Chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi ở nước ta trong giai đoạn hiện nay
TCCSĐT - Dân số Việt Nam đã bước vào thời kỳ già hóa. Cũng như nhiều nước trên thế giới, xu hướng già hóa dân số ở Việt Nam là tất yếu. Vấn đề đặt ra là cần có sự can thiệp chính sách từ sớm để chăm sóc và phát huy tốt vai trò người cao tuổi, duy trì cơ cấu dân số hợp lý, bảo đảm cho sự phát triển kinh tế - xã hội ổn định và bền vững.
Theo nhận định của Liên hợp quốc, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Tính đến cuối tháng 8-2018, theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê, cả nước có hơn 11,31 triệu người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên), chiếm khoảng 11,95% dân số. Trong đó, khoảng 65% người cao tuổi sống ở khu vực nông thôn, 23% người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo đa chiều. Dự báo đến năm 2030, tỷ lệ dân số trên 65 tuổi của Việt Nam sẽ vào khoảng 12,9% và đến năm 2050 là 23%. Từ năm 2030, Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ “dân số vàng”; sau năm 2040, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động bắt đầu giảm và sẽ gây những tác động bất lợi đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Trước thực tế này, vấn đề đặt ra là phải chú trọng can thiệp, điều chỉnh sớm chính sách, pháp luật về người cao tuổi, đặc biệt là việc chăm sóc, trợ giúp, để bảo đảm cho người cao tuổi sống vui, sống khỏe, phát huy tốt nhất vai trò của mình đối với sự phát triển chung của cộng đồng, xã hội, đất nước.
Tăng cường chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi
Ngày 21-10-2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 136/2013/NĐ-CP Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Nghị định này đã xác định các đối tượng người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng gồm: (1) Người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng; (2) Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định tại Điểm a Khoản này mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng; (3) Người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội nhưng có người nhận chăm sóc tại cộng đồng.
Theo quy định này, cả nước hiện có gần 2,24 triệu người cao tuổi đang được hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội, gần 1,62 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, khoảng 1,4 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp người có công, khoảng 10 nghìn người cao tuổi đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội, hơn 1,1 triệu người cao tuổi được chúc thọ, mừng thọ, hơn 10,36 nghìn người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế (chiếm 91,6% tổng số người cao tuổi). Trong số 418 cơ sở trợ giúp xã hội trong cả nước, hiện có 32 cơ sở chăm sóc người cao tuổi, 102 cơ sở chăm sóc tổng hợp cho các đối tượng (trong đó có người cao tuổi), đảm nhận việc chăm sóc cho khoảng 10,3% số người cao tuổi cô đơn.
Công tác trợ giúp xã hội, công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi được ngành y tế và các ngành, các cấp quan tâm thực hiện. Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam, đến nay, nhiều địa phương trong nước đã thường xuyên phối hợp tổ chức khám sức khỏe định kỳ, cấp thuốc cho người cao tuổi. Đến cuối năm 2017, cả nước có 97 bệnh viện cấp Trung ương và cấp tỉnh có khoa Lão khoa, 918 khoa khám bệnh có buồng khám riêng hoặc bố trí bàn khám riêng cho người cao tuổi, 8.173 giường điều trị nội trú ưu tiên cho người cao tuổi, 1.693 nhân viên y tế được đào tạo về lão khoa, 1.271.599 người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ cho người cao tuổi trong hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch, giao thông công cộng đã được quy định và bước đầu được triển khai thực hiện tốt ở một số địa phương như: giảm mức thu phí tham quan các di tích văn hóa, lịch sử, bảo tàng, danh lam thắng cảnh; hỗ trợ người cao tuổi tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; bố trí, hướng dẫn chỗ ngồi ưu tiên cho người cao tuổi trên các phương tiện giao thông công cộng. Tính đến cuối tháng 7-2018, đã có 552.267 lượt người cao tuổi được giảm giá vé đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không với tổng số tiền giảm hơn 33 tỷ đồng.
Để nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc người cao tuổi, đến nay có 18 tỉnh, thành phố trong cả nước đã triển khai thực hiện 1.200 câu lạc bộ theo mô hình liên thế hệ tự giúp nhau, thu hút khoảng 65 nghìn người cao tuổi tham gia hoạt động. Các câu lạc bộ này dựa vào cộng đồng để chăm sóc người cao tuổi và hướng đến mục tiêu: tạo cơ hội cho người cao tuổi cải thiện cuộc sống bản thân và gia đình; tạo điều kiện để người cao tuổi chủ động tự chăm sóc sức khỏe; cải thiện mối quan hệ giữa người cao tuổi với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương và cộng đồng nhằm góp phần thực hiện tốt hơn quyền và lợi ích của người cao tuổi. Ở nhiều địa phương, được sự quan tâm chăm sóc, hỗ trợ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, vai trò và hiệu quả hoạt động của Hội Người cao tuổi được phát huy, người cao tuổi đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao - Gương sáng”, tham gia xây dựng hệ thống chính trị; phong trào xây dựng nông thôn mới - bảo vệ môi trường; phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; tham gia bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương;… Cả nước hiện có 1,24 triệu người cao tuổi tham gia công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức, đoàn thể; Hội Người cao tuổi của 1.000 xã thuộc 44 tỉnh, thành phố có biên giới, biển đảo đã ký kết chương trình phối hợp với các đồn biên phòng; hơn 95 nghìn người cao tuổi đang làm chủ trang trại, cơ sở sản xuất kinh doanh; hơn 300 nghìn người cao tuổi làm kinh tế giỏi;…
Thuận lợi, thách thức và đặc trưng của người cao tuổi ở nước ta hiện nay
Nhìn chung, công tác chăm sóc xã hội đối với người cao tuổi ở nước ta thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận nhờ có được nhiều thuận lợi. Trước hết là hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến người cao tuổi như Luật Người cao tuổi, các chính sách hỗ trợ người cao tuổi đã được các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương; các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể tích cực lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức từ trong hệ thống chính trị đến toàn xã hội và tạo sự đồng thuận, hưởng ứng của người dân trong việc chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi. Bên cạnh đó, hệ thống cung cấp các dịch vụ cho người cao tuổi được hình thành và đi vào hoạt động theo các hình thức: tại các trung tâm, ở cộng đồng và tại gia đình. Nhiều loại hình vui chơi, giải trí dành cho người cao tuổi (câu lạc bộ, khu sinh hoạt của người cao tuổi,…) cũng phát triển ở nhiều địa phương, từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi, đặc biệt là đối với người cao tuổi nghèo, cô đơn. Đội ngũ cán bộ, nhân viên chăm sóc người cao tuổi cũng có bước phát triển về số lượng và từng bước nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi ở cả trung tâm, cộng đồng và gia đình.
Tuy nhiên, công tác chăm sóc xã hội đối với người cao tuổi ở nước ta cũng đang đứng trước nhiều thách thức.
- Thách thức lớn nhất là Việt Nam đang là một trong những nước đang có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất châu Á, thời gian chuyển từ giai đoạn “già hóa dân số” sang “dân số già” khoảng 17 - 20 năm, ngắn hơn nhiều so với một số quốc gia khác như Pháp (115 năm), Thụy Điển (85 năm), Mỹ (69 năm), Nhật Bản, Trung Quốc (26 năm),… Điều này gây ra không ít khó khăn trong việc hoạch định chính sách đối với người cao tuổi.
- Ở một số nơi, cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người cao tuổi; thiếu quan tâm chỉ đạo, chưa xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện hoặc chưa triển khai thực hiện tốt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012 - 2020.
- Hệ thống chính sách, pháp luật về người cao tuổi vẫn còn nhiều nội dung chưa bắt kịp các yêu cầu thực tế của người cao tuổi nhưng chậm được rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.
- Đội ngũ cán bộ, nhân viên chăm sóc người cao tuổi có bước phát triển nhưng còn thiếu và yếu so với yêu cầu của thực tiễn; khả năng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ người cao tuổi ở nhiều địa phương cũng còn thiếu, chất lượng cung cấp dịch vụ chưa cao.
Trước áp lực công nghiệp hóa - đô thị hóa, hội nhập quốc tế và những thay đổi trong cơ cấu dân số, để có thể thực hiện tốt công tác chăm sóc, phát huy đúng mức vai trò của người cao tuổi trong xã hội, cần lưu ý một số đặc trưng nổi bật của người cao tuổi ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. Đó là:
Đời sống gia đình, đời sống văn hóa - tinh thần của người cao tuổi đang thay đổi nhanh chóng. Tỷ lệ người cao tuổi sống với con cái ngày càng giảm nhanh, trong khi tỷ lệ hộ gia đình có người cao tuổi sống cô đơn hoặc chỉ có vợ chồng người cao tuổi tăng lên đáng kể.
Mô hình và nguyên nhân bệnh tật của người cao tuổi đang thay đổi nhanh, từ chủ yếu là những bệnh lây nhiễm trước đây chuyển sang những bệnh không lây nhiễm theo mô hình bệnh tật của một xã hội hiện đại. Vì thế, chi phí trung bình cho việc chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh của người cao tuổi cũng gia tăng. Trong khi đó, mức độ tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế giữa các nhóm dân số cao tuổi ngày càng chênh lệch - Người cao tuổi ở khu vực nông thôn, miền núi, các dân tộc thiểu số thường có mức độ tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế thấp.
Về lao động, việc làm, thu nhập, theo số liệu điều tra về mức sống hộ gia đình gần đây nhất của Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội, khoảng 43% người cao tuổi vẫn đang làm việc với các công việc khác nhau, nhưng hầu hết là trong các hoạt động nông nghiệp với mức thu nhập còn thấp và bấp bênh.
Tỷ lệ người cao tuổi đang tham gia hệ thống hưu trí và trợ cấp xã hội còn thấp, mức hưởng còn thấp và chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng thu nhập của hộ gia đình cao tuổi. Trong khi đó, hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi hiện nay chưa có tính hỗ trợ đối với phần lớn người cao tuổi, đặc biệt là nhóm người cao tuổi dễ tổn thương vì họ không thể tham gia hệ thống hưu trí bắt buộc.
Nhu cầu về dịch vụ chăm sóc xã hội của người cao tuổi đang gia tăng với nhiều loại hình như: hỗ trợ chăm sóc tại nhà; hỗ trợ các hoạt động của người cao tuổi tại cộng đồng; chăm sóc tại các trung tâm; hỗ trợ trang thiết bị (xe lăn, các thiết bị trợ giúp khác,….); hỗ trợ điều chỉnh, sửa chữa nơi ở của người cao tuổi; tư vấn thông tin, trợ giúp pháp lý; hỗ trợ cho người chăm sóc người cao tuổi;…
Những vấn đề cần quan tâm trong chăm sóc, trợ giúp người cao tuổi
Áp lực già hóa dân số, tỷ lệ và số lượng người cao tuổi ở nước ta đang tăng nhanh. Những đặc trưng của người cao tuổi và thách thức trong công tác chăm sóc, trợ giúp người cao tuổi trong bối cảnh mới đang đặt ra nhiều cần đề mà các bộ, ban, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền các địa phương cần quan tâm giải quyết.
Trước hết, cần có định hướng chiến lược trong xây dựng hệ thống dịch vụ chăm sóc xã hội, trong đó có chăm sóc người cao tuổi; xác định rõ vai trò của Nhà nước trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, hệ thống điều phối và phối hợp thực hiện, giám sát chất lượng các dịch vụ chăm sóc xã hội đối với người cao tuổi. Trên cơ sở đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để tăng cường năng lực quản lý hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc xã hội đối với người cao tuổi.
Hai là, đẩy mạnh sự tham gia, phối hợp của các bộ, ban, ngành có liên quan với các địa phương trong việc tuyên truyền thực hiện Luật Người cao tuổi và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người cao tuổi. Trong đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế tăng cường phối hợp nghiên cứu và đề xuất Chính phủ xây dựng hệ thống chính sách chăm sóc dài hạn, bao gồm cả chăm sóc y tế và chăm sóc xã hội cho người cao tuổi phù hợp với tình hình mới; đồng thời xây dựng và thực hiện nhiều chương trình truyền thông nhằm nâng cao nhận thức xã hội về vai trò người cao tuổi và trách nhiệm chăm sóc, hỗ trợ người cao tuổi.
Ba là, tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch, phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ có tính chuyên nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc, trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi tại trung tâm, cộng đồng và gia đình. Chú trọng thúc đẩy và đa dạng hóa các mô hình chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng; có chính sách hỗ trợ cho việc chăm sóc người cao tuổi cô đơn, không nơi nương tựa, không còn khả năng tự chăm sóc. Khuyến khích các mô hình người cao tuổi tự chăm sóc nhau tại cộng đồng thông qua các chính sách trợ cấp, trợ giúp phù hợp.
Bốn là, nâng mức trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng thời giảm độ tuổi người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội. Trước mắt, có thể giảm xuống ở độ tuổi 75 tuổi đối với người cao tuổi sống ở những khu vực khó khăn, lâu dài có thể chuyển sang chính sách trợ giúp xã hội phổ cập cho tất cả người cao tuổi từ độ tuổi 75 tuổi trở lên, nếu thu nhập của họ không đảm bảo được mức sống tối thiểu hay nhu cầu tiêu dùng thiết yếu.
Năm là, có cơ chế, chính sách hợp lý nhằm khuyến khích khu vực ngoài công lập tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng, tạo môi trường bình đẳng, lành mạnh cho khu vực ngoài công lập khi tham gia các dịch vụ chăm sóc xã hội. Trong đó, cần làm rõ vai trò khu vực nhà nước trong việc: xây dựng cơ chế, chính sách, chương trình phối hợp của chính quyền để làm cơ sở pháp lý cho sự hỗ trợ và hợp tác của khu vực ngoài công lập; quy định các tiêu chuẩn và trách nhiệm cụ thể trong giám sát chất lượng dịch vụ; quy định về tiêu chuẩn, chất lượng của đội ngũ làm công tác chăm sóc xã hội; cung cấp các nguồn lực cần thiết để hỗ trợ, chăm sóc cho người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn;…
Sáu là, phát triển hệ thống dịch vụ chăm sóc người cao tuổi là người bệnh tại các bệnh viện; kết hợp dịch vụ chăm sóc nuôi dưỡng với các dịch vụ phục hồi chức năng, giúp người cao tuổi nâng cao khả năng phục hồi sức khỏe thể chất và tinh thần. Rà soát, tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, tài chính để tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở, giúp người cao tuổi dễ dàng, thuận tiện trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế cần thiết và được khám, điều trị các bệnh mạn tính và một số loại bệnh thông thường khác tại y tế cơ sở. Chú trọng vai trò của khu vực tư nhân trong việc cung cấp các dịch vụ y tế có chất lượng và dễ tiếp cận cho người cao tuổi khi có nhu cầu tại cộng đồng, gia đình.
Bảy là, đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, mạng lưới cộng tác viên làm công tác chăm sóc, phục hồi chức năng cho người cao tuổi theo các nội dung: đào tạo, tập huấn cho cán bộ, nhân viên, cộng tác viên trong lĩnh vực chăm sóc, trợ giúp người cao tuổi; hỗ trợ các cơ sở đào tạo trong nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và trong xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo công tác xã hội trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi; tăng cường tập huấn cho các gia đình có người cao tuổi về kỹ năng, phương pháp chăm sóc và phục hồi chức năng cho người cao tuổi;...
Tám là, tăng cường hợp tác, học tập kinh nghiệm quốc tế về chăm sóc, hỗ trợ người cao tuổi ở trung tâm, cộng đồng, gia đình. Đồng thời, tiếp tục huy động sự trợ giúp của các tổ chức trong và ngoài nước cho người cao tuổi (vốn ODA hỗ trợ phát triển hệ thống cơ chế, chính sách và nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong chăm sóc người cao tuổi; vốn hỗ trợ thực hiện các chương trình chăm sóc người cao tuổi;…)./.
Nhận diện tham nhũng trong công tác cán bộ  (02/10/2018)
USMCA: Vì lợi ích ba bên  (02/10/2018)
Khai mạc Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII  (02/10/2018)
Khởi động thành công phân xưởng điện hơi Bio Ethanol Dung Quất  (02/10/2018)
Già hóa dân số nhanh ở Việt Nam  (02/10/2018)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch tay chân miệng  (02/10/2018)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên