Agribank “tiếp sức” nguồn vốn giúp nông dân đổi đời
TCCS - Những năm qua, Agribank tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong việc góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước, luôn khẳng định vị trí là ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam, giữ vai trò chủ lực trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tiện ích phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên khắp mọi miền đất nước.
Gia tăng giá trị kinh tế vùng
Mô hình nuôi bò thịt ở tỉnh Long An đang được đầu tư phát triển rất mạnh trong những năm gần đây, đặc biệt là ở huyện Đức Hòa và huyện Đức Huệ, cải thiện đáng kể đời sống người dân trên địa bàn. Theo thống kê, đàn bò thịt của 2 huyện này hiện có gần 68.000 con, chiếm gần 80% số lượng bò thịt của toàn tỉnh Long An. Gia đình ông Phan Văn Kẻn trước đây sống bằng nghề làm ruộng. Tận dụng nguồn cỏ quanh bờ, mỗi năm ông nuôi vài con bò để có thêm thu nhập. Qua thời gian, thấy bò dễ nuôi và có đầu ra ổn định, nên ông quyết định mở rộng quy mô chăn nuôi. Đặc biệt, đầu năm 2019, được sự hỗ trợ của các đơn vị chuyên môn, gia đình ông Kẻn đã mạnh dạn chuyển đổi hình thức nuôi từ truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao. Nuôi theo phương pháp mới này, đàn bò chẳng những mau lớn mà còn dễ bán. Gia đình ông hiện là 1 trong 5 hộ có trang trại nuôi bò vỗ béo quy mô lớn nhất ở xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Theo chia sẻ của ông Kẻn, nuôi bò vỗ béo cho lợi nhuận cao và thời gian quay vòng nhanh, trung bình khoảng 3 - 4 tháng là cho xuất chuồng một đợt. Hiện nay, mỗi đợt gia đình ông nuôi khoảng 200 con, sau khi trừ hết chi phí bò giống, nhân công, thức ăn, thuốc thú y… gia đình ông Phan Văn Kẻn còn lời gần 1 tỷ đồng.
Gia đình ông Phạm Thành Công ở xã Hòa Khánh Tây cũng đang thực hiện mô hình nuôi bò vỗ béo, với qui mô xấp xỉ 200 con. Khi triển khai thực hiện mô hình này, ông đã làm đơn xin vay vốn của Agribank Chi nhánh Đức Hòa. Mấy công đất vườn của gia đình trước đây trồng chanh không có hiệu quả, nay dành hết diện tích để trồng cỏ. Ngoài ra, ông còn thuê thêm hơn 4 ha đất trồng cỏ, để bảo đảm có nguồn thức ăn tươi cho đàn bò. Sau mỗi đợt nuôi, gia đình ông thu về được gần 1 tỷ đồng.
Nuôi bò thịt không khó, vì đa phần bà con đều được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trước khi triển khai thực hiện mô hình. Nhưng điều làm người dân lo lắng nhất là nguồn vốn đầu tư khá lớn. Trung bình, mỗi con bò giống có giá lên đến ba chục triệu đồng. Ngoài ra, còn phải kể đến vấn đề vốn làm chuồng trại, mua máy móc thiết bị xay thức ăn cho bò… Hiểu được nhu cầu này, Agribank chi nhánh Long An đã chủ động cân đối nguồn vốn, sẵn sàng tiếp sức hỗ trợ cho bà con nông dân. Theo thống kê, hiện trong tổng dư nợ gần 3.100 tỷ đồng của chi nhánh dành cho chăn nuôi, dư nợ cho vay nuôi bò ở huyện Đức Hòa đã lên đến trên 800 tỷ đồng. Điều đáng mừng là mặc dù nguồn vốn giải ngân lớn, nhưng nợ xấu rất thấp. Lãnh đạo Agribank chi nhánh Long An cho biết, trong thời gian tới, chi nhánh tiếp tục tập trung điều tiết nguồn vốn để bà con nông dân có đủ nguồn lực thực hiện mô hình.
Tìm về thăm vùng đặc sản xoài cát Hòa Lộc của tỉnh Tiền Giang. Hiện nay, vùng trồng xoài tập trung ở các xã ven sông Tiền của huyện Cái Bè, với diện tích khoảng 1.500 ha, sản lượng 12.500 tấn/năm. Nhận thấy tiềm năng của loại quả này có thể mang lại giá trị cao khi đầu tư đúng hướng, cách đây hơn 3 năm, anh Trần Văn Lực ở xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè tiên phong chuyển đổi phương thức trồng xoài theo hướng VIETGAP và cho trái rải vụ. Nhờ vậy mà chất lượng trái xoài được nâng cao. Tới mùa, thương lái tìm đến tận vườn, mua với giá cao.
Đến thời điểm này, gia đình anh Lực có hơn 7 công xoài cát trên 15 năm tuổi. Mỗi đợt, vườn xoài này cho thu nhập khoảng 350 triệu đồng cho gia đình. Anh Trần Văn Lực chia sẻ: Trồng xoài theo tiêu chuẩn VIETGAP không chỉ có lợi về mặt kinh tế, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, do trong quá trình canh tác, nhà vườn đã hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu… Tuy nhiên, để có vườn xoài sạch theo chuẩn VIETGAP thì chi phí đầu tư rất cao. Mấy năm nay, nhờ nhận được sự hỗ trợ nguồn vốn của Agribank, gia đình anh mới mạnh dạn chuyển hướng đầu tư.
Giống như gia đình anh Trần Văn Lực, gia đình chị Trần Thị Mỹ Lan cũng đầu tư trồng 1 ha xoài cát Hòa Lộc theo tiêu chuẩn VIETGAP. Hơn 15 năm gắn bó với cây xoài và cũng có lúc gặp khó khăn do trái xoài bị dội chợ, bị thương lái ép giá. Nhưng 3 năm trở lại đây, nắm bắt được nhu cầu thị trường và tiềm năng phát triển của trái xoài, chị Lan quyết tâm đi vay vốn tại Agribank để trồng xoài theo phương thức khác. Từ khâu chăm sóc, sử dụng phân bón hữu cơ, bao trái đến khâu thu hoạch, chị Lan đều tuân thủ quy trình rất nghiêm ngặt. Nhờ vậy mà vườn xoài chất lượng cao, khách hàng ưu chuộng, thu nhập cũng cải thiện đáng kể, khoảng 500 triệu đồng/năm.
Xoài cát Hòa Lộc hiện là một trong những loại trái cây chủ lực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh Tiền Giang. Đến nay, tỉnh đã xây dựng được vùng chuyên canh trên 1.600 ha, tập trung tại các xã giáp sông Tiền của huyện Cái Bè. Xoài cát Hòa Lộc đã được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Thương hiệu xoài cát Hòa Lộc hiện nay không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn đang vươn ra thế giới, xuất khẩu sang một số thị trường khó tính, như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Nhờ vậy, thu nhập, đời sống của nông dân trồng xoài cát Hòa Lộc không ngừng được nâng cao.
Theo lãnh đạo địa phương, có được thành công như hôm nay, bên cạnh sự quyết tâm, không ngừng học hỏi, ứng dụng kỹ thuật của người nông dân, còn có sự chung sức, hỗ trợ rất lớn của Agribank. Theo thống kê, đã có gần 350 hộ trồng xoài ở Hòa Lộc, Tiền Giang được tiếp cận với nguồn vốn của Agribank với tổng số tiền giải ngân trên 14 tỷ đồng.
Vốn Agribank giữ màu xanh của rừng nơi tận cùng đất nước
Gắn bó gần cả cuộc đời với đất rừng U Minh, ông Trần Thanh Liêm (xã Mỹ Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) đã trải qua nhiều mô hình phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương. Nhận thấy mô hình trồng rừng, nuôi cá theo phương pháp thả cá tự nhiên, mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình vì chỉ tốn kém chi phí đầu tư ban đầu, không tốn công chăm sóc cũng như thức ăn cho cá. Từ năm 2009, ông Liêm đã mạnh dạn đầu tư và phát triển mô hình này. Với 4 ha trồng tràm kết hợp nuôi cá đồng, mỗi năm, chỉ riêng nguồn thu từ cá đồng, ông Liêm lời trên 150 triệu đồng.
Còn đối với nông dân Lâm Thành Chen ở xã Mỹ Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, năm 2014, anh đã mạnh dạn vay vốn để lên liếp trồng 5ha tràm nước và nuôi cá dưới chân rừng tràm - lấy ngắn nuôi dài. Năm 2019, sau khi thu hoạch, trừ hết chi phí, gia đình anh Chen thu lãi gần 500 triệu đồng. Qua 5 năm gắn bó với cây rừng, con cá, anh Chen đã cất được ngôi nhà khang trang và nuôi con ăn học.
Anh Lâm Thành Chen chia sẻ: Lúc đầu thiếu vốn, Agribank đã cho vay vốn, nếu không có nguồn vốn vay thì không phát triển được nhiều. Nhờ có nguồn vốn vay mới cải tạo được rừng, nuôi cá, trồng tràm và cuộc sống gia đình mới cải thiện như ngày hôm nay.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mỹ Phích (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) Lê Trung Kiên cho biết thêm, nhờ có nguồn vốn vay Agribank, các hộ dân trong xã yên tâm sản xuất, thu nhập bình quân đầu người của xã tăng đáng kể. Thời gian qua, mô hình trồng rừng thâm canh, kết hợp nuôi cá ở huyện U Minh mang lại hiệu quả kinh tế cao, mỗi héc-ta đạt từ 200m3 - 250 m3 gỗ (giá bán từ 200 - 250 triệu đồng).
Tuy nhiên, vốn đầu tư ban đầu để cải tạo đất, xẻ mương, kê liếp khá cao, khoảng trên 100 triệu/ha. Đây cũng là nỗi niềm trăn trở của bà con nơi đây, vì nếu không có vốn đầu tư, thì quyết tâm giữ rừng của bà con huyện U Minh khó có thể thực hiện được. Vì vậy, việc Agribank chi nhánh U Minh cung ứng nguồn vốn kịp thời với lãi suất ưu đãi đã giúp người dân bám đất giữ rừng và khôi phục lại nguồn cá đồng của địa phương.
Sự siêng năng, chịu khó của người nông dân cùng với sự tiếp sức về vốn của Agribank không chỉ giúp nâng cao đời sống người dân địa phương, mà còn góp phần hiện thực hóa mục tiêu chiến lược quốc gia về kinh tế xanh thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững./.
Tín dụng chính sách - Điểm tựa nâng cao vị thế người phụ nữ Việt Nam  (20/03/2020)
Mùa xuân bừng sáng khắp miền đất Quảng Ngãi  (20/03/2020)
Agribank ủng hộ 10 tỷ đồng chung tay phòng, chống dịch COVID-19  (18/03/2020)
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn: Nhìn lại năm 2019 và hướng tới năm 2020  (16/03/2020)
Agribank thúc đẩy hoạt động tài chính vi mô ở Việt Nam  (15/03/2020)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên