TCCSĐT - “Suy giảm chưa từng có tiền lệ và bất ổn tài chính toàn cầu nghiêm trọng” là đánh giá về tình hình kinh tế thế giới hiện nay trong Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G7 ngày 14-2-2009.

Trước những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu, Chính phủ Việt Nam đã chủ động có các chính sách ngăn chặn suy giảm và kích thích kinh tế. Bước đầu, các gói giải pháp này đã mang lại những kết quả khả quan, được xã hội ghi nhận.

Tuy nhiên, để chính sách ngăn chặn suy giảm và kích thích kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới có hiệu quả hơn, cần có những đánh giá khách quan của các nhà khoa học, các ý kiến đề xuất, đóng góp của các nhà doanh nghiệp. Ngày 9-5, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân phối hợp với Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tổ chức hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Ngăn chặn suy giảm kinh tế Việt Nam”.

Mục tiêu của hội thảo là tổng kết những vấn đề lý thuyết và kinh nghiệm ngăn chặn suy giảm, kích thích kinh tế của một số nước và đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm ngăn chặn suy giảm, kích thích tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Trên 120 tham luận của các nhà khoa học, quản lý, các nhà doanh nghiệp thuộc các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học, các bộ, ban, ngành trong cả nước và nhiều nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài đã bàn thảo khá toàn diện, từ cả góc độ lý thuyết đến thực tế, những vấn đề liên quan đến khủng hoảng và ngăn chặn suy giảm kinh tế trên thế giới và Việt Nam.

Có thể khái quát lại ở một số nội dung chính sau:

1. Lý thuyết kích cầu và những vấn đề cần quan tâm
Các dấu mốc của suy thoái kinh tế thế giới:
 
2006 - 7-2007 nước Mỹ bên bờ khủng hoảng: từ đầu năm 2006, Bộ trưởng Tài chính của Chính quyền Bush đã nhận thấy các dấu hiệu rủi ro trên thị trường tài chính Mỹ và nhanh chóng lập ra các nhóm nghiên cứu giải pháp đối phó khủng hoảng nếu có thể xảy ra trên diện rộng.

Ngày 6-8-2007: American Home Mortage (Tổ chức thế chấp nhà của Mỹ - một tổ chức cho vay thế chấp để mua nhà vào loại bậc nhất nước Mỹ) nộp đơn xin phá sản.

Tháng 9-2008, Northern Rock - Ngân hàng cho vay thế chấp để mua nhà lớn nhất của Anh sắp phá sản. Chính phủ phải quốc hữu hóa để cứu ngân hàng này.

15-9-2008, Lehman Brothers Holding ngân hàng lớn thứ tư ở Mỹ nộp đơn xin phá sản sau 158 năm hoạt động. Merill Linch tuyên bố sáp nhập với Bank of America với trị giá 50 tỉ USD do thua lỗ.

26-9-2008, Washing Mutuel Inc. - ngân hàng tiết kiệm lớn nhất của Mỹ thành lập năm 1889 với tổng tài sản 307 tỉ USD và 2300 chi nhánh tại 15 bang đã lỗ 19 tỉ USD và được bán cho ngân hàng GP Morgan Chase (để tránh phá sản).

29-9-2008, Chính phủ Anh quốc hữu hóa tập đoàn cho vay kinh doanh bất động sản lớn nhất của Anh là Bradforg & Bingley Plc.

Tháng 10-2008, ngân hàng kinh doanh bất động sản lớn thứ hai của Đức Hypo Real Estate có nguy cơ phá sản. Chính phủ Đức phải mua lại một phần cổ phần để cứu nguy.

Trong năm 2008 đã có 25 ngân hàng Mỹ bị phá sản. Hai tháng đầu năm 2009 có thêm 16 ngân hàng Mỹ bị phá sản.

1-2009: Tập đoàn Citygroup, từng là ngân hàng lớn nhất thế giới với chi nhánh tại hơn 100 quốc gia, năm 2008 đã lỗ 18,72 tỉ USD, giá cổ phiếu của tập đoàn giảm 87% giá trị trong năm 2008

Xuất phát từ thực tế các nước sử dụng các biện pháp để kích cầu, kích thích kinh tế, nhiều ý kiến phát biểu cho rằng, cần phải phân tích kỹ lý thuyết của J.M. Keynes về khủng hoảng kinh tế và biện pháp khắc phục được trình bày trong cuốn “Lý thuyết tổng quát về việc làm và biện pháp khắc phục”. J.M.Keynes cho rằng, nếu để nền kinh tế tự điều tiết thì sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng và kéo dài, vì thế Chính phủ cần phải can thiệp, điều chỉnh để nền kinh tế tránh bị sụp đổ quá mức, cũng như quá trình phục hồi được diễn ra nhanh hơn. Cuộc khủng hoảng kinh tế lần này làm cho tư tưởng kinh tế học của Keynes về kích cầu lại một lần nữa trở thành nền tảng cho các giải pháp cứu cánh của chính phủ các nước đưa nền kinh tế vượt qua khủng hoảng. Để điều chỉnh kinh tế, lý thuyết của Keynes tập trung vào những chính sách: đảm bảo đầu tư nhà nước và kích thích đầu tư tư nhân; sử dụng hệ thống tài chính - tín dụng và lưu thông tiền tệ với tư cách là công cụ kinh tế vĩ mô để điều tiết kinh tế; mở rộng các hình thức tạo việc làm; khuyến khích tiêu dùng.

Trên cơ sở lý thuyết Keynes, các gói kích cầu được triển khai trên cơ sở tác động trực tiếp đến các yếu tố cấu thành tổng cầu (tiêu dùng của các hộ gia đình; đầu tư tư nhân; chi tiêu chính phủ; xuất khẩu ròng). Đầu tư nhà nước sẽ có tác dụng mạnh mẽ đến tạo việc làm, làm tăng tiêu dùng, đồng thời làm tăng cầu đầu tư.

Tuy nhiên, việc các nước thực hiện chính sách kích cầu hiện nay cũng đang đặt ra một vấn đề: liệu các chính sách kích cầu lần này có mang lại hiệu quả và đưa nền kinh thế giới thoát khỏi suy thóai? Nhiều nhà kinh tế cũng lo ngại rằng, gia tăng chi tiêu chính phủ sẽ tiềm ẩn gia tăng “thất bại” của chính phủ và làm cho tình hình kinh tế có thể tồi tệ thêm, thậm chí còn đưa ra cảnh báo về khả năng của một số giải pháp kích cầu ở một số nước là làm theo Keynes “một cách cứng nhắc và mù quáng”.

Nhiều ý kiến đã trích dẫn 3 tiêu chí để thực hiện gói kích cầu có hiệu quả của giáo sư kinh tế Lawrence Summers, đó là: đúng lúc, trúng đích và vừa đủ. Đúng lúc tức là thực hiện kích cầu ngay khi các doanh nghiệp chưa thu hẹp sản xuất và các hộ gia đình chưa thu hẹp tiêu dùng. Trúng đích tức là hướng tới những chủ thể kinh tế nào tiêu dùng nhanh hơn khoản tài chính được hưởng nhờ kích cầu và do đó sớm gây ra tác động lan tỏa tới tổng cầu hơn; đồng thời, hướng tới những chủ thể kinh tế nào bị tác động bất lợi hơn cả bởi suy thoái kinh tế. Vừa đủ tức là gói kích cầu sẽ hết hiệu lực khi nền kinh tế đã trở lại tốt hơn.

2. Một số gói kích cầu điển hình của các quốc gia trên thế giới

Do mức độ trầm trọng và lan rộng của cuộc khủng hoảng, chính phủ các nước là trụ cột của nền kinh tế thế giới như Mỹ, EU, Nhật Bản và hàng loạt các nước khác đã phải phối hợp sử dụng các gói giải pháp cứu trợ và kích thích chống suy giảm nền kinh tế với trị giá hàng nghìn tỉ USD. Tính đến đầu tháng 2-2009, tổng hợp các gói kích cầu lớn ở EU, Mỹ, Nhật có thể xếp lại theo quy mô như sau:

- Mỹ đứng đầu, có thể chi tới 819 tỉ USD trong vòng hai năm 2009 - 2010.

- Thứ hai là Nhật Bản với 95 tỉ USD.

- Đức đứng thứ ba với 49,25 tỉ ơ-rô.

- Pháp đứng tiếp sau với 26 tỉ ơ-rô.

- Sau Pháp là Anh với 23,7 tỉ ơ-rô.

- Tiếp đến là Tây Ban Nha với 11 tỉ ơ-rô.

- Thứ bảy là I-ta-li-a với 2,4 tỉ ơ-rô.

Qua nghiên cứu các gói giải pháp cứu trợ và ngăn chặn suy giảm, kích thích kinh tế của các nước phát triển (Mỹ, Nhật Bản, Anh và EU, Hàn Quốc) và các nước đang phát triển (Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Ma-lai-xi-a) có thể thấy: Một là, các gói giải cứu và ngăn chặn suy giảm kích thích kinh tế được thiết kế tùy theo đặc điểm nền kinh tế từng nước. Hai là, các gói kích cầu kích thích tăng trưởng kinh tế, tùy theo hoàn cảnh mỗi nước có thể chỉ bao gồm các công cụ của chính sách tài khóa hoặc có thể bao gồm cả các công cụ của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Ba là, các nhóm biện pháp trong kích cầu của các nước có thể chia thành bốn nhóm chính: kích thích tiêu dùng; kích thích đầu tư của doanh nghiệp; kích thích thông qua đầu tư công; nhóm biện pháp phụ trợ.

3. Kinh tế Việt Nam trong bối cảnh của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới

Các đại biểu cho rằng, cần nhìn nhận rõ thực trạng kinh tế Việt Nam năm 2008 - năm kinh tế thế giới rơi vào suy thoái để có cách tiếp cận đúng với các biện pháp được sử dụng để ngăn chặn suy giảm kinh tế ở nước ta trong thời gian qua, cũng như các giải pháp cần thực hiện để đón đầu cơ hội tăng trưởng trở lại của nền kinh tế.

Thứ nhất, tình hình kinh tế Việt Nam năm 2008 có rất nhiều biến động trái chiều. Vào những tháng đầu năm 2008, lạm phát tăng cao, Chính phủ đưa ra gói giải pháp kiềm chế lạm phát, chủ trương thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, sản xuất thu hẹp, số người mất việc làm tăng. Đến những tháng cuối năm, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, nền kinh tế xuất hiện dấu hiệu suy giảm, Chính phủ lại phải chuyển sang thực hiện nhóm giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế.

Trong bối cảnh đó, để triển khai các nhóm giải pháp của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước phải linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ, chuyển mạnh từ chính sách tiền tệ thắt chặt sang chính sách tiền tệ nới lỏng chỉ trong một thời gian rất ngắn. Sự điều chỉnh quá nhanh đó đã gây ra một số tác động tiêu cực trước tiên là cho hoạt động ngân hàng sau đó là đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Thứ hai, nhiều lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế chịu tác động mạnh của khủng hoảng. Một là, xuất khẩu. Nền kinh tế nước ta chủ yếu dựa vào xuất khẩu, thêm vào đó, thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là Mỹ và EU (chiếm khoảng gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu) - là những nền kinh tế rơi vào suy thoái nặng nề nhất, nên xuất khẩu bị thu hẹp, tác động xấu tới tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nhiều mặt hàng xuất khẩu Việt Nam còn phải đối mặt với những rào cản thương mại ngày càng nhiều, với các hành vi bảo hộ thương mại ngày càng tinh vi tại các thị trường lớn để bảo hộ sản xuất nội địa.

Cũng do nền kinh tế phát triển lệch, thiên về xuất khẩu nên thị trường nội địa bị sao nhãng. Khi xuất khẩu khó khăn, thị trường nội địa không đóng được vai trò là “phao” đỡ cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Trong thời gian xuất khẩu gặp khó khăn, các doanh nghiệp lại cùng đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, trong khi doanh thu nội địa cũng giảm do sức mua của người tiêu dùng kém, thu nhập thực tế giảm, thất nghiệp tăng; xu hướng tiêu dùng hàng giá rẻ tăng nhanh và, hàng nước ngoài giá rẻ có điều kiện thuận lợi tràn vào, gây sức ép cạnh tranh lớn đối với hàng nội địa.

Hai là, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). FDI đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, khi nhu cầu tiêu thụ của thế giới sụt giảm việc giải ngân FDI cho các dự án sẽ chậm lại đáng kể. Dòng vốn đầu tư gián tiếp cũng khó khăn do các nhà đầu tư sẽ hướng tới các kênh đầu tư an toàn hơn. Dòng kiều hối vào Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Với con số từ 8 - 10 tỉ USD/năm, kiều hối là nguồn thu rất quan trọng của Việt Nam, trong thời kỳ kinh tế toàn cầu khó khăn, nguồn vốn này có sự sụt giảm nhất định.

Ba là, du lịch. Du lịch là một trong những nguồn thu ngoại tệ và nguồn tạo việc làm quan trọng của Việt Nam, nhưng do thu nhập giảm nên lượng khách giảm, đồng thời khách du lịch cũng thắt chặt chi tiêu, dẫn tới nguồn thu từ du lịch cũng sụt giảm. Trong khi đó, các ngân hàng Việt Nam đã cho vay hàng tỉ đồng đầu tư vào các dự án xây dựng khách sạn và phát triển du lịch, nếu những dự án này thất bại, ngân hàng sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Thứ ba, cơ hội tái cơ cấu kinh tế và đón đầu tăng trưởng. Cuộc suy thoái kinh tế làm bộc lộ rõ những bất cập trong cơ cấu kinh tế, quản lý điều hành, tư tưởng nóng vội làm giàu; nhận thức rõ hơn về giá trị tăng trưởng; làm cho những nhà hoạch định chính sách làm quen với việc phản úng với những tác động của khủng hoảng để có thể đưa ra các chính sách ứng phó một cách thật linh hoạt, góp phần đưa đất nước tiến lên.

Đối với doanh nghiệp, đây cũng là một dịp sàng lọc để loại bỏ các doanh nghiệp yếu kém, qua đó làm tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp nhận rõ hơn những điểm yếu trong quản trị và kinh doanh của mình; tìm hiểu loại thị trường, cơ cấu thị trường, đối tác để hình thành ý tưởng và hoạch định những chiến lược phù hợp từng bước kinh doanh có bài bản và định hướng rõ ràng hơn.

Với ý nghĩa đó, các ý kiến phát biểu tại hội thảo đều thống nhất cho rằng, khủng hoảng tạo ra nhiều cơ hội, thậm chí cơ hội “vàng” cho các doanh nghiệp. “Khủng hoảng tạo ra cải cách”.

4. Các chính sách ngăn chặn suy giảm và kích thích kinh tế của Việt Nam
Một số chính sách ngăn chặn suy giảm kinh tế của Việt Nam
 
- Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

- Quyết định số 12/2009/QD-TTg ngày 19/1/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ.

- Quyết định 131/2009QD-TTg ngày 23/1/2009 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức và cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất kinh doanh.

- Quyết định số 16/2009/QD-TTg ngày 21/1/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số giải pháp về thuế nhằm thực hiện chủ trương kích cầu đầu tư và tiêu dùng, ngăn chặn suy giảm kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

- Quyết định 14/QD-TTg ngày 21/1/2009 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn ngân hàng thương mại.

- Quyết định 443/QD-TTg ngày 4/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn trung và dài hạn ngân hàng để thực hiện đầu tư mới để phát triển sản xuất kinh doanh.

- Quyết định 497/QD-TTg ngày 17/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ lãi suất vay vốn mua máy móc thiết bị vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn.

- Quyết định 30/2009/QD-TTg ngày 23/2/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế.

- Thông tư số 02/2009/TT-NHNN ngày 3/2/2009 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định chi tiết thi hành việc hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất kinh doanh.

- Thông tư số 05/2009/TT-NHNN ngày 7/4/2009 của Ngân hàng Nhà nước quy định chi tiết thi hành hỗ trợ lãi suất đối với các tổ chức, cá nhân vay vốn trung, dài hạn ngân hàng, thực hiện đầu tư mới để phát triển sản xuất kinh doanh.

- Thông tư số 03/2009/TT-BTC ngày 13/1/2009 của Bộ Tài chính về giảm, gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

- Thông tư 04/2009/TT-BTC ngày 13/1/2009 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện hoàn thuế VAT theo Nghị quyết 30/2008/NQ-CP.

- Thông tư 05/2009/TT-BTC ngày 13/1/2009 của Bộ Tài chính về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Đây là vấn đề được hội thảo đặc biệt quan tâm và được xem xét dưới nhiều góc độ: người quản lý, nhà nghiên cứu, nhà doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc xem xét, đánh giá hiệu quả các giải pháp kích cầu, theo nhiều đại biểu, cần xuất phát từ thực trạng nền kinh tế Việt Nam.

Thứ nhất, các công cụ chủ yếu để thực hiện kích cầu của Chính phủ. Các chính sách của Chính phủ đưa ra trong thời gian qua cho thấy, về tổng thể, những “át chủ bài” quan trọng nhất thực hiện gói kích cầu của Chính phủ gồm: giảm thuế, giãn thuế, hoàn thuế; hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp; hạ lãi suất cơ bản và tỷ lệ dự trữ bắt buộc; tăng đầu tư công cho kết cấu hạ tầng từ nguồn trái phiếu Chính phủ và hỗ trợ trực tiếp cho người dân thông qua các Chính sách an sinh xã hội. Các công cụ đó đã hướng tới bốn nhóm đối tượng là: doanh nghiệp; hộ gia đình; Chính phủ và hoạt động xuất nhập khẩu, và, được thực hiện trên tổng thể ba nhóm biện pháp kích cầu: kích thích tiêu dùng nội địa; kích thích đầu tư của doanh nghiệp; kích thích thông qua đầu tư công.

Để kích cầu, ở một số nước, chính phủ hỗ trợ trực tiếp tiền cho dân để tăng sức mua, hoặc chuyển tiền cho doanh nghiệp, ngân hàng, nhưng Việt Nam không thể áp dụng cách thức đó vì lượng dự trữ có hạn, tiềm lực còn hạn chế, vì thế phải dùng hình thức khác như bù lãi suất, cho vay không lãi; hỗ trợ mua bảo hiểm y tế,... Đó là cách làm của các nước đang phát triển, các nước có điều kiện kinh tế eo hẹp.

Thứ hai, đánh giá hiệu quả gói kích cầu. Nhìn chung, các ý kiến của các nhà khoa học, doanh nghiệp, quản lý đều cho rằng, hai gói giải pháp kích cầu đầu tư của Chính phủ đã mang lại nhiều hiệu ứng tích cực, trong đó đáng kể nhất là giảm một phần chi phí vốn vay cho doanh nghiệp, đảm bảo giải quyết những khó khăn trước mắt cho các dự án đang thiếu vốn, các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, qua đó giải quyết công ăn việc làm tăng thu nhập cho người lao động...Chẳng hạn, phát biểu tại Hội thảo, giám đốc một doanh nghiệp khẳng định rằng, Quyết định 131/2009QD-TTg ngày 23-1-2009 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức và cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất kinh doanh là biện pháp cấp cứu kịp thời, giúp doanh nghiệp thoát hiểm, hồi sinh.

Thứ ba, những vấn đề đặt ra sau một thời gian triển khai gói kích cầu thông qua hỗ trợ lãi suất.

Cho đến thời điểm hiện nay, trọng tâm chính trong các biện pháp ứng phó của Chính phủ là hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp. Ngày 23-1-2009, Chính phủ công bố gói kinh tế lần một với lãi suất hỗ trợ 4%. Gói kích thích kinh tế lần hai được Chính phủ công bố hôm 6-4 nhằm cấp bù lãi suất 4% cho doanh nghiệp song hướng vào các nguồn vốn trung và dài hạn trong khoảng thời gian tối đa 24 tháng.

Để ngăn chặn suy giảm kinh tế và kích cầu, gói hỗ trợ lãi suất 4% của Chính phủ là một giải pháp tốt, tuy nhiên, cần phải tiên liệu được tính hiệu quả của nó và phải có sự điều chỉnh do những yếu tố sau.

Một là, hiện tượng đảo nợ rất dễ xảy ra khi mà nhiều doanh nghiệp muốn được vay hỗ trợ lãi suất để trả những khoản vay trước đó với lãi suất cao. Thực tế, hoạt động đảo nợ có thể diễn ra theo nhiều kiểu, nhiều cách và ngân hàng cũng khó kiểm soát được.

Để minh họa khả năng này, có ý kiến đã dẫn chứng: Tính đến hết tháng 2-2009, lượng vốn cho vay trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh chỉ lớn hơn lượng vốn thu hồi về (nợ) khoảng 23.200 tỉ đồng. Nếu so với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2009 là 21-22%, thì tốc độ tăng tổng dư nợ 0,46% của Thành phố Hồ Chí Minh là quá thấp. Vòng quay vay - trả, trả - vay đã được đẩy nhanh như vậy không loại trừ khả năng sử dụng vốn vay hỗ trợ lãi suất để trả nợ cũ. Vốn trở về ngân hàng nhanh như vậy thì mục tiêu kích cầu không đạt được kết quả như mong muốn. Vì thế, cần tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc thực hiện công việc cho vay, hỗ trợ lãi suất, tránh tiêu cực, gây khó khăn cho người vay, hoặc thông đồng với người vay để tư lợi cá nhân, thực hiện đảo nợ. Đảo nợ tuy có lợi cho người vay và ngân hàng nhưng không tạo thêm được sản phẩm, hàng hóa và việc làm cho người lao động.

Một dẫn chứng khác, sau một thời gian thực hiện, theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay tín dụng lãi suất thấp đến thời điểm ngày 10/4 là hơn 200 nghìn tỉ đồng, tương ứng với mức tăng trưởng tín dụng khoảng 15-17%. Tuy nhiên, trong thực tế, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế từ đầu năm đến nay ước tính khoảng gần 3%. Điều đó cho thấy phần lớn các khoản tín dụng hỗ trợ lãi suất đã đảo trở về các ngân hàng. Chính xác là có đến hơn 80% dư nợ tín dụng hỗ trợ lãi suất thực chất đã được đảo nợ chứ không phải cho khu vực sản xuất kinh doanh thực của nền kinh tế. Như vậy, tác động của gói kích cầu lần một rất hạn chế. Vì thế, cần đưa mục tiêu tạo việc làm như một điều kiện quan trọng để tiếp cận với hỗ trợ lãi suất thấp.

Về vấn đề này có nhiều ý kiến cho rằng, thực trạng trên là khó tránh khỏi, tuy nhiên, việc các doanh nghiệp xây dựng các dự án mới để mở rộng sản xuất trên cơ sở các dự án “cũ” đang vay vốn ngân hàng cũng giống như việc tái cơ cấu các khoản vay ngắn hạn. Và như vậy, các dự án mới hoàn toàn có thể là các dự án cũ được xây dựng lại để chuyển thành những khoản vay mới được hỗ trợ lãi suất. Có thể gọi hiện tượng này là “đảo dự án” mà cả doanh nghiệp và ngân hàng đều có thể thực hiện nhanh chóng. Không phải mọi trường hợp “đảo nợ” đều là xấu.

Hai là, biện pháp hỗ trợ lãi suất khó đạt được kết quả mong đợi vì thị trường của các sản phẩm xuất khẩu lớn của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản, gỗ đang thu hẹp nhiều do suy thoái kinh tế toàn cầu, nên các doanh nghiệp trong các ngành này hầu như không mặn mà đối với các khoản vay này bởi họ không muốn tăng thêm nợ. Do vậy, gói hỗ trợ lãi suất của Chính phủ khó đạt được mục tiêu tạo việc làm, do những người mất việc chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có vốn đầu tư ngước ngoài.

Ba là, gói hỗ trợ lãi suất của Chính phủ dường như mới chỉ chú trọng vào kích cầu sản xuất chứ chưa kích cầu tiêu dùng. Khuyến khích tiêu thụ sản phẩm nên chăng cần thông qua biện pháp giảm thuế mà không sử dụng biện pháp hỗ trợ lãi suất. Hỗ trợ lãi suất dễ làm tăng nguồn vốn lưu động của doanh nghiệp để doanh nghiệp duy trì sản xuất. Như vậy rất có thể làm tăng thêm ứ đọng sản phẩm. Giảm thuế sẽ có tác dụng tăng thêm thu nhập cho doanh nghiệp giống như hỗ trợ lãi suất mà không phải qua nhiều thủ tục phiền phức.

Bốn là, cần có cơ chế quản lý chặt chẽ để đảm bảo rằng lượng vốn vay hỗ trợ lãi suất được sử dụng đúng mục đích, tránh tình trạng dùng vốn đó vào các hoạt động đầu cơ, gây nguy cơ lạm phát sau này của nền kinh tế.

5. Kiến nghị, đề xuất những hướng cần đầu tư để sử dụng có hiệu quả gói kích cầu của Chính phủ, và đón đầu cơ hội tăng trưởng kinh tế

Một là, giải pháp ngăn chặn suy thoái kinh tế phải hướng vào việc tạo ra những doanh nghiệp mới, cần áp dụng chính xác hỗ trợ lãi suất cho những doanh nghiệp mới có phương án kinh doanh khả thi để thu hút số lao động đã mất việc và tạo ra công ăn việc làm mới. Hai trọng tâm mà chính sách hỗ trợ cần bảo đảm là: thứ nhất, tập trung vào những khu vực tạo việc làm để ngăn chặn thất nghiệp; thứ hai, ưu tiên hỗ trợ những nhóm dễ bị tổn thương nhất cho nền kinh tế.

Hai là, kích cầu nông thôn trên cơ sở nhìn nhận lại vai trò của nông nghiệp và các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực. Thực tế mấy chục năm qua cho thấy, mỗi khi nền kinh tế rơi vào tình trạng khó khăn, nông nghiệp lại nổi lên như một sự trợ giúp đáng kể. Trong những tháng đầu năm 2009, giá dầu sụt giảm kỷ lục, nhiều mặt hàng xuất khẩu lao đao, thị trường xuất khẩu thu hẹp thì xuất khẩu gạo lại nhộn nhịp, góp phần đáng kể vào việc hạn chế mức giảm xuất khẩu. Các nhà kinh tế cho rằng, dù kinh tế thế giới suy giảm thì nhu cầu đối với lương thực, các mặt hàng nông sản không bị sụt giảm như đối với các hàng tiêu dùng cao cấp, xa xỉ. Hiện tượng này cho thấy, chúng ta cần có cách nhìn mới đối với vai trò của nông nghiệp để có sự đầu tư đúng mức, thỏa đáng, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ người nghèo đói trên thế giới tăng nhanh do khủng hoảng kinh tế, và nhiều nước đã rơi vào khủng hoảng lương thực, dẫn tới xung đột, bạo lực, bất ổn về chính trị - xã hội.

Việc kích cầu nông thôn cần gắn liền với chiến lược phát triển khu vực kinh tế - xã hội rộng lớn này. Nhất là trong bối cảnh do tác động của khủng hoảng, lao động mất việc làm có xu hướng quay trở về nông thôn. Trước mắt, Chính phủ cần có chính sách kích cầu nông thôn (qua tín dụng tiêu dụng, ưu đãi cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp nông thôn và các giải pháp khác) để tăng sức mua của người dân. Do thu nhập còn thấp và nhu cầu thiết yếu còn đơn giản, không cao như những vùng khác nhưng vẫn chưa được đáp ứng nên chỉ một sự kích cầu không lớn cũng có thể mang lại tác động đủ mạnh, hiệu quả cao. Đồng thời, Nhà nước nên tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạ tầng nông thôn ở nhiều vùng. Đó không chỉ là giải ngân vốn đầu tư phát triển của Nhà nước, tạo việc làm và giúp các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa có liên quan mà còn tạo điều kiện rất quan trọng để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong nước nhanh chóng phát triển và mở rộng được hệ thống phân phối của mình đến địa bàn chiến lược quan trọng này.

Ba là, ngoài kích cầu thông qua lãi suất, chính phủ cũng cần chú trọng các nhóm giải pháp khác như xúc tiến thương mại, đẩy mạnh hoàn thiện các dự án và công trình đầu tư xây dựng cơ bản. Hỗ trợ lao động mất việc làm thông qua kinh phí dự phòng; trợ cấp cho người nghèo, người có thu nhập thấp, chi cho nông nghiệp để đẩy mạnh sản xuất.

Bốn là, điều chỉnh chiến lược thị trường theo hướng khai thác mạnh mẽ nhu cầu trong nước. Với gần 90 triệu dân, thị trường nội địa là đáng kể. Cần khắc phục tâm lý coi trọng xuất khẩu, xem nhẹ sản phẩm và tiêu dùng hàng nội địa. Nhà nước nên xây dựng chương trình khuyến khích phát triển thị trường nội địa, ưu tiên cho một số ngành có tiềm năng lớn về đầu ra nội địa, và ngành sử dụng nhiều lao động, thí dụ như dệt may, da giày, thủ công nghiệp. Ngân sách nhà nước nên dành ngân khoản đặc biệt cho chương trình này như là một khoản kích cầu đặc thù. Đây có thể coi là một giải pháp đòn bẩy tài chính trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu. Cần phát triển, khuyến khích phát triển một cách cân đối giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, tránh việc “sính ngoại” mà quên mất thị trường trong nước.

Năm là, Nhà nước đầu tư vào xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng: làm đường, làm cầu, xây bay, bến cảng... theo quy hoạch. Đây cần được coi là khâu đột phá trong kích cầu ở Việt Nam hiện nay. Việc thực hiện kích cầu cũng cần hết sức lưu ý bảo đảm cân đối liên ngành, xác lập các cân đối vĩ mô. Tránh lặp lại tình trạng do có quá nhiều công trình của Nhà nước được khởi công trong những năm 2006-2007, đã làm cho cầu vật liệu xây dựng tăng cao và đẩy giá tăng nhanh, thậm chí gây “sốt” giá. Khi đầu tư nhà nước làm tăng đầu tư tư nhân, giải pháp tài chính - tiền tệ: hạ lãi suất, hỗ trợ lãi suất, giảm thuế... sẽ phát huy tác dụng.

Sáu là, cần chú trọng công tác thu thập thông tin chính xác, cập nhật về các tín hiệu thị trường để có thể xử lý kịp thời. Có chiến lược quản lý rủi ro một cách hiệu quả./.