Tây Nguyên: Tiềm năng và cơ hội đầu tư
Tiềm năng đất và người Tây Nguyên
Tây Nguyên là khu vực gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng với diện tích tự nhiên là 54.474 km2, chiếm 16,8% diện tích tự nhiên cả nước; là vùng cao nguyên, phía bắc giáp tỉnh Quảng Nam, phía đông giáp các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, phía nam giáp các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, phía tây giáp với các tỉnh Attapeu (Lào) và Ratanakiri và Mondulkiri (Campuchia). Trên thực tế, Tây Nguyên không phải là một cao nguyên duy nhất mà là một loạt cao nguyên liền kề, đó là các cao nguyên Kon Tum cao khoảng 500 m, cao nguyên Kon Plông, cao nguyên Kon Hà Nừng, Plâyku cao khoảng 800 m, cao nguyên M'Drăk cao khoảng 500 m, cao nguyên Buôn Ma Thuột cao khoảng 500 m, Mơ Nông cao khoảng 800-1000 m, cao nguyên Lâm Viên cao khoảng 1500 m và cao nguyên Di Linh cao khoảng 900-1000 m.
Điều kiện thổ nhưỡng đất đỏ bazan ở độ cao khoảng 500 m đến 600 m so với mặt biển của Tây Nguyên rất phù hợp với những cây công nghiệp như cà phê, ca cao, hồ tiêu, dâu tằm. Diện tích đất đỏ bazan có tầng phong hoá dày, địa hình lượn sóng nhẹ tạo thành các cao nguyên đất đỏ như cao nguyên Buôn Ma Thuột, Plâyku, Đắk Nông, Kon Tum, chiếm diện tích khoảng 1 triệu ha, thích hợp với nhiều loại cây trồng, đặc biệt là cây cao su, cà phê, chè, hồ tiêu, điều... và rừng; đất đỏ vàng diện tích khoảng 1,8 triệu ha, kém màu mỡ hơn đất đỏ bazan nhưng giữ ẩm tốt và tơi xốp nên thích hợp với nhiều loại cây trồng. Ngoài ra, còn có đất xám phân bố trên các sườn đồi thoải phía Tây Nam và trong các thung lũng, đất phù sa ven sông, thích hợp cho trồng cây lương thực. Cà phê là cây công nghiệp quan trọng số một ở Tây Nguyên. Tây Nguyên cũng là vùng trồng cao su lớn thứ hai sau Đông Nam Bộ. Cây điều cũng đang được phát triển tại đây. Tây Nguyên cũng là khu vực ở Việt Nam còn nhiều diện tích rừng với thảm sinh vật đa dạng, trữ lượng khoáng sản phong phú hầu như chưa khai thác và tiềm năng du lịch lớn.
Về tài nguyên rừng, rừng ở Tây Nguyên có tính đa dạng sinh học rất cao của Việt Nam; giàu về trữ lượng, đa dạng về chủng loại. Diện tích rừng Tây Nguyên là 3.015,5 nghìn ha, chiếm 35,7% diện tích rừng cả nước. Trữ lượng rừng gỗ chiếm tới 45% tổng trữ lượng rừng gỗ của cả nước. Các cây dược liệu quí được tìm thấy ở đây như sâm bổ chỉnh, sa nhân, địa liền, thiên niên kiện, hà thủ ô trắng,... và các cây thuốc quí có thể trồng được ở đây như atisô, bạch truật, tô mộc, xuyên khung...
Về khoáng sản, đáng kể nhất là quặng bôxit với trữ lượng dự kiến khoảng 10 tỷ tấn, chiếm 90% trữ lượng bôxit cả nước, phân bố chủ yếu ở Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và đang được khai thác. Ngoài ra, tiềm năng khoáng sản của Tây Nguyên còn có vàng, các loại đá quí, các mỏ sét, than bùn và than nâu.
Tây Nguyên hiện nay thực sự là vùng đất đa dân tộc, đa văn hóa, nơi cư trú của 47 dân tộc anh em, với rất nhiều đặc trưng, sắc thái của nhiều tộc người. Ở đây có một hệ thống các buôn, bon, làng cổ truyền của đồng bào các dân tộc thiểu số, nơi còn giữ được những đặc điểm cấu trúc, sinh hoạt văn hóa truyền thống. Nhiều nơi còn giữ được các nghề thủ công cổ truyền nổi tiếng như nghề dệt thổ cẩm, đẽo tượng, đan lát mây tre… Các lễ hội và sinh hoạt văn hóa đặc sắc, có ở hầu hết các dân tộc mà du khách rất muốn tìm hiểu, khám phá cùng với nhiều di sản văn hóa vật thể và các di tích lịch sử, văn hóa mà xét về tính độc đáo, tính đa dạng cũng như mức độ nổi tiếng đều có sức hấp dẫn. Đây là vùng đất lý tưởng để làm du lịch, bởi có những điều kiện thuận lợi để tạo nên những sản phẩm đặc trưng, riêng biệt, hấp dẫn, thông qua khai thác cảnh quan thiên nhiên, di tích văn hóa, lịch sử và di sản văn hóa tộc người.
Phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư: Những kết quả tích cực
Trong giai đoạn 2011-2015, kinh tế Tây Nguyên đã đạt được những kết quả tích cực, tốc độ tăng trưởng đạt khá và tăng cao qua các năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tích cực, phát triển mạnh một số ngành, lĩnh vực quan trọng. Hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, có cải thiện đáng kể trong thời gian qua, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội và thuận lợi cho đời sống nhân dân trong vùng. Thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội trong vùng, cải thiện vị trí của Tây Nguyên trong nền kinh tế và trong tiến trình phát triển của đất nước.
Tăng trưởng tổng giá trị sản phẩm (GrDP) bình quân 5 năm (2011-2015) của toàn vùng đạt 7,19%/năm, trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 5,91%; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 11,19%; khu vực dịch vụ tăng 7,27%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: Giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2011-2015 từ 47,66% xuống còn 44,61%; tăng tỷ trọng trong cùng kỳ của các khu vực công nghiệp, xây dựng từ 16,73% lên 18,31% và khu vực dịch vụ từ 31,10% lên 33,35%. Năm 2016, tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn theo giá cố định năm 2010 ước đạt 151.039 tỷ đồng, tăng 7,47% so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu GrDP tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm, thủy sản 1,66% so với năm 2015; tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng thêm 1,62%.
GrDP bình quân đầu người tăng bình quân 10,45%, năm 2015 đạt mức 1.658 USD, bằng 80,8% bình quân chung cả nước. Năm 2016 tăng 8,57% so với năm 2015 và đạt 39,56 triệu đồng/người.
Giai đoạn vừa qua ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của vốn đầu tư vào khu vực Tây Nguyên. Tổng vốn đầu tư 5 năm 2011-2015 đạt 265,7 nghìn tỷ đồng, gấp đôi so với giai đoạn 2006-2010. Tốc độ tăng vốn đầu tư cả giai đoạn đạt mức 11,33%/năm, trong đó, vốn đầu tư vào khu vực nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 14,89%/năm; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 2,39%/năm; khu vực dịch vụ 12,13%/năm. Vốn đầu tư tăng mạnh nhất ở Đắk Lắk, tăng bình quân 20,1%/năm và tăng mạnh nhất vào lĩnh vực giao thông (riêng đầu tư vào phát triển giao thông đường bộ tăng gấp 4,6 lần). Vốn đầu tư theo các khu vực kinh tế như sau: Khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm 19,24% tổng vốn đầu tư; khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 34,09% và khu vực dịch vụ chiếm 45,31%. Riêng năm 2016, tổng vốn đầu tư đạt trên 76 nghìn tỷ đồng, tăng 15,85% so với năm 2015.
Các địa phương đã đẩy mạnh thu hút đầu tư từ nguồn vốn ngoài nhà nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Bình quân 5 năm vừa qua, tỷ trọng vốn đầu tư từ nguồn vốn nhà nước chiếm 36,89%, vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước 59,74%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 1,96%. Tỷ trọng vốn đầu tư khu vực nhà nước đã giảm từ 43,96% năm 2011 xuống còn 29,48% năm 2015, trong khi khu vực ngoài nhà nước tỷ trọng tăng từ 53,4% lên 69,28%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng có sự tăng nhẹ, từ 1,85% lên 1,96%. Những chuyển dịch trong cơ cấu vốn đầu tư thể hiện sự phát triển, lớn mạnh của khu vực kinh tế ngoài nhà nước trên địa bàn, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng.
Trong thu hút đầu tư, lĩnh vực nông, lâm, thủy sản được các địa phương đặc biệt quan tâm khuyến khích. Vốn đầu tư vào lĩnh vực này chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các ngành kinh tế, bình quân đạt 19,24% và có mức tăng tỷ trọng cao nhất, từ 18,03% năm 2011 lên 19,5% năm 2015. Hầu hết các tỉnh trong vùng đều có tỷ trọng vốn đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm, thủy sản tăng dần qua các năm.
Một trong những lĩnh vực cũng đặc biệt được chú trọng đầu tư là giao thông. Tổng số vốn bố trí và huy động đầu tư vào giao thông trong cả giai đoạn vừa qua đạt khoảng 64 nghìn tỷ đồng, bằng 1/6 tổng vốn đầu tư; trong đó, vốn cho các công trình do trung ương quản lý khoảng 45,3 nghìn tỷ đồng, vốn cho các công trình do địa phương quản lý khoảng 18,7 nghìn tỷ đồng. Những công trình giao thông trọng yếu được đầu tư, hoàn thành đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo giao thông của vùng như đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (Quốc lộ 14), QL 19, QL 20, QL 28,..., các cảng hàng không Buôn Ma Thuột, Pleiku, Liên Khương. Các công trình giao thông trọng điểm được hoàn thành, đưa vào sử dụng tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hành khách, hàng hóa thông suốt, nhanh chóng. Tổng chiều dài mạng lưới giao thông đường bộ khu vực Tây Nguyên là 39.812km, chiếm 7,33% của cả nước với tỷ lệ cứng hóa đạt 47,72%, trong đó, đường quốc lộ dài 2.517km, đường tỉnh lộ dài 1.948km, đường giao thông nông thôn dài 35.347km. Toàn vùng đã có 143/600 xã đạt tiêu chí về giao thông theo tiêu chuẩn xã nông thôn mới.
Những nỗ lực trong thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đã tạo điều kiện để kinh tế Tây Nguyên phát triển, tăng trưởng. Nông nghiệp được tập trung đầu tư phát triển theo hướng đáp ứng nhu cầu của thị trường, gắn với chế biến, tiêu thụ, bước đầu phát triển theo chiều sâu, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Trong công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2016 tăng 5,55%, nhiều sản phẩm chủ lực tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước. Các địa phương đều nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất - kinh doanh. Trong năm 2016, số doanh nghiệp thành lập mới là 2.686, tăng 14,22% so với cùng kỳ năm trước với tổng vốn đăng ký 10,15 nghìn tỷ đồng, tăng 54,57% so với cùng kỳ, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong toàn vùng lên 20.301, tăng 20,72% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp đã chủ động phát huy lợi thế, tiềm năng, tìm kiếm và mở rộng thị trường, một số doanh nghiệp đã tiếp cận và sử dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất và từng bước thích ứng với điều kiện cạnh tranh trong kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế.
Khắc phục những khó khăn, hạn chế để tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế khu vực Tây Nguyên thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa tận dụng được tiềm năng, lợi thế cho phát triển. Nông nghiệp vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng bằng cách mở rộng diện tích, khai thác tài nguyên đất, nước, rừng thiếu kiểm soát, gây nên tác động xấu cho phát triển bền vững như mất cân bằng nguồn nước, tình trạng hạn hán, sa mạc hóa,… Các mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, mặc dù đã chứng minh được tính hiệu quả và vai trò trong phát triển nông nghiệp bền vững nhưng quy mô và số lượng vẫn còn rất hạn chế.
Công nghiệp khu vực Tây Nguyên còn hết sức nhỏ bé và việc thu hút đầu tư cũng rất khó khăn. Phát triển công nghiệp chưa gắn với thế mạnh nông nghiệp để phát triển các cơ sở công nghiệp cung ứng các dịch vụ đầu vào, đầu ra, bảo quản, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm cho nông nghiệp, qua đó, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Ví dụ các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Tây Nguyên như cà phê, hồ tiêu,…vẫn chủ yếu xuất khẩu dưới dạng sơ chế, giá trị thấp và khó tiêu thụ. Hơn thế nữa, các doanh nghiệp trên địa bàn không đủ năng lực nên để các doanh nghiệp từ nơi khác (trong đó có doanh nghiệp nước ngoài) đến thu mua và chuyển đến địa bàn khác chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu,… Doanh nghiệp, động lực chính để phát triển kinh tế thích ứng với cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế, số lượng còn ít, quy mô nhỏ bé và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại.
Liên kết vùng trong quy hoạch phát triển, thu hút đầu tư còn mờ nhạt, chưa tạo ra được chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất. Liên kết giữa các địa phương trong vùng với các vùng kinh tế khác và với khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam còn rất hạn chế. Các bộ, ngành, địa phương chậm trễ trong việc triển khai các giải pháp, khuyến nghị về liên kết vùng do các nhà khoa học đề xuất.
Kết luận số 12-KL/TW ngày 24-10-2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020 khẳng định Tây Nguyên là địa bàn giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái của đất nước. Mục tiêu đề ra cho giai đoạn tới là xây dựng Tây Nguyên thành vùng kinh tế trọng điểm, có lực lượng sản xuất phát triển ở mức trung bình của cả nước.
Để thực hiện mục tiêu đó, cần tiếp tục thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch một cách bài bản, thường xuyên, đi vào chiều sâu, thực chất. Tạo các diễn đàn để các tổ chức, doanh nghiệp có cơ hội quảng bá, giao lưu, liên danh, liên kết, góp phần huy động các nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững, thực hiện an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân các dân tộc trong vùng.
Các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp cũng cần chủ động quảng bá thương hiệu, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của mình và trao đổi về tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, chăn nuôi đại gia súc, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng sạch, thương mại, dịch vụ, du lịch,… để thu hút đầu tư.
Chú trọng cải cách hành chính, nhất là đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư nhằm xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, có sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Lãnh đạo các địa phương cần đi sâu đi sát doanh nghiệp, thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và các ý kiến phản ánh của doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp yên tâm đầu tư lâu dài tại địa phương.
Để thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững, các địa phương cần tích cực khắc phục những khó khăn, hạn chế, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, gắn với ứng dụng công nghệ cao và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm; phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông, lâm sản, phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng; tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất và đời sống; đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương trong vùng với các vùng kinh tế của cả nước và với khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam để phát triển du lịch và thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội./.
Triển khai hoạt động hợp tác truyền thông giai đoạn 2017 - 2020 giữa Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản và Tổng Công ty Điện lực miền Bắc  (10/03/2017)
Triển khai hoạt động hợp tác truyền thông giai đoạn 2017 - 2020 giữa Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản và Tổng Công ty Điện lực miền Bắc  (10/03/2017)
Tích cực đưa chính sách tái canh cà phê đi vào cuộc sống  (10/03/2017)
Tích cực đưa chính sách tái canh cà phê đi vào cuộc sống  (10/03/2017)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ  (10/03/2017)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay