Tổng quan một số vấn đề xã hội năm 2018
Dân số, lao động và việc làm, năng suất lao động
Dân số trung bình năm 2018 của cả nước ước tính 94,67 triệu người, tăng 988,4 nghìn người, tương đương tăng 1,06% so với năm 2017, trong đó dân số thành thị 33,83 triệu người, chiếm 35,7%; dân số nông thôn 60,84 triệu người, chiếm 64,3%; dân số nam 46,79 triệu người, chiếm 49,4%; dân số nữ 47,88 triệu người, chiếm 50,6%.
Tổng tỷ suất sinh năm 2018 ước tính đạt 2,05 con/phụ nữ và ở dưới mức sinh thay thế. Tỷ số giới tính của trẻ em mới sinh là 115,1 bé trai/100 bé gái; tỷ suất sinh thô là 14,58‰; tỷ suất chết thô là 6,82‰. Tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi (số trẻ em dưới 1 tuổi tử vong/1.000 trẻ sinh ra sống) là 14,24‰. Tỷ suất chết của trẻ em dưới 5 tuổi là 21,38‰. Tuổi thọ trung bình của dân số cả nước năm 2018 là 73,5 năm, trong đó nam là 70,9 năm và nữ là 76,2 năm.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý IV năm 2018 ước tính là 55,7 triệu người, tăng 286,6 nghìn người so với quý trước và tăng 530,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Lao động nam 29,2 triệu người, chiếm 52,3%; lao động nữ 26,5 triệu người, chiếm 47,7%. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên khu vực thành thị là 17,9 triệu người, chiếm 32%; khu vực nông thôn là 37,8 triệu người, chiếm 68%. Tính chung cả năm 2018, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 55,4 triệu người, tăng 566,2 nghìn người so với năm 2017.
Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động quý IV năm 2018 ước tính là 49 triệu người, tăng 289,8 nghìn người so với quý trước và tăng 522,5 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, trong đó lao động nam 26,8 triệu người, chiếm 54,8%; lao động nữ 22,2 triệu người, chiếm 45,2%; lao động khu vực thành thị là 16,5 triệu người, chiếm 33,6%; khu vực nông thôn là 32,5 triệu người, chiếm 66,4%. Tính chung cả năm 2018, lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 48,7 triệu người, tăng 549,8 nghìn người so với năm trước.
Lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc quý IV năm 2018 ước tính 54,6 triệu người, bao gồm 20,6 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 37,7% tổng số; khu vực công nghiệp và xây dựng 14,6 triệu người, chiếm 26,7%; khu vực dịch vụ 19,4 triệu người, chiếm 35,6%. Tính chung cả năm 2018, lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc là 54,3 triệu người, bao gồm 20,7 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 38,1% tổng số (giảm 2,1 điểm phần trăm so với năm trước); khu vực công nghiệp và xây dựng 14,4 triệu người, chiếm 26,6% (tăng 0,8 điểm phần trăm); khu vực dịch vụ 19,2 triệu người, chiếm 35,3% (tăng 1,3 điểm phần trăm).
Tính chung cả năm 2018, tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước ước tính là 2,0%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 2,95%; khu vực nông thôn là 1,55%. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi năm 2018 là 2,19%, trong đó khu vực thành thị là 3,10%; khu vực nông thôn là 1,74%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên năm 2018 ước tính là 7,06%, trong đó khu vực thành thị là 10,56%; khu vực nông thôn là 5,73%.
Năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102 triệu đồng/lao động (tương đương 4.512 USD/lao động), tăng 8,8 triệu đồng/lao động so với năm 2017 (tương đương 346 USD). Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2018 tăng 5,93% so với năm trước, bình quân giai đoạn 2016-2018 tăng 5,75%/năm.
Năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm, là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, mức năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực: Tính theo PPP 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2017 đạt 10.232 USD, chỉ bằng 7,2% mức năng suất lao động của Xin-ga-po; 18,4% của Ma-lai-xi-a; 36,2% của Thái Lan; 43% của In-đô-nê-xi-a và bằng 55% của Phi-li-pin. Đáng chú ý là chênh lệch về mức năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng, điều này cho thấy khoảng cách và thách thức nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước.
Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hội
Đời sống dân cư nhìn chung được cải thiện. Năm 2018, thu nhập bình quân một người một tháng ước tính đạt 3,76 triệu đồng (tăng 660 nghìn đồng so với năm 2016), bình quân giai đoạn 2016-2018 tăng 10,2%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiếp cận đa chiều năm 2018 ước tính 6,8%, giảm 1,1 điểm phần trăm so với năm 2017.
Thiếu đói trong nông dân năm 2018 giảm mạnh so với năm trước, cả nước có 105 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 42,1%, tương ứng với 420 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 43,7%. Thiếu đói năm nay giảm mạnh là kết quả chỉ đạo, điều hành tích cực của Đảng, Nhà nước và nỗ lực của người dân trong sản xuất như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các ngành nghề để tạo thêm việc làm, đồng thời diễn biến thời tiết khá thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và công tác phòng chống giảm thiểu tác động của thiên tai đã được triển khai đồng bộ ngay từ đầu năm. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm, các cấp, các ngành, các tổ chức từ Trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 7,4 nghìn tấn lương thực và hơn 1,6 tỷ đồng.
Công tác an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện. Tổng kinh phí dành cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo trong năm 2018 là 4.977 tỷ đồng, bao gồm 2.792 tỷ đồng quà thăm hỏi và hỗ trợ các đối tượng chính sách; 1.487 tỷ đồng hỗ trợ các hộ nghèo và 698 tỷ đồng cứu đói, cứu trợ xã hội khác. Bên cạnh đó, đã có gần 23,6 triệu thẻ bảo hiểm y tế, sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát tặng cho các đối tượng chính sách trên địa bàn cả nước.
Giáo dục, đào tạo, văn hóa và thể dục thể thao
Ngành giáo dục đào tạo nỗ lực chuẩn bị cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non và nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục đại học. Trong năm học này, cả nước có 5,3 triệu trẻ em bậc mầm non (0,7 triệu trẻ em đi nhà trẻ và 4,6 triệu trẻ em đi học mẫu giáo); 16,6 triệu học sinh phổ thông đến trường (8,4 triệu học sinh tiểu học; 5,6 triệu học sinh trung học cơ sở; 2,6 triệu học sinh trung học phổ thông) và 1,5 triệu sinh viên đại học, cao đẳng, trung cấp.
Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng đa dạng về loại hình đào tạo và mô hình hoạt động. Hiện nay, cả nước có 1.954 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm 394 trường cao đẳng, 515 trường trung cấp và 1.045 trung tâm giáo dục thường xuyên. Đào tạo nghề năm 2018 đã tuyển mới được 2.210 nghìn người, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp tuyển sinh được 545 nghìn người; trình độ sơ cấp và chương trình đào tạo nghề khác tuyển sinh được 1.665 nghìn người, trong đó hỗ trợ đào tạo nghề cho 800 nghìn lao động nông thôn học nghề theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2018, số học sinh tốt nghiệp các lớp đào tạo nghề là 2.100 nghìn người, trong đó trình độ cao đẳng và trung cấp là 440 nghìn người, trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo khác là 1.660 nghìn người.
Các sự kiện văn hóa được tổ chức trang trọng, an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; thu hút sự quan tâm và tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân. Công tác quản lý lễ hội được chú trọng nhằm phát huy tính tích cực của lễ hội dân gian và phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc; công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường và hoạt động kinh doanh hàng hóa trong lễ hội được đảm bảo; ý thức thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội của nhân dân và du khách khi tham gia lễ hội được nâng lên, những hiện tượng tiêu cực và các tập tục mang yếu tố bạo lực, phản cảm trong lễ hội đã giảm so với năm trước.
Hoạt động thể dục, thể thao quần chúng tiếp tục được đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, gắn với Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, tổ chức phát động trẻ em toàn quốc học bơi phòng, chống tai nạn đuối nước, Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân, tổ chức thành công Đại hội Thể dục thể thao các cấp và Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018.
Năm 2018, thể thao thành tích cao của Việt Nam đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Đoàn thể thao Việt Nam đã giành được 922 huy chương trong các giải đấu quốc tế, trong đó 391 huy chương vàng, 296 huy chương bạc, 235 huy chương đồng. Tại Đại hội Thể thao người khuyết tật châu Á lần thứ 3, đoàn thể thao Việt Nam giành được 8 huy chương vàng, 8 huy chương bạc, 24 huy chương đồng xếp vị trí thứ 12/44 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự; tại Đại hội thể thao Châu Á ASIAD lần thứ 18 giành được 38 huy chương, trong đó 4 huy chương vàng, 16 huy chương bạc, 18 huy chương đồng, xếp thứ 17/45 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Đặc biệt, đội tuyển Bóng đá U23 Việt Nam thi đấu xuất sắc giành huy chương bạc tại giải vô địch U23 châu Á, đội tuyển Olympic Việt Nam đứng thứ Tư tại ASIAD 18 và đội tuyển Bóng đá quốc gia giành huy chương vàng giải bóng đá Đông Nam Á.
Thiệt hại do thiên tai, tai nạn giao thông
Thiệt hại do thiên tai năm 2018 giảm nhiều so với năm 2017: có 218 người chết, mất tích và 157 người bị thương; hơn 260 nghìn ha lúa và hoa màu bị hư hỏng, giảm 28,5%; 1.967 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi, giảm 76,3% và 119 nghìn nhà sạt lở, tốc mái, ngập nước, giảm 79,7%. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai năm 2018 ước tính 15,7 nghìn tỷ đồng, giảm 73,8% so với năm 2017. Để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai, lãnh đạo Trung ương, địa phương đã kịp thời chỉ đạo để triển khai, hiệu quả các biện pháp ứng phó thiên tai, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” không để bị động, bất ngờ; công tác thông tin, truyền thông, tập huấn, đào tạo và phổ biến kiến thức cho các cấp chính quyền và người dân được đẩy mạnh, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.
Trên địa bàn cả nước năm 2018 xảy ra 18.232 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 9.446 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 8.786 vụ va chạm giao thông, làm 8.125 người chết; 5.124 người bị thương và 9.070 người bị thương nhẹ. So với năm trước, năm 2018 tai nạn giao thông giảm trên cả ba tiêu chí, số vụ tai nạn giảm 9,2%; số người chết giảm 1,9%; số người bị thương giảm 8,3% và số người bị thương nhẹ giảm 20,8%.
Nhìn chung, kinh tế - xã hội nước ta năm 2018 tiếp tục khởi sắc với tăng trưởng GDP đạt mức cao nhất trong 11 năm qua. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Môi trường kinh doanh đang ngày càng cải thiện. Tiêu dùng tăng cao, xuất khẩu và thu hút khách du lịch quốc tế đạt khá. Tình hình giải quyết việc làm và an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn những tồn tại, thách thức: Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng có chuyển biến nhưng còn chậm; năng suất lao động còn thấp, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Biến đổi khí hậu, thiên tai, bão, lũ, dịch bệnh diễn biến phức tạp có thể ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân.
Dự báo trong năm 2019, bên cạnh các điều kiện thuận lợi từ kết quả nổi bật trong năm 2018 về ổn định vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đẩy mạnh hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế, kinh tế - xã hội nước ta vẫn đối mặt với các thách thức đến từ nội tại của nền kinh tế, như: Trình độ công nghệ thấp, đất đai, tài nguyên đang dần bị suy giảm trong khi năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tuy có chuyển biến nhưng chưa thực sự đột phá. Bên cạnh đó, từ năm 2019 việc thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế đã ký, nhất là cam kết về mở cửa thị trường, cắt giảm thuế, bảo đảm sở hữu trí tuệ sẽ mang lại cơ hội cho Việt Nam trong thu hút các nguồn lực từ nước ngoài, nhưng đồng thời cũng là áp lực không nhỏ đối với khu vực kinh tế trong nước. Biến đổi khí hậu, thiên tai, bão, lũ luôn là thách thức tiềm ẩn, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Để hoàn thành tốt mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 đã được Quốc hội thông qua, trong đó: GDP tăng 6,6%-6,8%, tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%-8%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%..., các cấp, các ngành và địa phương phải nhận thức đúng và đầy đủ những khó khăn, thách thức phía trước để kịp thời có các giải pháp khắc phục ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2019, trong đó, trong lĩnh vực xã hội, cần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, chính sách đối với người có công với cách mạng, bảo đảm công khai, minh bạch, kịp thời, đúng đối tượng. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thực hiện tốt công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và phòng chống cháy nổ./.
Lãnh đạo Việt Nam - Trung Quốc gửi thư chúc mừng năm mới Kỷ Hợi  (28/01/2019)
Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 28-01-2019  (28/01/2019)
Người Việt ở khắp nơi trên thế giới chào đón xuân Kỷ Hợi  (28/01/2019)
Thủ tướng: Các địa phương không được chủ quan, "thỏa mãn non"  (28/01/2019)
Việt Nam lên án mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố tại đảo Jolo  (28/01/2019)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 21 đến 27-01-2019  (28/01/2019)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên