường xuyên cho hoạt động này, ưu tiên vào những lĩnh vực trọng tâm: Dịch vụ du lịch, dịch vụ thương mại, y tế, giáo dục, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin… Đến nay, các con số này đều vượt so với mục tiêu đề ra với tổng vốn đầu tư cho khoa học và công nghệ chiếm khoảng 2,8%, tổng chi thường xuyên ngân sách tỉnh cho hoạt động này chiếm 5,3%. Các địa phương trong tỉnh đã ưu tiên, bố trí nguồn lực thích đáng cho khoa học và công nghệ với trên 643 tỷ đồng để xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, nông thôn mới, khuyến nông, khuyến công. Đặc biệt, thành phố Hạ Long năm 2019 chi trên 431 tỷ đồng cho dự án thành phố thông minh; thành phố Móng Cái trên 60 tỷ đồng xây dựng trung tâm điều hành thành phố thông minh.

Các doanh nghiệp cũng quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư cho khoa học và công nghệ thông qua quỹ khoa học, công nghệ và các nguồn đầu tư khác. Trong đó, ngành than là đơn vị tiên phong khi trích lập và chi trên 1.200 tỷ đồng cho quỹ phát triển khoa học, công nghệ và các hoạt động nghiên cứu, sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Từ nguồn lực đầu tư này, sản lượng khai thác của các đơn vị ngành than tăng bình quân 14%/năm; tỷ lệ cơ giới hóa tăng 80%, góp phần giảm chi phí trong sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao năng suất lao động, thu nhập cho công nhân. Tự động hóa được áp dụng triệt để, từng bước giảm thiểu nhân lực và tăng độ an toàn lao động ở các khai trường. Tiêu biểu như hệ thống băng tải giếng chính Mạo Khê giảm được 70% nhân lực vận hành; hệ thống tự động hóa nhà máy tuyển than Vàng Danh II giảm được 70% nhân lực; hệ thống tự động hóa trạm quạt gió Công ty Than Núi Béo giảm 50% nhân lực…

Nhân lực cho khoa học và công nghệ được quan tâm. Chỉ tiêu của Nghị quyết xác định đến năm 2020, tỉnh Quảng Ninh có được đội ngũ chuyên gia khoa học và công nghệ có khả năng tư vấn trong các lĩnh vực. Trên tinh thần này, tỉnh đã xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ để thu hút các chuyên gia trong và ngoài nước tư vấn các lĩnh vực khoa học và công nghệ. Qua đó, thu hút được 18 tiến sĩ, 7 thạc sĩ về công tác, giảng dạy tại Trường Đại học Hạ Long. Với mục tiêu là trở thành cái nôi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh, Đại học Hạ Long đã thành lập các trung tâm nghiên cứu để thu hút cán bộ, giảng viên, chuyên gia trong và ngoài nước tham gia nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phục vụ hoạt động quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường, góp phần giải quyết các vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tỉnh duy trì đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước cho đội ngũ cán bộ, quản lý, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu và xu thế phát triển trong tình hình mới. Đồng thời thu hút, mời gọi các đơn vị tư vấn, chuyên gia tham gia trong quá trình xây dựng, tư vấn, thẩm định các đề án, dự án lớn, nhiệm vụ khoa học và công nghệ của tỉnh. Các hoạt động khuyến khích nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật trong các sở, ngành, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp được ưu tiên tiếp sức, khích lệ, thông qua các cuộc thi, hội thi, từng bước lan tỏa phong trào sáng tạo trong nhân dân.

Trung tâm Điều hành thành phố thông minh tỉnh Quảng Ninh được đưa vào vận hành từ tháng 8-2019_Nguồn: quangninh.gov.vn

Hiện hữu vóc dáng thành phố thông minh

Nghị quyết số 07-NQ/TU cũng mang lại dấu ấn rõ nét khi các thành phố thông minh Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí đã bắt đầu hiện hữu, tạo nên diện mạo mới cho đô thị Quảng Ninh. Dáng dấp đô thị thông minh đã tạo nên sức bật mới cho thành phố Hạ Long khi toàn bộ 145 tuyến đường được lắp đặt hệ thống chiếu sáng thông minh. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch được chú trọng, thông qua các công cụ hỗ trợ về cung cấp thông tin, hệ thống bán vé điện tử, thanh toán trực tuyến, giám sát quản lý dịch vụ... Thành phố được đầu tư hệ thống wifi miễn phí với 107 điểm phát sóng, phục vụ cho du khách, hỗ trợ du lịch, tạo nền tảng cho các ứng dụng thông minh.

Đặc biệt, từ tháng 8-2019, Quảng Ninh đã đưa vào vận hành thí điểm Trung tâm Điều hành thành phố thông minh của tỉnh. Trung tâm này cho phép sử dụng thông tin và công nghệ phân tích để tỉnh có thể đưa ra những quyết sách kịp thời, giúp quản lý được đa dạng các vấn đề. Đồng thời, tăng tính tương tác ngược lại khi người dân có thể gửi ý kiến góp ý, thông báo cho các cơ quan trong tỉnh biết về các sự cố, vấn đề liên quan tới hạ tầng đô thị, giao thông, an ninh an toàn, môi trường... bằng vài thao tác bấm nút cực kỳ đơn giản trên thiết bị di động.

Với Trung tâm Điều hành này, cơ quan quản lý nhà nước còn có thể sử dụng hệ thống xem và gửi báo cáo thông minh; chỉ đạo điều hành, quản lý văn bản, lịch làm việc, nhiệm vụ, chương trình họp thông minh; tiếp nhận và trả lời ý kiến người dân; công cụ theo dõi, phân tích báo chí và mạng xã hội.

Y tế thông minh với hệ thống bệnh viện thông minh đã và đang được hình thành. Việc cung cấp dịch vụ y tế từ thụ động đã dần chuyển sang hướng chủ động. Công tác quản lý, khám, chữa bệnh được nâng cao; giảm thời gian, chi phí cho người bệnh; được người dân đánh giá tích cực, nâng cao mức độ hài lòng của người dân. Trong giáo dục, toàn tỉnh có 66 trường và trên 500 lớp học tiên tiến, thông minh, mang lại nhiều lợi ích cho giáo viên, học sinh, phụ huynh cũng như trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập.

Chính quyền điện tử với điểm nhấn là ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính đang được triển khai đồng bộ, quyết liệt, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, huyện, bộ phận tiếp nhận, trả kết quả hiện đại cấp xã, dịch vụ công mức độ 3, 4 đạt trên 90%..., đem lại cho Quảng Ninh danh hiệu danh giá “chính quyền số xuất sắc” vào năm 2018 do Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á - châu Đại Dương trao tặng.

Sản xuất tôm giống chất lượng cao tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thủy sản huyện Đầm Hà_Nguồn: quangninh.gov.vn

Nông nghiệp công nghệ cao từng bước được hình thành

Từ mục tiêu của Nghị quyết, tỉnh đã thành lập được 2 khu nông nghiệp công nghệ cao về trồng rau và nuôi trồng thủy sản tại thị xã Đông Triều và huyện Đầm Hà. Với hệ thống nhà màng, nhà kính, nhà lưới được đầu tư hiện đại, áp dụng các công nghệ tiên tiến, như trồng rau thủy canh, hệ thống điều chỉnh độ ẩm, dinh dưỡng, nhiệt độ tự động…, khu nông nghiệp công nghệ cao của VinEco tại thị xã Đông Triều đã và đang cung cấp hàng chục tấn rau xanh chất lượng mỗi ngày cho thị trường. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thủy sản tại huyện Đầm Hà dự kiến cho ra 8 tỷ con giống khỏe mạnh, sạch bệnh, được kiểm soát tốt môi trường, nguồn nước, giống bố mẹ. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, huyện Đầm Hà đang phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn TH lập đề án thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chăn nuôi bò sữa tập trung liên kết với người dân với quy mô trên 350 ha tại các xã Tân Bình, Quảng Tân và Quảng Lâm của huyện Đầm Hà. Các khu nông nghiệp công nghệ cao được hình thành đã góp phần tạo ra nông sản chất lượng, giá trị kinh tế cao, từng bước hiện đại hóa ngành nông nghiệp của tỉnh.

Ứng dụng khoa học và công nghệ vào nông nghiệp đã hình thành những vùng sản xuất tập trung, chuyên canh có quy mô, chất lượng và bảo đảm an toàn. Các tổ chức, doanh nghiệp, hộ dân cũng tích cực ứng dụng những công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, như công nghệ tưới Israel cho cây chè tại huyện Hải Hà, cho cây dưa Hàn Quốc tại thị xã Quảng Yên... Sản xuất nông nghiệp dần chuyển dịch theo quy trình VietGAP, tiết kiệm nước, sử dụng công nghệ sinh học, giám sát môi trường, gắn với chương trình OCOP.

Nghị quyết số 07-NQ/TU cũng bảo đảm cho 768 sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm hàng hóa nhóm 2 của tỉnh được quản lý bằng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật; xây dựng và phát triển thêm 24 nhãn hiệu sản phẩm gắn với địa danh, loại hình, dịch vụ có thế mạnh của tỉnh (tổng số trên 50 sản phẩm, trong đó có 16 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ). Tỉnh đã hỗ trợ cho 540 tổ chức, cá nhân lập hồ sơ xác lập quyền sở hữu trí tuệ khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; trong đó có 12 sáng chế, giải pháp hữu ích. Đến nay, có 536 doanh nghiệp, tổ chức áp dụng thành công các hệ thống quản lý, công cụ quản lý chất lượng tiên tiến, tăng 2 lần so với năm 2015.

Những bước tiến từ khoa học và công nghệ đã mang lại nhiều thành tựu quan trọng trong các ngành, lĩnh vực của tỉnh. Với mục tiêu coi khoa học và công nghệ là động lực, then chốt, kim chỉ nam cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngành khoa học và công nghệ tỉnh đang tích cực tham mưu cho tỉnh ban hành những chính sách về phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2020 - 2025 với những mục tiêu, giải pháp mới, đột phá, bền vững hơn./.