TCCSĐT - Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông không chỉ nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản của nhân dân mà sâu xa hơn còn nhằm bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, ổn định phát triển xã hội. Trong thời gian qua, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả xã hội.

Ngày 04-9-2012 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; ngày 24-8-2011, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 88/NQ-CP về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; Thủ tướng Chính phủ thường xuyên ban hành các Công điện, Chỉ thị chỉ đạo công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Nỗ lực của Đảng, Nhà nước cũng như của các cấp, các ngành đã góp phần cải thiện đáng kể thực trạng công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Số vụ tai nạn giao thông, số người chế, bị thương cũng như thiệt hại tài sản do tai nạn giao thông đã có chiều hướng suy giảm, năm sau thấp hơn năm trước. Năm 2017, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 20.280 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 9.770 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 10.310 vụ va chạm giao thông, làm 8.279 người chết; 5.587 người bị thương và 11.453 người bị thương nhẹ. So với năm 2016, số vụ tai nạn giao thông năm 2017 giảm 7% (số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 5,6%; số vụ va chạm giao thông giảm 8,3%); số người chết giảm 4,7%; số người bị thương giảm 9,6% và số người bị thương nhẹ giảm 12,6%. Bình quân 1 ngày trong năm 2017, trên địa bàn cả nước xảy ra 55 vụ tai nạn giao thông, gồm 27 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 28 vụ va chạm giao thông, làm 23 người chết, 15 người bị thương và 32 người bị thương nhẹ.

Dù đã có nhiều nỗ lực kéo giảm số người chết và bị thương nhưng tình trạng tai nạn giao thông được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định tại hội nghị tổng kết năm 2017 của Bộ Giao thông vận tải là vẫn rất nghiêm trọng và năm 2017, hơn 8.000 người đã chết vì tai nạn giao thông, tương đương với việc “xoá sổ 1 xã”. Phó Thủ tướng yêu cầu ngành giao thông tiếp tục có giải pháp triệt để nhằm hạn chế hơn nữa số nạn nhân vì tai nạn giao thông.

Năm 2018, với mục tiêu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng GDP trên 6,5%; đặc biệt là từ 01-01-2018 thuế nhập khẩu ô tô từ các quốc gia ASEAN giảm xuống 0%, nhu cầu vận tải và số lượng phương tiện sẽ tăng nhanh, tạo áp lực lớn về trật tự, an toàn giao thông. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã sớm tổ chức triển khai thực hiện Năm An toàn giao thông 2018 với chủ đề "An toàn giao thông cho trẻ em" nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật an toàn giao thông trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên; tiếp tục giảm tai nạn giao thông từ 5 - 10% cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương; giảm tỷ lệ thương vong do tai nạn giao thông đối với trẻ em 10% so với năm 2017; cơ bản hoàn thành việc xóa bỏ các điểm đen về tai nạn giao thông; xóa bỏ đường ngang dân sinh tự mở giao cắt với đường sắt; tiếp tục kéo giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút.

Mặc dù có những chuyển biến tích cực trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tuy nhiên, tình hình tai nạn giao thông vẫn diến biến phức tạp, số lượng vụ tai nạn giao thông vẫn còn nhiều, vì vậy, không thể chủ quan trong công tác nay. Với tinh thần đó, mới đây, tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2017; phương hướng, nhiệm vụ năm 2018, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã yêu cầu, giao nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho các cấp, các ngành, địa phương trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan thành viên Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tập trung thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04-9-2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24-8-2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông và các Công điện, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Tập trung thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế về an toàn giao thông; tổng kết và xây dựng dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật Thống kê, Nghị định quy định bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với chủ xe cơ giới; xây dựng và hoàn thiện văn bản hướng dẫn các luật hiện hành liên quan đến đảm bảo an toàn về kết cấu hạ tầng, phương tiện, kỹ năng, đạo đức, trách nhiệm của người tham gia giao thông; các chế tài xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông, chú trọng đến sửa đổi các quy định nhằm nâng cao khả năng tạo lập môi trường giao thông an toàn cho trẻ em.

Hai là, xây dựng văn hoá giao thông cho toàn xã hội; trọng tâm là bảo vệ an toàn giao thông cho trẻ em và người lớn cần nêu gương về văn hóa giao thông. Đổi mới phương thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông phù hợp với chủ đề năm an toàn giao thông, xây dựng các sản phẩm truyền thông hiện đại gắn với phát huy các bộ môn văn hóa, nghệ thuật dân tộc; tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội và những môi trường hoạt động của thanh thiếu nhi; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức tôn giáo, hiệp hội nghề nghiệp trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Đặc biệt là cần đổi mới chương trình đào tạo để nâng cao kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ lái xe khách, xe tải, xe chở container. Trường lợp lái xe vi phạm nhiều lần mà nguyên nhân xuất phát từ kỹ năng, nghiệp vụ lái xe thì phải xem xét trách nhiệm của cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe.

Ba là, nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, tăng cường đầu tư để hiện đại hóa phương tiện, trang thiết bị nghiệp vụ cho lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông vận tải và các lực lượng cùng tham gia tuần tra, kiểm soát để xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, nhất là các vi phạm về đội mũ bảo hiểm đối với người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, quy định về thắt dây an toàn đối với người ngồi trên xe ô tô; tăng cường hoạt động tuần tra lưu động, giảm tình trạng lập chốt cố định trong tuần tra của lực lượng Cảnh sát giao thông; cần phân định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị (Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông vận tải) trong công tác tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; đồng thời phát huy hiệu quả mô hình tuần tra phối hợp giữa Cảnh sát giao thông với các lực lượng cảnh sát khác, kết hợp giữa xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên các tuyến đường giao thông, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.

Bốn là, tiếp tục đầu tư, nâng cấp gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và chất lượng bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm với hoàn thiện quy hoạch không gian và sử dụng đất, nhằm nâng cao năng lực kết nối, tạo sức hấp dẫn đầu tư, gia tăng việc làm cho các đô thị trung bình, nhằm làm giảm mức độ di dân cơ học về Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, kéo giảm áp lực về giao thông; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng bảo trì và hiệu quả khai thác kết cấu hạ tầng hiện hữu; chú trọng tổ chức giao thông, bảo đảm điều kiện tham gia giao thông an toàn cho trẻ em, đặc biệt là giao thông kết nối đến trường học và trung tâm vui chơi của trẻ em.

Năm là, cơ cấu lại hệ thống dịch vụ vận tải theo hướng giảm áp lực cho vận tải đường bộ; đẩy mạnh thực hiện Quyết định 318/QĐ-TTg ngày 04-3-2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trong đó chú trọng nâng cao năng lực, chất lượng và giảm giá thành vận tải hành khách bằng đường hàng không; nâng cao năng lực và chất lượng đường thuỷ nội địa, hàng hải, đường sắt; đặc biệt cần có cơ chế thuận lợi để phát huy thế mạnh về vận tải thủy nội địa khu vực đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, vận tải ven biển, tăng cường phát triển dịch vụ logistics và kết nối đa phương thức, giảm mức độ phụ thuộc vào vận tải đường bộ.

Sáu là, phát triển hệ thống vận tải công cộng khối lượng lớn trong đô thị và kết nối vùng, gắn với hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh kết nối thuận tiện và gắn với tiến độ đầu tư phát triển các khu đô thị, các trung tâm thương mại và dân cư lớn; kết nối liên thông giữa vận tải đô thị với vận tải công cộng đường dài quốc gia (hàng không, đường sắt quốc gia, xe khách liên tỉnh); nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ xe buýt trong các đô thị, xe khách liên tỉnh, xe đưa đón học sinh để thu hút hành khách, đặc biệt là trẻ em đi lại bằng dịch vụ công cộng; kiểm soát và hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân gắn với lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường, hành lang an toàn giao thông, bảo đảm điều kiện đi bộ và sang đường an toàn đối với trẻ em.

Bảy là, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông vận tải và tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông. Đầu tư xây dựng trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị thông minh và các thiết bị ngoại vi với năng lực giám sát, điều hành trực tuyến hoạt động giao thông, điều khiển hệ thống tín hiệu, phát hiện hành vi vi phạm hỗ trợ xử lý vi phạm, trước hết tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tiến tới áp dụng cho các đô thị khác; cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ thông minh để hướng dẫn người dân, đặc biệt là học sinh đi lại thuận tiện; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa trung tâm điều hành giao thông đô thị với các trung tâm điều hành đường cao tốc; kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa quản lý giao thông vận tải với các lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia khẩn trương ban hành Kế hoạch năm An toàn giao thông 2018, phân công các nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan là thành viên Ủy ban và định hướng nhiệm vụ cho các địa phương. Các Ủy viên Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tập trung kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tập trung tháo gỡ những khó khăn, những nút thắt trong quá trình tổ chức thực hiện ở cả các bộ ngành trung ương và địa phương.

Chủ tịch UBND, Trưởng Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch năm An toàn giao thông 2018 của địa phương và trực tiếp chỉ đạo các sở, ngành, các UBND các cấp triển khai nhiệm vụ phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; ban hành quy định về xác định và xử lý trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu các tổ chức cá nhân có liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tiếp tục vận động người dân và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tại địa phương thực hiện các mô hình tự quản đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; tuyên truyền trong cộng đồng, tham gia cảnh giới tại các giao cắt đường bộ với đường sắt, quyết liệt xử lý triệt để các lối đi tự mở trái phép qua đường sắt, các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; vận động nhân dân hiến đất tạo điều kiện giải tỏa hành lang an toàn giao thông./.